F Người Hoa tại Việt Nam (bài 1) | TIẾNG HOA ĐÔNG NAM BỘ 东南部华语中心 LH0946853386 để học tiếng Hoa

Người Hoa tại Việt Nam (bài 1)

  Tượng đài Mạc Cửu ở Hà Tiên Nguyễn Văn Huy Lời nói đầu Sinh hoạt của người Hoa tại Việt Nam được rất nhiều người chú ý tới nhưng cũng ít a...

 

mac-cuu
Tượng đài Mạc Cửu ở Hà Tiên

Nguyễn Văn Huy

Lời nói đầu

Sinh hoạt của người Hoa tại Việt Nam được rất nhiều người chú ý tới nhưng cũng ít ai biết rõ chi tiết về sự hiện hữu cũng như sinh hoạt của họ trong xã hội Việt Nam. Tìm hiểu nguồn gốc và sinh hoạt của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam do đó là một việc làm cần thiết, nhưng cũng là một công việc rất phức tạp và không bao giờ đầy đủ.

Bài vở, tài liệu và số liệu liên quan đến cộng đồng người Hoa tại Việt Nam không thống nhất. Mỗi tài liệu đưa ra những con số khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau, chẳng hạn như tài liệu của triều Nguyễn với thực dân Pháp, chế độ miền Nam với chế độ miền Bắc, Việt Nam Cộng Hòa với Trung Hoa Dân Quốc, của chế độ cộng sản trên toàn quốc trước hay sau biến cố năm 1979. Thêm vào đó, những tài liệu nói về người Hoa được trình bày tùy theo chủ quan của chế độ chính trị hay của người viết, do đó cần phải gạn lọc những chi tiết tình cảm, bổ túc và cập nhật hóa thường xuyên những dữ kiện khách quan và số liệu mới. 

b-du-an-can-ho-him-lam-cho-lon-quan-6

Chợ Lớn xưa

Qua những diễn biến lịch sử cận đại, từ thời Pháp thuộc, sau đó dưới thời Ngô Đình Diệm và gần đây dưới chế độ cộng sản, người Việt vẫn có một cái nhìn thiếu sót về một cộng đồng dân tộc mà trong quá khứ và hiện tại đã có nhiều gắn bó với sự phồn vinh của Việt Nam. Chính vì thế, mỗi khi nói đến cộng đồng người Hoa tại Việt Nam người ta thường liên tưởng đến một cộng đồng chủng tộc riêng biệt, có lối sống và sinh hoạt không ăn nhập gì đến quốc gia Việt Nam.

Sự thiếu hiểu biết về cộng đồng này phần lớn do sử liệu trước đây không đề cập hay đề cập tới một cách sơ sài khiến người gốc Hoa thường bị hiểu lầm và hiểu sai. Thật ra trong quá khứ, cũng đã có nhiều lúc các triều chính hay chính quyền Việt Nam có những hành vi phân biệt đối xử, nghi kyï khiến cộng đồng này cảm thấy họ chỉ là những “khách trú”, và có lúc đã tỏ ra không gắn bó với vận mạng của mảnh đất mà họ đang sinh sống.

Sự đóng góp của cộng đồng người Hoa vào tiến trình xây dựng đất nước, dưới nhãn quan của nhiều chính quyền, có tính chủ quan và cục bộ. Chủ quan, vì tùy theo sự ủng hộ của cộng đồng này mà các chính quyền đương hành có thái độ đối xử tương xứng. Cục bộ, vì chỉ chấp nhận sự đóng góp của cộng đồng này trong một số lãnh vực, nhất là về kinh tế và văn hóa, và tùy theo chính sách quản trị của mỗi địa phương mà người Hoa được trọng vọng hay bị bạc đãi.

Thật ra đây là một tập hợp của những con người có tinh thần làm việc và tương thân tương trợ cao, chịu khó vươn lên từ những điều kiện sống khó khăn để trở thành một cộng đồng có đời sống sung túc, có uy tín trong xã hội Việt Nam nói riêng và trên cộng đồng quốc tế nói chung. Công lao đóng góp của họ không được đánh giá đúng mức và đôi khi còn bị gièm pha, ganh ghét. Thay vì đi tìm sự thông cảm và sự đồng thuận dân tộc để xây dựng một tương lai chung, một số chế độ chính trị thi hành chính sách chèn ép người Hoa một cách vụng về khiến nảy sinh tâm lý muốn sống riêng lẻ, tự trị, và khi có cơ hội hay có điều kiện – đôi khi do ngoại bang xúi dục – họ sẵn sàng làm áp lực kinh tế buộc các chính quyền Việt Nam nhượng bộ.

Người ta thường chú ý đến khía cạnh kinh tế (mặt nổi của cộng đồng người Hoa) mà ít để ý đến những đóng góp tích cực khác của họ như về chính trị, xã hội và văn hóa. Hơn nữa cũng ít ai đặt vấn đề tại sao người Kinh không thành công bằng, không bắt kịp cộng đồng người Hoa hay gốc Hoa trong một số lãnh vực, nhất là trong kinh doanh. Tất cả có lẽ một phần do chúng ta thiếu một tinh thần bao dung, một đội ngũ kinh doanh có tầm vóc, một chính sách phát triển cộng đồng hợp lý và một sự thông tin trung thực, khách quan và kịp thời trong các sinh hoạt của quốc gia nói chung và của cộng đồng người Hoa nói riêng.

Tuy nhiên sự thiếu tin tức về cộng đồng này, một phần cũng do chính họ tạo ra. Người Hoa duy trì một lối sống khép kín, khó có thể tìm hiểu sâu xa và cặn kẻ những sinh hoạt bình thường của họ trong kinh doanh và hội đoàn. Họ chỉ lập gia đình với những người cùng chủng tộc, nói một ngôn ngữ riêng và duy trì những quan hệ tách biệt hẳn với phần còn lại của dân tộc. Rất khó có con số chính xác về những hoạt động kinh doanh của họ để có thể tiên đoán những diễn biến của nền kinh tế hay hoạch định những dự án phát triển lâu dài trên qui mô toàn quốc. Cũng phải nhắc đến lối sống ích kỷ và vô trách nhiệm của một số nhỏ người Hoa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn của Việt Nam, hoạt động kinh doanh bằng những thủ đoạn bất chính như kết bè phái lũng đoạn thị trường, duy trì độc quyền, đầu cơ tích trữ, làm giá, đút lót, mua chuộc nhân sự trong chính quyền, khuyến khích tham nhũng v.v. Do thiếu thông tin và qua phong cách sinh hoạt tiêu cực này nhiều người đã nhìn người Hoa một cách sai lạc.

Nghiên cứu toàn bộ sinh hoạt của cộng đồng người Hoa trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu xót. Hợp lý và chính xác nhất có lẽ chỉ nên nghiên cứu một phần sinh hoạt của cộng đồng này như chuyên đề về lịch sử, về văn hóa hay về kinh tế. Đây không phải là một tài liệu nghiên cứu về xã hội học (sociologie), chủng tộc học (anthropologie) hay sắc tộc học (ethnologie) mà là một đóng góp để khám phá và hiểu rõ thêm những đặc tính về một cộng đồng dân tộc đã, đang và sẽ còn góp phần tích cực trong xã hội Việt Nam.

Về phương pháp trình bày, người viết ghi lại theo thứ tự thời gian các biến cố lịch sử, từ quá khứ đến với hiện tại gần để độc giả dễ theo dõi. Mặc dù không thể ghi chú tất cả xuất xứ của các dữ kiện lịch sử hay số liệu như một luận án đại học (không phải là mục đích của quyển sách), người viết xin chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung các dữ kiện hay số liệu đó. Tất cả những dữ kiện hay số liệu trình bày đều đã được kiểm chứng, đối chiếu với rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau, người viết có thể xác định tính khách quan tương đối của nó.

Nội dung quyển sách này nhấn mạnh nhiều đến những khía cạnh có tính chính trị và ảnh hưởng của những thành quả kinh tế của cộng đồng người Hoa trong đời sống xã hội Việt Nam. Những sinh hoạt khác như văn hóa, xã hội hay những số liệu có tính kỹ thuật được gói ghém vào các phần phụ lục, độc giả có thể tìm đọc thêm những tài liệu ghi trong phần Thư tịch.

Mục đích của người viết là góp phần tìm lại đồng thuận dân tộc để xây dựng một tương lai chung. Đất nước phồn vinh hay nghèo khó tùy thuộc rất nhiều vào sự hưởng ứng của chính công dân nước đó. Kinh nghiệm cho thấy các chế độ độc tài, chuyên chính, cai trị bằng bạo lực chỉ mang lại đổ vỡ và chia rẽ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hạn hẹp chỉ trì kéo đất nước trong vòng lẩn quẩn của thù hận, nghèo nàn và lạc hậu. Tất cả các chủ nghĩa chỉ mang đến hỗn loạn và bất công : ưu đãi thành phần này, bạc đãi thành phần kia. Phải loại trừ cho bằng được tinh thần “được thì làm vua thua thì làm giặc”, chủ nghĩa “công thần”. Phải vượt lên trên lô-gích cực đoan để tìm lại anh em, nhận lại bạn bè, chúng ta sẽ tìm lại đồng thuận dân tộc. Với đồng thuận dân tộc, cha ông chúng ta đã để lại những trang sử vẻ vang. Với tinh thần đa nguyên, người Việt Nam sẽ đồng tiến trong dị biệt và có nhiều hy vọng cùng nhau dẫn đưa đất nước ra khỏi vòng tăm tối.

Phần Một: Nhìn lại cộng đồng người Hoa…

I. Định nghĩa cộng đồng :Cộng đồng dân tộc (communauté) là một tập hợp của nhiều con người cùng chia sẻ một thân phận, một tâm lý liên thuộc ý thức hay không ý thức.

Khái niệm cộng đồng dân tộc bao gồm những người có những yếu tố giống nhau như cùng chủng tộc, địa dư xuất thân, sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, lối sống, quyền lợi và phương thức giao dịch kinh tế hay chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp của một người hay một nhóm người được mặc nhiên công nhận hay được bầu ra để hướng dẫn và quản trị tập hợp đó theo những ước lệ lập qui hay do tập quán. Mỗi cộng đồng đặt ra một số qui luật tổ chức riêng để duy trì và bảo vệ sự sinh tồn của nó.

Nhiều cộng đồng xã hội khác nhau, sống trong cùng một lãnh thổ, tạo thành cấu trúc hạ tầng bất khả phân của quốc gia, trong đó yếu tố gia đình trong mỗi cộng đồng là đơn vị cơ bản. Một quốc gia có thể có nhiều loại cộng đồng khác nhau : cộng đồng chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, gia đình, dân cư, v.v… và trên lý thuyết (hiến pháp, luật pháp) mỗi cộng đồng đều có quyền lợi và bổn phận như nhau trong sinh hoạt chung của đất nước.

Trên bình diện quốc gia, những cộng đồng vừa kể là cấu trúc bất khả phân của một dân tộc. Một quốc gia không thể có nhiều dân tộc mà chỉ có một dân tộc. Không thể gọi những nhóm sắc tộc hay chủng tộc nhỏ trong một quốc gia là dân tộc thiểu số (“ít người”). Và cũng không thể định nghĩa dân tộc thiểu số là “những dân tộc nhỏ ở chung một lãnh thổ với một dân tộc lớn”. Danh từ “dân tộc” được những người cộng sản lạm dụng khi nói về các cộng đồng sắc tộc.


Dân tộc (nascere) là một danh từ của Tây phương. Vào thế kỷ thứ 7, Isodore de Séville định nghĩa dân tộc (nation) là một cộng đồng sắc tộc, tức là một nhóm người có chung một nguốn gốc. Với thời gian những cộng đồng sắc tộc này sống pha trộn lẫn nhau và sinh hoạt chung với nhau trên một mảnh đất nhất định, định nghĩa dân tộc mất đi tính sắc tộc và mang một nội dung mới là toàn bộ những cư dân sống trong một lãnh thổ. Về sau danh từ dân tộc có nghĩa là tổ quốc (patria), tức là những người cùng sinh trưởng trên một lãnh thổ.

Sau này, những nhóm chủng tộc hay sắc tộc lớn trong một quốc gia thường áp đặt uy quyền của mình, đôi khi bằng bạo lực, trên những nhóm sắc tộc nhỏ và yếu kém hơn. Trường hợp của các quốc gia Đông Âu và Liên Bang Xô Viết cũ là một thí dụ. Liên Xô là một liên bang của nhiều chủng tộc và sắc tộc trước kia đã có truyền thống độc lập và có sinh hoạt rất đặc thù, được kết họp lại qua một chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội, chứ không qua mối liên hệ đất đai, huyết thống, ngôn ngữ, tôn giáo hay văn hóa. Để duy trì sự ổn định, chính quyền trung ương lấy chuyên chính vô sản trấn áp những đòi hỏi của các dân tộc (narod) sống trên lãnh thổ của liên bang, trong khi chỉ cần một cuộc thương lượng có thể sẽ tìm được một giải pháp sống chung lâu dài cho những phe tranh chấp. Khi Liên Bang Xô Viết bị giải thể, các dân tộc từ lâu bị trấn áp nổi lên đòi quyền tự trị và thành lập những quốc gia riêng. Trong vài trường hợp các nhóm chủng tộc đó đã thanh toán lẫn nhau bằng những thủ đoạn đẫm máu.

Cấu trúc xã hội Việt Nam không giống như của Liên Xô, nhưng vì đi theo Liên Xô chính quyền cộng sản Việt Nam áp dụng một cách máy móc các lý thuyết tổ chức của xã hội của Liên Xô : tất cả các sắc tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam được gọi là “dân tộc” (narod) và, để phân biệt, những nhóm sắc tộc thiểu số được gọi chung là “dân tộc ít người”. Danh từ dân tộc ít người (ethnies minoritaires hay minorités ethniques) phải hiểu là những nhóm sắc tộc sống trên các vùng cao nguyên hay trong rừng núi. Trong thời kỳ có chiến tranh vì nhu cầu vận động sự hợp tác vô điều kiện của những nhóm thiểu số, cách gọi này tuy có tính mị dân nhưng cũng chưa gây một sự xáo trộn nào trong xã hội. Điều đáng lo là danh xưng đó vẫn còn tiếp tục sử dụng, nhất là khi có xung đột với Trung Quốc năm 1979, cả hai bên đều kêu gọi những sắc tộc sống gần biên giới nổi lên chống lại các chế độ đương quyền. Việc một số trí thức cộng sản trong Viện Dân Tộc Học và nguyệt san Dân Tộc Học phổ biến những bài nghiên cứu về nguồn gốc, văn hóa của các sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là điều rất tốt, nhưng sử dụng danh từ “dân tộc ít người” cho các mục đích chính trị rất là tai hại. Nội dung chính trị của hai chữ dân tộc đã được những nhà chính trị học định nghĩa rất cụ thể (không phải là mục đích của quyển sách này). Đảng Cộng Sản Việt Nam đặt tên cho chính sách bảo vệ lãnh thổ là “Chính Sách Dân Tộc”. Dân tộc ở đây có nghĩa là những nhóm sắc tộc thiểu số sống trên cao nguyên. Những nhóm sắc tộc sống tại đồng bằng như người Chăm, người Khmer và người Hoa không nằm trong chính sách này. Chính sách dân tộc sau này cần được nghiên cứu, thảo luận sâu rộng hơn nữa để mọi cộng đồng sắc tộc có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Chính sách được đề nghị trong quyển sách này là Chính Sách Phát Triển Cộng Đồng.

Dân tộc Việt Nam có ba họ chủng tộc khác nhau và trong mỗi họ chủng tộc có thể có nhiều sắc tộc khác nhau. Tại Việt Nam, cộng đồng người Hoa vừa là một cộng đồng chủng tộc (họ Hán Tạng) vừa là một cộng đồng sắc tộc (Hoa) từ Trung Hoa, đã đến Việt Nam khai phá đất đai và an cư lạc nghiệp từ nhiều thế kỷ. Con cái của những người này mặc dầu sinh trưởng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng một số vẫn giữ phong tục tập quán Trung Hoa vẫn được gọi là người Hoa hay gốc Hoa trong sách này.

Người Hoa tại Việt Nam là một trong nhiều thành phần sắc tộc cấu thành dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Hoa là một trong nhiều cộng đồng dân tộc của đại gia đình Việt Nam.

II. Vấn đề quốc tịch

Vấn đề quốc tịch chỉ đặt ra từ thế kỷ thứ 17 khi phong trào di dân từ lục địa Trung Hoa vào Việt Nam trở nên ồ ạt. Để dễ phân biệt, nhà Nguyễn đã chia người Hoa thành hai nhóm : Minh Hương và Hoa kiều. Sự phân chia này chỉ nhằm mục đích đánh thuế chứ không có mục đích phân biệt đối xử.

Minh Hương là tên gọi những người Hoa còn trung thành với nhà Minh (Trung Hoa) lánh nạn nhà Thanh, đến Việt Nam tị nạn, tuân phục triều đình Việt Nam và nhận Việt Nam là quê hương thứ hai. Họ là những người tị nạn chính trị. Mặc dù vẫn giữ phong tục, tập quán văn hóa Trung Hoa, những người này từ lâu được xem là người Việt Nam, đã đóng góp rất nhiều công sức trong thời Nguyễn sơ. Người Minh Hương bị cấm sinh hoạt theo phong tục của nhà Thanh, không được lui tới những khu đông người Hoa lục địa cư ngụ vì sợ sẽ tìm cách trốn về lục địa đưa thêm người sang. Đến đời Tự Đức (1847-1883), người Minh Hương được coi là người Việt Nam toàn diện. Danh từ Minh Hương sau đó bao gồm tất cả con cái những người Hoa đến Việt Nam lập nghiệp : những người mang hai giòng máu Việt-Hoa hay những trẻ em Hoa kiều sinh ra tại Việt Nam bất kể ý muốn của cha mẹ.

Hoa kiều là những người trong thời nhà Thanh đến Việt Nam và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á lập nghiệp từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20. Những người này trên một khía cạnh nào đó là những di dân kinh tế và vẫn còn giữ những liên hệ mật thiết với quê hương cũ. Việc quản trị những nhóm Hoa kiều này gặp rất nhiều trở ngại, nhất là mỗi khi có vấn đề liên quan đến sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế với chính quyền Việt Nam. Áp dụng luật pháp của quốc gia địa phương với các Hoa kiều thì gặp sự phản đối của Trung Hoa, chờ chính quyền Trung Hoa giải quyết thì rất lâu, do đó có một số quốc gia trong vùng muốn những Hoa kiều này mang quốc tịch địa phương. Riêng tại Việt Nam vấn đề quốc tịch của những Hoa kiều này là đề tài tranh cãi sôi nổi trong suốt hơn 300 năm qua.

Luật quốc tịch được ban hành ngày 28-9-1933 dưới thời Pháp thuộc. Luật này định nghĩa Minh Hương là những người có tổ tiên là người Hoa, được sinh ra và thường trú trên lãnh thổ Việt Nam. Người Minh Hương và người Việt được hưởng qui chế bảo hộ như nhau trong các lãnh thổ của thuộc địa. Hoa kiều là những người ngoại quốc đến Việt Nam tìm việc, phải đóng thuế cư trú, phải gia hạn thẻ cư trú và không có quyền bỏ phiếu. Về sau, với sự can thiệp của triều đình Mãn Thanh và chính quyền Quốc Dân Đảng, tất cả những người Hoa hay người Minh Hương còn giữ phong tục tập quán Trung Hoa đều là công dân Trung Hoa hải ngoại. Chế độ thực dân Pháp chấp nhận định nghĩa đó. Người Pháp không mấy quan tâm đến vấn đề quốc tịch của người Hoa, họ chỉ muốn những công dân Trung Hoa hải ngoại đóng thuế đầy đủ, không chống đối chính sách cai trị của họ là đủ.

Dụ số 10 ngày 7-12-1955 của chính phủ Ngô Đình Diệm qui định một cách giản dị quốc tịch người Hoa sinh sống tại Việt Nam : tất cả những người Minh Hương hay người có gốc Hoa, bất luận mang quốc tịch nào trước đây, được sinh ra và lớn lên tại miền Nam đều là người Việt Nam. Với định nghĩa này, trong suốt những năm đầu của tân chế độ Việt Nam Cộng Hòa vấn đề quốc tịch của người Hoa trở nên rắc rối. Dụ số 52 và 53 ban hành năm 1956 buộc tất cả người Hoa sinh sống tại Việt Nam phải gia nhập quốc tịch và cấm người ngoại quốc (chủ yếu là Hoa kiều) hoạt động kinh doanh trong 11 nghề. Chính phủ Ngô Đình Diệm sau đó phải đối phó một cách khó khăn trước một áp lực tuy hòa bình nhưng rất gay gắt của giới tài phiệt gốc Hoa. Người Hoa muốn duy trì những đặc quyền đặc lợi về quốc tịch đã có từ thời Pháp thuộc.

Quốc tịch của người Hoa sinh sống tại Việt Nam vẫn là đề tài còn tranh cãi cho tới ngày nay. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng : Chính quyền Việt Nam có vai trò gì và quyền hành đến đâu trên cộng đồng người Hoa ? Tại sao mỗi khi chính quyền Việt Nam thi hành một chính sách có liên quan đến người Hoa, cả thế giới Trung Hoa ùa đến can thiệp và làm áp lực ? Hoa kiều sống tại Việt Nam trực thuộc hành chánh của quốc gia nào : Trung Quốc hay Đài Loan ? Quản lý như thế nào cơ sở của Hoa kiều do người Hoa trong nước điều khiển ?

Sau 1949, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Đài Loan trên cộng đồng người Hoa hải ngoại và đang làm hết mọi cách để lôi kéo cộng đồng người Hoa hải ngoại trở về lục địa giúp nước, trong đó có cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Thêm vào đó nhượng địa Hồng Kông sắp bị giải thể, rất nhiều người Hồng Kông đang tìm đường sang Việt Nam lập nghiệp, và gần đây doanh nhân Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai gốc Hoa ồ ạt đến Việt Nam đầu tư, họ liên lạc và làm ăn với người Hoa trong nước, vấn đề quản trị hành chánh và tài sản của người Hoa tại Việt Nam sẽ không dễ dàng, và vấn đề hội nhập của người Hoa trong những ngày sắp tới sẽ còn là đề tài thời sự gây nhiều tranh cãi.

III. Vấn đề hội nhập

Với những chằng chéo như vậy, sự hội nhập của cộng đồng người Hoa vào xã hội Việt Nam trở nên khó khăn và đôi khi không có giải pháp. Lúc thì được đối xử tử tế, lúc thì bị chèn ép quá đáng, cộng đồng người Hoa không biết nương tựa vào ai, nhiều lúc họ phải dựa vào thế lực của Trung Hoa để duy trì thế đứng của họ tại Việt Nam. Năm 1788, một số người Hoa đã phụ lực với Tôn Sĩ Nghị (nhà Thanh), dưới danh nghĩa “phò Lê diệt Mạc”, để duy trì một cuộc sống xứng đáng hơn tại Bắc kỳ. Năm 1946, họ hợp lực với quân của tướng Lư Hán tiếp thu những vùng đất bị quân Nhật chiếm đóng và đã tỏ ra hống hách với dân cư địa phương. Năm 1948, chính quyền Quốc Dân Đảng buộc Pháp công nhận quyền lãnh đạo trực tiếp cộng đồng người Hoa. Năm 1956, cộng đồng người Hoa miền Nam phải trông cậy vào chính quyền Đài Loan để che chở. Năm 1979, cộng đồng này phải nhờ Trung Quốc lên tiếng bênh vực. Từ 1986, người Hoa tại Việt Nam cậy vào thành phần doanh nhân Hoa kiều để tạo dựng lại cuộc sống kinh tế. Cộng đồng người Hoa tại Việt Nam chưa bao giờ trông chờ các chính quyền Việt Nam giải quyết vấn đề hiện hữu của họ một cách thỏa đáng. Tại sao ?

Nhìn lại quá khứ, cũng có nhiều lúc người Hoa đã phụ lực với các triều vương Việt Nam đánh lại quân ngoại xâm như chống lại sự tiến công của nhà Nguyên vào thế kỷ thứ 13, đánh lại nhà Thanh (phong trào “phản Thanh phục Minh”) thế kỷ thứ 18, hợp lực với nhà Nguyễn bình định đất đai miền Nam từ giữa thế kỷ thứ 17 đến cuối thế kỷ 19, chống lại thực dân Pháp sau Hiệp ước Patenôtre năm 1884. Người Hoa di cư được hưởng đầy đủ các quyền như người Việt, nhiều người đã lập gia đình với người Việt, con cháu của họ sau đó tiếp tục đóng góp công sức vào việc làm giàu xứ sở Việt Nam.

Cuối thế kỷ 19, dưới thời Pháp thuộc, qui chế Hoa kiều được ban hành, vấn đề hội nhập tự nhiên bị khựng lại. Sự ưu đãi của người Pháp cộng với sự phát triển của cộng đồng Hoa kiều Đông Nam Á khiến ý thức dân tộc cực đoan của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, được sự hỗ trợ trực tiếp của Trung Hoa, bùng phát. Cộng đồng người Hoa đã trở thành một thế lực kinh tế và muốn sống ngoài sự kềm tỏa của chính quyền địa phương.

Từ sau 1954, vấn đề người Hoa trở nên gay gắt khi chính quyền miền Nam thi hành chính sách hội nhập cưỡng bách. Một số người Hoa tuy được sinh ra, lớn lên và an cư lạc nghiệp trên lãnh thổ miền Nam nhưng lại muốn được hưởng qui chế Hoa kiều, muốn nắm giữ độc quyền một số ngành nghề về kinh tế. Những người này muốn trực thuộc chính quyền Trung Hoa nhưng lại muốn độc quyền khai thác thị trường Việt Nam. Họ kết hợp với những nhóm Hoa kiều Đông Nam Á và thế giới Trung Hoa làm áp lực can thiệp mỗi khi gặp khó khăn. Vấn đề hội nhập vào xã hội Việt Nam nhiều lúc đã xảy ra như vậy và trở thành khó khăn.


Sau 1975, chế độ cộng sản trục xuất tất cả người ngoại quốc ra khỏi nước, trong có Hoa kiều. Chế độ lý lịch, phân biệt chủng tộc bắt đầu được phổ biến trong các đơn từ kê khai : nguồn gốc dân tộc. Qua nhiều đợt kiểm tra dân số, trước và sau năm 1979, người nào tự khai có nguồn gốc “dân tộc Hoa” đương nhiên bị coi là người Hoa và bị phân biệt. Nhiều người còn bị truy lùng từ ba bốn đời để xem có liên hệ huyết thống gì với thế giới người Hoa để xếp hạng phân biệt đối xử. Chính sách dân tộc cực đoan của chế độ cộng sản rất giản dị : tịch thu tài sản, bức bách họ ra khỏi nước. Những người Hoa hay gốc Hoa còn lại, mặc dầu bị phân biệt đối xử, vẫn phải hòa nhập vào cuộc sống nhưng với một tâm trạng khác : không còn gắn bó với đất nước Việt Nam. Họ chỉ mong được ra nước ngoài để sau đó trở về với hộ chiếu ngoại quốc tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam với sự trợ lực của những Hoa kiều hải ngoại khác.

Từ sau 1986, người Hoa được chế độ cộng sản ve vãn, nâng đỡ và tâng bốc để bòn rút tiền của hay cùng hợp tác trong những dịch vụ kinh doanh nhằm cứu chế độ ra khỏi bế tắc. Đảng cộng sản nắm chính trị, tư bản Hoa kiều năm kinh tế, cả hai thế lực chia chác quyền lợi để cùng tồn tại. Sự hợp tác này có lợi cho chế độ cộng sản trong hiện tại nhưng để lại nhiều hậu quả tai hại cho mai sau. Hoa kiều đã mua hay thuê dài hạn một số đất đai thuận lợi cho việc mua bán tại các thành phố lớn và các trục giao thông chính. Sự mua bán, đổi chác này gây bất mãn lớn trong nội bộ đảng cộng sản và trong quần chúng. Tại một số nơi tinh thần bài Hoa tuy chưa công khai nhưng đã lộ liễu, nhất là trong giới trí thức và cán bộ trung cấp. Những hành vi của cán bộ tham nhũng và mua gian bán lận của người Hoa được đăng trên các báo cho mọi người cùng biết. Ngày nay, sau hơn 17 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản, vấn đề hội nhập của người Hoa càng thêm khó giải quyết.

Việt hay Hoa ? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người gốc Hoa tại Việt Nam, nhất là người Minh Hương, thường đặt ra : “Tôi” là ai ?

Nhiều người có ý đồ xấu cố tình lẫn lộn hay hiểu sai vấn đề hội nhập. Đối với họ, hội nhập (intégration) có nghĩa là đồng hóa (assimiliation) rồi cho rằng tất cả các chính sách phát triển cộng đồng của Việt Nam đều thể hiện tính đồng hóa. Thêm vào đó, người bình dân khi nghe người Hoa nói được tiếng Việt liền cho rằng đã đồng hóa người Hoa. Nhiều nhà viết sử Việt Nam đề cao những gương của tiền nhân Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là chống trả lại sự xâm lấn của đế quốc Trung Hoa, thành chiêu bài chống người Hoa rồi xem tất cả người Hoa là “giặc phương Bắc”. Mặc cảm yếu kém luôn hiện diện trong tâm trí của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam và khi có cơ hội cầm quyền, thay vì đi tìm một đồng thuận chung, họ chỉ muốn thỏa mãn mặc cảm tự ti trong ý đồ đồng hóa những cộng đồng sắc tộc ít người hơn.

Hội nhập và đồng hóa là hai vấn đề hoàn toàn trái ngược nhau. Hội nhập vào sinh hoạt của một quốc gia là tham gia một cách tự nguyện vào tiến trình chia sẻ một tương lai chung mà vẫn duy trì và phát triển những sắc thái riêng của cộng đồng mình. Đồng hóa, trái lại, có nghĩa là xóa bỏ bản thể cũ để biến dạng trở thành một thực thể mới, giống thực thể đã có hay đang có tại quốc gia bản địa. Trong chính sách đồng hóa không có vấn đề tôn trọng hay đối xử công bình với các cộng đồng sắc tộc ít người. Vấn đề của chúng ta ngày hôm nay và trong những ngày sắp tới là bình thường hóa sự hội nhập của tất cả mọi cộng đồng chủng tộc và sắc tộc vào tiến trình xây dựng một tương lai chung trong những điều kiện tốt đẹp và danh dự nhất.

Vấn đề hội nhập cho đến nay vẫn còn đó. Chế độ cộng sản đã bỏ cuộc và đang làm tất cả để gây thêm hiểu lầm và chia rẽ. Tất cả đang để lại cho những chính quyền mai sau tìm câu giải đáp.

IV. Nhận diện cộng đồng người Hoa

11-ngon-ngu-5

Cộng đồng người Hoa rất dễ nhận diện trong xã hội Việt Nam. Họ có khuynh hướng sống tập trung vào một số địa phương nhất định, thường là những thành phố lớn, khu thương mại, khu công nghiệp, nơi đông dân cư, vùng đồng bằng, quanh các hầm mỏ. Nói chung họ sống gần hoặc quanh những trục giao thông hay giao thương chính : sông ngòi, bến cảng, phi trường, đường phố lớn.

Người Hoa cũng rất dễ nhận diện tại bất cứ nơi đâu. Đời sống của người Hoa gắn liền với nền văn minh chữ Hán. Chữ Hán là tín vật để người Hoa nhận diện lẫn nhau và cũng để người khác nhận diện cộng đồng của họ. Trước mỗi căn nhà thường có những bàn thờ thổ địa hay thần tài màu đỏ với chữ Hán màu vàng. Dấu hiệu, biển quảng cáo, sách báo, tên cơ sở văn hóa, kinh tế của họ đều tượng trưng cho một địa danh, một di tích, một biểu tượng, một gia tộc Trung Hoa và được viết bằng chữ Hoa (Hán tự). Sau này tên nhiều cơ sở chỉ mang tính chất tượng trưng, thường có ghép thêm nghĩa địa lý, kinh doanh hay tư cách pháp nhân như Công ty (Corporation hay Co), Trách nhiệm hữu hạn (Limited hay Ltd). Ngôn ngữ trao đổi giữa họ với nhau là tiếng Hoa (Quan Thoại, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến…). Tại Việt Nam, người Quảng Đông đông nhất (41% dân số gốc Hoa) nên tiếng Quảng Đông thông dụng hơn cả. Những người Hoa thuộc ngữ phương khác đều biết tiếng Quảng Đông để thông tin và giao dịch.

Những ai có dịp làm việc chung hay sinh hoạt với người gốc Hoa đều có chung nhận định là người Hoa cần cù, nhẫn nại, lanh lợi, nhiều sáng kiến, có khiếu kinh doanh, đời sống bí ẩn và rất đoàn kết.

Sinh hoạt chủ yếu của cộng đồng này là thương nghiệp (trao đổi, mua sỉ bán lẻ nông sản thực phẩm, hàng công nghiệp nhẹ, hàng tạp hóa, khai thác quặng mỏ), công nghiệp chế biến (dệt, xay gạo, da giầy, xà bông, đồ gia dụng…) và dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, sửa chữa cơ khí, tín dụng ngắn hạn, kim hoàn…). Nơi nào đông dân cư, vị trí địa lý thuận tiện, chế độ hành chánh cởi mở là người Hoa có mặt. Nói chung họ có mặt tại hầu hết những trọng điểm kinh tế.

Ở Việt Nam, người Hoa ít tham gia vào việc chính trị. Từ sau 1954, người Hoa đã biểu lộ ý muốn không thích tham gia vào việc chiến chinh, và khi bị bắt buộc họ chỉ muốn phục vụ ở hậu cần. Không phải người Hoa thiếu can đảm, nhưng vì họ quan niệm cho dù có tham gia trực tiếp vào việc ủng hộ phe này hoặc phe kia, chỗ đứng của họ trong xã hội không vì thế mà quan trọng hơn. Bản chất người Hoa là hiếu hòa, muốn được yên ổn làm ăn và, khi có điều kiện, phổ biến văn hóa của họ. Đây là ưu điểm và cũng là khuyết điểm theo quan điểm của một số người.

Trong suốt dòng lịch sử sôi động của Việt Nam, những người Hoa đầu tiên đã phụ giúp các vua chúa Việt Nam vì ân, vì nghĩa. Con cháu của họ, sau nhiều biến động, đã nghĩ khác : họ là một thế lực kinh tế, các chính quyền Việt Nam phải đối xử với họ như một thành phần “dân tộc” đặc biệt mặc dầu là thiếu số. Tâm lý đó ngày càng được tăng cường, họ muốn được đối xử như ngoại kiều. Ngày nay vì không đe dọa đến chính sách cai trị, người Hoa được chế độ cộng sản ưu ái đặc biệt, họ có nhiều quyền mà người Việt Nam không có như quyền mở xí nghiệp, buôn bán và giao dịch với nước ngoài, quyền sở hữu ngoại tệ, quyền thuê mướn đất đai, nhân công v.v…

Người ta có thể có nhiều suy nghĩ trái nghịch về sinh hoạt kinh tế của người Hoa, nhưng về phong tục, tập quán và văn hóa hai cộng đồng chủng tộc đã sinh sống hài hòa với nhau từ nhiều thế kỷ, không có vấn đề gì đặc biệt. Nhiều người Việt Nam rất hãnh diện vì đã Việt hóa có một số phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa của Trung Hoa, và đã trở thành một yếu tố bất khả phân trong đời sống văn hóa thường nhật. Các tết Trung Thu, Nguyên Đán, cúng thổ địa, thờ thần tài v.v… người Việt và người Hoa tổ chức như nhau. Đặc tính của người Hoa là ên Nghĩa phân minh.

Họ sẵn sàng bao che và giúp đỡ lại cho những ai đã giúp đỡ họ vượt qua lúc khó khăn ban đầu. Chính vì sự giúp đỡ đôi khi quá hậu hĩnh này khiến một số người nhất là những người có quyền hành bị hủ hóa, trở thành tham nhũng, hối lộ, một tệ nạn không nhiều thì ít đã dính liền với sinh hoạt của cộng đồng người Hoa. Đối với một số người Hoa, không đút lót, không mua chuộc thì khó thành công trong công việc kinh doanh.

V. Những nhóm sắc tộc gốc Hoa

Người Hoa tại Việt Nam qui tụ vào năm nhóm địa phương hay hệ ngôn ngữ chính : Triều Châu (hay Tiều Châu), Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ (Hạ Phương-Thượng Phương, còn gọi là Hakka) và Hải Nàm.

Năm 1991 có khoảng 1,3 triệu người gốc Hoa trên toàn quốc (miền Nam khoảng 1 triệu, miền Trung gần 300.000, miền Bắc không đáng kể), đại diện 2% dân số. Người Hoa sống rải rác trên 34 tỉnh, thành phố lớn, đông nhất là tại miền Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn – Chợ Lớn (hơn 500.000 người). Tại Hà Nội hiện nay còn khoảng hơn 13.000 người Hoa, Hải Phòng 33.000. Những tỉnh khác tại miền Bắc người Hoa tuy vẫn còn nhưng rất ít (vài chục hay vài trăm gia đình trong mỗi tỉnh) như tại Nam Định, Hà Bắc, Cao Lạng, Bắc Thái, Hải Hưng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, v.v… Trước 1978, tại miền Bắc người Hoa sống tập trung đông nhất tại Quảng Ninh (160.000 người) và trải rộng trên một địa bàn dài 120 cây số dọc biên giới Việt-Trung. Những nhóm người Hoa sống rải rác tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc, Quảng Ninh), không phải là thành phần sắc tộc thiểu số, cũng là đối tượng được đề cập tới trong sách này.

Dân số gốc Hoa trong thực tế có thể còn nhiều hơn nữa vì có rất nhiều người không muốn khai hay dấu nguồn gốc chủng tộc của mình trong những đợt kiểm tra dân số vì sợ bị phân biệt đối xử, không muốn bị gọi là người Hoa hay gốc Hoa. Người Minh Hương ngày nay không muốn bị coi là người Hoa.

Tuy là một dân số ít oi nhưng là một dân số có tỷ trọng lớn về kinh tế. Tất cả mạng lưới thương nghiệp chính tại miền Nam trước đây đều nằm trong tay người Hoa. Gần đây, dưới chế độ cộng sản, thế lực kinh tế của cộng đồng người Hoa được phục hồi trở lại, họ là lực lượng kinh tế ngoài chính quyền có khả năng tài chánh mạnh nhất nước, có thể chi phối toàn bộ sinh hoạt của các chính quyền địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Nam.

Những bộ lạc thiểu số gốc Hoa sống trên miền Thượng du hay dọc vùng biên giới Hoa-Việt, mặc dù có nhiều quan hệ trao đổi với Trung Quốc tại vùng biên giới, không phải là đối tượng của quyển sách này : người Sán Dìu gần 66.000 người (1988) gồm các nhóm Thủ, Lâu, Mằn, Xín, Tàn Cá Lảu, Lày… ở tản mạn nhiều tỉnh miền đông bắc thượng du Bắc phần, người Ngái rất ít (gần 1.500 người) ở tản mạn miền trung du Bắc phần.

Ngoài ra còn phải kể đến những bộ tộc có quan hệ nguồn gốc và phong tục với những sắc dân thiểu số tại Trung Quốc, không phải là đối tượng của quyển sách này, như người Tày (900.000 người) ở Cao Bằng, người Thái (khoảng 770.000 người) ở Sơn La, người Mường (gần 690.000 người) ở Hà Sơn Bình, người Nùng (gần 600.000 người) ở Lạng Sơn, người Sán Chay (gần 80.000 người) ở Hà Tuyên, v.v…

Phần Hai: Qua các thời đại

“… Tại thôn quê dân chúng các cộng động chủng tộc này sinh hoạt với nhau rất hài hòa. Những biến động về chủng tộc, nếu có, chỉ xảy ra tại nơi đô thị …”
I. Thời quân chủ
 
Thật khó xác định được cái mốc thời gian chính xác để biết rõ người Hoa đã đến Việt Nam từ năm nào, nhưng sự hiện diện của họ trên mảnh đất này đã được ghi nhận cách đây trên hai ngàn năm. 

A. Dưới thời Bắc thuộc

Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên (năm – 111), người Hoa (nhà Hán) đã sát nhập Việt Nam (thời đó là Nam Việt) vào miền Nam Trung Hoa, đặt tên là Giao Chỉ Bộ và đã cai trị hơn một ngàn năm. Nhiều thương nhân, sĩ phu, học trò và người tị nạn chính trị đã di cư xuống phía nam lập nghiệp, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng chính trị lớn tại Trung Hoa. Thời đó đối với nhà Hán, Giao Chỉ là vùng đất để trấn man và lưu đầy tội phạm. Những phạm nhân này buộc phải sống hòa đồng với những nhóm dân cư bản địa, đã lập gia đình và đã định cư vĩnh viễn. Trong suốt thời Bắc thuộc, nhiều tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đã đến Việt Nam truyền đạo, xây dựng chùa chiền và đã giáo hóa được một số lưu dân gốc Hoa và dân cư bản địa theo Phật pháp. Không có tài liệu nào nói rõ đã có bao nhiêu người Hoa hội nhập hoàn toàn vào đời sống và xã hội Việt Nam, vì Giao Chỉ Bộ (sau này là Giao Châu) trong giai đoạn này là một phần lãnh thổ của nhà Hán, do đó không có vấn đề phân biệt.

Ranh giới phân chia lãnh thổ giữa hai phần đất cũng chưa định vị một cách rõ ràng. Người ta chỉ dựa vào các chướng ngại thiên nhiên như sông núi, bờ biển để xác định khu vực cư ngụ. Tại phía Bắc, ranh giới giữa các tỉnh của quận Nam Hải (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) và miền thượng du Giao Châu là dãy núi Bắc Sơn. Ở những vùng ven biển, các quan trấn thủ nhà Hán dựa vào những hòn đảo và eo biển thiên nhiên để phân chia lãnh hải với đất Giao Chỉ. Qui chế công dân chỉ dựa vào quyền thổ cư, rất ít khi dựa vào quyền huyết thống. Người nào sinh trưởng nơi đâu quê hương sẽ là nơi đó, kể cả con cái của những lưu dân. Không có một cơ chế chuyên biệt nào được đặt ra để kiểm soát sự qua lại và di trú ở các chốt biên giới. Những toán binh sĩ dẫn độ tội phạm một khi đã giải giao cho các quan trấn thủ liền trở về lục địa. Sự canh phòng ở khu vực biên giới cũng không có vì người Hoa không thể canh chừng người Hoa, do đó đã có một số dân cư sống gần biên địa qua lại canh tác hay trao đổi, sau đó cũng trở về quê quán cũ khi làm xong mùa hay buôn bán.

Sự kiện dân Giao Chỉ đánh lại nhà Hán được ghi nhận vào khoảng năm 40 trước công nguyên. Thái thú Tô Định nhà Hán giết ông Thi Sách vì có âm mưu phản loạn. Để trả thù chồng, bà Trưng Trắc cùng em là bà Trưng Nhị kết nạp anh hùng hào kiệt nổi dậy đánh Tô Định nhưng sự nổi dậy không kéo dài được lâu. Hán vương cử Mã Viện sang đánh dẹp, Hai Bà thua trận đã nhảy xuống sông Hát tự sát. Mã Viện rút quân về, tới vùng biên giới (?) cho dựng một cột đồng, trên có khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (trụ đồng bị đổ, Giao Chỉ bị diệt).

[Ý Mã Viện muốn khuyên dân Giao Chỉ hãy bảo vệ trụ đồng chứ không phải để răn đe người Giao Chỉ, vì thời này người Giao Chỉ được xem là người Hoa, do đó không có vấn đề người Hoa răn đe người Hoa. Trong thời kỳ này những nhóm “phiên man” ở phía Nam (gốc Malayo Polynésien) không chịu tuân phục sự cai trị của nhà Hán chỉ chực chờ cơ hội đánh lại. Hơn 150 năm sau (năm 112), một vương tôn gốc Hoa tên Khu Liên đánh giết quan cai trị nhà Hán thành lập vương quốc Lâm Ấp, một vùng đất ở phía Nam quận Nhật Nam của tỉnh Giao Châu (hay Giao Chỉ Bộ). Việc buôn bán cát đỏ (châu sa) từ phía Nam quận Tượng Lâm (Lâm Ấp sau này) vào Trung Hoa rất thịnh đạt. Châu sa (mercure) là một chất xúc tác hóa học được dùng để lọc đãi vàng. Châu sa theo nhiều nhà nghiên cứu địa chất và khảo cổ chỉ có ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), trong khi ranh giới của địa phận Giao Chỉ thời đó chỉ tới dừng tại miền cực nam của quận Nhật Nam, tức Nghệ An ngày nay, điều này chứng tỏ việc giao thương tại vùng biên giới rất tự do. Người Hoa có thể đi xuống tận phía nam Giao Chỉ buôn bán tại các thương cảng Long Biên (sông Hồng) và Lạch Trường (sông Mã). Cột đồng của Mã Viện được nhiều người cho là ở phía nam tỉnh Thanh Hóa, biên thùy giữa quận Nhật Nam và đất Tượng Lâm (lãnh thổ vương quốc Lâm Ấp cũ)].

Với những lượt ra vào của những nhóm người Hoa này, người Việt đã học được rất nhiều điều hay, nhất là các mô hình thiết chế chính trị và văn hóa, cách trồng lúa nước, sự khéo tay trong công nghệ, nghề khai thác mỏ quặng. Sĩ Nhiếp (137-226), một thái thú nhà Hán có công rất nhiều trong việc mở mang và bảo vệ Giao Châu. Sĩ Nhiếp được nhiều nhà ngôn ngữ học cho là đã sáng chế ra chữ Nôm, mặc dù vậy chữ Nôm vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Chữ Hán vẫn là ngôn ngữ chính trong việc quản lý hành chánh và thông tin.

Trong thời Bắc thuộc, người Việt đã phản ứng rất mạnh mẽ trước chính sách đồng hóa của nhà Hán, nhờ đó đã giữ được phần nào bản sắc của nền văn minh bản địa (văn minh Đông Sơn). Nhưng cũng phải thành thật nhìn nhận bản sắc của dân tộc Việt thời đó chỉ khác với dân tộc Hán về địa lý. Đời sống dân cư bản địa thời đó còn quá lạc hậu so với người Hoa nhà Hán : chưa có chữ viết, chưa biết lễ nghĩa, chưa biết canh tác nông nghiệp kiểu định cư. Văn minh Đông Sơn không thể so sánh với văn minh Trung Hoa, mặc dù có nhiều nét đặc thù của các bộ tộc Lạc Việt (trống đồng, đồ gốm, nữ trang).

[Nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng dân tộc Việt sở dĩ có tên là do những nhóm di dân của nước Việt từ Trung Hoa tràn xuống lập nghiệp. Những nhóm người này phổ biến cho dân cư bản địa văn minh và văn hóa Trung Hoa mà họ đã hấp thụ từ lục địa. Do đó, dân cư bản địa ở sông Hồng đã thấm nhuần một phần văn minh, văn hóa Trung Hoa trước khi bị Bắc thuộc. Tổ chức xã hội của Việt Nam từ đời Hùng Vương trở về sau đều dựa theo khuôn mẫu Trung Hoa.]

B. Thời kỳ độc lập

Người Hoa vẫn tiếp tục di cư xuống phía nam sau khi Ngô Quyền giành được độc lập năm 939. Những cuộc di dân có lúc đến hàng chục, hàng trăm người, nhưng không ồ ạt. Đa số là những người tị nạn chính trị, thương nhân có óc phiêu lưu và dân chúng nghèo khổ. Nhưng những người này không thể thành lập được một cộng đồng mạnh vì Việt Nam thời đó không phải là một vùng đất giàu có. Các triều chính Việt Nam cũng không đặt nặng vấn đề quốc tịch vì không cần thiết. Dân chúng giữa hai nước trao đổi hàng hóa dọc biên cương một cách dễ dàng, khi cần họ chỉ xác nhận bản thể qua ảnh hưởng của nền chính trị và hành chánh đương quyền để tự phân biệt lẫn nhau : nếu là người Hoa họ tự nhận là con dân các triều Ngô, Hán…, nếu là người Việt thì tự nhận là con dân các nhà Ngô, Đinh, Lê, v.v… Người Việt thời đó có thể sử dụng thổ ngữ riêng để giao dịch với nhau nhưng về hành chánh ngôn ngữ trao đổi chính vẫn là tiếng Hoa.

Đến đời nhà Lý (1010-1225), bắt đầu có sự phân biệt người Hoa với người Việt. Các làng xã vùng biên giới (tuy chưa rõ ràng) cứ bị phiến quân Trung Hoa ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây sang quấy nhiễu và cướp bóc. Sự kiện này là một cớ để năm 1075, vua Tống sai tể tướng Vương An Thạch mang quân đi dẹp loạn đồng thời thôn tính luôn nước Đại Cồ Việt. Biết trước ý đồ đó, Lý thường Kiệt cùng Tôn Đản mang quân đánh chiếm nhiều quận nhỏ ở hai tỉnh Quảng Đông (châu Khâm và châu Liêm) và Quảng Tây (châu Ung) của nhà Tống. Ngược lại quân Tống cũng chiếm được nhiều quận của nhà Lý (châu Quảng Nguyên, châu Tư Lang tỉnh Cao Bằng và châu Tô, châu Mậu, châu Quảng Lang tỉnh Lạng Sơn). Năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai ông Đào Tôn Nguyên sang Trung Hoa cầu hòa, và năm 1084 cử ông Lê Văn Thịnh sang bàn việc phân chia địa giới.

[Sự kiện trên làm bốn câu thơ của Lý Thường Kiệt trở nên nổi tiếng và còn truyền tụng cho đến sau này mỗi khi Trung Hoa có ý đồ thôn tính Việt Nam:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư”.
Ý muốn nói nước Nam đã có chủ quyền, ai xâm phạm đều sẽ bị đánh bại.]

Năm 1285, một tướng Trung Hoa (nhà Tống) tên Triệu Trung cùng binh sĩ đến nước Nam (Đại Việt) xin tị nạn và tình nguyện tòng chinh đánh lại quân Nguyên (Mông Cổ). Triệu Trung cho binh sĩ giả mặc đồ giống như quân Tống xưa kia làm quân Nguyên từ Chiêm Thành tiến lên, do Toa Đô chỉ huy, hoảng sợ bỏ chạy vì tưởng nhà Tống đã khôi phục lại lục địa và cho quân sang hỗ trợ Đại Việt. Quân của nhà Trần và tướng Triệu Trung đuổi theo sát hại rất nhiều quân Mông Cổ và đã giữ vững mặt trận phía Nam (Thanh Hóa, Nghệ An) trong suốt cuộc chiến chống lại quân Nguyên xâm lược.

Năm 1400, một người gốc Hoa tên Lê Quí Ly, sau đổi là Hồ Quí Ly, lên làm vua nước Việt, đặt tên nước là Đại Ngu để tưởng nhớ tới quê hương cũ, vì họ Hồ thuộc dòng dõi nhà Ngu bên Trung Hoa. Nước Việt bị mất tên trong 7 năm, từ 1400 đến 1407. Hồ Quí Ly tuy có làm nhiều cải tổ về hành chánh và quản trị nhưng thành tích chính trị và quân sự của ông đối với nước Việt không có gì đặc sắc. Quân đội của nhà Hồ (theo sử sách ghi lại là rất đông) không đánh lại được quân Minh một trận nào. Những thành tựu của nhà Hồ đều bị nhà Minh (Trung Hoa) thâu đoạt hết : vàng bạc, đất đai, binh lực và trí thức.

Vì cứ phải tập trung đối phó với những ý đồ xâm lấn của Trung Hoa (nhà Tống, nhà Nguyên và nhà Minh) một cách liên tục, thái độ của triều đình và dân chúng Việt Nam sau này đối với di dân, thương nhân Hoa kiều có phần thay đổi. Người Hoa, bị nghi kyï, buộc phải sống tập trung tại một số nơi nhất định gần bờ biển hay vùng giáp ranh phía Đông Bắc. Họ có thể đảm nhận tất cả những nghề về kinh doanh, y học và mô phạm (khai thác quặng mỏ, lập thương điếm tại các hải cảng, buôn muối, bán gạo, mở tiệm thuốc bắc, làm đồ sứ, dạy học…) nhưng không thể có vai trò chính trị. Tuy là những nghề tầm thường nhưng nó chiếm lĩnh toàn bộ sinh hoạt của xã hội. Người Hoa gần như độc quyền buôn bán và vận chuyển muối gạo từ đồng bằng lên cao nguyên, rồi từ cao nguyên mang thịt rừng và lâm sản quí về đồng bằng, họ còn trực tiếp buôn bán với các thuyền buôn ngoại quốc đến Vịnh Bắc Phần trao đổi. Biên giới phía Bắc Việt Nam thời đó đã là nơi trao đổi hàng hóa nhộn nhịp giữa dân cư hai nước. Một số nhỏ thương gia Hoa kiều đã định cư và mở thương điếm tại Thăng Long, quanh đảo Cát Bà và vùng ven duyên. Người Hoa cất phố lập chợ, làng đánh cá dọc bờ biển Quảng Ninh, và dần dần trở thành người cung cấp hàng hóa và lương thực chính thức cho dân cư toàn miền Bắc. Người Hoa trong thời này đa số xuất phát từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.

Vịnh Bắc Phần là nơi tập trung những gia đình nghèo khó người Hoa từ các tỉnh ven duyên phía Nam Trung Hoa (Quảng Đông) đi thuyền vào lập nghiệp, sự di cư của những người này mang tính thời vụ và kinh tế chứ không mang tính chính trị. Một số đã lập gia đình với người địa phương và đã định cư vĩnh viễn. Những người khác sau khi làm ăn phát đạt thường trở về quê cũ sinh sống. Vịnh Bắc Phần là nơi chuyển vận hàng hóa của các đội thương thuyền và cũng là vùng tung hoành của những toán hải tặc Trung Hoa chuyên cướp bóc và thu tiền mãi lộ. Người Việt vì không có mộng viễn du nên không có xưởng đóng tàu chuyên chở lớn, việc vận chuyển hàng hóa ven duyên và viễn dương do người Hoa và người Tây phương phụ trách.

C. Thời Trịnh-Nguyễn

Sang thời Trịnh-Nguyễn (1620-1777), chiến tranh là ưu tư chính của các triều đình, mọi định chế xã hội ở hai miền đất nước đều được quân sự hóa. Dân chúng hai miền sống triền miên trong đói khổ vì hai chúa Trịnh-Nguyễn tập trung tất cả tài nguyên của đất nước phục vụ chiến tranh. Xã hội dân sự gần như bỏ ngỏ, nền kinh tế phó mặc cho thương nhân Tây phương và Trung Hoa phụ trách.

Sự chọn lựa cũng đã rõ ràng : chúa Trịnh nhờ người Hòa Lan giúp về quân sự, chúa Nguyễn cậy nhờ người Bồ Đào Nha. Người Hòa Lan và Bồ Đào Nha, về sau có thêm người Pháp cung cấp vũ khí và tiếp liệu quân sự. Thương nhân Trung Hoa cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho cả chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lẫn chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Mặc cho dân tình đói khổ, hai nhóm thương nhân này khai thác và sống sung mãn với thị trường Việt Nam trong suốt hơn 150 năm.

Đàng Ngoài : hai nhóm người Hoa

Người Hoa định cư trong Vịnh Bắc Phần là nguồn cung cấp lương thực và hàng hóa cho xã hội Đàng Ngoài. Trong thời này kiều dân Trung Hoa gần như độc quyền khai thác mỏ quặng, buôn bán muối gạo và vận chuyển lương thực. Nền kinh tế tại miền Bắc hoàn toàn nằm trong tay những người Hoa định cư tại đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven duyên.

Trước tình trạng khuynh loát về kinh tế của người Hoa, chúa Trịnh Giang (1729-1740) cải tổ lại việc buôn bán muối và khai thác khoáng sản bằng cách đánh thuế nặng và cấm phổ biến sách Hoa ngữ để hạn chế ảnh hưởng của người Hoa.

Khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh (thế kỷ 17) thống trị toàn bộ đất Trung Hoa, nhiều cuộc di tản lớn đã xảy ra. Trong lục địa các phong trào kháng chiến chống nhà Thanh liên tiếp bị đánh dẹp, một số tướng lãnh Minh triều cũ chạy xuống miền cực nam Trung Hoa dọc biên giới Việt-Hoa lánh nạn và thành lập phong trào kháng chiến lấy tên Thái Bình Thiên Quốc. Ngô Tam Quế (một vị tướng của nhà Minh) chạy về Sơn Hải Quan, vùng đất giữa Vân Nam và Quảng Tây, lập chiến khu chống lại triều đình nhà Thanh. Một phần dân chúng các tỉnh phía Nam Trung Hoa chạy vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam (Cao Bắc Lạng) tị nạn.

Khu vực biên giới bắt đầu mất an ninh, trộm cướp hoành hành khắp nơi. Người Hoa sống trong những làng mạc gần vùng biên giới đều bị đặt dưới sự điều động của những tướng Minh triều cũ. Trong suốt hai thế kỷ 18 và 19, những nhóm binh tướng này thường tổ chức những cuộc tiến công vào các làng xã của người Việt cướp bóc lương thực và mang theo nhiều thanh niên thiếu nữ về sơn trại. Dân chúng thời đó rất sợ đám giặc này và gọi chúng là giặc Tàu Ô (áo trắng, quần đen và quấn khăng đen). Thêm vào đó nhà Thanh có ý đồ xâm chiếm Việt Nam, mượn cớ “phò Lê diệt Trịnh”, mang quân tiến chiếm nhiều làng xã dọc biên giới theo lời yêu cầu của con cháu nhà Mạc và nhà Lê.

Năm 1638, Mạc Kính Vũ (nhà Mạc) nhờ vua Trung Hoa (nhà Thanh) buộc chúa Trịnh trao Cao Bằng lại cho họ Mạc nhưng không thành. Kính Vũ liên kết với Ngô Tam Quế chiếm thành Cao Bằng rồi chống lại nhà Thanh. Khi Ngô Tam Quế giết Quế vương (vua nhà Minh đang sống lưu vong tại Vân Nam) ra hàng nhà Thanh, Mạc Kính Vũ mất đi thế mạnh nhưng vẫn trấn giữ được Cao Bằng. Năm 1667 Ngô Tam Quế chết, chúa Trịnh mang quân chiếm lại Cao Bằng, chấm dứt dòng họ nhà Mạc.

Chúa Trịnh nhiều lần xuất quân tấn công vào sào huyệt của quân cướp Trung Hoa, nhưng không thành công. Mỗi khi quân triều đình tiến công, chúng rút về bên kia biên giới trốn lánh. Quân Tàu Ô làm chủ vùng biên giới cho tới đầu thế kỷ 20 và chỉ chấm dứt sau khi quân Pháp hợp tác của quân nhà Mãn Thanh hành quân tiểu trừ.

Đàng Trong : thương cảng Hội An

Đầu thế kỷ 16, sau những đợt cấm và giết đạo tại Trung Hoa và Nhật Bản, nhiều người Hoa và Nhật phải chạy bằng đường biển xuống phía nam đến Đàng Trong xin tị nạn tôn giáo. Chúa Nguyễn Hoàng cho họ định cư tại Hội An (Faifo), lúc đó còn là một làng nhỏ. Tại Đàng Ngoài, chúa Trịnh cũng thi hành chính sách cấm đạo gắt gao, nhiều giáo sĩ Tây phương phải chạy vào Hội An xin tá túc. Các nhóm tị nạn này xây dựng Hội An thành một thành phố truyền đạo và một hải cảng sầm uất. Từ đó Hội An được nhiều thương nhân Tây phương đến xin lập thương điếm.

Tại Hội An, người Hoa và Nhật có dân số đông nhất, kế đến là người Hòa Lan và Bồ Đào Nha, sau cùng mới đến người Việt. Càng về sau người Việt đến định cư ngày càng đông, vì động cơ kinh tế và tôn giáo. Các giáo sĩ Tây phương cũng tìm đến giảng đạo và thu nhận nhiều tín đồ, trong đó có người Việt, người Hoa và người Nhật. Giáo hội công giáo đầu tiên được thành lập năm 1659 tại Đàng Trong (Hội An-Quảng Nam), sau mới tại Đàng Ngoài (Phố Hiến-Hưng Yên). Những người Hoa làm việc với các giáo sĩ Tây phương, một số đã theo đạo công giáo. Nhiều nhà thờ với lối kiến trúc Trung Hoa [đa số bị đốt sau những đợt cấm giết đạo thời Nguyễn sơ, rất nhiều người gốc Hoa đã tử vì đạo] được xây dựng. Bên cạnh đó những nhóm ngữ phương gốc Hoa khác nhau cũng góp tiền xây dựng nhiều chùa chiền có giá trị nghệ thuật cao và còn tồn tại cho tới ngày nay.

Các chúa Nguyễn đã nhờ cậy cộng đồng người Hoa định cư tại Hội An rất nhiều, nhất là trong các dịch vụ làm trung gian trao đổi với Tây phương và Trung Hoa. Được biết đến nhiều nhất là cơ quan Tàu Vụ Ty (hải quan) tại Hội An do những viên chức người Hoa nhà Minh cũ (khoảng 400 người) được chúa Nguyễn tuyển dụng để làm công việc kiểm soát ngoại thương, thu thuế thương thuyền, làm thông ngôn cho thương nhân Trung Hoa và Tây phương đến trao đổi với triều chính Đàng Trong.

Vào thế kỷ 18, Hội An có 6.000 người Hoa. Nhiều người di cư đã phụ giúp chúa Nguyễn gây dựng cơ đồ và sống tập trung tại một làng nhỏ gần Huế, lấy tên là Minh Hương (để tưởng nhớ quê hương là nhà Minh). Từ đó dân chúng quen gọi những người Hoa này là người Minh Hương. Nhiều nhóm người Hoa khác, thần dân nhà Minh cũ, đến xin tị nạn và thành lập nhiều làng Minh Hương khác dọc các tỉnh ven duyên ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, v.v… Về sau, những người này được chúa Nguyễn cho tái định cư tại các tỉnh miền Đông và miền Tây với chủ đích thay triều đình khai thác và mở rộng bờ cỏi phía Nam.

D. Khai phá Miền Đông

Đời sống dân cư dưới thời các chúa Nguyễn rất đói khổ. Năm 1695, Thích Đại Sán, một nhà sư người Quảng Đông đến Phú Xuân thuyết giáo có nhận xét về sự đói khổ của dân chúng Đàng Trong : “Trong nước dân rất khổ, đất ruộng ít oi, lúa không đủ ăn. Dân một dải Thuận Hóa-Hội An đều sống nhờ lúa gạo các hạt khác”. Người Hoa tại Hội An phụ trách việc chuyên chở lúa gạo từ Đồng Nai, củi từ Tân Sài (Quảng Trị) vào Thuận Hóa nuôi sống dân cư và cung đình. [Sự đói khổ của dân chúng Thuận Hóa là tiền đề cho sự nổi dậy của Tây Sơn sau này].

Từ nửa đầu thế kỷ thứ 17, một số gia đình người Việt nghèo khó trốn lánh chiến tranh từ miền Trung dùng thuyền nan đi dọc theo bờ biển tiến vào đất Đồng Nai chiếm đất, dựng nhà, tạo lập đời sống mới. Miền Đông (còn gọi là Miễn tý) thời này đất đai còn thưa rộng và hoang dã (rừng thiêng nước đọng, đầy muỗi mòng và thú dữ). Dân số khoảng 40.000, đa số là người Khmer và lưu dân gốc Việt, sinh sống bằng nghề làm rẫy, săn bắn và bắt cá.

Đất Đồng Nai thuộc về chúa Nguyễn năm 1620 khi Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên gã con gái thứ hai, Ngọc Vạn công chúa, cho vua Chân Lạp là Chey Chettha II (1618-1628). Chettha II tặng Sãi vương lãnh thổ đất Đồng Nai làm quà cưới. Năm 1623, Chettha II xin cha vợ mang quân vào giúp bảo vệ ngai vàng chống lại sự đe dọa của quân Xiêm, lúc đó đang đưa một vương tôn Khmer khác lên giành ngôi vua. Sãi vương chưa thể mang quân vào giúp vì phải tập trung chống trả lại sự đánh phá của quân chúa Trịnh. Hơn nữa vùng đất Bình Thuận (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết) vẫn còn thuộc chủ quyền của vương quốc Panduranga (Nam Chiêm Thành cũ) không thuận tiện cho việc chuyển quân bằng đường bộ. Tình hình bên Chân Lạp bị rối loạn, nội chiến, các dòng họ vương tôn tranh giành ngôi báu. Năm 1653 Sãi vương mang quân vào miền Đông dẹp loạn, đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi lãnh thổ Chân Lạp và đưa vua Barom Reacha IV lên ngôi năm 1660.

Năm 1674, xảy ra việc vua Nặc Ông Nộn (Ang Non II) bị Nặc Ông Đài (Chey Chettha III), người anh con chú bác, nhờ quân Xiêm giúp chiếm ngôi vua. Ông Nôn bị thua phải chạy ra dinh Thái Khang (Khánh Hòa) xin được bảo vệ. Chúa Hiền sai ông Nguyễn Dương Lâm (tổng trấn Khánh Hòa) và tướng Nguyễn Đình Phái đưa Nặc Ông Nộn về lấy lại thành Sài Gòn (Prei Nokor) và sau đó tiến quân sang Chân Lạp vây thành Long Úc (Oudong). Nặc Ông Đài thua chạy vào rừng trốn, em là Nặc Ông Thu (Ang Sor Chey Chettha IV) ra hàng. Quân Xiêm làm áp lực quân sự và sau cùng bốn bên chấp nhận giải pháp chia lãnh thổ Chân Lạp ra làm hai. Nặc Ông Thu làm Đệ nhất vương cai trị vùng đất cao quanh Biển Hồ, Lục Chân Lạp, thuộc ảnh hưởng của Xiêm La, thủ đô đóng tại Long Úc (sau này là Phnom Penh hay Nam Vang). Nặc Ông Nộn làm Đệ nhị vương cai trị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủy Chân Lạp, thuộc ảnh hưởng của chúa Nguyễn, thủ đô đóng tại Sài Gòn. [Từ đó chiến tranh xảy ra liên miên giữa hai vị vua Khmer, lúc thì phe thân Việt Nam thắng thế, lúc thì phe thân Xiêm La thắng. Tình trạng phân chia kéo dài đến năm 1698 khi Nguyễn Hữu Kính hoàn tất việc sở hữu đất đai miền Đông.]

Mở rộng miền Đông

Cùng thời gian, một số cựu binh sĩ nhà Minh có kỷ luật hơn đi đường biển vào Đàng Trong tị nạn, được tiếp đón và đối đãi nồng hậu. Năm 1679 hai vị tướng nhà Minh, Dương Ngạn Địch (Tổng binh quận Long Môn, tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa) cùng phó tướng Hoàng Tiến, và Trần Thượng Xuyên (Tổng binh các quận Cao-Lôi-Liêm, tỉnh Quảng Đông) cùng phó tướng Trần An Bình, không chịu hàng nhà Thanh mang 3.000 quân bản bộ đi trên 50 chiến thuyền tới bể Tu Dung (Đà Nẵng) xin yết kiến chúa Hiền. Sau đó hai vị tướng đích thân đến cửa Thuận An bệ kiến chúa Nguyễn và xin tị nạn nước Nam. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chấp thuận và cho binh đoàn Trường Phát giữ nguyên chức vị và tập quán cũ.

[Những binh sĩ nhà Minh tự xưng là Trường Phát vì tóc để dài giắt bính kiểu đuôi sam, không chịu cạo đầu như người Mãn Thanh. Thời đó, quần thầnViệt Nam cũng có tục để tóc dài, nhưng búi lại phía sau.]

Nhân dịp này chúa Hiền cho binh đoàn Trường Phát hợp lực với binh lực của hai vị tướng Việt, Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Đình Phái, vào miền Đông khẩn hoang lập ấp. Hai tướng Minh triều cũ chia quân làm hai toán, rẽ thuyền vào thẳng miền Đông. Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến đem binh thuyền vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu, đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Trần Thượng Xuyên (còn gọi là Trần Thắng Tài) và Trần An Bình cùng binh sĩ dừng lại ở cù lao Phố (còn gọi là Nông Nại Đại Phố, tức Đồng Nai đại phố), Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (đất Gia Định cũ) lập nghiệp. Nhiều người Minh Hương sống tại những làng xã dọc bờ biển miền Trung xin được gia nhập vào hai binh đoàn này vào tái định cư ở miền Đông.

Từ đó hai đoàn quân Minh triều cũ cùng với người Minh Hương vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ, đưa văn hóa, văn minh và kỹ thuật cao của Trung Hoa vào thẳng miền Nam Việt Nam. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông (những vùng đất cao cạnh mé sông) và tập trung khai thác những vùng đất mới. Trong lúc chạy loạn những quân nhân này không mang theo gia đình, tài sản riêng đã lấy vợ là người địa phương (gái Việt con cái của những gia đình nông dân nghèo đã đến từ trước, và gái Khmer con cái của của cư dân Thủy Chân Lạp), sinh con đẻ cái và định cư vĩnh viễn tại đây.

[Miền Đông vào thời này còn rất hoang dã. Nhiều huyền thoại về người Hoa còn lưu truyền cho đến nay. Chẳng hạn như huyền thoại về các võ sư người Hoa đến đất Gia Định tìm long mạch để khôi phục lại nhà Minh. Từ đó xảy ra nhiều chuyện đấu võ giữa các võ sư phái Thiếu Lâm Tự và các võ sư bản địa, nhất là với phái võ Bình Định của Tây Sơn tại 18 thôn Vườn Trầu. Hay năm 1770 ông Tăng ên, một võ sư người Hoa, đánh cọp bằng tay không tại chợ Tân Cảnh (Gia Định). Năm 1786, ông Võ Tánh đánh cọp tại thôn Vườn Trầu. Đất Gia Định thời đó còn nổi tiếng về ma quái và bùa phép. Nhiều am miễu, chùa chiền của người Hoa được xây dựng trong địa bàn Biên Hòa (cù lao Phố) và Gia Định như chùa Quan Đế năm 1694, chùa Giác Lâm do Lý Thoại Long xây năm 1774, chùa Kim Chương (hay Kim Chung) năm 1775, chùa Gia Thạnh năm 1789, Quan Võ Miếu năm 1820, chùa Bà Thiên Hậu… để tạ ơn các vị thần và để trấn áp ma quỷ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.]

Sau khi tạm ổn định cư trú và muốn phát triển vùng đất mới, Trần Thượng Xuyên đã kêu gọi những thương nhân gốc Hoa từ các quốc gia khác (Singapore, Mã Lai, Trung Hoa) đến buôn bán. Một số thương gia đã ở lại lập nghiệp và cùng với gia đình các binh sĩ tị nạn làm phát triển nền kinh tế của vùng đất mới. Thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Java qua lại trao đổi và buôn bán rất tấp nập. Người Hoa làm chủ hoàn toàn nền kinh tế tại miền Đông : xuất cảng gạo, cá khô (Đồng Nai), thảo dược, ngà voi (Chân Lạp) và nhập cảng tơ lụa, vải bô, thuốc bắc và các loại hàng xa xí khác (gạch ngói tráng men, đá xây cột chùa, nhang đèn, giấy tiền vàng mã). Người Khmer và người Việt gắn liền đời sống với đất đai và nông nghiệp, vắng mặt trong các sinh hoạt về kinh doanh.

[Cũng nên biết thêm về sự phối trí nhân sự tại miền Nam thời đó. Quân của hai tướng Việt và lưu dân Việt Nam trú đóng mạn bắc Sài Gòn (Bà Rịa và Bến Nghé). Quân Minh triều cũ và người Minh Hương đồn trú tại Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho và Định Tường. Quân của các vương tôn và dân chúng Khmer tập trung tại Phú Lâm và các làng xã dọc hai bờ sông Cửu Long, đông nhất là tại Sóc Trăng. Ba thành phần chủng tộc này, do điều kiện sinh kế, đã sống xen kẽ và nương tựa lẫn nhau. Sau này người Khmer có khuynh hướng định cư trên những vùng đất cao (còn gọi là Giồng), người Việt và Hoa thích sống tại các vùng đất trũng (đồng bằng). Sự giao lưu giữa ba thành phần chủng tộc có lúc rất hài hòa nhưng cũng có lúc rất gay go. Người Khmer vì kém tổ chức và sống rải rác, khó tập trung, chịu nhiều thiệt thòi về đất đai và điều kiện sinh sống. Càng về sau người Khmer, không còn chiếm đa số tại những thành phố lớn, lùi dần về những làng xã xa xôi ở phía Tây].

Quân của Dương Ngạn Địch, đa số là người Triều Châu, và quân của Trần Thượng Xuyên, đa số là người Quảng Đông, liên hệ được với những nhóm Hoa di cư cùng ngữ phương khác trong vùng Đông Nam Á, thành lập những làng xã theo ngữ phương riêng. Người Hoa sống tại Mỹ Tho, Định Tường đa số nói tiếng Triều Châu, người Hoa định cư tại Gia Định và Biên Hòa nói tiếng Quảng Đông. Sau này khi miền Đông đã phát triển, nhiều nhóm di dân nghèo dưới thời nhà Thanh từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nàm (Trung Hoa) đi bằng thuyền vào miền Nam xin định cư và lập nghiệp. Những người này được ban tổ chức của hai đoàn quân phân phối về các vùng đất mới và sinh hoạt với những gia đình cùng ngữ phương khác đã có mặt từ trước. Hai vị tướng Minh triều cũ thay mặt chúa Nguyễn thu thuế (gạo, cá khô, lâm hải sản) rồi chở ra Phú Xuân nộp lại cho triều đình. Về sau hai vị tướng gốc Hoa được lệnh phụ giúp Nặc Ông Nộn bình định đất đai tại Thủy Chân Lạp.

Dựa vào thế lực của đoàn quân Dương Ngạn Địch, Nặc Ông Nộn nhiều lần tiến quân sang vây thành Nam Vang tranh ngôi vua với Nặc Ông Thu nhưng không thành công. Vài năm sau thấy không kiểm soát nổi quân của phó tướng Hoàng Tiến, Nặc Ông Nộn phải nhờ quân Việt Nam giúp đỡ.

Quân của phó tướng Hoàng Tiến (còn gọi là Huỳnh Tấn), với sứ mạng giúp Nặc Ông Nộn bình định đất đai, phiêu lưu trên khắp các nhánh sông Cửu Long (sông Tiền và sông Hậu), đánh chiếm nhiều làng của người Khmer dọc hai bờ sông. Năm 1682, Hoàng Tiến tiến quân qua Lục Chân Lạp (Kampuchea ngày nay), khám phá được nhiều vùng đất trù phú mới. Khi trở về, Hoàng Tiến thuyết phục Dương Ngạn Địch cùng binh sĩ ly khai khỏi ảnh hưởng của triều đình Việt Nam và Trần Thượng Xuyên để thành lập một lãnh thổ riêng giữa Thủy và Lục Chân Lạp.

Trong những năm 1682-1688 nhiều mối bất hòa đã xảy ra giữa quân sĩ của hai vị tướng. Trần Thượng Xuyên cùng binh sĩ muốn an cư lập nghiệp, tập trung xây dựng và phát triển vùng đất đang cư trú. Binh sĩ của phó tướng Hoàng Tiến, ngược lại, muốn tiến chiếm luôn đất Chân Lạp và thành lập một vương quốc riêng. Dương Ngạn Địch không tán thành ý đồ của Hoàng Tiến, vì đã thề trung thành với chúa Nguyễn, không muốn có hành động phản bội ơn dung dưỡng lúc sa cơ thất thế.

Năm 1688, Dương Ngạn Địch vì không chiều ý của quân sĩ bị phó tướng Hoàng Tiến giết chết. Hoàng Tiến chống lại Trần Thượng Xuyên và chống luôn chúa Nguyễn, cho quân trú đóng ở đồn Nam Khê (Mỹ Tho), đóng tàu, đúc súng chuẩn bị tiến đánh Lục Chân Lạp. Vua Chân Lạp Nặc Ông Thu cũng cho đào hào, đắp lũy cố thủ và bỏ không triều cống chúa Nguyễn nữa. Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn cùng Trần Thượng Xuyên mang quân đánh dẹp, dùng mưu bắt và giết Hoàng Tiến. Chiến trận xảy ra rất khốc liệt, quân của Hoàng Tiến bị sát hại rất nhiều. Những người sống sót một số đầu hàng, một số chạy sang Chân Lạp lánh nạn rồi sau đó định cư và lập nghiệp luôn tại Phnom Penh và những tỉnh quanh Biển Hồ (Tonlé Sap) : Neak Luong, Kompong Chanang. Đám tàn quân này sinh lòng thù hận cả người Việt lẫn người Hoa sống tại miền Nam, đã phụ giúp các vua Chân Lạp và Xiêm La chống lại Việt Nam. Tình hình Chân Lạp và miền Đông trở nên mất an ninh, loạn lạc xảy ra khắp nơi, quan quân triều đình nhà Nuyễn phải vất vã lắm mới dẹp yên.

Bình định miền Đông

Năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Kính làm Kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông. Nguyễn Hữu Kính chiếm lại Đông Phố lập thành dinh, huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lấy đất Biên Hòa lập Trấn Biên dinh và đất Gia Định lập Phiên Trấn dinh. Ông chiêu mộ lưu dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên) vào khai khẩn đất hoang. Những người Hoa theo Hoàng Tiến và di dân nhà Thanh bị gom lại thành một xã lấy tên Thanh Hà (làng của người nhà Thanh) ở Trấn Biên dinh. Người Minh Hương và những người phục vụ dưới trướng của tướng Trần Thượng Xuyên thì tập trung vào xã Minh Hương ở Gia Định rồi giao cho Trần Thượng Xuyên quản lý. Trần Thượng Xuyên được phong làm đô đốc Phiên Trấn dinh.

Từ đó toàn bộ đất đai miền Đông được sát nhập vào sổ bộ Việt Nam, danh từ Thủy Chân Lạp mất tên luôn từ đó. Những thành phố, làng xã mang tên Khmer đều được phiên âm ra tiếng Nôm (dựa theo cách phát âm của người Hoa).

Muốn diệt tận gốc quân phiến loạn người Hoa, năm 1700 Nguyễn Hữu Kính và Trần Thượng Xuyên cùng con là Trần Đại Định tiến quân sang Chân Lạp đánh dẹp. Tàn quân gốc Hoa và quân Khmer, được quân Xiêm La hỗ trợ, chống trả kịch liệt. Cuộc chiến đã kéo dài trong nhiều năm, sau cùng quân Chân Lạp bị đánh bại và quân triều đình chiếm luôn thành Nam Vang. Trong khi đó tại Gia Định, năm 1747, một thương gia Phúc Kiến tên Lý Văn Quang nhận thấy việc phòng thủ đất Đồng Nai bị yếu đã cùng 300 người Hoa khác nổi lên chiếm cù lao Phố. Chúa Nguyễn sai Trần Đại Định (con của Trần Thượng Xuyên), đô đốc Phiên Trấn dinh, mang quân đi đánh dẹp, Lý Văn Quang cùng đồng bọn bị bắt. Vì muốn duy trì tốt quan hệ với Trung Hoa, chúa Nguyễn sai áp giải Lý Văn Quang và đồng bọn về Phúc Kiến (Trung Hoa) để nhà Thanh xét xử.

 

E. Khai phá Miền Tây

Giữa thế kỷ 17, nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Mãn Thanh đã xảy ra trong lục địa Trung Hoa. Dưới sự chỉ đạo của Trịnh Thành Công, một vị tướng Minh triều cũ gốc Triều Châu, dân chúng nổi lên chống lại quân Thanh nhưng đều bị đánh bại, tất cả các làng xã của người Tiều ở Triều Châu và vùng ven biển Hạ Môn đều bị thiêu rụi. Tàn quân của Trịnh Thành Công (Kosinga) phải chạy ra đảo Đài Loan lập chiến khu “phản Thanh phục Minh”.

Trong đám tàn quân này có một người tên Mạc Cửu (hay Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, theo Trịnh Thành Công kháng chiến. Năm 1671 thấy chống không nổi quân Thanh, Mạc Cửu mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người rời khỏi Phúc Kiến bằng đường biển. Quân của Trịnh Thành Công ngày càng suy yếu bị quân Thanh đánh bại năm 1680. Quân Thanh tàn sát hết kháng chiến quân, những người sống sót bỏ chạy bằng đường biển đến các quốc gia Đông Nam Á tị nạn, hòa nhập với những nhóm Minh triều cũ đã di cư từ trước.

Căn Khẩu Quốc

Mạc Cửu cùng thân bằng quyến thuộc sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả đã cập thuyền vào đảo Koh Tral, rồi đổ bộ lên một vùng đất lạ (được gọi là Panthaimas) trong Vịnh Thái Lan. Mạc Cửu dò hỏi và được biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng của vương triều Lục Chân Lạp. Phái đoàn Mạc Cửu đến Oudong gặp Nặc Ông Thu (Chey Chettha IV) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Sau đó Mạc Cửu xin vua Khmer cho khai khẩn vùng đất sình lầy Panthaimas trong Vịnh Thái Lan.

Thật ra trong giai đoạn này vương quyền của vua Chân Lạp không còn ảnh hưởng mạnh trên những vùng đất ven biển. Vịnh Thái Lan là nơi hành nghề của các đám hải tặc vì nơi này thương thuyền qua lại rất đông. Quan quân Chân Lạp vì bận rộn với những cuộc nội chiến và không đủ khả năng bảo vệ vùng đất này đã bỏ trống mặc cho hải tặc lập căn cứ. Hơn nữa đây là vùng đất sình lầy phèn chua nước mặn, đầy muỗi mòng không ai dám đến lập nghiệp, chỉ một số dân phiêu lưu đến ở. Thời này đất Panthaimas chỉ có độ mươi nóc gia của người Khmer làm nghề săn bắn và đánh cá.

Mạc Cửu cũng là một tay giang hồ giỏi tổ chức. Trong suốt thời gian lênh đênh trên biển cả ông đã chiêu tập được một số binh sĩ Minh triều cũ đang hành nghề hải tặc dưới trướng. Thấy có khả năng khai thác nguồn lợi của những đám hải tặc trong vùng, ông lập ra 7 xã : Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán), về sau đổi thành Căn Khẩu (tiếng Hoa tùy theo ngữ âm gọi là Căn Kháo hay Căn Cáo, xem Phụ lục 2). Mạc Cửu cho thành lập nhiều sòng bạc để kinh tài. Được nổi tiếng, ông mộ thêm lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi về lập nghiệp và đặt tên vùng đất mới thành Căn Khẩu Quốc. Căn Khẩu Quốc, tuy là một lãnh địa của Lục Chân Lạp nhưng không lệ thuộc trực tiếp vào nền hành chánh của vương triều Khmer, được hưởng qui chế tự trị.

Lưu dân, đa số là người Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến, lúc ban đầu là những người không chấp nhận sống dưới trướng nhà Thanh bỏ nước ra đi xây dựng cuộc sống mới. Thành phần xã hội cũng rất đa dạng : người giỏi về văn học, kẻ giỏi nghề đi biển, người thạo nghề buôn bán, nắm vững kỹ thuật chế biến thực phẩm, kẻ biết canh tác lúa nước và đánh cá trên sông lạch, nói chung họ là những thành phần ưu tú của vương triều vừa thất sủng. Về sau có thêm dân chúng nghèo khó dưới thời nhà Thanh đến xin tị nạn. Chẳng bao lâu sau Căn Khẩu Quốc nổi tiếng khắp vùng là miền đất trù phú, dễ kiếm tiền. Đảo Koh Tral được đổi tên thành đảo Phú Quốc, có nghĩa là vùng đất giàu có, phú cường. Những tay phiêu lưu giang hồ đến đầu quân dưới trướng Mạc Cửu ngày càng đông và là một đe dọa uy quyền đối với Xiêm La, một thế lực đang lên trong vùng.

Trước sự lớn mạnh của đế quốc Xiêm La, Mạc Cửu yêu cầu vua Chân Lạp bảo vệ nhưng không được thỏa mãn. Chân Lạp cũng đang bị Xiêm La khống chế. Mạc Cửu dò tìm một thế lực mạnh trong vùng để xin được bảo vệ, ông được một thương gia người Minh Hương tên Tô Quân cho biết xa hơn về phía Tây-Bắc, những người Hoa tị nạn khác được chúa Nguyễn cho định cư tại miền Đông đang phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó, quân của chúa Nguyễn đang làm chủ miền Tây đất Chân Lạp và đang đối đầu với quân Xiêm La. Năm 1708 Mạc Cửu sai hai người thân tín, Trương Cầu và Lý Xa, ra Huế xin được che chỡ. Năm 1711, Mạc Cửu được Minh vương Nguyễn Phúc Chu mời ra Huế bái kiến. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.

Năm 1717, vua Xiêm mang 20.000 quân tấn công các làng xã của những di dân gốc Hoa tại Căn Khẩu, Mạc Cửu thua phải bỏ chạy. Năm 1724, ông đích thân vào Gia Định dâng luôn đất và xin Ninh vương Nguyễn Phúc Trú giúp khôi phục lại Căn Khẩu Quốc. Chúa Nguyễn mang quân xuống đánh, quân Xiêm thua phải rút về nước. Ninh vương thu hồi tất cả làng xã bị chiếm rồi phong Mạc Cửu làm đô đốc cai trị đất Căn Khẩu. Căn Khẩu Quốc được đổi thành Long Hồ dinh.

Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Tuy bị đổi tên nhưng di dân Trung Hoa vẫn tiếp tục gọi Long Hồ dinh là “Căn Khẩu Quốc”. Người Hoa từ khắp nơi trong vùng (bị người Tây Ban Nha và Hòa Lan đàn áp, xem Phụ lục 1) đổ về đây lập nghiệp. Quân Khmer và Xiêm La đã tấn công nhiều lần vào vùng đất này nhưng đều bị Mạc Cửu đẩy lui.

Mạc Cửu mất (1735), con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi thành trấn Hà Tiên.

Bình định đất đai miền Tây

Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích) là một vị tướng giỏi, đã nhiều lần mang quân tấn công Xiêm La và bảo hộ vùng phía nam đất Chân Lạp. Mạc Thiên Tứ có công mở rộng thị trấn Hà Tiên và năm 1739 lập thêm bốn huyện : Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu). Mạc Thiên Tứ còn là một nhà học thức lỗi lạc, kiến thức uyên bác, giỏi ngoại giao, có tài thơ văn, đã để lại nhiều tác phẩm giá trị (xem Phụ lục 2).

Thời bấy giờ nội bộ Chân Lạp có loạn. Năm 1747, Nặc Ông Thâm (Thommo Racha III) từ Xiêm La về đánh đuổi Nặc Ông Tha (Chettha V) chiếm ngô, Ông Tha chạy sang Gia Định cầu cứu. Nặc Ông Thâm sau đó bị Satha II giết, con cháu lại tranh giành ngôi báu. Năm 1749, Nguyễn Phúc Khoát cho quân hộ tống Ông Tha về nước lấy lại ngôi vua. Một người con của Ông Thâm tên Nặc Nguyên (Nac Snguon) nhờ quân Xiêm La sang đánh, Ông Tha thua phải chạy về Gia Định.

Nặc Nguyên mật giao với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài hợp lực đánh chúa Nguyễn. Nguyễn vương biết trước nên năm 1753 cử Nguyễn Cư Trinh sang Nam Vang đánh. Nặc Nguyên thua bỏ thành chạy về Hà Tiên nương náu nhà Mạc Thiên Tứ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để tạ tội và xin được về lại Nam Vang cai trị, chúa Nguyễn ưng thuận.

Năm 1758 Nặc Nguyên mất, không người kế vị. Nặc Nhuận là chú họ tạm quyền giám quốc nhưng bị con rể là Nặc Hinh giết rồi tự xưng vương. Chúa Nguyễn sai Trương Phúc Du mang quân sang đánh, Nặc Hinh bị thuộc hạ giết chết. Do đề nghị của Mạc Thiên Tứ, chúa Nguyễn thuận cho Nặc Tôn (Ang Ton II) con của Nặc Nhuận lên làm vua.

Nặc Tôn tặng chúa Nguyễn lãnh thổ Tầm Phong Long (Meat Chruk hay Mật Luật, nay là Châu Đốc và Sa Đéc) để tạ ơn. Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp : Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc. Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Chúa Nguyễn sát nhập tất cả vùng đất mới vào trấn Hà Tiên rồi giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Chúa Nguyễn quy các lãnh thổ miền Tây thành ba đạo : Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang), chuyển Long Hồ dinh về đất Tầm Bào (Vĩnh Long) thuộc Châu Đốc đạo. Đất Tầm Bào trước kia gồm có một phần bờ biển của Chân Lạp do Nặc Tôn tặng. Công cuộc bình định đất đai miền Nam xem như hoàn tất.

Hà Tiên : vùng đất của tranh chấp

[Năm 1767, quân Miến tiến chiếm Xiêm La bắt được vua Xiêm là Phong vương (Boromoraja V) và con là Chiêu Đốc, thiêu hủy thành Ayuthia, nhưng sau đó phải rút về vì Miến Điện bị Trung Hoa tấn công. Hai người con của Phong vương là Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Chân Lạp và Chiêu Thúy sang Hà Tiên lánh nạn. Trong thời gian này Xiêm La không có vua].

Trình Quốc Anh, một người Hoa gốc Triều Châu, giữ chức Phi Nhã (xã trưởng) đất Mang Tát thuộc Xiêm La, khởi binh chống lại quân Miến rồi tự xưng vương năm 1768. Trình Quốc Anh tổ chức lại binh mã, chiêu mộ rất nhiều hải tặc gốc Hoa đang hoạt động trong Vịnh Thái Lan để tăng cường lực lượng. Trình Quốc Anh muốn triệt hạ uy lực của gia đình Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên vì đó là một đe dọa và là địch thủ lợi hại cho uy quyền của ông trong Vịnh Thái Lan. Sự giàu có của Hà Tiên cũng khơi động lòng tham của rất nhiều tướng cướp trong vùng, ai cũng muốn đánh cướp vùng đất này nhưng tất cả đều sợ Mạc Thiên Tứ. Khi Trình Quốc Anh kêu gọi hợp tác, các nhóm hải tặc liền hùa theo binh lực Xiêm La tấn công Hà Tiên để cướp của.

Năm 1768 lấy cớ truy lùng một hoàng tử Xiêm, Trình Quốc Anh mang quân tiến chiếm Hòn Đất, bắt giam và tra tấn nhiều giáo sĩ công giáo để tìm nơi trú ẩn của Chiêu Thúy, đồng thời sai tướng Chất Tri (Chakri) mang quân bảo hộ Chân Lạp và đưa Nặc Ông Nộn (Ang Non III) lên làm vua. Nặc Tôn chạy về Gia Định lánh nạn. Quân của Trình Quốc Anh đã ở lại Hòn Đất ba tháng để truy lùng vị hoàng tử Xiêm lưu vong nhưng không tìm ra. Trước khi rút về nước, Trình Quốc Anh cho thành lập trên đảo một căn cứ hải quân và để lại một toán cướp biển nghe ngóng tình hình, tìm cơ hội đánh chiếm Phú Quốc và Hà Tiên.

[Năm 1765 giáo sĩ Bá Đa Lộc (Béhaine de Pigneau) đã thành lập tại Hòn Đất một chủng viện nhỏ với khoảng 40 giáo dân Việt, Xiêm và Hoa sống trong mấy ngôi nhà bằng tre. Năm 1767, Bá Đa Lộc cho vị hoàng tử Xiêm trú ẩn trong chủng viện].

Năm 1769, quân Khmer dưới sự chỉ đạo của một cướp biển người Triều Châu tên Trần Liên đổ bộ lên Hòn Đất. Trần Liên đánh cướp trụ sở truyền đạo, sát hại nhiều giáo sinh và giáo dân. Bá Đa Lộc cùng một vài giáo sinh thoát được chạy sang Malacca (Indonesia), rồi về Pondichéry (Ấn Độ) lánh nạn. Hoàng tử Chiêu Thúy được người đưa vào Hà Tiên xin Mạc Thiên Tứ che chở. Quân của Trần Liên, kết hợp với hai gia nhân của Mạc Thiên Tứ (Mạc Sung và Mạc Khoán), tiến đánh Hà Tiên. Hai gia nhân làm phản và một số lớn cướp biển Khmer bị Thiên Tứ giết chết, Trần Liên thoát được chạy sang Xiêm La tị nạn. Lợi dụng cơ hội này Mạc Thiên Tứ chuẩn bị đưa hoàng tử Chiêu Thúy về Xiêm La đoạt lại ngôi báu. Ông cho luyện tập binh mã rồi mang quân ra chiếm lại Hòn Đất (1770) và chuẩn bị tiến công Xiêm La.

Công việc đang tiến hành thì vào đầu năm 1771, một cận thần của Mạc Thiên Tứ tên Phạm Lam nổi lên làm phản. Phạm Lam kết hợp với hai cướp biển Trần Thái (Vinhly Malu, người Mã Lai) và Hoắc Nhiên (Hoc Nha Ku, người Khmer) lập đảng gồm 800 người và 15 tàu thuyền tiến vào Hà Tiên nhưng bị Mạc Thiên Tứ đánh bại.

Giữa năm 1771, nhận thấy những đám cướp biển không đánh lại Mạc Thiên Tứ, Trình Quốc Anh đích thân mang đại binh gồm 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên với sự chỉ điểm của Trần Liên. Trình Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.

Năm 1772, chúa Nguyễn mang 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền sang Chân Lạp đánh quân Xiêm và đưa Nặc Ông Tôn lên ngôi. Trình Quốc Anh làm áp lực tại Hà Tiên buộc quân Việt phải dừng chân tại Nam Vang không được tiến xa hơn. Sau cùng hai bên đi đến một thỏa thuận để quân Xiêm rút khỏi Hà Tiên : chúa Nguyễn rút quân khỏi Chân Lạp và chấp nhận để Nặc Ông Nôn (Ang Non III), người được vua Xiêm chỉ định, lên ngôi vua. Năm sau (1773) Trình Quốc Anh rút quân khỏi Hà Tiên, Phú Quốc và Hòn Đất, trả lại người con gái bị bắt làm tù binh cho Mạc Thiên Tứ, nhưng buộc phải giao hoàng tử Chiêu Thúy cho quân Xiêm. Chiêu Thúy bị Trình Quốc Anh mang về Bangkok hành quyết.

Hà Tiên sống lại thời yên bình. Năm 1774, Bá Đa Lộc trở về Hòn Đất thành lập họ đạo, năm sau ông được Mặc Thiên Tứ tiếp đãi trọng hậu và cho phép đi giảng đạo khắp Hà Tiên.

Hà Tiên : Nguyễn Ánh khởi nghiệp vương

Năm 1777 quân Tây Sơn tiến chiếm Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh (hay Nguyễn Ánh), lúc đó còn là hoàng tử (15 tuổi), bị quân Tây Sơn truy lùng ráo riết, phải ẩn lánh trên đảo Phú Quốc, sau đó về lập chiến khu trong một khu rừng g)ân Hà Tiên. Quân Tây Sơn chiếm luôn Hà Tiên. Nguyễn Ánh sai Mạc Thiên Tứ sang Xiêm La cầu viện. Thiên Tứ cùng gia quyến dẫn theo một số binh sĩ đến Bangkok xin gặp vua Xiêm. Chẳng may vua Xiêm bị Tây Sơn tráo thư nghi Thiên Tứ lập mưu chiếm ngôi vua, tất cả đều bị bắt giam. Bị tra tấn dã man, Mặc Thiên Tứ cùng hai con, Mạc Tử Hoàng và Mạc Tử Thượng, tướng Tôn Thất Xuyên tự vẫn, 50 người trong đoàn tùy tùng đều bị xử trảm (tháng 4-1780). Một trong ba người con sống sót, tên Mặc Tử Sanh, được Nguyễn Ánh sau này phong chức lưu thủ cai quản Hà Tiên.

[Một người giao liên của Mạc Thiên Tứ tên Thân bị quân Tây Sơn bắt được. Quân Tây Sơn bèn giả làm một thư trả lời của Nguyễn Ánh sai Mặc Thiên Tứ chiếm kinh đô của Xiêm La. Thư này được dàn xếp để lọt vào tay một người Khmer thân Xiêm La tên Bổ Ông Keo. Ông Keo giao thư giả này lại cho Trình Quốc Anh. Vua Xiêm sai quân Xiêm giữa đêm tràn vào trại bắt tất cả đoàn tùy tùng của họ Mạc vào thành Bangkok giam giữ. Bị bắt giam trong một hoàn cảnh như vậy đối với họ Mạc là một điều sỉ nhục. Hơn nữa sứ mệnh cầu viện được giao phó không hoàn thành, Mạc Thiên Tứ cùng các tướng lãnh uống thuốc độc tự vẫn để tỏ lòng trung thành với Nguyễn Ánh và làm gương cho thuộc hạ. Tất cả binh sĩ tùy tùng và gia quyến bị vua Xiêm thảm sát. Một người Khmer phục dịch vua Xiêm tên Ỹ La Hom cất dấu được bảy người con và cháu trai của Mạc Thiên Tứ.]

Tại Hà Tiên, trong thời gian lánh nạn (1777-1780) Nguyễn Ánh có dịp tiếp xúc với giám mục Bá Đa Lộc (tháng 9, 10-1777) cùng với hai vị tướng gốc Hoa, Đỗ Thành Nhân và Châu Văn Tiếp (1780). Trong khi giám mục Bá Đa Lộc đang tìm cách giúp khôi phục lại ngôi báu, Nguyễn Ánh được Đỗ Thành Nhân giúp tổ chức lại lực lượng. Đỗ Thành Nhân tập hợp được hơn 3.000 quân sĩ gốc Hoa giỏi thủy chiến lấy tên binh đoàn Đông Sơn.

Năm 1780, Nguyễn Ánh được binh đoàn Đông Sơn giúp chiếm lại Gia Định rồi tự xưng vương. Uy danh của Đỗ Thành Nhân vang lừng khắp đất Gia Định, lấn át thành tích của vị vương trẻ tuổi. Điều này làm Nguyễn Ánh lo ngại và tìm cách sát hại. Năm 1781, Nguyễn Ánh kết Đỗ Thành Nhân tội kiêu binh rồi cho người ám hại. Binh đoàn Đông Sơn do tướng Đỗ Bảnh chỉ huy bất mãn bỏ Nguyễn Ánh gia nhập đạo binh Hòa Nghĩa do Võ Nhàn (người gốc Hoa, phó tướng của Đỗ Thành Nhân) lãnh đạo tại 18 thôn Vườn Trầu. Võ Nhàn cùng Đỗ Bảng mang quân về đất Ba Giồng (Gò Công) chống lại Nguyễn vương. Châu Văn Tiếp ở lại phò Nguyễn Ánh, thay Đỗ Thành Nhân điều khiển lực lượng thủy quân.

Hay tin Đỗ Thành Nhân bị ám hại, quân Tây Sơn liền tiến công thành Gia Định (1782-1783), Nguyễn Ánh thua phải chạy ra đảo Phú Quốc lánh nạn và nhờ Bá Đa Lộc mang hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu cứu. Trong khi chờ đợi, Nguyễn Ánh sai Châu Văn Tiếp sang Xiêm La cầu viện. Năm 1784, hai tướng Xiêm (Chiêu Tăng và Chiêu Sương) mang 20.000 quân và 300 chiến thuyền chia làm hai ngã tiến vào miền Nam nhưng bị chận tại Mân Thít, Châu Văn Tiếp bị tử trận. Ngày 25 và 28-1-1785, Nguyễn Huệ đánh tan đại quân Xiêm và Nguyễn Ánh tại Rạch Gầm và Xoài Mút (Mỹ Tho), Chiêu Tăng cùng Chiêu Sương và độ hai ngàn quân Xiêm sống sót phải chạy bộ về nước. Bị quân Tây Sơn truy lùng ráo riết, Nguyễn vương được tàn quan quân Việt-Hoa đưa về Trấn Giang, Kiến Giang ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt, rồi sang Bangkok lánh nạn.  

Tây Sơn và người Hoa

Năm 1771, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ở làng Tây Sơn nổi lên giết quan trấn thủ Trương Phúc Loan, chiếm thành Qui Nhơn. Khẩu hiệu của Tây Sơn “Đánh đổ Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương” rất được dân chúng nghèo khó tại miền Trung nghe theo.

Tại An Dương (Bình Định), Tây Sơn thu phục được nhiều người Hoa trong một đoàn Hát Bội tham gia phong trào, do ông bầu Nhưng Huy cùng kép hát Tứ Linh điều khiển. Hai người này rất tinh thông võ nghệ, giữ nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ và chỉ trong một thời gian ngắn những tân binh có thể xong pha trận mạc một cách hữu hiệu. Tại Quảng Nam, năm 1773, Nguyễn Huệ cũng thu phục được hai thương nhân Minh Hương : Tập Đình và Lý Tài. Tập Đình lãnh đạo binh đoàn Trung Nghĩa quân và Lý Tài chỉ huy Nghĩa Hòa, quân số có hơn 2.000 người. Tập Đình và Lý Tài giúp Tây Sơn đánh lại quân Trịnh lúc đó do Hoàng Ngũ Phúc cùng Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ chỉ huy. Sau nhiều cuộc đụng độ, Trung Nghĩa và Nghĩa Hòa quân bị tiêu diệt quá nửa phải lui về Bến Ván. Tây Sơn phải đưa Nguyễn Phúc Dương về Qui Nhơn, rồi An Thái (vùng cận sơn gần An Khê) lánh nạn. Cùng năm đó, tại Phú Yên, quân chúa Nguyễn do Tống Phúc Hiệp, một tướng Minh Hương, chỉ huy làm áp lực tại nam Qui Nhơn, tấn công Tây Sơn và giải cứu thái tử . Trước tình thế nguy khốn, bị kẹp giữa hai gọng kìm, Tây Sơn phải giảng hòa với quân Trịnh để rảnh tay đối phó với quân chúa Nguyễn.  Một gia đình người Hoa ở Laokay

 

Năm 1775, Tây Sơn dùng mưu lừa Tống Phúc Hiệp chiếm thành Phú Yên rồi mang quân đánh Nguyễn Phúc Thuần tại Câu Để. Nguyễn Phúc Dương chạy trốn về với Nguyễn Phúc Thuần và được phong làm Đông Cung thái tử. Mất Nguyễn Phúc Dương là mất danh nghĩa để hiệu triệu mọi người, Tây Sơn hứa thưởng công to nhất cho ai bắt đượcthái tử. Lý Tài bắt được Nguyễn Phúc Dương dẫn về Hội An, sau Nguyễn Nhạc gả con gái ruột, Thọ Hương cho Phúc Dương rồi đưa về Bồng Giang.

Thấy sự tráo trở của Tây Sơn (dùng chiêu bài Nguyễn Phúc Dương đánh lừa Tống Phúc Hiệp, không tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm chúa như đã hứa), tháng 3-1777, Lý Tài dẫn Nghĩa Hòa quân ra Bồng Giang giải cứu Đông Cung thái tử đưa vào Sài Côn (còn gọi là Tài Ngòn hay Đề Ngạn, ngày nay là Sài Gòn-Chợ Lớn) và tôn lên làm chúa, hiệu Tân Chính Vương. Hay tin đó, người Hoa cư ngụ tại Nông Nại Đại Phố kéo nhau về Sài Côn lập chợ. Chuyện mua bán tại Sài Côn lúc ban đầu rất vất vả vì chưa có chính quyền. Lý Tài chiêu mộ thêm binh sĩ gốc Hoa củng cố việc phòng thủ Gia Định chống lại Tây Sơn. Vào thời này uy quyền của chúa Nguyễn tại Gia Định sau những thất bại liên tiếp tại miền Trung giảm sút rất nhiều. Sài Côn rất loạn lạc, gian thương và trộm cướp hoành hành dữ dội, một số thương gia gốc Hoa được Lý Tài ủng hộ tự đứng ra tổ chức lại hệ thống mua bán sinh hoạt thương mại mới trở lại bình thường.

Sau khi dẹp yên quân Trịnh tại Quảng Nam, năm 1777, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tiến vào Gia Định. Lý Tài dàn quân chận bước Tây Sơn nhưng bị đánh bại tại cầu Tham Lương, phải lui về Mỹ Tho. Nguyễn Lữ chiếm được thương cảng lớn nhất tại cù lao Phố là Nông Nại Đại Phố (Biên Hòa),tịch thu và chở hết những vật liệu kiến trúc quí của người Hoa (gạch ngói tráng men, cột đá cẩm thạch, bàn ghế khảm xà cừ) về Qui Nhơn. Nguyễn Huệ truy đuổi Nguyễn Phúc Dương và Lý Tài đến Ba Vạc, rồi Long Xuyên. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần bị bắt tại Ba Thắc (gần Cà Mau) và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương bị bắt tại Ba Vạc (gần Mỏ Cày, Bến Tre). Lý Tài có lẽ đã tử trận vì không còn được nhắc tới. Cả hai chúa Nguyễn bị giải về Gia Định và bị hành quyết (cạnh chùa Kim Chương). Khi quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh được Đỗ Thành Nhân và Châu Văn Tiếp giúp chiếm lại Gia Định (1780).

Năm 1781, hay tin Đỗ Thành Nhân bị giết, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mang quân vào đánh Gia Định, Nguyễn Ánh thua phải bỏ chạy. Nhưng khi đến 18 thôn Vườn Trầu, quân Tây Sơn bị đạo binh Hòa Nghĩa, gồm toàn người Hoa do Võ Nhàn và Đỗ Bảng lãnh đạo (Võ Nhàn và Đỗ Bảng là hai phó tướng của Đỗ Thành Nhân, tuy bất mãn với Nguyễn Ánh nhưng không chấp nhận Tây Sơn), phục kích giết chết quan hộ giá Phạm Ngạn. Châu Văn Tiếp mang quân chiếm lại các thành Bình Thuận và Diên Khánh (1782).

Để trả thù, trong những năm 1783 và 1785, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tiến quân vào Gia Định, Mỹ Tho giết hại rất nhiều quan binh của chúa Nguyễn, đốt hết các chợ của người Hoa tại cù lao Phố, Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, đập phá tất cả cơ nghiệp, ghe thuyền, đình miếu, nhà ở của người Hoa nhằm triệt tiêu hậu cần kinh tế, sức mạnh ẩn tàng của Nguyễn Ánh. Hàng chục ngàn người Hoa bị giết, xác thả trôi trên Kinh Tàu Hủ. Hàng hóa, đồ đạc của người Hoa bị tung vải khắp đường lộ không ai dám nhặt về.

Trịnh Hoài Đức ghi lại trong quyển Gia Định thành thông chí (được sử gia Aubaret, người Pháp, dịch lại) :”năm 1783, quân Tây Sơn giết sạch toàn bộ cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa, từ già đến trẻ không tha một ai, số người Hoa bị giết có đến hàng chục ngàn người, xác ném xuống sông Đồng Nai đặc nghẹt làm nước gần như ngưng chảy và nhiều tháng sau dân Việt sống hai bên con sông này còn sợ không dám ăn tôm cá”.

Nhiều gia đình Hoa sống tại đồng bằng miền Nam chạy lánh nạn sang Chân Lạp rồi định cư luôn tại đây. Vì quá uất hận sự tàn ác của quân Tây Sơn, những gia đình Hoa này hợp với đám tàn quân của Hoàng Tiến trước kia thù hận luôn tất cả người Việt. Những di dân mới này hòa nhập ngay vào cuộc sống của cư dân địa phương và mang luôn bản thể Chân Lạp. Họ truyền bá những hành vi tàn ác của người Việt đối với người Hoa và người Khmer cho con cháu.

[Huyền thoại về sự dã man của quan quân Việt Nam còn được phổ biến cho đến ngày nay. Sự hận thù người Việt của người Khmer nảy sinh trong giai đoạn này. Người Khmer thời đó không thù người Việt vì mất đất đai mà vì những hành vi tàn bạo của các vua chúa Việt Nam đã gây ra cho dân tộc họ. Sự thù hận này được người Pháp làm tăng cường độ trong ý đồ chia để trị và sau này khi Trung Quốc muốn chiếm cảm tình của phe Khmer đỏ đã gợi lại vấn đề bị mất đất. Lon Nol, một người Miên gốc Hoa năm 1970, và Pol Pốt, Khmer đỏ được Trung Quốc đỡ đầu năm 1978, đã khích động dân chúng Khmer “cáp duồn”, giết người Việt, để khủng bố và đòi lại đất đai.]

Cũng nên biết thêm là người Hoa sinh sống tại miền Nam rất biết ơn và sẵn sàng bảo vệ các chúa Nguyễn mỗi khi nguy biến, khi quân Tây Sơn sát hại những người này ý muốn cảnh cáo người Hoa thôi ủng hộ Nguyễn Ánh. Chính vì những hành động trên mà Tây Sơn mất hẳn cảm tình của người Hoa sinh sống tại miền Nam. Khi Nguyễn Ánh trở về nước (năm 1787), những người Hoa còn sống sót đã bỏ hết tiền của, góp công góp sức xây dựng lại lực lượng cho Nguyễn vương khôi phục lại miền Nam.

[Năm 1788, Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc (lần thứ ba) đánh tan quân Mãn Thanh, trong đó có sự hợp tác của rất nhiều sắc tộc thiểu số, đặc biệt là các bộ lạc Thượng trên dãy Trường Sơn, binh đội Panduranga (Nam Chiêm Thành), người Minh Hương tại miền Trung, quân Thiên Địa Hội (cựu binh sĩ nhà Minh) dọc biên giới Hoa-Việt và một số cướp biển người Hoa đang tung hoành trong Vịnh Bắc Phần.]

Những bang hội đầu tiên

Năm 1787, Nguyễn Ánh trên đường từ Xiêm La trở về nước khi đi ngang qua đảo Cổ Cốt (Vịnh Thái Lan), một người Hoa nhà Thanh tên Hà Hỉ Văn cùng nhiều người trong Thiên Địa Hội theo giúp chiếm lại Hà Tiên và Long Xuyên. Năm 1788, Võ Tánh quên thù riêng (anh là Võ Nhàn bị Nguyễn Ánh sát hại năm 1782 vì tội phản loạn) xin theo Nguyễn Ánh. Võ Tánh tổ chức lại binh đoàn Hòa Nghĩa, sau đổi thành binh đoàn Kiến Hòa gồm 10.000 người, chia thành 5 đạo chiếm giữ cả vùng Gò Công. Võ Tánh cùng Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định bắt sống tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham (1789), cùng với Lê Văn Câu đánh bại một tướng Tây Sơn khác, Đào Văn Hổ, tại Diên Khánh (1790), cùng Nguyễn Ánh chiếm thành Qui nhơn (1793), đánh bại Nguyễn Văn Ngụ tại cửa Đại Chiêm (Quảng Nam, 1797). Nói chung tất cả người Hoa tại miền Nam đều ủng hộ Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn khôi phục lại miền Nam.

Để tỏ lòng biết ơn những người Hoa đã vì nghĩa giúp mình, Nguyễn Ánh phong tước vị cao trong triều đình cho những vị tướng gốc Hoa đã theo ông khôi phục lại giang san. Huyền thoại về các Gia Định tam hùng, Gia Định tam thi được truyền tụng trong khắp chốn giang hồ (xem phụ lục 2). Nhiều nhân tài gốc Hoa sau khi đỗ đạt những khoa thi của triều Nguyễn đã ra giúp nước. Một nhân sĩ gốc Hoa, ông Võ Trường Toản, đã đào tạo được nhiều nhân tài ra giúp nhà Nguyễn như các ông Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng v.v… Cũng nên biết thêm là trong giai đoạn này, chữ viết chính thức vẫn là chữ Hán. Muốn viết thông thạo chữ Nôm phải thông thạo chữ Hán. Nhiều công dân gốc Hoa đỗ đạt và giữ những địa vị cao nhất trong triều đình, khi chuyển qua học chữ Nôm họ cũng dễ thành công hơn những người Việt.

Để tỏ lòng biết ơn quần chúng gốc Hoa, năm 1787, Nguyễn Ánh cho thành lập bốn bang ngữ phương lớn gốc Hoa tại miền Nam gồm các bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nàm để điều hành các vấn đề nội bộ. Có thể nói đây là lần đầu tiên người Hoa hải ngoại được phép thành lập những tổ chức quản trị độc lập với nền hành chánh của chính quyền địa phương.

Bốn bang này được hưởng nhiều đặc quyền trong sinh hoạt : thủ tục hành chánh giản dị, việc kiểm soát cư trú được bãi miễn, thuế khóa nhẹ nhàng… Những bang này được tự trị trong khu vực địa lý của mình. Từ đó sự trung thành của người Hoa với Nguyễn Ánh ngày càng thắt chặt và họ sẵn sàng tiếp ứng mỗi khi được gọi. Người Hoa là lực lượng quân sự chính trong việc đánh bại Tây Sơn sau này.

Sau khi thống nhất được giang sơn (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Gia Long. Để nâng đỡ người Hoa, Gia Long cải tổ lại các bang hội người Hoa và cho thành lập bảy bang theo lời yêu cầu của nhiều người gốc Hoa có công khác, đó là các bang : Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nàm. Bang chúng trong những bang này hưởng đầy đủ quyền lợi như người Việt.

F. Sau thời Gia Long

Trong suốt những thế kỷ 18 và 19, Minh Hương là người có lai lịch ngoại quốc được hưởng nhiều đặc quyền nhất tại Việt Nam : miễn lao dịch và miễn thuế thân. Người Minh Hương chỉ đóng thuế doanh nghiệp và có quyền gia nhập các binh đoàn gốc Hoa do những tướng Minh Hương chỉ huy hay phụ lực với các chính quyền địa phương.

Khi vua Gia Long vừa mất (1820), người Hoa miền Namliền tỏ ra thần phục tả quân Lê Văn Duyệt, một lão tướng thời Nguyễn Ánh tổng trấn Gia Định thành, thay vì vua Minh Mạng. Điều này không làm Minh Mạng hài lòng, ông muốn người Hoa thần phục mình như thần phục vua cha (Gia Long) nhưng không được toại nguyện. Năm 1824, Minh Mạng buộc tất cả người Hoa di cư phải đóng thuế thân kể cả người Minh Hương nhưng Lê Văn Duyệt phản đối, chương trình phải tạm ngưng. Tổng trấn Gia Định thành tiếp tục duy trì chính sách tự trị của người Hoa như dưới thời Gia Long.

Tả quân Lê Văn Duyệt mất năm 1832, Minh Mạng liền thi hành chính sách cai trị tập trung cứng rắn tại Gia Định : thu hồi quyền tự trị của các đại bang người Hoa. Điều này gây bất mãn trong cộng đồng người Hoa và nhiều người ra mặt bất tuân phục. Thừa dịp này quân Xiêm La chia làm bốn đạo tiến đánh Việt Nam. Nhờ hai tướng Trương Minh Giảng (người Minh Hương) và Nguyễn Xuân đứng ra chống trả, quân Xiêm bị đẩy lui về biên giới. Trương Minh Giảng đứng ra bảo hộ luôn đất Chân Lạp, xin lập công chúa Ang Mey (Ngọc Vân công chúa) lên làm quận chúa và đổi tên Chân Lạp thành Trấn Tây thành. Trương Minh Giảng áp dụng chính sách cai trị cứng rắn tại Chân Lạp, nhất là đối với những người Khmer bất phục tùng. Những hành vi tàn bạo của binh sĩ dưới trướng Trương Minh Giảng càng làm cho người Khmer thù hận thêm người Việt.

Loạn Lê Văn Khôi

Năm 1833 Lê Văn Khôi nổi lên chống lại vua Minh Mạng chiếm thành Phiên An (Gia Định) và 6 tỉnh miền Nam. Rất nhiều người Hoa đã theo giúp sức. Đội hải thuyền của Lê Văn Khôi gồm 3.000 thủy binh người Quảng Đông phụ trách việc phòng thủ trên các sông rạch quanh Gia Định. Minh Mạng cho quân công phá liên tục thành Phiên An trong nhiều tháng trời nhưng không thành công. Cuối năm 1833 Lê Văn Khôi bị bệnh chết, tàn quân được người Hoa tiếp tế quân lương rút vào thành Phiên An tử thủ trong gần hai năm. Tháng 7-1835 thành Phiên An bị chiếm, 1.831 người thủ thành đều bị chém đầu và chôn chung trong một hố gọi là Mả Ngụy. Số người Hoa bị bắt tại chỗ hơn 800 người, trong số đó có một người Hoa tên Bốn Bang trước khi bị giết có soạn một truyện dài bằng thơ lục bát, gồm 308 câu kể lại cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi và người gốc Hoa, được gọi là Bốn Bang thư. Sáu người lãnh đạo bị đem về Huế xử trảm (lăng trì), trong đó có hai thủ lãnh gốc Hoa tên Mạch Tấn Giai (người Tiều), Lưu Hằng Tín (người Quảng), một giáo sĩ Pháp tên Marchand (Cố Du), một người con của Lê Văn Khôi (7 tuổi).

[Bốn Bang không phải là tên của một người mà là bốn bang lớn của người Hoa, đại diện cho tất cả người Hoa tại miền Nam, tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi.]

Từ đó người Hoa không còn được ưu đãi như trước. Năm 1834 Minh Mạng chia người Hoa ra làm hai nhóm để đánh thuế thân. Nhóm thứ nhất, người Minh Hương, đã định cư, lấy vợ Việt Nam và sinh con đẻ cái, đã giúp đỡ các chúa Nguyễn làm phát triển đất nước đóng thuế thân rất nhẹ, nhưng vẫn cao hơn người Việt đôi chút. Nhóm thứ hai, những người Hoa nhà Thanh sống dọc các bờ biển Trung Hoa (Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nàm), đa số là thương nhân, nông dân nghèo di cư sang Việt Nam, vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa, phải đóng sưu cao thuế nặng, bị kiểm soát gắt gao và chỉ được cư trú tại một số nơi nhất định. Những người này không được quyền tiếp xúc với người Minh Hương.

Năm 1841, những khu vực tự trị của người Hoa di cư và người Khmer ở miền Đông (Biên Hòa, Đồng Nai…) và miền Tây (Hà Tiên, Bạc Liêu, Sa Đéc…) dần dần bị hủy bỏ. Vì ganh tị với sự giàu có của một số gia tộc, quan quân nhà Nguyễn có nhiều hành vi hà khắc trong việc quản trị các cộng đồng này. Tại Chân Lạp, quân Xiêm xúi giục người Khmer, Việt và Hoa tại Chân Lạp nổi lên chống lại nhà Nguyễn. Trương Minh Giảng, không giữ nổi an ninh tại Trấn Tây thành, bị triệu về trấn giữ đất An Giang. Năm 1842 Trương Minh Giảng mất, nhiều cuộc nổi dậy của người Hoa (gọi chung là giặc Lâm Sâm) và người Khmer chống lại triều Nguyễn bùng lên tại khắp nơi : Kiên Giang (khởi nghĩa Hà êm, Hà Dương gần kinh Vĩnh Tế), Hậu Giang (khởi Nghĩa Ba Xuyên, Trà Tâm), Cửu Long (khởi nghĩa Lạc Hóa). Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tiến Lâm phải chật vật lắm mới dẹp yên những cuộc nổi loạn này.

Chính sách hòa giải

Năm 1842, để trấn an dân chúng gốc Hoa, nhà Nguyễn ra lệnh cho quan quân phải tôn trọng những truyền thống sinh hoạt cổ truyền của người Hoa và gần như mặc nhiên công nhận hệ thống hành chánh trung gian (bang hội) là gạch nối liền giữa triều đình và cộng đồng người Hoa. Nhưng người gốc Hoa không còn hăng say giúp đỡ nhà Nguyễn như trước mà chỉ chuyên chú vào việc làm thương mại và canh tác nông nghiệp.

Vua Thiệu Trị cho người Minh Hương thành lập những “nhóm Minh Hương” tại những nơi có từ năm hậu duệ của người gốc Hoa trở lên. Những người này chỉ cần chứng minh nguồn gốc Minh Hương của mình bằng cách để tóc dài giắt bính sau ót, không cạo trán là đủ. Năm 1843, một đạo dụ khác cấm người Minh Hương không được tham gia việc bầu bán trong các khu vực người Hoa di cư và cấm trở về Trung Hoa vì sợ không trung thành với nhà Nguyễn.

 

II. Thực dân Pháp đến Việt Nam

Cuối năm 1872, một lái buôn Pháp, Jean Dupuis, muốn dùng sông Hồng chở hàng (súng đạn) sang Vân Nam buôn bán, cậy hai thương gia Hoa kiều, Bành Lợi Ký và Quan Tá Đình tại phố Hàng Buồm Hà Nội, giả buôn gạo và muối để vận chuyển hàng của y lên Vân Nam nhưng âm mưu này bị phát giác. Hai thương gia Hoa kiều này bị bắt. Sự kiện bị triều đình Việt Nam cản trở Jean Dupuis buôn bán là một cớ để Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873). Cũng nên biết thêm là tại Bắc kỳ, người Hoa gần như độc quyền buôn bán lúa gạo, chuyên chở và phân phối hàng hóa từ đồng bằng lên thượng du.

Khi Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1859 – 1862) : Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho và đảo Côn Lôn, sự chống đối của quân đội Việt Nam rất là mãnh liệt. Việc phòng chống miền Đông đa số do đội quân ngũ Quảng và Minh Hương đảm trách. Nhưng khi Pháp tiến chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, sức kháng cự rất là yếu ớt, chỉ trong bốn ngày (từ 20 đến 24-6-1867) tất cả đều thất thủ. Quan Kinh lược sứ Phan Thanh Giản (một người Minh hương) phải đầu hàng và tự tử sau đó.

Miền Tây (Hà Tiên, Châu Đốc và Vĩnh Long) lúc đó rất đông cư dân Khmer, di dân Trung Hoa, một số gia đình người Chăm cư ngụ, những người này không được quyền trang bị vũ khí do đó sức đề kháng không cao. Binh lực của triều đình được trang bị bằng những vũ khí thô sơ, mất tinh thần chiến đấu đã không chống cự nổi sự tấn công của một vài chục tay súng thiện chiến người Pháp. Đối với người Hoa, Pháp hay Việt Nam cai trị vùng đất này, số phận của họ không nhờ đó mà khá hơn. Những hành vi đối xử khắt khe của các vua quan Việt Nam sau thời Gia Long khiến cộng đồng người Hoa trở nên thụ động và nghi kyï bất cứ một sự tiến gần nào. Sự tham gia về chính trị của cộng đồng này cũng vì đó giảm đi phần tích cực. Ưu tư lớn nhất của họ là được tồn tại và được yên ổn sinh sống với nền văn hóa và đồng hương trong cộng đồng của họ.

Những dư đảng người Hoa dọc biên giới

Tại miền Bắc, dưới thời Tự Đức nhiều băng cướp người Hoa nổi lên cướp phá các làng xã giáp ranh Việt-Hoa. Năm 1851 có giặc Tam Đường gồm ba tướng cướp Quảng Nghĩa Đường, Lục Thắng Đường và Đức Thắng Đường nổi lên ở Thái Nguyên. Năm 1861 Tạ Văn Phụng kết hợp với quân cướp và các tù trưởng sắc tộc gốc Hoa nổi lên ở Quảng Yên. Ngoài ra còn có giặc Nông ở Thái Nguyên, Lý Hợp Thắng ở Cao Bằng, Lý Dương Tài ở Lạng Sơn v.v… gây nhiều thiệt hại cho dân chúng Việt Nam.

Năm 1858, Ngô Côn là một viên tướng của Thái Bình Thiên Quốc (do Hồng Tú Toàn lãnh đạo chống lại triều đình Mãn Thanh nhưng thất bại) chạy sang Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh tìm nơi trú ẩn. Ngô Côn kết nạp dưới trướng nhiều toán cướp như Lưu Vĩnh Phúc (Cờ Đen), Hoàng Sùng Anh (Cờ Vàng), Bàn Văn Nhị (Cờ Trắng). Triều đình Việt Nam đã nhiều lần xuất binh lên đánh nhưng không sao dẹp được, sau cùng vì quá túng quẩn nhà Nguyễn đã phải liên minh với những giặc khách này đánh lại quân Pháp.

Quân Cờ Đen (của Lưu Vĩnh Phúc) phục kích và giết được Francis Garnier (1873) tại Cầu Giấy và Henri Rivière (1883) ở phủ Hoài Đức, gần thành Hà Nội. Về sau các toán cướp này hợp với quân đội Mãn Thanh đánh phá Lạng Sơn và vùng biên giới sau Hiệp ước Patenôtre 1884. Để trả đủa, Pháp cho quân đổ bộ lên bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông và bao vây đảo Đài Loan. Sự thù nghịch này chỉ chấm dứt sau khi Pháp chịu ký Hiệp ước Thiên Tân ngày 9-6-1885 với Lý Hồng Chương (một vị tướng nhà Mãn Thanh) thỏa thuận việc giao thương giữa hai nước. Quân Thanh chịu rút về biên giới và thôi ủng hộ những phiến quân tiến công vào các đồn lũy của Pháp. Pháp trả lại Trung Hoa những vùng đất đã chiếm, giải vây đảo Đài Loan và cũng thôi đòi bồi thường việc quân Trung Hoa đánh phá Lạng Sơn, thêm vào đó họ còn cho người Hoa sinh sống tại Việt Nam qui chế tự trị rộng rãi. Biên giới Hoa-Việt cũng được phân định rõ ràng bằng những trụ mốc.

Phong trào di dân từ lục địa Trung Hoa

Tại miền Bắc, không có tài liệu nào ghi nhận sự di cư của người Hoa bằng đường bộ qua các ngỏ biên giới. Chỉ một số dân cư các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây lưu tán vào các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Bắc mỗi khi nội địa Hoa lục có biến động về chính trị hay quân sự. Vùng biên giới thường do các băng đảng người Hoa, tàn dư của đảng Thái Bình Thiên Quốc, nắm giữ. Sự qua lại vùng biên giới phải sự kiểm soát của những băng này nên chỉ dân buôn lậu, nhừng tay giang hồ tứ chiến muốn đầu quân vào các băng cướp mới đến đây lập nghiệp.

Phần lớn di dân người Hoa đi thuyền từ Quảng Đông, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam vào các khu vực hầm mỏ tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái lập nghiệp. Họ sống tập trung quanh đảo Cát Bà, cảng Hải Phòng và khu trung tâm thương mại của Hà Nội. Năm 1874, Hải Phòng trở thành một cảng thương mại lớn do người Hoa chủ động phát triển. Sinh hoạt chính của người Hoa miền Bắc là canh tác nông nghiệp, khai thác hầm mỏ, tiểu thủ công nghiệp, bốc thuốc Bắc và buôn bán, họ còn đảm nhận việc chuyên chở hàng hóa hai chiều từ đồng bằng sông Hồng lên miền Thượng du và xuất nhập khẩu.

Miền đất hấp dẫn di dân Trung Hoa đến lập nghiệp vẫn là miền Nam. Họ đến miền Nam vì tiếng đồn thành công của những nhóm di dân gốc Hoa đã có mặt từ trước. Thành phần di dân mới này đa số là người Hoa quê quán ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nàm và Hẹ (còn gọi là Hạ Phương, Thượng Phương hay Hạ Châu).

Năm 1841, một Đại Bang gồm bảy bang (Quảng Châu, Phúc Châu, Phúc kiến,Triều Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nàm) của người Hoa trước kia được thành lập tại Sài Gòn lấy tên Hoa Phủ Công Sứ. Đại Bang này chỉ toàn người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hải Nàm, không có người Minh Hương, có nhiệm vụ ấn định giá gạo và giải quyết những tranh chấp nội bộ giữa người Hoa di cư với nhau. Người Hoa di cư sau này cũng phải gia nhập vào một trong bảy bang này để đượccấp thẻ cư trú.

Người Minh Hương không còn được đồng hương chấp nhận là người Hoa. Những người Hoa từng theo Mạc Thiên Tứ trước kia, vì điều kiện an ninh và kinh tế dời dần về miền Đông và Sài Gòn-Chợ Lớn sinh sống, cũng phải gia nhập vào một trong bảy bang của Hoa Phủ Công Sứ.

Phân công trong sinh hoạt

Do không có cơ quan đặc trách kiểm tra dân số và chính sách quốc tịch rõ ràng, dân số Minh Hương và Hoa kiều dưới thời nhà Nguyễn không có số liệu rõ ràng. Người Hoa sinh sống ở miền Bắc càng thiếu số liệu hơn nữa . Năm 1879, dân số gốc Hoa (không kể người Minh Hương) tại miền Nam khoảng 44.000 người. Nhưng người ta cũng có thể tạm kết luận rằng dân số gốc Hoa miền Bắc ít hơn miền Nam. Người Hoa tập trung đông nhất tại Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại các tỉnh miền Đông (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) và miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Tại miền Nam, do chịu khó và khống chế được những điều kiện ngặt nghèo của thiên nhiên, cộng đồng gốc Hoa có đời sống tương đối khá giả hơn những cộng đồng khác và đã tăng trưởng rất nhanh. Nhân khẩu trong mỗi gia đình trung bình từ 5 đến 7 người.

Những gia đình người Minh Hương quyền quí cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, đã đỗ đạt và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng quan trọng nơi chốn triều đình và trong các thị tứ. Nhiều gia đình gốc Hoa khác tiếp tục hội nhập vào cuộc sống và nắm giữ nhiều khâu then chốt trong việc buôn bán.

Tại những nơi đông cư dân gốc Hoa cư ngụ, tùy theo ngữ phương gốc, người Hoa thành lập đình, miếu, chùa chiền của riêng họ. Sinh hoạt của người Hoa được phổ biến một cách tự nhiên sang những cộng đồng dân tộc địa phương như người Khmer, Việt Nam, và đã trở thành nếp sống, phong tục tập quán chung.

Tại thôn quê dân chúng các cộng động chủng tộc này sinh hoạt với nhau rất hài hòa. Những biến động về chủng tộc, nếu có, chỉ xảy ra tại nơi đô thị. Do đất đai còn rộng lớn, không dân tộc nào tranh chấp với dân tộc nào về ruộng đất. Tuy nhiên vấn đề ganh tị không thể không tránh khỏi, người Việt và Khmer vì không quen với lối sống cần kiệm và đùm bọc kiểu bang hội, không quen buôn bán đã không thành công bằng người Hoa về sự sung túc.

Sự phân công nghề nghiệp tự nhiên của người Hoa cũng bắt đầu rõ ràng trong giai đoạn này. Tại miền Bắc, người Quảng Đông và Triều Châu chuyên môn về dịch vụ mua bán và phân phối hàng hóa. Người Hải Nam và người Quảng Đông nghèo khó hơn làm nghề khai thác mỏ và bốc vác tại các bến cảng, người Hẹ và Triều Châu chuyên về các nghề trồng lúa nước, rau xanh, cây ăn trái và chữa bệnh. Người Hải Nàm cũng rất thiện nghệ trong nghề đánh cá và đóng thuyền gỗ trong vịnh Bắc Phần. Tại miền Nam, người Triều Châu chuyên chú vào nghề nông, vận chuyển, thủ công và tiểu thương, người Quảng Đông chuyên ngành về các nghề tiểu thương, sản xuất tiểu thủ công và dịch vụ ăn uống, người Phúc Kiến tập trung vào các dịch vụ tài chánh, nghề kim khí (sắt), người Hẹ buôn bán thuốc bắc và chữa bệnh. Tuy nhiên có nơi người Quảng Đông và Triều Châu kiêm nhiệm luôn cả việc sản xuất hàng công nghiệp nhẹ và cung cấp dịch vụ tài chánh, nhưng vì bị hạn chế về kinh nghiệm, cả hai nhóm ngữ phương này vẫn thua kém người Phúc Kiến về kinh nghiệm trong các hoạt động tài chánh, buôn bán và sản xuất đồ dùng bằng kim khí.

Sự phân công và vai trò của mỗi cộng trong sinh hoạt kinh tế tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi, lúc thì người Quảng Đông, lúc thì người Triều Châu làm chủ các thị trường. Vai trò của cộng đồng người Hải Nàm, Phúc Kiến, Hạ Phương cũng biến động tùy theo thị trường. Tuy nhiên, do có dân số đông nhất cộng đồng người Quảng Đông chiếm đa số trong các sinh hoạt kinh tế của người Hoa tại Việt Nam. Tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ được người Hoa định cư tại Việt Nam nói nhiều nhất. Người Hoa giàu có được mọi người xưng tụng là Tầu khậu hay đại gia. Thương nhân Sơn Đầu (một tỉnh ven duyên tại Trung Hoa) chuyên chở đặc sản vào bán cho người Hoa tại Việt Nam như gạch tráng men, cam Quảng, cam Tiều, hồng khô, cam quít kiểng, lụa Bắc Thảo v.v…

Riêng tại Sài Gòn, người Hoa đã thành lập nhiều khu thương mại nổi tiếng, còn lưu danh cho đến ngày nay: Rạch Lò Gốm nổi tiếng với các lò gạch Quảng Di Thành, Tín Di Hưng, Hiệp Hưng chuyên sản xuất gạch ngói, chén bát, lu chậu đôn bằng sành và Rạch Chợ Lớn với các lò siêu, lò lu, lò gốm v.v… Ngoài ra còn có các xóm chuyên về một nghề như xóm Than chuyên bán than, xóm Củi, xóm Dầu (dầu phọng) nổi tiếng với lò dầu Phụng Di Thôn, xóm Giá (đãi giá từ hột đậu xanh), xóm Lò Bún (xây gạo và làm bún), xóm Rẫy Cải của người Triều Châu (chuyên trồng củ cải trắng), xóm -U Ghe chuyên đóng ghe thuyền đi sông, xóm Chỉ chuyên bán kim chỉ và vải sợi, xóm Te và xóm Rớ chuyên đánh bắt cá bằng giủi và rớ, xóm Cốm bán cốm bắp và cốm chùi, xóm Cầu Đường chuyên bán các loại đường phèn, đường thẻ và đường phổi, xóm Lá chuyên sản xuất tre lá để lợp nhà, xóm Lò Rèn tại Tân Kiểng nổi tiếng với đội quân Mậu Tài rất khéo tay và thiện nghệ, xóm Câu chuyên tổ chức đánh bạc, xóm Cây Gui chuyên sản xuất rượu.

Kinh Tàu Hủ (hay Kinh Chợ Lớn) được khởi đào năm 1819, là đường thủy vận nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn với các sông ngòi tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây người Hoa vận chuyển hàng nhập cảng hay nội địa về bán cho cư dân Lục Tỉnh, sau đó mua lúa gạo, gia cầm và nông phẩm khác về bán lại. Hai bên bờ kinh sinh hoạt của người Hoa rất tấp nập, quân Tây Sơn vào chiếm Gia Định năm 1782 đã sát hại người Hoa và thả xác trôi nghẹt con kinh này. Rạch Chợ Lớn nối liền rạch Cát với rạch Bến Nghé được đào năm 1772.

Người Hoa tại Sài Gòn được nhà Nguyễn cho thành lập một đội hải thuyền tuần tiểu trên khắp các nhánh sông Sài Gòn và vùng ven biển có tên là Tuần Hải đô dinh. Thủy thủ đoàn Tuần Hải, đa số là quân Thiên Địa Hội cũ quy thuận chúa Nguyễn, bản tánh rất hung dữ, dân chúng thời đó rất sợ oai của đám thủy thủ áo đen này và gọi họ là quân Tàu Ô vì tàu thuyền của họ thường trương buồm đen. Đội hải thuyền này lập căn cứ tại Thủ Thiêm mang tên xóm Tàu Ô. Xóm Tàu Ô còn có nhiệm vụ tu sửa những tàu thuyền của triều đình ghé bến Sài Gòn.

 
III. Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1954-1975)

A. Hai nước anh em

Sau ngày 20-7-1954, quan hệ giữa hai chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc trở nên thắm thiết. Nhiều danh từ hoa mỹ được đưa ra để ca tụng “quan hệ xã hội chủ nghĩa anh em” , “sông liền sông núi liền núi”, “môi hở răng lạnh” v.v… (xem Phụ lục 3).

Hồng quân Trung Quốc, sau 1950, đã đưa người và vũ khí giúp phong trào Việt Minh tại chiến khu Việt Bắc, giúp đánh thắng trận Điện Biên Phủ. Tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông được Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam bắt chước áp dụng một cách triệt để như “lấy nông thôn bao vây thành thị”,” đấu tố”, “cải cách ruộng đất”, “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”, “dân công tập thể” v.v…

Về quân sự, Trung Quốc viện trợ 85% vũ khí, đạn dược, phi đạn, đại pháo, chiến đấu cơ, chiến xa, quân xa, quân trang và các phương tiện chiến tranh khác (trừ hỏa tiễn phòng không Sam và máy truyền tin cao cấp) cho Hà Nội để bảo vệ miền Bắc và thực hiện tham vọng giải phóng miền Nam. Cố vấn quân sự Trung Quốc có mặt tại các trung tâm huấn luyện đặc công và địch vận. Nhiều kháng chiến quân gốc Hoa ra Bắc tập kết sau năm 1954, được tái phối trí công tác vào Nam hoạt động Hoa vận trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Chế độ cộng sản miền Bắc dành ưu đãi cho Trung Quốc trong một số lãnh vực. Thương mại được miễn tô tại các hải cảng khi chuyển hàng hóa sang Việt Nam (có một thời tại miền Bắc hàng hóa của Trung Quốc là hàng ngoại được ưa chuộng nhất của dân chúng miền Bắc như xe đạp, vải, thức ăn khô, dép râu, bút máy, bình thủy, thuốc lá…). Văn hóa phẩm được du nhập vào Việt Nam không hạn chế, nhiều bài hát được dịch và phổ biến rộng rãi trong quần chúng. êm điệu và âm nhạc miền Bắc trong thời kỳ này chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc vì có tính cộng đồng, dễ áp dụng trong đám đông và hun đúc tinh thần cách mạng, gương hy sinh trong các cuộc tập kích quân sự. Nhiều đoàn văn công, văn nghệ được cử sang Trung Quốc tu nghiệp.

Nhưng sự e dè Trung Quốc vẫn có. Về địa lý Trung Quốc ở quá gần, lực lượng quân sự quá mạnh nên không thể để một sơ suất nào khiến Bắc Kinh có thể vin cớ bảo vệ hay giúp đỡ mà can thiệp vào nội tình chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam. Chính quyền Hà Nội thời đó rất khôn ngoan trong việc bang giao hay nhận viện trợ, thêm vào đó Trung Quốc cũng không muốn dính líu quân sự trực tiếp với Việt Nam vì e ngại một cuộc chiến Triều Tiên khác (năm 1953, Hồng quân Trung Quốc bị quân đội Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ đáng bại phải lùi về Bắc Hàn), do đó không có hồng quân Trung Quốc chiến đấu bên cạnh bộ đội Việt Nam. Trong những năm tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam, Hà Nội đã nhận viện trợ cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, nhưng không để Trung Quốc chi phối những quyết định có tính chính trị và quân sự. Chỉ trừ trường hợp năm 1956 thủ tướng Phạm Văn Đồng không có ý kiến về nội dung bài diễn văn của Chu ên Lai khi ông này xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Biển Đông.

Tình báo quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trong những năm chiến tranh (1960-1975) tuy có trưng bày nhiều bằng cớ (các cuộc điện đàm, tài liệu, xác chết, tù binh) nói rằng hồng quân Trung Quốc giả dạng bộ đội miền Bắc có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam nhưng không có gì xác quyết. Thật ra Trung Quốc có đưa người sang giúp Việt Nam nhưng họ chỉ xây dựng các phương tiện giao thông tại các tỉnh phía Bắc, mục đích là để chuyển vận vũ khí và tiếp liệu cho Hà Nội thực hiện cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam. Ngoài ra Trung Quốc có đưa cố vấn quân sự sang hướng dẫn cách sử dựng các vũ khí phòng không và huấn luyện đặc công. Bắc Hàn cũng có đưa sang miền Bắc nhân viên phi hành và phi công chiến đấu phòng vệ vùng trời và một số chí nguyện quân vào Nam đánh với quân Nam Hàn (ủng hộ miền Nam) tại các tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Vì có vóc dáng và âm ngữ giống nhau, người ta thường lầm tưởng những chí nguyện quân Bắc Hàn là hồng quân Trung Quốc.

B. Một vài biện pháp nới lỏng

Tuy nhiên đảng cộng sản Việt Nam (đảng Lao Động thời đó) cũng đã kết nạp rất nhiều đảng viên gốc Hoa để giúp chế độ trong một số các khâu quản lý hành chánh và xí nghiệp tại Hải Phòng, Móng Cái và Quảng Ninh. Một số tư thương được phép buôn bán nhỏ và mở một vài cửa hàng ăn uống nhỏ tại các thành phố lớn. Thời kỳ này công nhân gốc Hoa gần như nắm hết các khâu kỹ thuật trong các nhà máy chế biến hay khai thác mỏ quặng tại miền Bắc. Trung Quốc cũng giúp chế độ cộng sản miền Bắc xây dựng nhiều công trình qui mô lớn như xây dựng lại tuyến đường sắt Hữu Nghị (biên giới Hoa – Việt), cầu đường, đê điều, các nhà máy chế biến phân bón, đúc cán sắt, khai thác quặng mỏ, v.v…

Nhưng cộng đồng người Hoa không có điều kiện phát triển mạnh. Chính quyền cộng sản đã quốc hữu hóa toàn bộ các cơ sở kinh doanh của tư nhân Việt Nam, người Hoa và của Pháp để lại. Thành phần thương nhân tại các thành phố lớn, sau 1954, đã tìm cách chạy vào Nam hoặc sang các quốc gia khác trong vùng Đông Á. Thương nghiệp tư doanh bị loại trừ khỏi hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Người Hoa, có truyền thống buôn bán, mất địa bàn hoạt động đã trở thành công nhân nhà máy, công nhân nông trường (xem Phụ lục 3).

Chỉ một thiểu số tiểu thương còn sót lại sống bằng các nghề bốc thuốc, chạp phô hay buôn chui bán lậu giữa họ với nhau, nhưng dần dần bị yếu đi và biến mất. Một số ít người Hẹ, Quảng Đông và Hải Nàm làm nghề nông dọc các bờ biển Vịnh Bắc Phần và Hải Phòng, nhưng đất đai sau đó bị đưa vào hợp tác hóa, họ trở thành công nhân nông trường như bao người khác. Một số ngư dân gốc Hải Nàm và Quảng Đông làm nghề chài lưới trong Vịnh Bắc Phần, nhưng thuyền bè sau đó cũng bị đưa vào hợp tác hóa, họ trở thành công nhân đánh cá. Người gốc Hải Nàm chuyên sống bằng nghề tay chân và làm công nhân (phu mỏ và bốc vác), chịu sự quản lý chặt chẽ của guồng máy đảng. Hoạt động của đám cướp biển tại Móng Cái bị dẹp tan trong thời gian miền Bắc tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam.

Tại Hà Nội, sinh hoạt chính của người Hoa tập trung quanh phố Hàng Buồm, Hàng Đào và có một tờ báo riêng mang tên Tân Việt Hoa viết bằng tiếng phổ thông. Cộng đồng người Hoa tại Hà Nội-Hải Phòng đa số là Hoa kiều trực thuộc Tổng Hội Hoa Liên tại phố Văn Thánh và được cấp hộ chiếu Trung Quốc. Hội này liên hệ chặt chẽ với tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Người Hoa tại Hải Phòng tập trung quanh phố Phan Bội Châu, khu bến cảng. Những công dân gốc Hoa thành phố về mặt dân sự không trực thuộc Trung Quốc, nhưng lệ thuộc rất nhiều về tình cảm, mỗi khi Trung Quốc kêu gọi sự ủng hộ có liên quan đến truyền thống hay quyền lợi của người Hoa, họ sẵn sàng nghe theo (xem Phụ lục 3 và 5).

Vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc, chính quyền cộng sản miền Bắc duy trì một sự quản lý lỏng lẻo cộng đồng người Hoa. Mỗi khu vực dân cư gốc Hoa đều có một người Hoa địa phương quản trị, người này là gạch nối giữa cộng đồng với chính quyền. Nông dân gốc Hoa tại miền Bắc đều có quốc tịch Việt Nam nhưng trong thực tế họ lệ thuộc tình cảm vào chính quyền Trung Quốc hơn là với Việt Nam mặc dầu đang sinh sống trên mảnh đất này.

Do hưởng qui chế quản lý lỏng lẻo đó, trong thời gian có chiến tranh với miền Nam, cộng đồng người Hoa được hưởng nhiều qui chế biệt đãi : miễn thi hành nghĩa vụ quân sự. Nhưng được sự chấp thuận của Trung Quốc, người Hoa miền Bắc phải thi hành một số chính sách phi chiến tranh khác một cách triệt để như thi đua sản xuất, đóng góp tài vật cho bộ đội vào Nam, gia tăng thời gian lao động trong các nhà máy và nông trường v.v… Không có người gốc Hoa nào giữ những chức vụ cao cấp trong đảng, quân đội và chính quyền cộng sản Việt Nam.

Khi lệnh tổng động viên được ban hành, trong những năm 1960-1970, người gốc Hoa mà tổ tiên nhiều đời đã đến lập nghiệp tại Việt Nam (không còn nhiều liên hệ tình cảm với chính quyền Trung Quốc) thuộc những diện được kết nạp sau cùng (cùng diện với người công giáo, ngụy quân, ngụy quyền cũ có liên quan đến chế độ thực dân, gia đình tư sản). Rất nhiều người gốc Hoa đã hy sinh trong công cuộc phòng vệ miền Bắc chống sự nem bom của máy bay Mỹ. Và cũng đã có rất nhiều bộ đội gốc Hoa đã bỏ mình trên chiến trường miền Nam và những người này đã chiến đấu cho chế độ cộng sản miền Bắc chứ không cho chế độ cộng sản Trung Quốc.

Cộng đồng người Hoa vùng biên giới phía bắc (Cao Bắc Lạng) và các sắc tộc thiểu số có nhiều liên hệ mật thiết với Trung Quốc hơn là với Hoa kiều sống tại đồng bằng hay vùng Đông Á khác. Lo sợ Việt Nam có thể trở thành một thế lực quân sự, từ năm 1967, Trung Quốc tìm cách hạn chế bớt tiềm lực quân sự và ảnh hưởng của miền Bắc Việt Nam. Trung Quốc đã biểu hiện nhiều ý đồ không tốt như tuyên truyền với những cộng đồng này là người Hoa do những quan hệ huyết thống, phong tục tập quán và ngôn ngữ đã có từ xưa để làm áp lực.

Trong chính quyền, Trung Quốc cũng đào tạo được nhiều chuyên viên, cán bộ Việt Nam thân Trung Quốc. Có nhiều trường hợp tranh chấp ảnh hưởng đã xảy ra giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Liên Xô sau cái chết của Hồ Chí Minh.

Phản ứng chống ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thể hiện mạnh nhất qua bài vở học tập, nhất là về lịch sử khi đề cao những chiến công của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đặc biệt là của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Trong một số tài liệu tuyên truyền và tên công sở, chế độ cộng sản miền Bắc nhất định không dùng chữ Hán. Tuy nhiên cũng có nhiều tên đặt nửa Hán nửa Việt làm người đọc phải ngớ ngẩn như Cục Đường Biển, Phân Cục Đường Sắt, Nhà Đẻ, v.v… Đây cũng là một hành vi biểu lộ thái độ thù nghịch, tránh dùng lại những danh từ mà chế độ miền Nam đã dùng (máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ thay vì dùng chữ trực thăng, thủy quân lục chiến…). Khi chiếm được miền Nam, nhiều gia đình gốc Hoa miền Bắc xin di cư vào Nam lập nghiệp nhưng không được cấp giấy phép.
Mức sống của người Hoa tương đương với mức trung bình của nhân dân miền Bắc, nghĩa là bình đẳng theo chế độ khẩu phần. Nhưng về tinh thần, họ sống thoải mái hơn vì không phải ưu tư nhiều với cuộc chiến và sau lưng có Trung Quốc. Người Hoa miền Bắc vẫn duy trì lối sống cách biệt với người Việt, họ nói tiếng và duy trì những phong tục Trung Hoa. Thanh niên Hoa thường lập gia đình giữa họ với nhau, rất ít trường hợp lập gia đình với người Việt.

Năm 1975, người gốc Hoa tại miền Bắc có khoảng 300.000 người, đa số gốc Quảng Đông, Hải Nàm và Hẹ. Nhiều gia đình gốc Hoa sống tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng ven duyên đã đi chui vào Nam lập nghiệp, họ tìm thân nhân trong vùng Sài Gòn-Chợ Lớn để được tạm trú và sau đó tìm cách lo lót giấy tờ để được thường trú.

 
IV. Thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975)


Sau Hiệp Định Genève năm 1954, người Hoa tại Việt Nam mất điểm tựa chính trị của chính quyền thuộc địa Pháp. Với chính quyền mới tại miền Nam, hơn 800.000 người Hoa lo âu chờ đợi một sự thay đổi thuận lợi cho công việc kinh doanh của họ đã có từ trước. Dân cư gốc Hoa từ các tỉnh lỵ đồng bằng sông Cửu Long thu gọn tài sản đổ về Sài Gòn-Chợ Lớn định cư.

A. Người Hoa trong thời đệ nhất Cộng Hòa

Chính phủ của thủ tướng Ngô Đình Diệm, năm 1954, không công nhận những đặc quyền mà người Pháp đã dành cho người Hoa sinh sống tại miền Nam. Trong những năm đầu, sau khi tạm giải quyết những vấn đề về an ninh trật tự trong nước, chính phủ Ngô Đình Diệm đặt trọng tâm vào việc giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Ngoài việc hội nhập số người di cư từ miền Bắc (hơn 800.000 người), chính phủ kêu gọi người Việt và những cộng đồng chủng tộc lớn như người Hoa, người Khmer và các sắc tộc Thượng Tây Nguyên tiếp tay với chính quyền mới tham gia xây dựng đất nước.

Hội nhập người Hoa được xem là vấn đề khó nhất. Do có mặt từ lâu và chịu khó làm việc, người gốc Hoa đã xây dựng xong hạ tầng cơ sở và đã nắm giữ những khâu thương mại quan trọng trong nền kinh tế miền Nam. Trước đó, người Hoa được chính quyền thuộc địa Pháp cho hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi nên luôn tìm cách bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi đó. Trong những ngày đầu của chế độ, người Hoa tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ chính quyền mới với hy vọng được giữ những đặc quyền đã có từ trước, nhưng tình trạng này không kéo dài được lâu.

Chính sách hội nhập

Năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm muốn người gốc Hoa giữ một vai trò tích cực hơn trong nền kinh tế quốc gia. Qua nhiều lần trao đổi, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa giải thích rất rõ nhu cầu phát triển đất nước: người Hoa ngoài khả năng thương mại cần phải phụ giúp chính quyền nhiều hơn trong việc phát triển kỹ nghệ vì là thành phần có nhiều khả năng nhất về vốn. Kỹ nghệ trước đây thuộc đặc quyền của người Pháp, người Hoa chỉ được tham gia một cách hạn chế trong công nghiệp nhẹ. Tuy chỉ được tham gia hạn chế, người Hoa vẫn hơn người Việt về khả năng lẫn kinh nghiệm. Doanh nhân Việt Nam hoàn toàn vắng mặt dưới thời Pháp thuộc.

Để tránh tình trạng lệ thuộc vào ngoại bang, chính phủ Ngô Đình Diệm muốn tất cả những hoạt động kinh tế phải do người Việt chủ động làm lấy. Muốn được vậy, chính phủ định nghĩa thế nào là người Việt. Dụ số 10 ngày 7-12-1955 qui định tất cả những ai được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều là người Việt Nam. Với định nghĩa này tất cả những trẻ em gốc Hoa, kể cả con cái của Hoa kiều, đều là người Việt Nam. Chủ ý của thủ tướng Ngô Đình Diệm là muốn người Hoa sinh sống tại Việt Nam phải chia sẻ một phần trách nhiệm dân sự như bao công dân khác trong một đất nước vừa mới có độc lập.

Nhưng người Hoa chưa sẵn sàng hợp tác: thứ nhất là họ không muốn mang quốc tịch Việt Nam; thứ hai họ đa số là thương gia hơn là kỹ nghệ gia nên không nhìn thấy tầm quan trọng nhu cầu phát triển kỹ nghệ, một lãnh vực mà họ chưa có nhiều kinh nghiệm, đã tỏ ra thờ ơ, không mấy nhiệt tâm. Một số người Hoa lý luận rằng Việt Nam Cộng Hòa và Trung Hoa Dân Quốc chưa có ký kết hay thỏa thuận gì về quốc tịch của những người Hoa sinh sống tại miền Nam, hơn nữa Đài Loan là một quốc gia chống cộng mà chế độ miền Nam cần học hỏi kinh nghiệm, và Hoa kiều đang nắm giữ một số khâu kinh tế quan trọng tại miền Nam, chính phủ mới rất cần sự hợp tác của Đài Loan do đó sẽ không dám thi hành luật quốc tịch và sẽ phải nhượng bộ nếu muốn được giúp đỡ để phát triển kinh tế kinh tế.

Đối với thủ tướng Diệm đây là một thái độ bội bạc, ông cho rằng người Hoa muốn làm loạn và cố tình không muốn hiểu nền kinh tế non nớt của Việt Nam rất cần sự hợp tác của họ. Sau khi bàn thảo với các thành phần bộ trưởng, thủ tướng Ngô Đình Diệm quyết định ban hành hai đạo dụ về sự hội nhập của người Hoa vào xã hội miền Nam. Dụ số 52 được ban hành ngày 29-8-1956, dụ số 53 ngày 6-9-1956. Cả hai sẽ chính thức áp dụng ngày 25-10-1956.

Dụ số 52 qui định Hoa kiều sinh sống tại miền Nam phải mang quốc tịch Việt. Khi có quốc tịch, họ được tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Người Hoa phải Việt hóa tên họ như Trịnh, Quách, Mạch, Lâm, Giang, Diệp, Lưu, Vương, Hà, Hứa, Mã, Lý, Trần, Trương, v.v…, và không được xưng các tên ngoại quốc hay tên gọi riêng như Chú, A, Chế… kể cả bí danh trong những văn kiện chính thức. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa phải viết bằng Việt ngữ.

Dụ số 53 cấm người ngoại quốc không được hành 11 nghề: buôn bán cá thịt, chạp phô, than củi, nhiên liệu, tơ sợi, trung gian mua bán, kim loại, lương thực, chuyên chở, xay gạo và dịch vụ. Đạo dụ này chỉ đặc biệt nhắm vào thành phần chủ nhân, thương gia người Hoa. Thành phần kỹ nghệ gia và người Hoa hành nghề tự do lai Việt hay có vợ Việt không nằm trong diện chế tài này, được bãi miễn và có thể tiếp tục kinh doanh dưới tên vợ, tên bạn hữu là người Việt với điều kiện phải hợp thức hóa bằng một văn kiện hộ tịch chính thức.

Ngày 26-9-1956, văn kiện số BKT – NC-4318 của Bộ Kinh Tế qui định những biện pháp cụ thể để thi hành dụ 53.

Diễn trình hội nhập

Qua hai đạo dụ này, thủ tướng Ngô Đình Diệm muốn người Hoa sinh sống tại Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội Viêt Nam như mọi công dân khác. Ông cho rằng người Hoa không có lý do gì sống bên lề một xã hội mà trong đó họ vui hưởng đầy đủ quyền lợi của một công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, tự do cư trú, tự do đi lại.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất cần sự tham gia của tất cả công dân để góp phần xây dựng lại một đất nước vừa mới có độc lập lại vừa chống cộng. Đây là một công tác lớn lao đòi hỏi sự góp sức của toàn dân, trong đó có cộng đồng người Hoa. Chính quyền miền Nam không muốn bị cộng đồng người Hoa và Đài Loan làm áp lực đã không nhượng bộ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm muốn áp đặt uy quyền và luật pháp của quốc gia trên toàn thể những cộng đồng dân tộc đang sống trên lãnh thổ miền Nam.

[Trong khi đó tại Cambodge, một quốc gia lân bang cũng vừa mới có độc lập, người Hoa sinh sống tại đây đã rầm rộ xin nhập tịch, nhiều đến nỗi chính phủ của hoàng thân Sihanouk phải ban hành nhiều biện pháp hạn chế sự nhập tịch.]

Ngày 24-10-1956 thủ tướng Ngô Đình Diệm đắc cử tổng thống; chương trình Việt hóa sinh hoạt kinh tế vẫn tiếp tục. Ngày 28-11-1956, ông Nguyễn Ngọc Thơ, bộ trưởng quốc gia đặc trách kinh tế mời họp tất cả những đại diện nghề nghiệp người Hoa của Văn Phòng Thương Mại Chợ Lớn để nói rõ chính sách quốc tịch của chính phủ. Mặc dù rất cần sự hợp tác của họ, ôngNguyễn Ngọc Thơ đã đưa ra lời cảnh cáo: “Những người ngoại quốc nào còn muốn tiếp tục hoạt động kinh thương, vấn đề chính yếu là phải giải quyết cho xong vấn đề quốc tịch. Đừng nghĩ rằng chính phủ sẽ không có biện pháp đối với những ai không muốn tiếp tục hành nghề và chịu thất nghiệp. Giải pháp đã có sẵn, nó nằm trong tầm tay của mỗi quí vị và các quí vị hãy tự quyết định lấy”.

Thật ra tại Việt Nam, người Hoa kịch liệt phản đối chính sách hội nhập này vì chưa được chuẩn bị tinh thần để sống dưới sự quản trị của người Việt. Họ cho rằng hai đạo dụ vừa nói trên có nội dung bài Hoa và không cho họ quyền chấp nhận hay không chấp nhận luật quốc tịch. Tòa tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc tại Sài Gòn can thiệp để xét lại việc ban hành đạo dụ 52 và 53. Người Hoa và Đài Loan tin rằng chính quyền Việt Nam, đang bận tâm chống cộng cần tranh thủ sự ủng hộ của thế giới tự do, sẽ nhượng bộ. Tổng thống Ngô Đình Diệm bác bỏ lời yêu cầu này và quan hệ giữa hai nước bị đình trệ.

Tại các tỉnh, chính quyền địa phương triệt để thi hành dụ 52 về chính sách quốc tịch và dụ 53 về việc kinh doanh của ngoại kiều. Tại Biên Hòa, lệnh đình chỉ hoạt động kinh doanh của thương gia Hoa kiều được áp dụng trước ngày 6-9-1956 một ngày rưỡi nhưng họ vẫn được quyền giữ hàng tồn kho. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, thương gia Hoa kiều có một tuần để sang nhượng cơ sở cho người Việt. Doanh nhân Hoa kiều tại các tỉnh Khánh Hòa, Sa Đéc và Long Khánh có thời gian 11 ngày để giải tỏa kho tàng hay sang nhượng cho người Việt. Thủ Dầu Một gắt gao hơn, 25 người bán thịt phải dẹp cửa hàng trong vòng 24 giờ, 13 tiệm vải, 9 tiệm tạp hóa mà chủ nhân là người Hoa phải giải tỏa sau 72 giờ, 20 chủ tiệm Hoa kiều khác phải đổi nghề sau 18 ngày. Thành phố Mỹ Tho đóng cửa hơn 300 xí nghiệp, những tiệm tạp hóa do Hoa kiều sở hữu phải tìm cho ra người thay thế trong vòng một tháng, v.v… Theo báo cáo của Phòng Thương Mại Chợ Lớn, trong tháng 10-1956, có tất cả 976 tiệm của Hoa kiều tại Sài Gòn-Chợ Lớn có đăng ký bị đóng cửa, 2.860 người mất việc, kẹt vốn hơn 44 triệu đồng.

Năm 1957, cảnh sát tại Sài Gòn bắt giữ nhiều người Hoa, tịch thu thẻ căn cước Đài Loan và tự động cấp cho họ thẻ căn cước Việt Nam, bất kể ý muốn của họ. Nhiều địa phương khác cũng có hành động tương tự. Tờ Tin Điện, ngày 1-3-1957, đăng tin: “Tại Cần Thơ kể từ ngày 8-3-1957 chính quyền sẽ phạt vạ từ 200 đến 2.000 đồng (tương đương với 6 đến 60 USD thời đó) cho những người Hoa nào không có quốc tịch Việt Nam”.

Ngày 19-7-1957, ông Nguyễn Văn Vàng, giám đốc Nha Cảnh Sát Sài Gòn-Chợ Lớn, triệu tập 150 thương gia lớn gốc Hoa và cho biết họ chỉ có thể mở lại các cơ sở làm ăn khi nào có quốc tịch Việt hoặc chịu nhượng cho vợ con là người Việt đứng tên, nếu từ chối họ có thể bị trục xuất về Đài Loan. Một số đã tuân hành, một số khác nại cớ không đủ vốn để mở cửa tiệm và không làm gì cả. Thời hạn chót để xin vào quốc tịch liên tiếp bị dời lại, ban đầu là 22-3, rồi 21-6 và sau cùng là ngày 10-8-1957. Tất cả người Minh Hương trong thời gian này đều có quốc tịch Việt Nam. Về phía Hoa kiều chỉ có từ 80 đến 100.000 người xin gia nhập quốc tịch.

Theo số liệu của Nha Thống Kê Sài Gòn, trong năm 1955 có 620.858 người Hoa trên toàn lãnh thổ [thống kê của Đài Loan ghi nhận có 800.200 người Hoa sinh sống tại miền Nam năm 1955], năm 1958 còn 123.638 người, tài liệu này không kể người Minh Hương. Con số khác biệt là 497.220 người, trong số này có gần 235.000 người đã xin nhập tịch, những người còn lại chưa quyết định chờ sự can thiệp của Đài Loan.

Theo báo cáo của tòa Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc tại Sài Gòn, cho đến ngày 19-7-1957 đã có 52.144 người xin hồi hương, phía Việt Nam cho biết chỉ có khoảng 3.000 người Hoa đã hoàn tất hồ sơ hồi hương. Chuyến bay hồi hương đầu tiên được thực hiện ngày 2-8-1957. Những người này vẫn còn bị rắc rối vào phút chót tại phi trường vì số tiền mang theo quá nhiều (chỉ được đem theo 400 đồng hay ngoại tệ tương đương) và phải đóng 500 đồng thuế xuất cảnh.

Tháng 7 và 8-1957 là những tháng quyết định cho chế độ miền Nam. Toàn bộ sinh hoạt kinh tế của người Hoa bị ngưng đọng. Vài ngày sau khi hai đạo dụ trên bắt đầu có hiệu lực, người Hoa ồ ạt đến các ngân hàng rút hết tiền ký thác, tổng số tiền rút ra từ tháng 11-1956 đến tháng 7-1957 từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng, tương đương 1 / 6 lượng tiền mặt đang lưu hành trong nước. Đồng bạc Việt Nam tại thị trường chứng khoán Hồng Kông liên tiếp bị mất giá từ 35 đồng / 1 USD (1956) tăng lên 90 đồng (1957) và 105 đồng trên thị trường “tự do” (chợ đen). Thương gia buôn bán thịt và vải chống đối mạnh nhất, những người bán thịt đóng cửa tiệm và chuyển sang nghề làm thịt nguội, những người bán vải tích trữ vải để sau đó tuôn ra bán trên thị trường chợ đen.

Hoa kiều trong vùng Đông Nam Á, nhất là Singapore và Hồng Kông, làm áp lực với chính quyền Việt Nam bằng cách tẩy chay hàng hóa xuất khẩu không do người Hoa bán. Hồng Kông từ chối mua 40.000 tấn gạo đã ký hợp đồng trước đó, số gạo này được chở qua Singapore và cũng bị từ chối mua. Báo chí phát hành bằng tiếng Trung Hoa trong vùng liên tiếp đả kích chính sách quốc tịch cưỡng bách của miền Nam, nhất là các báo xuất bản tại Đài Loan và Hồng Kông như các tờ China New Press, Central Daily News, Tze Yiou Jen (Người Tự Do)…

Bài học hội nhập

Người Hoa qua sự kiện này đã ghi nhận một kinh nghiệm đáng nhớ : chỗ đứng của họ là ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài xã hội Việt Nam. Mất chỗ đứng trong lòng người Việt Nam sự nghiệp của họ tại Việt Nam sẽ bị lung lay.

Nhiều cơ sở, xí nghiệp thương mại phải đóng cửa, một số phải dời về Hồng Kông, Singapore hay những quốc gia Đông Nam Á khác và một số phải di chuyển về Đài Loan. Những người Hoa còn lại, đa số là giới bình dân, không thể di chuyển sang các quốc gia khác vì gia đình của họ đã an cư lạc nghiệp nhiều đời tại Việt Nam. Nhưng họ cũng có phần chậm chạp trong việc chấp hành hai đạo dụ trên, họ nghiên cứu và quan sát rất kỹ những gì đang xảy ra và chỉ lấy quyết định khi đã suy nghĩ chính chắn và tin rằng chính phủ miền Nam thành thật trong lời nói : được quyền kinh doanh trở lại. Thật ra người Hoa chỉ sợ khi có quốc tịch Việt Nam, họ phải sống như một công dân Việt Nam, nghĩa là phải thi hành lệnh tổng động viên hay đi quân dịch mà họ không muốn. Họ sẵn sàng đóng góp đủ mọi thứ cho chính quyền miền Nam để miùền sao không phải thi hành quân dịch. êớc muốn của họ là được yên thân làm ăn và không muốn dính líu tới những tranh chấp chính trị của quốc gia địa phương. Người Hoa chỉ muốn giữ thế trung lập để dễ dàng trong kinh doanh.

Đây là một thách đố khó giải quyết. Nếu được thỏa mãn họ sẽ tham gia và đóng góp tích cực hơn vào sinh hoạt chung của xã hội, còn không họ cũng sẽ tìm mọi cách tránh né việc thi hành chế độ quân dịch, rút vào bóng tối làm đủ mọi nghề để sinh sống. Trong cả hai trường hợp, người Hoa vẫn là thành phần muốn được sống bên lề cuộc chiến tranh Nam-Bắc.

Người Việt Nam qua biến cố này cũng ghi nhận một bài học quí báu : sự phát triển kinh tế của miền Nam không thể thiếu vắng doanh nhân gốc Hoa. Chính sách phát triển kinh tế dân tộc vị chủng cực đoan (dân sinh dân tồn) chỉ dẫn đến phá sản. Doanh nhân người Việt chưa đủ tầm vóc để tự đảm nhận vai trò tự lập trong kinh tế, họ chỉ có thể hoạt động trong các lãnh vực tư doanh nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong khi người gốc Hoa từ nhiều thế kỷ đã đảm trách vai trò giao dịch thương mại và là một thế lực kinh tế tại Việt Nam.

Có rất nhiều người Việt chống lại quyết định cho người Hoa mang quốc tịch Việt và cổ xúy tâm lý bài xích hay kỳ thị Hoa kiều, gọi họ là những “cắc chú” (khách trú), khinh thường hơn gọi họ là “chú chệt” hay “chệt luộc” (vì người Hoa khá giã thường mập phệ). Trong dân gian có nhiều bài hát nhại theo điệu Hồ Quảng được phổ biến trong dân chúng để hạ thấp danh dự người Hoa như “Ngộ là ngộ pênh Tàu, ngộ là ngộ mới xăng, mới xăng pênh Năm lầm dầu…” (ý nói người Hoa qua Việt Nam chỉ có mục đích làm giàu). Bình dân hơn, người ta gọi người Hoa là “Chú Ba” (ý nói Chú Ba Tàu) và người Hoa gọi lại khách hành với nụ cười toe toét là “Ông Chủ”, “Ông Thầy” hay “Anh Hai” (ý nói dù là Ông Chủ, Ông Thầy hay Anh Hai gì cũng phải bỏ tiền ra mua hàng hóa và nhờ cậy họ). Cũng may là ý đồ bài xích này – của một số người cực đoan và mặc cảm – đã sớm biến mất, không phổ quát trong quần chúng và người Hoa cũng không có ý làm căng thẳng thêm những mối hiềm khích.

Từ đó sự cách biệt tuy âm thầm nhưng sâu rộng, nhất là của những thương gia lớn gốc Hoa đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhiều hình thức chuyển ngân hay chuyển người bất hợp pháp ra nước ngoài đã được phát hiện qua trung gian của một số viên chức chính quyền hay Hoa kiều Đông Nam Á. Thương nhân Hoa kiều Đông Nam Á cũng bớt sang Việt Nam nghiên cứu thị trường.

Cũng nên biết thêm quan hệ của người Hoa là một quan hệ trao đổi vật chất, không những chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Người Hoa có lối làm ăn liên lập với những cộng đồng Hoa kiều Đông Nam Á và các quốc gia tự do khác. Nếu tại Việt Nam người Hoa làm ăn khấm khá thì quan hệ thương mại với những cộng đồng Hoa kiều khác sẽ phát triển theo, nhất là với Hoa kiều Đông Nam Á. Người Hoa tại Đông Nam Á đang nắm giữ những vai trò kinh tế quan trọng tại mỗi quốc gia trong vùng. So với các quốc gia Đông Nam Á, tỷ lệ dân số gốc Hoa tại Việt Nam không đáng kể (xem Phụ lục 1). Thị trường xuất nhập cảng chính của Việt Nam là Hồng Kông, Singapore và Đài Loan.

Những lý do nới lỏng căng thẳng

– Về chính trị:

Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chuyến công du Hoa Kỳ tháng 5-1957, được chính phủ Mỹ khuyến cáo rằng liên minh chống cộng Đông Nam Á, đang ủng hộ chế độ miền Nam, không thể tốt đẹp nếu Việt Nam cứ tiếp tục giữ nguyên chính sách kỳ thị này. Chính phủ Việt Nam cũng hiểu rất rõ những khó khăn về kinh tế có thể xảy ra nếu Trung Hoa Dân Quốc đoạn giao với Việt Nam và uy tín của Việt Nam có thể bị xấu đi trong quan hệ với thế giới tự do, chương trình kỹ nghệ hóa quốc gia có thể bị đình chỉ vì đầu tư quốc tế ngưng trệ.

Ngược lại đây cũng là cơ hội cho những doanh gia Việt Nam muốn làm ăn đứng ra thành lập những cơ sở thương mại buôn sỉ bán lẻ (do người gốc Hoa nắm giữ trước đó), và một số ngành kinh doanh lớn (sản xuất, xuất nhập cảng, ngân hàng, chuyên chở, dịch vụ địa ốc, bảo hiểm v.v…). Trong những năm 1954-1956, tổng số cơ sở xuất nhập cảng lên đến 20.000. Đến năm 1959, con số sụt xuống còn 851 cơ sở, trong đó có 550 của người Việt và người Việt gốc Hoa với số tiền ký quỹ ấn định là 350.000 đồng cho mỗi cơ sở. Cơ sở của những Hoa kiều đều bị loại ra khỏi sinh hoạt xuất nhập cảng.

Ngành kỹ nghệ được nhiều tư nhân Việt Nam tham gia đầu tư là nghề dệt vải. Ban đầu chỉ gồm những kỹ nghệ gia di cư từ miền Bắc, về sau có thêm tư nhân miền Trung và miền Nam. Công ty kỹ nghệ dệt đầu tiên có tầm vóc của người Việt là công ty cổ phần Sicovina (Société d’Industrie Cotonnière du Viet Nam), 50% vốn chính phủ và 50% vốn tư nhân. Cơ sở lớn đầu tiên được xây dựng tại Khánh Hội, với hơn 10.000 suốt kéo sợi, do ông Đinh Xáng là tổng giám đốc. Trang thiết bị sử dụng là những máy móc tháo gỡ từ miền Bắc năm 1954 mang vào Nam lắp ráp (xong năm 1957), năng súất thấp và hàng kém phẩm chất. Về sau hàng loạt Sicovina khác được thành lập với trang thiết bị tối tân hơn như Sicovina An Nhơn chuyên về nhuộm, máy móc do chính phủ Pháp tặng ; Sicovina Hòa Thọ tại Đà Nẵng chuyên về dệt và kéo sợi ; Sicovina Phong Phú tại Thủ Đức kéo sợi, dệt và nhuộm. Tư nhân Việt Nam cũng thành lập nhiều hãng xưởng dệt nhỏ như nhà máy dệt Tân An. Riêng tại khu Bảy Hiền có hơn 5.000 máy dệt gia đình do người Bắc di cư và Đà Nẵng làm chủ (xem Phụ lục 4).

Sự quyết tâm của Việt Nam Cộng Hòa trong việc thi hành hai đạo dụ trên được tăng cường vì Hoa Kỳ, không còn quan tâm mấy đến sự phân biệt đối xử này, đang dồn mọi nỗ lực ủng hộ chế độ miền Nam chống lại cộng sản miền Bắc. Vấn đề Hoa kiều đã xảy ra một phần cũng do sự thiếu vắng một sự thông tin kịp thời và một chính sách phát triển cộng đồng bao dung, do đó đã làm chậm lại sự phát triển kinh tế của miền Nam trong giai đoạn độc lập còn phôi thai trước sự đe dọa của cộng sản. Sau một thời gian gây cấn, cả hai phía đều nhận thấy sự vô lý của mình và nhận thức rõ vai trò hỗ tương giữa sinh hoạt của cộng đồng và sinh hoạt của quốc gia.

Quan hệ giữa hai quốc gia cùng chiến tuyến (chống cộng) không vì những tranh chấp cục bộ mà bị xấu đi. Nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao giữa phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa với chính phủ Đài Loan, những bang trưởng gốc Hoa, những vị thủ lãnh trong Hiệp hội Thái Bình Dương Tự Do đã diễn ra. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nêu ra lý do là Việt Nam Cộng Hòa không cho công dân của họ quyền tự do chọn lựa quốc tịch (ý nói đã không thương lượng trước với chính phủ Trung Hoa khi ban hành hai đạo luật này và làm như vậy là trái với Hiến chương về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc).

Bộ trưởng ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc, ông Diệp (K.C.Yeh), nhân chuyến viếng thăm Sài Gòn tháng 3-1958, tuyên bố chính quyền Đài Loan luôn luôn ủng hộ sự tự do chọn lựa quốc tịch của công dân Trung Hoa sinh sống tại Việt Nam. Ông nói rằng Trung Hoa Dân Quốc và Việt Nam là hai quốc gia tự do dân chủ phải tôn trọng nguyên tắc tự do chọn lựa quốc tịch của công dân nước họ sinh sống ở hải ngoại. Đài Loan đề nghị tổ chức những cuộc họp mặt chính thức cấp cao để tháo gỡ những bế tắc. Thật ra chính quyền Đài Loan cũng biết rõ nếu làm gắt chuyện Hoa kiều tại Việt Nam chỉ gây bất lợi cho người Hoa sinh sống tại đây, nhất là được biết Hoa Kỳ đang chuẩn bị sự có mặt tại miền Nam để chận đứng sự xâm lược của cộng sản miền Bắc.

Tháng 5-1958 tình hình lắng dịu trở lại. Hai nước đồng ý mở lại các cuộc thương thảo. Tổng thống Ngô Đình Diệm chấp nhận sang Đài Loan để thảo luận vấn đề người gốc Hoa sinh sống tại Việt Nam và chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau chuyến viếng thăm này, nhiều người Hoa gia nhập quốc tịch Việt Nam. Sự lo ngại đoạn giao giữa Trung Hoa Dân Quốc tan biến, quan hệ hợp tác giữa hai nước được bình thường trở lại, nhất là trong lãnh vực kinh tế.

Về mặt đối nội, tổng thống Ngô Đình Diệm không còn lo âu về những biến động chính trị hay kinh tế đến từ cộng đồng người Hoa. Tất cả các ngành hay dịch vụ kinh tế chính đều do thân tín của gia đình họ Ngô và đảng Cần Lao nắm giữ. Bà Trần Thị Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu, bà cả Lễ (chị ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm) nắm giữ phần lớn các cơ sở làm ăn bề thế tại miền Nam và khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Tại miền Trung, ông Ngô Đình Cẩn chi phối toàn bộ sinh hoạt nền kinh tế địa phương. Ngoài ra một số hội đoàn ngoại vi của chế độ kiểm soát chặt chẽ các sinh hoạt kinh tế tư nhân như Hội Phụ Nữ Liên Đới, Thanh Niên Cộng Hòa, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia v.v… Người gốc Hoa muốn làm ăn êm suốt phải được sự chấp thuận của những nhân vật hay các tổ chức này.

Những người thân tín có tiếng của chính quyền quan hệ trực tiếp với thương gia gốc Hoa là các ông Trần Văn Lộc (chủ tịch Nghiệp đoàn Xuất nhập cảng), Trần Đức Ước (phó chủ tịch), Vương Minh Châu (chủ tịch Liên đoàn Công thương Miền Nam), Trần Lưu Di (cố vấn Phong trào Công thương Cách mạng Quốc Gia), v.v… Với những cơ quan dân sự này, sự hợp tác giữa thương gia gốc Hoa và chính quyền trở nên gắn bó. Sáng ngày 2-11-1963 khi bị phe quân nhân đảo chánh, hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu phải chạy vào Chợ Lớn tá túc trong nhà bang trưởng Quảng Đông, ông Mã Tuyên, sau đó được đưa vào nhà thờ Cha Tam để lánh nạn.

Người Hoa được phép kinh doanh trở lại, ngân quỹ quốc gia thu thêm thuế khóa. Nền kinh tế miền Nam bắt đầu cất cánh trở lại, nhiều cơ sở kỹ nghệ lớn được thành lập tại nhiều nơi làm gia tăng tổng sản lượng quốc gia và đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó tại Hoa lục, chính quyền cộng sản ra sức tuyên truyền thừa nhận lực lượng thứ năm – cộng đồng Hoa kiều hải ngoại – là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc. Bắc Kinh sử dụng mọi công cụ có thể sử dụng được, chính thức hay không chính thức, công khai hay bí mật, kể cả áp lực quân sự, chính trị, ngoại giao, chiến tranh tâm lý, bao vây kinh tế, tổ chức lật đổ chính quyền nhằm phá hoại sự ổn định trong khu vực. Điều này gây nhiều bối rối không ít cho những Hoa kiều sinh sống tại Việt Nam nói riêng và trong vùng Đông Nam Á nói chung, nhất là Indonesia. Một số nhân vật trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đặt lại vấn đề quốc tịch của một số người gốc Hoa : sự chân thành của họ khi mang quốc tịch Việt Nam vì có một số người gia nhập quốc tịch để dễ bề hoạt động cho Trung Quốc và chế độ miền Bắc.

Lợi dụng cơ hội này, nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc gia tăng những hoạt động tuyên truyền khích động căm thù giai cấp và chủng tộc trong Nam. Hà Nội xúi dục người Hoa và người Việt đánh nhau để miền Nam không thể tập trung nỗ lực vào công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ, đơn vị Hoa vận cộng sản miền Bắc xâm nhập vào các khu dân cư lao động tại Sài Gòn – Chợ Lớn, đồng bằng sông Cửu Long hoạt động tuyên truyền, phá hoại.

– Về xã hội:

Về phía Việt Nam, sự giảm thiểu cường độ cứng rắn với người Hoa trong việc áp dụng luật quốc tịch một phần cũng vì những lý do xã hội.

Tâm lý của người Việt vẫn không thích nghề mua bán, những người có khả năng nhất – thành phần trí thức – thích làm công hơn làm chủ, họ thích đảm trách những vai trò chuyên viên cấp cao trong các lãnh vực phi kinh tế, hành chánh và không muốn nhận lãnh những rủi ro của nghề kinh doanh. Những người vợ và những người Việt cho mượn tên đang tập tễnh đi vào lãnh vực kinh doanh của chồng và bạn hữu là người Hoa (đặc biệt là ngành bán thịt và thực phẩm chế biến) lo ngại bị những người Hoa khác (nhiều vốn và kinh nghiệm hơn) cạnh tranh mua bán dưới những hình thức khác (buôn bán thịt nguội, cá lậu trên thị trường chợ đen, tăng giá thu mua v.v…). Những quyết định quan trọng của những cơ sở cho mượn tên thường do chồng hay chủ vốn là người Hoa quyết định.

Sinh hoạt kinh tế của Việt Nam trì trệ hẳn khi thiếu vắng người Hoa, không có người Việt nào dám xuất vốn lớn để đầu tư. Mặc cảm yếu kém vẫn còn ngự trị trong giới doanh nhân Việt. Những gia đình Việt Nam giàu có thường đầu tư vào đất đai, ruộng vườn, có người thích chuyển vốn ra ngoại quốc và tìm cách cho thân nhân xuất ngoại và sống luôn tại đó hơn là đầu tư vào kỹ nghệ hay thương mại để làm phát triển đất nước. Chính quyền cũng không thể tổ chức mạng lưới phân phối ở khắp mọi nơi. Tư nhân Việt Nam thiếu kinh nghiệm, không đủ tự tin để cạnh tranh trực tiếp với người Hoa trong lãnh vực phân phối mà cơ sở, vốn liếng và kinh nghiệm của họ hơn hẳn.

Chính quyền miền Nam cũng nhìn nhận dịch vụ thương mại của người Hoa không phải dễ dàng thay thế. Trong số 596 quầy bán thịt và 1.013 tiệm chạp phô do người gốc Hoa nắm giữ tại Sài Gòn trước ngày 6-9-1956, chỉ có 96 người Việt (chưa tới 6%) đứng ra thay thế. Hậu quả thiếu người gốc Hoa tham gia vào sinh hoạt kinh tế làm giảm nguồn thu nhập về thuế cho chính phủ. Trên cả nước thời đó có 11.115 môn bài được cấp (1957), người gốc Hoa chỉ có 4.606. Sự thiệt hại này cũng làm chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải duyệt lại chính sách hội nhập và phát triển.

Đội quân thất nghiệp gia tăng và xuất hiện trên các đường phố, họ làm đủ các nghề vụng vặt để sống. Riêng tại Sài Gòn năm 1956 có 400.000 người thất nghiệp. Trên toàn quốc năm 1959 có đến 1,5 triệu người không có công ăn việc làm. Lạm phát từ tháng 1 đến tháng 5-1956 là 6%, riêng trong tháng 6-1956 lạm phát đã tăng lên 8%. Lợi tức gia đình không tăng, giá gạo từ 481 đồng/tạ tăng lên 500 đồng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Năm 1957, mãi lực của người dân giảm 70% so với trước năm 1956.

Tại các tỉnh, người Hoa không được phép cho nông dân vay tiền làm mùa và nông dân cũng không biết phải vay mượn và bán lúa nơi đâu. Chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ mua lúa từ những tay đầu nậu, chủ vựa gạo mà đa số là người gốc Hoa. Có một thời gian quân đội và công chức phải đi thu mua lúa gạo nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì thiếu nghiệp vụ chuyên môn, tiền bạc thanh toán chậm khiến nông dân không mấy hưởng ứng. Thêm vào đó nạn tham nhũng bắt đầu lan tràn, nhiều viên chức chính phủ khi vận chuyển lúa gạo ra miền Trung đã cất giấu để bán chợ đen.

Hàng thủy sản trở nên khan hiếm, ngư dân Việt Nam không bán được cá, dân chúng thành thị cũng không biết mua tôm cá ở đâu. Mạng lưới phân phối thủy sản bị tê liệt. Ngư dân chỉ biết lấy cá vừa đánh bắt làm mắm hay phơi khô. Cư dân thành thị không ăn tôm cá trong nhiều tháng. Những người nuôi heo cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì không có người mua heo và cũng không ai bán cám. Than củi cũng rất khó khăn. Vật liệu gia dụng của nhiều gia đình bị hư hỏng, gia chủ phải tự sửa lấy để dùng. Hoạt động kinh tế nói chung bị khựng lại.

Về phía người Hoa, chế độ bang trưởng bị bãi bỏ từ thời Pháp thuộc (năm 1948), Hội Ái Liên bị cấm hoạt động từ 1956, Văn Phòng Thương Mại Chợ Lớn không người lãnh đạo, cộng đồng của họ thiếu vắng một giai cấp trung gian để lãnh đạo tại chỗ. Chính quyền Đài Loan chỉ là chọn lựa thứ hai. Người Hoa không thể trở về Đài Loan vì gia đình họ từ nhiều đời đã sinh sống tại đây, đã quen với môi trường sinh sống và không thể mang theo hết tài sản và tại Đài Loan tương lai của họ càng bấp bênh hơn ở Việt Nam. Cộng đồng người Hoa không hài lòng với tình trạng bị đá qua đá lại mãi giữa hai chính quyền, Đài Loan và Việt Nam, và cũng không muốn bị đưa về lục địa sống với chế độ cộng sản.

Tại Sài Gòn vào giữa tháng 7-1957 có hơn 25.000 người Hoa thất nghiệp, con số này đã tăng cao hơn nữa những tháng sau đó. Theo tin của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 27-5-1957, trên toàn quốc chỉ riêng trong ba ngành nghề : than củi (150 tiệm), sắt thép (300 cơ sở) và chạp phô (900 cửa hàng) có tới 50.000 người Hoa mất việc.

Những thương gia gốc Hoa bắt đầu cảm thấy nguy cơ mất cơ hội làm ăn và chỗ đứng tại miền Nam nếu họ cứ tiếp tục đường lối cứng rắn. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây phương đang dò đường, tìm cơ hội đầu tư tại miền Nam. Nhật Bản sẵn sàng bồi thường chiến tranh, xây dựng lại những cơ sở hạ tầng để có mặt lâu dài tại đây. Quan trọng hơn nữa là Hoa Kỳ đang vận động can thiệp quân sự trực tiếp vào miền Nam – nơi nào có quân đội Mỹ nơi đó dễ kiếm tiền – một cơ hội mà thương nhân gốc Hoa không thể trễ hẹn.

Vì các lẽ trên càng ngày càng có nhiều người Hoa xin gia nhập quốc tịch Việt Nam để được phép làm ăn. Một số người Hoa quan niệm sống ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật của Việt Nam, đó là lẽ tự nhiên.

 
B. Người Hoa trong thời đệ nhị Cộng Hòa 


Ngày 1-11-1963 chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cộng đồng người Hoa tại miền Nam thở phào nhẹ nhỏm. Họ tin rằng với chính quyền mới họ sẽ được dễ dàng hơn trong việc thương mại, nhất là có tin đồn Hoa Kỳ sẽ đổ quân vào miền Nam. Cộng đồng người Hoa hy vọng sẽ có cơ hội thăng hoa nhiều hơn nữa trên một đất nước mà người bản xứ hoàn toàn thua kém họ về mặt kinh doanh. Nói chung người Hoa rất lạc quan sau cuộc cách mạng.

Thời vàng son

Từ đầu năm 1964, cơ sở kinh doanh của người gốc Hoa mọc lên như nấm, đặc biệt là nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp với số vốn đầu tư lớn. Với sự tham chiến của quân đội Hoa kỳ và Đồng Minh năm 1965, an ninh của miền Nam được bảo đảm, tư nhân Hoa kiều đầu tư vào miền Nam không do dự. Có chiến tranh tức có tàn phá, hễ có tàn phá thì phải có xây dựng. Có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tức có tiêu xài, muốn tiêu xài thì phải có nơi giải trí. Với những suy luận giản dị như thế, doanh nhân người Hoa tập trung đầu tư vào những phó sản của chiến tranh : cung cấp vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nơi giải trí.

Khu kỹ nghệ Biên Hòa tràn ngập các đại công ty kỹ nghệ tân tiến của người gốc Hoa với sự giúp vốn và kỹ thuật của Hoa kiều Đông Nam Á, đặc biệt là Đài Loan. Các hãng dệt Vinatexco, Vinatéfilco, Vimytex, Donafitex được trang bị rất hiện đại có khả năng cung cấp vải đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước (20 triệu thước/năm) với phẩm chất không kém gì vải ngoại quốc. Những ngành sản xuất kỹ nghệ có tiếng của người Hoa tại khu kỹ nghệ Biên Hòa như Vicasa (nấu và cán sắt), Viso (xà bông bột), Sakimco (cán thép) v.v… làm chủ các thị trường chuyên ngành của miền Nam. Người Hoa làm chủ phần lớn các hãng bảo hiểm tại miền Nam. Nhiều hãng xưởng được thiết kế quanh khu vực Chợ Lớn : hãng bột ngọt Vị Hương Tố, kem đánh răng Hynos, Perlon, Leyna, hãng phim Viễn Đông, hãng pin Con Ó, giầy Bata, Sakybomi (bột mì), hãng cưa, hãng dầu ăn, hãng phân bón, v.v… Nhiều công ty đúc, cán sắt và lắp rắp nông cơ tầm vóc nhỏ hơn, kiểu gia đình, hoạt động rất náo nhiệt quanh khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Những cơ sở gia đình cũng dựa theo đó mà phát triển nhờ sự nhập cảng tư liệu sản xuất và nguyên liệu có phần dễ dàng hơn xưa. Đời sống của cộng đồng người Hoa trở nên sung túc.

Người Hoa không có mặt trong các định chế kinh doanh lớn có tính chiến lược mà chính phủ sở hữu 51% vốn, nắm quyền kiểm soát và quản trị trực tiếp, như Công Ty Điện Lực, Sài Gòn Thủy Cục, Hàng Không Việt Nam, các công ty Đường Hiệp Hòa, Phan Rang và Khánh Hội, Tổng Cục Tiếp Tế, Quân Tiếp Vụ… Những công ty lớn còn lại chính phủ và tư nhân góp vốn qua hình thức cổ phần, trong đó có nhiều cổ đông gốc Hoa như các công ty giấy Cogido (9.000 tấn/năm đủ cho nhu cầu giấy trong nước), công ty xi-măng Hà Tiên (độc quyền thu mua và sản xuất bột xi-măng cho nhu cầu toàn quốc), công ty sữa Ông Thọ, Vikyno (nông cơ), v.v… Trừ Công Ty Thủy Tinh (sản xuất 17.000 tấn/năm), người Hoa không có cổ phần vì tư nhân Pháp (hãng nước ngọt BGI và các viện bào chế Tây dược) giữ độc quyền. Hãng sản xuất nước ngọt SEGI (Phương Toàn hay Con Nai) phải mua vỏ chai của Đài Loan. Những hãng sản xuất dược liệu Á Đông phải đặt mua vỏ chai của những tư nhân gốc Hoa sản xuất theo lối tiểu thủ công nghiệp. Người Hoa độc quyền mua lại vỏ chai đã sử dụng để tái sản xuất các loại vỏ chai khác cho nhu cầu nội địa.

Nhờ viện trợ của Hoa Kỳ người dân Việt Nam, nhất là các viên chức chính quyền và thương gia, những người có đời sống kinh tế khá giã bắt đầu nghĩ tới chuyện tiêu xài, hưởng thụ. Nhiều cơ sở phục vụ giải trí được thành hình với đầy đủ các mục ăn chơi kiểu Hồng Kông : đại tửu lầu Đồng Khánh, Bát Đạt, Arc-en-Ciel, Đại La Thiên, các đại khách sạn Bồng Lai, Lục Quốc. Bình dân hơn là những khu ăn nhậu tại những trục giao lưu lớn tại Sài Gòn – Chợ Lớn do người Hoa làm chủ : La Kai, Chợ Cũ, Đa Kao, Tân Định, Ngã Bảy, Ngã Sáu, Bình Tây, Khổng Tử, v.v…. Các đại bệnh viện Sùng Chính, An Bình, Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông… được trang bị tối tân hơn và thay đổi hẳn phương pháp chữa trị : áp dụng Tây y thay vì Đông y. Các bang hội người Hoa phát triển mạnh mẽ, tăng cường các hoạt động kinh tế và văn hóa đến các thị xã, thôn xóm xa xôi nhất.

Đời sống vật chất và bộ mặt kinh tế của miền Nam thay đổi hẳn, người ta có thể nói đến phồn vinh, nhất tại các thành phố lớn. Được sự cố vấn của những chuyên viên quốc tế, mặc dầu đang có chiến tranh, tư bản quốc tế tiếp tục đổ vào miền Nam tại những thành phố lớn và các khu công nghiệp Biên Hòa, Thủ Đức, Bình Đông, Bình Tây, Đà Nẵng v.v… Hoa kiều từ nhiều nước Đông Á khác ra vào ào ạt, họ bỏ vốn đầu tư rất nhiều tại Chợ Lớn và vùng phụ cận. Thế lực của tư bản gốc Hoa trong nước được các đại gia đình tài phiệt Hoa kiều hải ngoại tăng cường, những người này nhắm khai thác và tiêu hóa nguồn viện trợ của Hoa Kỳ và đồng minh đang đổ vào miền Nam một cách ồ ạt.

Tư bản người Việt xuất hiện

Nơi nào có viện trợ của Hoa Kỳ nơi đó dễ làm ăn. Một số gia đình tư bản người Việt cũng bắt đầu xuất hiện trên thương trường sau ngày quân đội Mỹ có mặt. Gia đình Hoàng Kim Quy, được gọi là “vua kẽm gai”, chuyên sản xuất dây kẻm gai và lưới chắn đạn B40. Gia đình Phạm Quang Khai độc quyền chuyên chở xăng dầu và tiếp liệu cho chính quyền miền Nam.

Cũng nhờ có viện trợ của Hoa Kỳ, mức sống của xã hội miền Nam lên cao, nhiều cơ sở sản xuất kiểu Tây phương được thành lập, nhất là ngành y dược. Các công ty y dược lớn bắt đầu xuất hiện để phục thị hiếu ngày càng cao của dân chúng, đa số tập trung tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Một số nhân vật thân cận với chính quyền mở bệnh viện như bệnh viện Vì Dân của bà Nguyễn Văn Thiệu, hay thành lập những công ty y dược có tầm vóc như công ty dược phẩm OPV của Nguyễn Cao Thăng, xí nghiệp dược phẩm Trang Hai của bà Nguyễn Thị Hai, viện bào chế Cophavina của dược sĩ Cổ Trung Ngươn, hãng thuốc Sifap của Đào Hữu Giao và Thân trọng Thúy Mai, Laboratoire La Thành của La Thành Nghệ, viện bào chế Béta của Bùi Kim Bảng. Một số dược sĩ, bác sĩ có thực tài cũng xây dựng được nhiều cơ sở nổi tiếng như dầu khuynh diệp của bác sĩ Bùi Kiến Tín, dưỡng đường Công Lý của bác sĩ Trần Đình Đệ, dưỡng đường Duy Tân của bác sĩ Nguyễn Duy Tài, phòng chụp quang tuyến X của bác sĩ Lý Hồng Chương.

Một số gia đình giàu có khác kinh doanh vào ngành dệt như hãng Lysyntex (Liên Phương Kỹ Nghệ Dệt) của bà Nguyễn Thị Giàu, hãng dệt Nam Á và công ty dệt len Vĩnh Thịnh của Phan Bá Thúc, Sakymen (dệt mền len) của Bùi Trác tại cầu Bình Lợi, Tái Thành của bà Đoàn Thị Mỹ (chồng là Huỳnh Văn Thái, người Việt gốc Hoa). Vốn của các cơ sở này ngày càng lớn. Lysyntex lúc ban đầu chỉ vài trăm ngàn, đến năm 1974 được ước tính trên 1,5 tỷ đồng, trước tháng 4-1975 tăng trên 5 tỷ. Tái Thành lúc đầu chỉ có 6 máy dệt bằng gỗ, đến năm 1974 tổng tài sản tăng trên 8 triệu USD. Gia đình họ Cự tại đường Gia Long tập trung vào ngành dệt và may mặc. Người Việt sản xuất tơ sợi nhiều hơn người gốc Hoa (60%) nhưng chỉ phân phối được 30% thành phẩm, số còn lại phải nhờ hệ thống phân phối của người Hoa. Nghề thuộc da cũng được nhiều người Việt tham gia đầu tư như nhà máy da thuộc Bình Lợi của kỹ sư Trần Công Lợi, về sau có thêm hai nhà máy da thuộc khác do những kỹ sư Việt Nam tốt nghiệp tại từ Pháp (Lyon) về quản trị. Nhiều doanh gia khác đầu tư vào ngành nhập cảng xe gắn máy và bánh ngọt (Thái Thạch) như Mai Văn Hàm, hóa chất dệt nhuộm và hương liệu của Nguyễn Công Kha.

Tư nhân Việt Nam hoạt động mạnh trong ngành ấn loát (Sài Gòn ấn quán, Kim Lai ấn quán của Trương Vĩnh Lễ), xuất bản (nhà sách Khai Trí của Nguyễn Hồng Trương), báo chí, rạp hát (Rex, Văn Hoa của êng Thi), phim ảnh (hãng Cosunam của Nguyễn Thị Lợi, Alfa Film của Thái Thúc Nha, hiệu nhiếp ảnh Long Biên). Nói chung, về kinh doanh văn hóa người Việt tự cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Chính quyền miền Nam cũng đầu tư rất nhiều vào các cơ sở văn hóa và ấn loát như Bộ Giáo Dục, Bộ Thông Tin và Dân Vận, Bộ Quốc Phòng, v.v… nhưng chỉ nhằm mục đích giáo dục, thông tin và tuyên truyền, chứ không có tính thương mại.

Về sản xuất kỹ nghệ, nhiều công ty do người Việt làm chủ trực tiếp hay qua hình thức cổ phần đã xuất hiện, tuy còn khiêm tốn nhưng rất tích cực. Khu kỹ nghệ Biên Hòa có các công ty : bột giặt Net của ông Hà Dương Bưu (vốn : 75% Việt, 25% Hoa), Vinappro (75% Việt, 25% Nhật) do Cao Văn Đức làm tổng giám đốc với sự hợp tác của các ông Phạm Văn Thơm, Khương Hữu Cân, chuyên sản xuất bộ phận máy cày và xay lúa. Ngoài ra chính quyền miền Nam cũng xuất vốn đầu tư rất nhiều vào một số ngành kỹ nghệ cơ bản như Sicovina (đến năm 1974 vốn tư nhân chỉ còn 4% thay vì 50% như trước, 96% vốn của chính phủ), công ty xi-măng Hà Tiên do ông Dương Mộng Ảo làm tổng giám đốc, các công ty đường Hiệp Hòa, Phan Rang, Khánh Hội (có lúc do ông Nguyễn Văn Hải làm tổng giám đốc), Vikyno của Việt Nam Thương Tín v.v…

Một số tư nhân khác đầu tư vào các ngành dịch vụ. Về ngân hàng có ngân hàng Tín Nghĩa của Nguyễn Tấn Đời, ngân hàng Trung Việt của Phạm Sanh, ngân hàng Nam Đô của Võ Văn Ấng. Về ngành vàng bạc nữ trang như gia đình Nguyễn Thế Tài, Nguyễn Thế Năng, Đức êm, Kim Thành, Kim Hoa tại đường Lê Thánh Tôn. Về khách sạn có khách sạn Catinat của Trần Quí Phong, khách sạn Palace của Nguyễn Gia ên. Nhiều gia đình quí tộc gốc Huế (Nguyễn Phúc, Thân Trọng, Tôn Nữ) đầu tư xây dựng rất nhiều khách sạn, chung cư và cao ốc trên các đường Nguyễn Trung Trực (Ambassy, Emperador), Trần Quí Cáp, Công Lý v.v… để cho người Mỹ thuê. Về hàng không, gia đình Nguyễn Tấn Trung có số cổ phần quan trọng nhất trong Air Việt Nam.

Nhiều gia đình giàu có xuất thân từ chính quyền cũng có mặt trong đủ các ngành kinh doanh như gia đình Trần Trung Dung, Nguyễn Văn Điền. Một số tướng lãnh giàu có cũng xuất hiện trên thương trường nhưng hoạt động kín đáo hơn như gia đình các ông Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Hoàng Xuân Lãm, Đặng Văn Quang, Lữ Lan, Ngô Du, Đoàn Văn Quang, Nguyễn Văn Toàn v.v… Đa số kinh doanh trong lãnh vực nhà hàng, tửu lầu, khách sạn, phòng trà ca nhạc, khiêu vũ trường, thầu quân cụ phế thải và khai thác đồn điền.

Nhìn chung, thành phần tư bản Việt Nam có phát triển nhưng sự phát triển đó không do chính khả năng của đương sự, phần lớn đều cậy nhờ không nhiều thì ít vào thế chính quyền. Khi mất nguồn viện trợ của Hoa Kỳ, hoạt động kinh doanh của một số nhân vật bị khựng lại (trường hợp của gia đình Hoàng Kim Qui, Phạm Quang Khai và một số tướng tá khác), nhiều người chuyển nhượng cơ sở hay đổi ngành kinh doanh từ sản xuất sang dịch vụ (khách sạn, giải trí, ăn uống). Chỉ còn lại một số ít công ty cổ phần do vốn tư nhân còn tiếp tục kinh doanh, đa số là những công ty nặc danh cổ phần và trách nhiệm hữu hạn, trong các ngành sản xuất, tài chánh hay y tế như nghề dệt, ấn loát, dịch vụ ngân hàng, bệnh viện, viện bào chế. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có thành lập một số ngân hàng như Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ, Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn để cho tư nhân vay với lãi suất thấp (6%) để sản xuất, nhưng thực tế rất đáng buồn. Một số doanh nhân Việt gốc Hoa đã mua chuộc gần như toàn bộ nhân viên xét duyệt hồ sơ vay vốn để vay từ 80 đến 90% số vốn dành cho vay. Mặc dầu không cần tiền, họ vẫn lập hồ sơ để vay cho hết số tiền của chính phủ vì họ không muốn doanh nhân Việt mượn tiền để phát triển và cạnh tranh với họ. Có người vay tiền ngân hàng để sau đó cho nông dân vay lại với lãi suất 20%/năm.

Kinh nghiệm về kinh doanh của thành phần doanh nhân mới này còn rất yếu nhưng nhờ biết áp dụng những phương thức quản lý của Tây phương, và nhất là biết sử dụng thành phần trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cơ sở của họ đã đứng vững được cho đến tháng 4-1975. Từ 1962 đến 1975, các Viện Đại Học và Trường Kinh Doanh tư nhân đã mở nhiều khóa huấn luyện về quản trị xí nghiệp, đào tạo được khá nhiều chuyên viên có khả năng, thêm vào đó một số du học sinh sau khi tốt nghiệp đã về nước phục vụ, làm tăng thêm nguồn nhân lực cao cấp trong các lãnh vực kinh doanh và quản trị. Nguồn vốn của những cơ sở tư nhân này rất đa dạng (vốn gia đình, cổ phần, vay mượn…), mặc dù chiến tranh đang leo thang họ vẫn xuất tiền thành lập doanh nghiệp lớn ngay trong nước, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, thay vì cất gởi vào các ngân hàng ngoại quốc hay chuyển ra nước ngoài.

Những hoạt động kinh doanh sau 1972

Chiến tranh có lúc phải chấm dứt. Từ khi có hội nghị Paris năm 1968, doanh nhân gốc Hoa chuẩn bị hiện diện trong giai đoạn hậu chiến. Sau năm 1972, nhận thấy cuộc ngừng bắn qui định bởi Hiệp Định Paris không thuận lợi cho một sự đầu tư lâu dài, doanh nhân gốc Hoa đầu tư chủ yếu vào các ngành nào mà khi hữu sự họ có thể thu hồi lại vốn thật nhanh. Người Hoa chỉ đầu tư vào các ngành dịch vụ ăn uống và giải trí như mở nhà hàng, khách sạn, phòng trà vì chính trong lúc loạn lạc hay tuyệt vọng người ta sẽ tìm quên hay giải khuây trong những nhà hàng sang trọng. Những người Hoa nào đã đầu tư vào kỹ nghệ vẫn tiếp tục sản xuất nhưng phần doanh lợi được chuyển dần ra ngoại quốc. Chỉ một số ít người Hoa dám đầu tư vào các dịch vụ khác như ngân hàng, tín dụng, kim hoàn vì gọn nhẹ, khi hữu sự có thể gói ghém vốn liếng nhanh để chạy hay cất dấu. Một số khác bỏ vốn đầu tư vào các cơ sở xuất nhập cảng với mục đích tìm cơ hội chuyển ngân lậu tư bản ra ngoại quốc hay tích tụ tài sản tại hải ngoại. Đây là những lãnh vực đầu tư có tỷ lệ kiếm lời cao, có khả năng hoàn vốn nhanh và nhất là không có cạnh tranh. Một số khác nhìn xa hơn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nhỏ như sản xuất những mặt hàng gia dụng như bếp lò dầu lửa, vật dụng bằng điện hay thực phẩm chế biến như xay bột, xay gạo, mì ăn liền, kẹo bánh kỹ nghệ, bột ngọt… vì thời nào những nhu cầu này cũng cần thiết. Hơn nữa số vốn bỏ ra không là bao nhưng tỷ lệ kiếm lời rất lớn. Ngành sản xuất thực phẩm khô (mì ăn liền, lạp xường, đường sửa, bánh kẹo) rất được ưa chuộng vì đó cũng là nguồn tiếp liệu mà hậu cần cộng sản tìm mua để nuôi quân.

Theo tài liệu thống kê của chính quyền miền Nam cho biết sau 1972, người Hoa chiếm lĩnh 80% thị trường hàng chế biến, 100% ngành buôn sỉ, 50% bán lẻ, 90% xuất nhập khẩu, 80% tín dụng ngân hàng. Họ còn làm chủ 42 trên 60 hãng xưởng có số doanh thu trên 1 tỷ đồng, cung cấp 2/3 vốn đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế tư nhân của miền Nam. Có 80 tỷ phú gốc Hoa được biết tiếng sau 1965 và được gọi là “vua” như vua gạo, vua xăng dầu, vua nông cụ, vua bột mì v.v… như các ông Lâm Huê Hồ (tín dụng), Lý Long Thân (dệt), Mã Hí (mễ cốc), Trần Thành (bột ngọt), Đào Mậu (ngân hàng), Trương Vĩnh Nhiên (rạp hát, phim ảnh), Tr)ân Thoại Hà (trà), Lại Kim Dung (gạo), Vương Đạo Nghĩa (kem đánh răng), Lý Sen (cán thép), Lưu Kiệt, Lưu Tung (nông cơ), Tăng Tài (vận tải đường sông), Lâm Thọ Vinh (dầu gió), v.v… “Vua” ở đây có nghĩa là đứng đầu hay độc quyền trong lãnh vực kinh doanh của mình.

Qui chế đại bang tuy không được thừa nhận nhưng những bang hội người Hoa được tự do hoạt động. Những bang địa dư thi nhau xây cất chùa chiền, đình miếu, nhà tổ, hội đồng hương án, trường học. Nhiều phường thành lập các hội múa sư tử, dàn nhạc ma chay, cơ sở thể dục thể thao riêng để chỉ phục vụ cho riêng bang hội của họ. Nhiều đội thể thao, môn phái võ nghệ trong thế giới Trung Hoa được các bang hội địa phương mời vào Việt Nam biểu diễn, tất cả đều được đón tiếp trọng hậu. Chính quyền miền Nam dành cho mỗi bang ngữ phương có chương trình phát thanh riêng để kêu gọi sự ủng hộ của người Hoa. Nội dung của các chương trình này được dùng để thông tin, quảng cáo, báo tin ma chay, đám cưới v.v… nhưng người Hoa không muốn tuyên truyền chính trị.

Dân số cộng đồng người Hoa cũng tăng gần gấp đôi sau 1968, từ 800.000 người năm 1956 tăng lên 1.035.000 người năm 1961, 1,3 triệu năm 1963 và 2,2 triệu năm 1972 (rất đông Hoa kiều đến từ Hồng Kông và Đài Loan).

C. Mặt trái của xã hội miền Nam

Sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội miền Nam đào sâu hố ngăn cách giữa một thiểu số giàu có và đại đa số nghèo khó. Thành phần giàu có người Việt đa số đều có thế dựa từ chính quyền, thành phần giàu có gốc Hoa có điểm tựa là các bang hội lớn hay các tập đoàn tư bản Hoa kiều trong vùng. Cả hai thế lực này tự do tung hoanh hoành trong xã hội miền Nam và không có gì có thể cản trở sự phát triển của họ. Nhiều biện pháp của chính quyền ban ra nhằm hạn chế tệ nạn khuynh loát xã hội nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Hội Đồng Cánh Mạng của Nguyễn Cao Kỳ (năm 1964) và UŒy Ban Bài Trừ Tham Nhũng của Trần Văn Hương (năm 1972) đã có nhiều cố gắng hạn chế sự lộng hành của các tập đoàn tài phiệt và trong sạch hóa chính quyền và xã hội nhưng không mấy thành công.

Hủ hóa chính quyền

Tình trạng tham nhũng lan tràn khắp các cấp chính quyền Đệ II Cộng hòa. Chức quận trưởng quận 5 (Chợ Lớn) là chức vị cao giá nhất thời đó, chỉ những nhân vật thân tín của chính quyền mới được trúng tuyển. Chức vị giám đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành cũng rất cao giá. Những nhân vật thân chính quyền được cử đến quản trị những khu vực này phải đóng “hụi chết” cho thượng cấp từ tổng thống, thủ tướng, tướng tư lệnh vùng cho đến những viên chức cấp thấp trong ngành thuế vụ, an ninh. Chính vì mua chuộc được quan chức chính quyền ở các cấp, tài phiệt gốc Hoa làm mưa làm gió trên thị trường miền Nam, họ đầu cơ tích trữ, độc quyền thu mua vật liệu phế thải của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, qui định các giá gạo, đường, sữa, xà bông, bột ngọt, xi-măng, sắt thép, phân bón, xe gắn máy, đồ phụ tùng cơ khí, vải vóc, vàng bạc, ngoại tệ, tổ chức đánh số đề v.v… bất chấp chỉ thị của Bộ Kinh Tế hay của chính quyền.

Sự lũng đoạn gay gắt đến nỗi năm 1965 Hội Đồng Cách Mạng, do tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo, buộc phải thành lập một pháp trường cát ngay chợ Bến Thành để xử bắn gian thương. Một gian thương gốc Hoa tên Tạ Vinh đã bị xử bắn về tội đầu cơ gạo. Mục đích của vụ án này nhằm răn đe nhóm tài phiệt gốc Hoa đang tung hoành trên thương trường miền Nam (xem Phụ lục 2). Nhưng sau vụ án này không có ai bị xử án tiếp, pháp trường cát đi vào lãng quên.

Cộng đồng người Hoa là một thế lực kinh tế t^ài chánh, văn hóa không ai phủ nhận. Người Hoa đến cửa công quyền được quí trọng và được dành nhiều ưu đãi. Có nhiều trường hợp thường dân Việt Nam đi lạc vào khu vực Chợ Lớn bị người Hoa coi thường như không nói tiếng Việt, không chào hàng, không tiếp chuyện… Chàng trai Việt nào kết thân được với một thiếu nữ gốc Hoa Chợ Lớn quả là một kỳ công. Những người làm chính trị thời đó không ai không nghĩ đến việc cầu viện khả năng tài chánh của nhóm tài phiệt gốc Hoa để hoạt động. Các cấp lãnh đạo quân đội miền Nam (thời Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu) ai nấy cũng không nhiều thì ít đều có nhận tiền gián tiếp hay trực tiếp của giới tài phiệt gốc Hoa để hoạt động và làm của riêng. Nhiều quan chức lớn trong chính quyền được mời dự những cuộc tiếp tân sang trọng hay nhận được rất nhiều quà cáp của những thương gia Chợ Lớn. Đổi lại họ cung cấp cho tài phiệt gốc Hoa những “tuy-dô” làm áp phe lớn trước khi chính quyền ban hành sắc lệnh chính thức trong chương trình thiết kế đô thị, trợ cấp giá nhu yếu phẩm, hàng xuất nhập cảng.

Tuy là tác giả hưởng thụ chính trong cuộc chiến nhưng cộng đồng người Hoa không mấy hưởng ứng và tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu chống cộng sản tại miền Nam. Đa số đã tìm cách chạy chọt để được miễn dịch hay trốn quân dịch. Tuy nhiên cũng có rất nhiều chiến sĩ gốc Hoa chiến đấu rất anh dũng trong các đơn vị quân đội thiện chiến và cũng đã không ít người hy sinh cho chính nghĩa miền Nam.

Phổ biến văn hóa

Sinh hoạt văn hóa nổi bật của cộng đồng người Hoa sau 1963 là phổ biến chữ Hán. Chữ Hán là biểu tượng của lối sống Trung Hoa : tự hào và khó hiểu.

Báo chí Hoa ngữ xuất hiện rất nhiều (11 nhật báo và 5 tuần báo) với số lượng phát hành khá cao trong các sạp báo nơi đông người Hoa cư ngụ. Báo phát hành buổi sáng gồm các tờ Viễn Đông nhựt báo 17.000 số/ngày, Thế Giới nhựt báo 12.000 số/ngày, Đại Hạ nhựt báo 7.000, Á Châu nhựt báo 7.000, Luận Đàm hằng ngày 4.000, Trung Quốc nhựt báo 2.000, Dân Tinh nhựt báo 1.000, Quần Thanh nhựt báo 1.000. Các báo phát hành buổi chiều: Vạn Quốc vãn báo 6.000 số/ngày, Việt Hoa vãn báo 5.000 số. Người Hoa có 5 tờ tuần báo: Quang Hạ, Trung Nam, Hoa Nam, Cầu Cầu và Du Lạc, mỗi tờ phát hành không dưới 5.000 số.

Nhiều trường dạy Hoa ngữ được tái hoạt động. Hệ thống trường trung học “công lập” có mặt khắp nơi do các bang hội đóng góp vốn, các trường này thường do một ban giam hiệu của ngữ phương gốc điều hành được sự chấp thuận của Bộ Giáo Dục. Hệ thống tư thục do các tư nhân giàu có bỏ vốn và tự điều hành cũng phát triển mạnh. Học phí tư thục rất cao, phẩm chất giảng dạy đương nhiên là cao vì có các giáo sư từ Đài Loan hay Hồng Kông đến dạy, chỉ con cái những gia đình người Hoa trung lưu mới đủ khả năng vào học.

Cấp I (tiểu học) gồm có các trường Thánh Tâm, Dật Tiên, Trung Chánh, Sanh Huy, Pháp Vân, Sùng Mãn, Nam Hải, Đức Trí, Khoan Tánh, Dương Minh, Nghĩa An, Trung San và Sùng Hoa. Cấp II và III (trung học) gồm có các trường Quảng Đông Chợ Lớn, Phúc Kiến, Nghĩa An, Sùng Chính, Quảng Đông Sài Gòn, Chí Dũng, Sanh Chí, Quốc Dân, Lĩnh Nam, Chí Sanh và Nam Dương. Các trường này dạy tiếng phổ thông (Bắc Kinh) là chính, mỗi trường địa phương có dạy thêm ngôn ngữ riêng của từng bang. Tại các tỉnh lẻ, hệ thống các trường Tân Sanh rất tích cực, vừa dạy chữ Hoa vừa dạy nghề cho học sinh.

Tại một số trường, tiếng Việt chỉ là sinh ngữ 1 hoặc sinh ngữ 2. Bằng cấp các trường dạy tiếng Hoa có giá trị ngang với các trường học Đài Loan vì được giảng dạy theo chương trình giáo dục của Đài Loan. Chính quyền miền Nam không công nhận giá trị các bằng cấp của các trường tư thục gốc Hoa. Thường thì học sinh gốc Hoa sau khi tốt nghiệp phải ghi danh thi tốt nghiệp văn bằng của Việt Nam để được học tiếp bậc đại học hay đi làm. Những gia đình khá giả thường cho con em du học tại ngoại quốc (Đài Loan, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Pháp), khi tốt nghiệp những sinh viên này trở về làm việc làm trong những cơ sở của người Hoa. Chỉ một số ít học sinh gốc Hoa học tại các trường Việt ngữ và Pháp ngữ (trường Marie Curie, Jean Jacques Rousseau, Yersin và Fraternité). Những sinh viên, học sinh gốc Hoa tốt nghiệp trường Việt hay trường Pháp làm việc trong các cơ sở Việt Nam giữ những chức vị cao vì có thực tài chứ không do đút lót. Một số đảm trách vai trò cố vấn hay lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan hành chánh của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Đam mê văn hóa Trung Hoa

Sự đam mê văn hóa, lối sống Trung Hoa đã trở thành một hiện tượng. Sau 1966, phim truyện kiếm hiệp Trung Hoa tràn ngập thị trường Việt Nam, ảnh hưởng của nó rất báo động. Báo chí Việt Nam thời đó nếu không đăng truyện kiếm hiệp hay tình cảm Trung Hoa sẽ ít người đọc cho dù nội dung có giá trị tin tức, văn học hay chính trị cao.

Các rạp hát chiếu phim Việt Nam bị ế ẩm trong khi các rạp chiếu phim của Tây phương và Trung Hoa đông nghẹt người xem. Về sau phim kiếm hiệp và tình cảm của Đài Loan, Hồng Kông tranh dành và lấn áp ảnh hưởng phim ảnh của Tây phương. Phim truyện của các hãng Shaw Brothers (Thiệu Thị, Đài Loan) và Golden Harvest (Gia Hòa, Hồng Kông) rất được thanh niên miền Nam ưa chuộng. Từ sau 1970 phim võ của Lý Tiểu Long làm mưa làm gió trên các màn bạc tại Việt Nam. Người Việt Nam từ thành phần trí thức, sinh viên học sinh (kể cả du học sinh), cho đến anh công nhân lao động, bà nội trợ ai cũng mê và biết chút ít về phim ảnh và truyện kiếm hiệp Trung Hoa. Chủ nhân của hơn 20 rạp hát lớn tại Sài Gòn-Chợ Lớn là một người Hoa tên Trương Vĩnh Nhiên.

Những ai không biết điển cố hay nhân vật Trung Hoa trong các truyện Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Thủy Hử, Liêu Trai Chí Dị v.v… không phải là người sành điệu. Nhiều chính trị gia, trí thức, nhà báo viết nhiều loạt bài bình phẩm về truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Ngọa Long tiên sinh. Có người còn trích những đoạn trong truyện để bình luận thời sự quốc tế và quốc nội. Sách truyện của Quỳnh Dao được truyền đọc khắp nơi trong các trường học, xóm bình dân. Tại khắp nơi, tiệm cho mướn truyện kiếm hiệp mọc lên như nấm. Nhiều thanh thiếu niên mơ ước trở thành những nhân vật trong truyện Trung Hoa để được người yêu mến chuộng. Tài tử Trung Hoa là thần tượng của tuổi trẻ Việt Nam, nhiều thanh niên không biết tiểu sử của các nhân vật lãnh đạo Việt Nam nhưng rất rõ đời tư của từng tài tử điện ảnh Hồng Kông hay Đài Loan.

Một người muốn được thiên hạ xếp vào hạng sành điệu phải biết các món ăn chơi tại Chợ Lớn, biết ăn óc khỉ, biết nhứt dạ đế vương, biết những tài tử Trung Hoa như Lý Tiểu Long, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Trịnh Phối Phối, Nhạc Huê, Cốc Phong, Lý Lệ Hoa, Lăng Ba, Lý Thanh, Miêu Khả Tú…, biết những nhân vật trong các truyện Tàu như Khổng Minh, Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi, Hàn Tín… những nhân vật tên tuổi trong các truyện kiếm hiệp Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Lục Mạch Thần Kiếm, Lộc Đỉnh Ký như Vương Trùng Dương, Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong, Đoàn Chính Thuần, Quách Tỉnh, Hoàng Dung, Dương Qua, Tiểu Long Nữ, Trương Vô Kyï, Triệu Minh, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh, Nhạc Linh San, Vi Tiểu Bảo, Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Du Thản Chi, Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến, v.v…

Rất ít người thấy được nguy cơ Việt Nam có thể biến thành thuộc địa văn hóa của Trung Hoa, có người còn khuyến khích con em học tập, đọc và nghiên cứu các tác phẩm viết bằng chữ Hoa của Khổng tử, Mạnh Tử, Lão Trang, Lý Bạch, Tôn Tử, v.v… Nhiều người còn tìm mua các báo Hoa ngữ để đọc nguyên tác các truyện kiếm hiệp để tìm cảm hứng trực tiếp. Điển cố hay điển tích thời Xuân Thu hay Tam Quốc được trích dạy trong các sách giáo khoa. Gương hiếu thảo trong truyện Nhị Thập Tứ Hiếu được trích để dạy thiếu niên. Khoa Hán văn trong các đại học Văn Khoa được rất nhiều sinh viên theo học. Nói được vài tiếng Quảng Đông hay Triều Châu là một thời thượng, biết được vài tiếng phổ thông càng được trọng nể hơn.

Những ngày lễ lạc là dịp để thương gia gốc Hoa đãi yến tiệc, phô trương thanh thế, những viên chức chính phủ luôn là khách danh dự. Lễ “điểm tinh khai quang” (điểm mắt cho đầu lân sư rồng) của các đội lân rất được nhiều người chú ý. [“Điểm tinh” là một nghi thức quan trọng, các đội lân sư rồng đều tổ chức trọng thể trước khi “ra quân” biểu diễn mùa Tết. Lễ được cử hành trang trọng tại các chùa hay nhà hàng lớn. Các ân nhân, thân chủ, bạn bè của đội lân đều được mời tham dự. Thường người làm đầu lân bao giờ cũng chừa hai mắt lại. Người tài trợ chi phí làm lân được dành cho vinh dự “điểm tinh”. Người đại diện chính quyền luôn được hân hạnh nâng ly đầu tiên chúc mừng. Khi “điểm tinh”, người ta dùng nhánh trắc bá diệp (lộc đem tới nhiều may mắn) chấm vào dĩa rượu trắng hòa với châu sa thần sa (màu đỏ) và gừng giã nhuyễn (gừng đồng âm với chữ An) rồi điểm vào hai mắt và lưỡi của lân và sư tử. Riêng rồng thì được điểm vào cả đuôi.]

Vào các dịp tết Nguyên Đán, nhiều gia đình Việt Nam bắt chước người Hoa mua sắm những tấm liễn viết bằng chữ Hán màu vàng trên giấy đỏ để dán ở trước cửa nhà, nơi phòng khách hay bàn thờ. Thật sự người ta treo vì hình thức của liễn hơn vì nội dung, nhiều người không hiểu và không đọc được những gì viết trên đó. Nội dung những câu này hoàn toàn trái với nội dung những câu liễn của người Việt Nam viết ra trong các dịp lễ lạc mà nội dung mang nhiều ý nghĩa chính trị, đấu tranh “kêu” hơn. Hình ảnh các ông đồ xưa người Việt biến mất, nhưng tại Chợ Lớn những ông đồ già gốc Hoa xuất hiện đông đảo dọc các hè phố lớn, nhất là trên các đường Khổng Tử, Đồng Khánh, Hùng Vương, Tổng Đốc Phương v.v…

[Phần lớn liễn của người Hoa là loại liễn bốn chữ như Hòa khí sinh tài, Long mã tinh thân… Kế đến là loại liễn hai câu đối, mỗi câu bảy chữ như Bình an nhị tự trực thiên kim, Hòa thuận mãn môn thiên bách phước, hoặc Tài nguyên quãng tấn đạt tam giang, Sinh lý hưng Long thông tứ hải… Mỗi loại có vài ba chục câu trích trong các sách Tứ thư, Ngũ kinh… Có loại viết trên một tấm giấy đỏ vuông vức chỉ có một chữ như Phúc, Lộc Thọ, có loại được dùng để chúc tân gia, đám cưới hay mừng sinh nhật con mới sinh với chữ Song Hỷ].

D. Chợ Lớn

Chợ Lớn, trước và nay, vẫn là biểu tượng sinh hoạt của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Chợ Lớn là địa bàn hoạt động kinh doanh lý tưởng của bất cứ nhà đầu tư nào : gần các tuyến giao thông, hạ tầng cơ sở vững chắc, thị trường lớn, mãi lực cao, nhân công rẻ và có tay nghề, và nhất là có an ninh. Nhưng Chợ Lớn vô tình bị biến thành một vùng đất biệt lập dành riêng cho người Hoa trong đó cơ sở kinh doanh, trường học, nhà thương, rạp hát, cơ sở văn hóa, nơi thờ phượng chỉ sử dụng ngôn ngữ của từng địa phương Trung Hoa. Các công viên tại Chợ Lớn hay ở những nơi đông cư dân gốc Hoa cư ngụ, mỗi buổi sáng tràn ngập các vị bô lão người Hoa tập thể dục (Thái cực quyền, Thái cực kiếm), biểu diễn võ công các môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang v.v… Các ban nhạc tang cưới của người Hoa làm ồn ào và nhộn nhịp hẳn bộ mặt Chợ Lớn và Sài Gòn (quận 2 cũ, quận 6, 8, 10, 11), đôi khi làm cản trở lưu thông, nhưng không ai phiền trách. Những ngày lễ lớn : tết Nguyên Đán, Đoan Ngọ, Vu Lan, Trung Thu, khu vực Chợ Lớn nhộn nhịp hẳn lên.

Mỗi quán nước, mỗi góc phố nơi đông người Hoa cư ngụ là những trung tâm áp phe, nhất là tại những nơi gần bến tàu, bến xe, các trục giao thông đường bộ hay đường sông. Những áp phe mang lại lợi tức cao của tài phiệt gốc Hoa là những dịch vụ đấu thầu cung cấp quân trang, quân dụng cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, mua hàng của quân đội Hoa Kỳ (hàng PX, đồ phế thải), mua bán sắt, đồng vụn và các dịch vụ nhập cảng xe hơi, đường, sửa, bột ngọt, v.v…

Chợ Lớn là một vùng khó kiểm soát. Ai trốn được vào đây làm ăn, sinh sống, quân đội và cảnh sát Việt Nam đành bó tay. Trong suốt thời gian có chiến tranh, số người trốn quân dịch nơi đây rất cao và có đủ mọi giấy tờ giả mạo để hợp thức hóa sự hiện diện.

Lực lượng cộng sản cũng nhân cơ hội gia tăng các hoạt động xâm nhập và nhận tiếp liệu. Chợ Lớn ở gần những căn cứ địa của quân cộng sản (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) được du kích quân xem là hậu cần cho các lực lượng chính quy từ miền Bắc vào Nam chiến đấu. Tết Mậu Thân 1968 quân cộng sản xâm nhập vào đây, ngoài mục đích cảnh cáo cộng đồng người Hoa phải tích cực đóng góp tài chánh, họ cố ý tạo cơ hội cho quân lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa bắn phá các cơ sở kinh tế nhằm làm suy yếu tiềm năng kinh tế của miền Nam. Hậu ý của cuộc tấn công Mậu Thân cũng nhằm khuyến cáo Trung Quốc gia tăng áp lực với cộng đồng Hoa kiều tại miền Nam làm hậu thuẫn cho ý đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương và Đông Nam Á, đồng thời cũng để chính quyền miền Nam nghi ngờ tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Hoa là tai mắt của cộng sản miền Bắc và Trung Quốc.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đội võ trang tuyên truyền Hoa vận ở Rạch Giá, ở xã Bình An, Vĩnh Hòa Hiệp (Kiên Giang) trực tiếp tấn công các đồn lính của Việt Nam Cộng Hòa nhưng thất bại, có rất nhiều người gốc Hoa bị bắt. Trong suốt những thập niên 60-70, nhiều gia đình gốc Hoa giàu có (chủ xe đò, chủ thuyền bè, chủ đất, thương lái) buộc phải đóng nhiều khoản tiền mãi lộ rất lớn cho tổ kinh tài cộng sản để được yên ổn làm ăn.

Số tiếp liệu về y dược và lương thực khô cho các du kích hay bộ đội miền Bắc vào miền Nam, ngoài những đường dây bí hiểm mang tiền Việt Nam Cộng Hòa từ Cambodgehay Hà Nội vào, một phần cũng do những khoảng tài chánh bị cưỡng bách đóng cho Mặt Trận Giải Phóng của những gia đình giàu có tại Chợ Lớn và đồng bằng sông Cửu Long. Những toán kinh tài cộng sản hoạt động rất tích cực trong giới thương gia người Hoa.

 
V. Dưới chế độ cộng sản (sau 1975)

Trước và sau ngày 30-04-1975, một số gia đình gốc Hoa giàu có tại miền Nam, nhất là tại Sài Gòn-Chợ Lớn, đã theo đoàn người vĩ đại di tản ra nước ngoài. Phần lớn chọn định cư tại Hoa Kỳ, Canada, Úc và Pháp, một số khác chạy sang Hồng Kông hay Đài Loan, số còn lại, rất ít, chọn định cư tại Singapore và Thái Lan.

Sau khi đã hoàn tất việc đưa đi cải tạo những thành phần công nhân viên chức trung cao cấp và quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũ, chế độ cộng sản cho thi hành ngay chính sách cải tạo công thương nghiệp tại miền Nam. Công cuộc cải tạo kinh tế miền Nam không những chỉ áp dụng riêng cho người Việt mà còn cho cả người gốc Hoa đang nắm giữ phần lớn hạ tầng cơ sở của nền kinh tế miền Nam. Xã hội Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với những hậu quả và biến thái của chính sách này.

A. Chính sách cải tạo công thương nghiệp tại miền Nam

Tất cả những cơ sở sản xuất, chế biến lớn tại miền Nam hoặc bị quốc hữu hóa, hoặc bị đưa vào hợp doanh với tỷ lệ bắt buộc 51% thuộc chính quyền (một hình thức quốc hữu hóa khác). Những cơ sở nhỏ kiểu gia đình được biến cải thành những hợp tác xã, chịu sự chi phối của Bộ, Sở Nông Nghiệp, Công Nghiệp hay Thương Nghiệp. Những cơ sở tôn giáo, văn hóa, y tế, xã hội đều bị chính quyền cộng sản quản lý hay bị tịch thu. Những người Hoa còn lại buộc phải sống với chế độ mới, một chế độ không chấp nhận sinh hoạt thương mại tư nhân. Đất đai, ruộng đất, vườn tược của những nông dân gốc Hoa đồng bằng Cửu Long hoặc bị tịch thu, hoặc bị đưa vào hợp tác hóa. Các bang hội của người Hoa đều bị cấm hoạt động. Nhà cửa, cơ sở làm ăn của những người gốc Hoa trốn chạy và thành phần giàu có bị trưng thu và sau đó biến thành những cơ quan công quyền, cơ sở quốc doanh hay nhà riêng của cán bộ.

Trong suốt thời gian quân quản (1975-1976), chính quyền cộng sản mở nhiều cuộc tảo thanh, truy lùng, bắt bỏ tù, đưa đi cải tạo hay đày những thành phần tư sản mại bản (tài phiệt) lên các “vùng kinh tế mới”. Tiếp theo sau là chiến dịch chống đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường (1978-1982), nhiều gia đình tư sản miền Nam cùng với những gia đình tư sản gốc Hoa bị tịch thu toàn bộ sản nghiệp, tất cả bị đưa đi cải tạo và không ít người đã chết trong các trại tập trung. Tất cả những chiến dịch này nhằm cải tạo xã hội miền Nam theo lô-gích xã hội chủ nghĩa.

Nhiều đợt đổi tiền (1975, 1978 và 1985) đã xảy ra nhằm kiểm soát và hạn chế khối lượng tiền mặt khổng lồ nằm trong tay những gia đình giàu có miền Nam, đặc biệt là người gốc Hoa. Địa bàn Sài Gòn-Chợ Lớn và các thị xã lớn ở miền Nam là trọng tâm chính của chiến dịch. Chủ đích của những chiến dịch này là tịch thu, trưng dụng tài sản của những người giàu có đem về miền Bắc như là chiến lợi phẩm và làm suy yếu tiềm năng kinh tế của người gốc Hoa. Nói chung, người cộng sản đã làm được những gì mà các chính quyền cũ miền Nam muốn làm nhưng không dám làm : loại trừ thế lực kinh tế của người Hoa.

Chính sách cải tạo, phân biệt đối xử tại miền Nam có lẽ là sai lầm to lớn nhất của chế độ cộng sản : tiêu diệt tiềm năng phát triển của đất nước, Việt Nam trở thành một nước nghèo khó. Niềm tin của thành phần dân chúng nghèo khó miền Nam đối với chế độ mới giảm dần. Cuộc sống trở nên cơ cực, khôngcòn ai dám đầu tư lâu dài trên đất nước. Người khá giả bỏ ra đi, trí thức bất hợp tác, cán bộ nhà nước không có khả năng quản trị, nạn cửa quyền, tham nhũng lan tràn khiến xã hội trở nên bất trị. Thế giới bên ngoài ngoảnh mặt với Việt Nam. Tình c%ảnh xã hội trong giai đoạn này rất là đen tối.

Trong bối cảnh xã hội đó, cộng đồng người Hoa vẫn tiếp tục sống với những gì còn lại, họ làm bất cứ nghề gì có thể làm để được sinh tồn từ mua bán ve chai, buôn chui bán lậu hàng quốc cấm đến vàng bạc, ngoại tệ, đá quí kể cả việc tổ chức đưa người vượt biên… Dân chúng gốc Hoa từ khắp nơi đổ về Sài Gòn-Chợ Lớn tạm trú, hiện tượng mua chuộc cán bộ, làm giấy tờ giả để nhập hộ khẩu lan tràn. Người Hoa không thể công khai buôn bán như trước vì các cửa hàng tư doanh đều bị đóng cửa, họ tràn ra lề đường mua bán. Hiện tượng chợ trời phát sinh từ đó. Sự kiện này xuất hiện đồng loạt với những gia đình người Việt miền Nam cũng ra ngồi lề đường buôn bán. Người Việt và Hoa buôn bán đủ loại đồ cũ : chén bát, nồi niêu, xoong chảo, máy móc điện tử, đồ kim khí, phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, thuốc tây, thuốc lá, rượu ngoại, đồ hộp, ngoại tệ, vàng bạc nữ trang… Hàng hóa thượng vàng hạ cám đều đem ra mua bán ngoài sự kiểm soát của nhà nước.

Một hiện tượng mới xuất hiện : cửa hàng quốc doanh không có hàng để bán, thị trường chợ đen tràn ngập hàng hóa và phẩm chất tốt hơn hàng quốc doanh. Hệ thống mua bán chợ đen, mà hàng hóa vẫn có xuất xứ từ Sài Gòn-Chợ Lớn và ngoại quốc, thách thức thị trường quốc doanh. Nguồn hàng tư doanh thường do người Hoa làm chủ, chính họ sản xuất ra và cũng chính họ tìm cách tiêu thụ lấy. Người Hoa đã tỏ ra rất tích cực trong sinh hoạt mới này, họ làm chủ giá cả trên khắp các thị trường chợ trời, chợ đen và trong vài trường hợp làm chủ luôn nguồn hàng quốc doanh bằng cách mua cao hơn giá bán tại các cửa hàng nhà nước. Thị trường chợ đen giá cả tuy có đắt nhưng bán bao nhiêu cũng được, mua bao nhiêu cũng có. Nói chung thị trường chợ đen lấn áp thị trường quốc doanh.

 

Chế độ cộng sản đã tính lầm trong việc làm suy yếu tiềm lực kinh tế của người gốc Hoa. Nếu họ loại trừ được một số tài phiệt lớn bằng cách bắt giam, bỏ tù, tịch thu toàn bộ tài sản thì họ cũng làm nẩy sinh vô số con buôn nhỏ. Những gia tộc buôn bán lớn gốc Hoa bị loại trừ thì nhiều gia đình nhỏ sinh sôi nẩy nở. Sinh hoạt kinh tế của người Hoa giống như giọt nước. Giọt nước lớn vỡ tan nó sẽ biến thành vô số hạt nước nhỏ, khi có cơ hội những giọt nước nhỏ sẽ tụ lại thành giọt nước lớn. Chế độ cộng sản rất muốn tiêu diệt hiện tượng chợ trời này nhưng đã tỏ ra bất lực. Sự biến thể này xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng, và có nơi có sự đồng lõa của cán bộ chính quyền do ăn hối lộ hay bị mua chuộc.

Báo cáo của đảng cộng sản Việt Nam (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI), năm 1986, xác nhận “Nền kinh tế nước ta thời kỳ 1976-1980 có chiều hưống đi xuống : tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng bình quân 1,4% hàng năm, thu nhập quốc dân chỉ tăng 0,4%, trong khi dân số tăng 2,24% một năm. Do những yếu kém trong quản lý kinh tế kinh tế, nên cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền (tháng 9-1985) lại đẩy nền kinh tế vào tình trạng lạm phát và khủng hoảng trầm trọng”. Sau Đại hội VI năm 1986, chính quyền cộng sản thay đổi chính sách quản lý kinh tế : chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần. Tư thương gốc Hoa được dịp sinh hoạt công khai trở lại, nhưng quan hệ xã hội không còn như trước.

Người Hoa đã làm hủ hóa gần như toàn bộ các cấp lãnh đạo cộng sản tại miền Nam, đồng thời cũng giúp rất nhiều gia đình chế độ cũ miền Nam sống được và thách đố lại sự kềm kẹp của chế độ cộng sản. Có lẽ đây là lần đầu tiên người Việt miền Nam và người Hoa cùng chia chung với nhau một số phận, số phận bị chà đạp và chèn ép công khai. Vô tình chế độ cộng sản làm người Hoa và người Việt miền Nam gắn bó với nhau hơn. Dân chúng miền Nam tự nhiên có nhiều cảm tình với cộng đồng người Hoa, họ bao che những chuyện mua chui bán lậu của người Hoa vì qua đó họ cũng được chia phần. Rất nhiều gia đình người Việt đã tham gia vào hệ thống mua chui bán lậu này, nhờ đó mà nuôi sống được cả gia đình, có người còn phát tài lớn. Động cơ tư lợi cũng đã làm mờ mắt một số cán bộ, có nơi các quan chức địa phương còn hợp tác với gian thương để thu lợi riêng.

Chính quyền cộng sản rất muốn loại trừ thách đố này nhưng không làm được. Nhiều gia đình gốc Hoa giàu có mới bị bắt và bị tịch thu tài sản, nhiều gia đình khác lại xuất hiện. Nạn buôn lậu, mua bán chợ đen không sao dẹp được. Những cố gắng của chế độ cộng sản chỉ làm trầm trọng thêm một hiện tượng không có giải pháp. Đời sống càng khó khăn, dân chúng càng tham gia buôn chui bán lậu kể cả thành phần cán bộ, bộ đội, công nhân viên nhà nước. Cũng không thể bóp nghẹt hoạt động kinh tế tư doanh khi không thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu tối thiểu của thị trường. Chính cán bộ nhà nước ăn cắp của công ra bán lại trên thị trường chợ đen, có người còn trực tiếp tham gia buôn lậu để kiếm lời.

Chính sách được áp dụng, tuy không nói ra, là buông xuôi, khôn thì sống dại thì chết. Chính quyền cộng sản cứ bắt, người ta cứ buôn. Tổng số cán bộ được tuyển dụng để rình mò sinh hoạt kinh tế của dân chúng miền Nam nói chung và của người Hoa nói riêng đông hơn lực lượng quân đội đồn trú tại các thành phố lớn. Riêng tại quận 5 Sài Gòn, lực lượng công an Bảo Vệ Kinh Tế 3 đã có đến vài ngàn người. Nếu biết mua chuộc, lực lượng này sẽ bảo vệ tích cực những dịch vụ kinh doanh bất hợp pháp. Những người bị bắt về tội “buôn bán trái phép” (chợ đen) thường là những con buôn nhỏ, đa số là người Việt, không đủ tiền mua chuộc cán bộ phường khóm và công an kinh tế. Một số tư thương Việt bị kết án làm gương để bao che sự lũng đoạn của doanh nhân gốc Hoa hay những hành vi tham nhũng của cán bộ.

Điểm tích cực của chế độ cộng sản là đã làm cho người Việt, trước kia vốn quen sống với phong cách làm công, nay biết mua bán và thích mua bán. Mặc dầu với số vốn ít oi, nhiều gia đình người Việt vẫn có thể mua xuôi, bán ngược với nguồn hàng do người Hoa sản xuất để tồn tại. Và trong một vài trường hợp có người còn dám đảm trách luôn một số khâu sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong các lãnh vực cơ khí, điện lạnh, chế biến cao su, cưa cây xẻ gỗ, v.v… Một số nghề khai thác dịch vụ của người Việt trước kia do người Hoa nắm giữ đã thành hình và phát đạt, đó là nghề tổ chức đánh số đề, phục vụ ăn uống và giải trí. Những quán cóc, quán chè, quán nước mọc lên nhan nhãn. Dịch vụ này xuất hiện rất tình cờ trước hết là để giải quyết sinh kế gia đình, kế là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của dân chúng ngày càng cao. Một số gia đình được thân nhân từ hải ngoại gởi tiền hàng về tiếp tế và một số tay buôn chợ trời khá giả đã tỏ ra rộng rãi khi tiêu tiền. Đồng tiền dễ dãi này là động cơ chính để một tư thương gốc Hoa tìm cách hấp thụ.

Các cửa hàng ăn uống của người gốc Hoa được đông đảo người Việt ra vào. Chợ trời chuyên bán hàng “ngoại” cũng đã xuất hiện trên địa bàn Chợ Lớn và phụ cận : máy móc điện tử, nhạc nổi, hàng xa xỉ để thỏa mãn nhu cầu của thành phần có tiền mới. Những khu ăn chơi bình dân xuất hiện ngày càng nhiều trong địa bàn quận 5 (Chợ Lớn cũ) và lân cận (Ngã Sáu, Ngã Bảy Sài Gòn, Chợ Cũ…). Phim ảnh và truyện Tàu được chuyền tay nhau nhiều hơn giữa người Việt, nhiều hơn thời Việt Nam Cộng Hòa. Phim vidéo Hồng Kông tràn ngập các thành phố miền Nam và miền Bắc, hình ảnh tài tử, minh tinh màn bạc Hồng Kông, Đài Loan một lần nữa được tôn lên làm thần tượng của giới trẻ thành thị. Nhiều tụ điểm chiếu phim lậu được thành hình, phim “Tàu” được giới bình dân ngưỡng mộ nhất. Các chương trình văn nghệ như cải lương, phim truyện Việt Nam phải bắt chước những màn đùấu võ hay diễn xuất kiểu Hồng Kông hay Đài Loan mới ăn khách. Có lẽ đây là hành vi tiêu cực chống lại chế độ một cách tích cực nhất, và là dấu hiệu chấp nhận đánh mất bản thể Việt Nam để mang bản thể Trung Hoa. Nhà nào có một tấm lịch tài tử Hồng Kông treo tường trong phòng khách được xem như là nhà có “thớ” (sành điệu và khá giả) nhất.

Người Hoa trong giai đoạn này đã thiết lập được nhiều đường dây trao đổi bí mật giữa riêng họ với nhau tránh được sự ruồng bố của chế độ, nhất là trong các dịch vụ buôn bán ngoại tệ, quí kim và tổ chức đưa người vượt biên. Có khi họ còn trao đổi được cả với những tàu buôn Hồng Kông, Singapore hay Nhật Bản ngoài khơi hải phận quốc tế. Những đường dây này luôn có sự đồng lõa, bao che của những cán bộ cao cấp trong chính quyền. Có nơi họ còn được quân xa, xe công vụ, xe tải và thương thuyền quốc doanh chở hàng từ ngoại thành và các tỉnh lẻ về Sài Gòn-Chợ Lớn hay từ Sài Gòn-Chợ Lớn lên các vùng biên giới Việt-Miên hay Việt-Hoa. Cho đến nay những đường dây này vẫn tồn tại và phát triển mạnh. Nếu trên toàn quốc có nạn thiếu ăn, khan hiếm hàng hóa thì riêng tại Sài Gòn-Chợ Lớn hàng hóa không những dư thừa mà còn có dư để xuất khẩu.

Tại miền Nam từ 1975 đến 1980, hàng chục ngàn người đã bị chế độ cộng sản bắt giam vì tình nghi có hoạt động chính trị với những tội danh như “tham gia tổ chức phản động”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, “chống lại chủ nghĩa xã hội”. Họ là những trí thức, sinh viên, học sinh, nông dân, cựu quân nhân không chấp nhận sự cai trị hà khắc và đàn áp của chính quyền cộng sản. Trong không khí khủng bố tinh thần đó, cộng đồng người Hoa cũng là đối tượngbị trấn áp, Chợ Lớn sống trong tình trạng bị căng thẳng toàn diện. Nhóm Phục Hưng Quốc, do Quốc Hùng Khanh thành lập có liên hệ với tổ chức FULRO, bị phá vỡ năm 1976. Nhiều phong trào chống đối đã xảy ra tại Chợ Lớn trong những năm 1978-1979 sau vụ “nạn kiều” vì bị chèn ép và phân biệt đối xử hơn là hoạt động có lợi cho Trung Quốc.

Không kể những nhân vật gốc Hoa đã bị bắt về những tội danh như tay sai của Bắc Kinh hay lũng đoạn thị trường, nhiều người Hoa khác tham gia chống đối chế độ cộng sản vì những mục đích cao đẹp hơn : góp sức thay đổi chế độ độc tài bằng một chế độ tự do, dân chủ. Mặt Trận Liên Tôn của linh mục Nguyễn Văn Vàng có nhiều cán bộ gốc Hoa tham gia và cùng đã bị bắt với linh mục Vàng năm 1977. Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ của bác sĩ Nguyễn Đan Quế có nhiều người gốc Hoa tham gia và cùng bị bắt với bác sĩ Quế năm 1978.

Người Sài Gòn chia sẻ với người Hoa Chợ Lớn tai họa này. Sau những đợt khủng bố, nhiều người đã phụ giúp một số người Hoa tẩu tán tài sản và bao che những dịch vụ làm ăn của họ. Một số dịch vụ được chuyển hẳn cho người Việt Nam, đặc biệt là nghề chủ đề. Thương nhân gốc Hoa giàu có tránh né tham gia trực tiếp buôn bán, họ chỉ làm cố vấn hay gián tiếp cung cấp tiền cho những tay em hoạt động. Một số thương nhân mới từ miền Bắc vào cũng đã làm quen và làm ăn chung với người Hoa miền Nam, hàng tiêu dùng từ Chợ Lớn ào ạt tuôn ra miền Bắc và vượt qua biên giới Hoa-Việt.

B. Chung quanh quan hệ Việt-Trung

Tại miền Bắc, người Hoa không có cái may mắn của những đồng hương miền Nam. Đời sống của họ vẫn cơ cực như trước. Một điều lạ là giữa người Hoa với nhau vẫn có sự kỳ thị địa dư xuất thân. Người Hoa miền Bắc là công nhân nông trường, hầm mỏ, chuyên viên kỹ thuật chế biến công nghiệp không được cộng đồng người Hoa miền Nam nâng đỡ. Có lẽ một phần do cộng đồng người Hoa miền Bắc còn giữ nhiều liên hệ mật thiết với Trung Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản nên bị đồng hương miền Nam nghi kyï hay đúng hơn bị kỳ thị. Thế lực kinh tế của người Hoa miền Bắc đã bị loại trừ trước 1975, do đó không có điều kiện thách đố lại chính quyền cộng sản. Những người còn lại không có óc thương mại cao, bị cắt đứt quan hệ với những cộng đồng Hoa kiều Đông Nam Á không có điều kiện phát triển kinh tế riêng. Cộng đồng người Hoa miền Bắc chịu nhiều hậu quả trực tiếp về mối quan hệ Việt-Trung : khi hai nước quan hệ tốt họ được nhờ, khi quan hệ sứt mẻ họ là nạn nhân.

Quan hệ Việt-Trung (xem Phụ lục 5)

Quan hệ Việt-Trung bắt đầu có triệu chứng sức mẻ từ năm 1967 khi đại diện của đảng cộng sản Trung Quốc ở Lào lôi kéo một số cán bộ cộng sản Nam Lào chống lại cộng sản Pathet Lào và Việt Nam. Năm 1968 khi Hồ Chí Minh vừa từ trần, Bắc Kinh vận động những người lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam ngã về Trung Quốc bằng cách tiếp tục viện trợ ồ ạt tiệp liệu quân sự và hàng hóa, đồng thời mời Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh cùng một số ủy viên trong bộ chính trị sang Trung Quốc để trấn an.

Trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, phe thân Trung Quốc tranh thủ những chức vị cao trong chính quyền, nhưng sự tranh giành địa vị bị đình hoãn vì chiến tranh đang leo thang tại cả hai miền. Liên Xô, không muốn mất cơ hội duy nhất để có mặt tại Đông Nam Á, đã viện trợ một cách tích cực tiền bạc và vũ khí tối tân hơn cho miền Bắc. Thế giằng co ảnh hưởng ở trong vòng tranh chấp từ 1968 đến 1972, đó cũng là thời gian mà Hoa Kỳ muốn hòa giải với Trung Quốc và cũng là thời kỳ đang có bàn thảo về một hiệp ước đình chiến tại Đông Dương giữa Washington và Hà Nội.

Năm 1972 tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon chính thức viếng thăm Bắc Kinh để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước và công nhận Trung Quốc là đại diện chính thức tại Liên Hiệp Quốc. Một thế chiến lược mới đang được thành hình : Hoa Kỳ muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc tại Đông Nam Á để tạo thế cân bằng lực lượng trong vùng tây-bắc Thái Bình Dương trước lực lượng hải quân Liên Xô ngày càng hùng mạnh. Trung Quốc, cũng muốn phá vỡ thế bị “đế quốc Liên Xô” bao vây, đã tìm mọi cách tách miền Bắc Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Liên Xô.

Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh về quân sự lẫn kinh tế vì đó là mủi dao có thể đâm vào Trung Quốc từ phía nam. Thực ra Trung Quốc cũng lo ngại Bắc Việt tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á, không muốn Bắc Việt tiến chiếm miền Nam vì biết Hà Nội đang có ý đồ thành lập một Liên Bang Đông Dương do Hà Nội lãnh đạo nếu chiếm được miền Nam. Đông Nam Á là khu vực mà từ lâu Trung Quốc đã tốn rất nhiều công sức để gây dựng ảnh hưởng do đó không thể đứng yên nhìn Hà Nội độc quyền chiếm lấy. Từ đầu năm 1972, Bắc Kinh giảm viện trợ quân sự, không lên tiếng về những phi vụ dội bom miền Bắc của không quân Hoa Kỳ và làm áp lực buộc Hà Nội ký hiệp định Paris về ngừng bắn. Quan hệ Việt-Trung hết phần thắm thiết, tuy nhiên Hà Nội cũng không dám lên tiếng đả kích Bắc Kinh vì gần 80% quân trang quân dụng của bộ đội miền Bắc đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó tại miền Nam, cộng sản miền Bắc gia tăng áp lực quân sự, những hoạt động này cần rất nhiều viện trợ quân sự. Hà Nội buộc phải cầu viện Liên Xô và các quốc gia Đông Âu vũ khí và tiền bạc. Hà Nội cũng biết rõ những mưu đồ của Trung Quốc nên đã bằng mọi cách tránh né việc để Trung Quốc có cơ hội tham gia vào những quyết định nội bộ về chính trị và quân sự, nhất là trong cuộc tiến công mùa xuân 1975 vào miền Nam.

Năm 1976 khi Mao Trạch Đông vừa từ trần, Bắc Kinh làm áp lực quân sự với Hà Nội buộc phải nương tay trong việc cải tạo công thương nghiệp miền Nam, nhất là đối với người Hoa. Hồng quân Trung Quốc nhiều lần xua quân xâm phạm vùng biên giới phía bắc. Hà Nội tố cáo Bắc Kinh tung gián điệp vào hoạt động trong nội địa Việt Nam và lên án sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội “chỉ đạo những hoạt động phá hoại của những nhóm người Hoa trên các lãnh vực chính trị, tư tưởng, quân sự và kinh tế”.

Tháng 4-1975 lực lượng phe Khmer đỏ, do Trung Quốc đỡ đầu, chiếm Nam Vang và xua dân cư thành thị về vùng nông thôn. Hàng triệu người Khmer thành thị đã bỏ mình trong những trại tập trung hay bị hành quyết một cách dã man. Việt kiều sinh sống tại Kampuchea và người Khmer gốc Hoa chạy sang Việt Nam lánh nạn. Năm 1976 Khmer đỏ tổ chức nhiều vụ khiêu khích quân sự dọc biên giới Tây-Nam (Việt-Miên) không cho cộng sản Bắc Việt yên tâm cải tạo công thương nghiệp miền Nam và thực hiện ý đồ thành lập Liên Bang Đông Dương đe dọa vùng Đông Nam Á.

Trung Quốc cũng tìm cách lôi kéo chính quyền Pathet Lào tại Vientiane vào vòng ảnh hưởng nhưng không thành công. Năm 1978, Bắc Kinh đưa 30.000 quân vào 5 tỉnh phía bắc Lào (Luang Namtha, Udomsay, Phongsaly, Luang Prabang và Sầm Nưa) trên một tuyến dài 1.000 km bảo vệ việc xây dựng tuyến đường sắt hữu nghị Lào-Trung, và dự định tái thiết quốc lộ 13 chạy suốt chiều dài đất nước Lào dẫn xuống cảng Kompong Som miền Nam Kampuchea để tiếp tế cho chính quyền Khmer đỏ.

Thấy trước ý đồ bành trướng của Bắc Kinh, Hà Nội ký một hiệp ước với Lào hoạch định khu vực biên giới giữa hai nước ngày 18-7-1977, rồi tức tốc đưa hơn 50.000 bộ đội vào miền Trung và Nam Lào bảo vệ chính quyền Pathet Lào, và cũng để làm áp lực không cho quân Trung Quốc tiến xuống Nam Lào. Năm 1978, Hà Nội tố cáo Bắc Kinh lợi dụng Hoa kiều sống tại Lào chống phá chính quyền Vientiane và xúi giục Khmer đỏ tiến công các làng xã dọc vùng biên giới Tây Nam.

Xích mích giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên công khai kể từ 1978. Hai bên đã không tiếc lời thóa mạ nhau trên các diễn đàn quốc tế và quốc nội. Bắc Kinh tố cáo Hà Nội là “tiểu bá khu vực” với ý đồ thuộc địa hóa hai nước Lào và Kampuchea trong Liên Bang Đông Dương. Hà Nội tố cáo Bắc Kinh tiến hành chiến tranh phá hoại về nhiều mặt chống lại Việt Nam và thực hiện “chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán”.  
Tháng 2-1978, Khmer đỏ tung ra một Sách Đen : “Sự việc và chứng cớ của các hành động xâm lược và thôn tính Kampuchea của Việt Nam”. Để trả đủa, Hà Nội tố cáo “bọn tay sai Pol Pốt, Iêng Sary” đang điên cuồng thực hiện chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên”, “bài Việt”, được “mao-ít hóa ở mức độ qui mô và mức độ cực đoan nhất, phản động nhất, tàn bạo nhất”.

Sự kiện Việt Nam gia nhập khối COMECON ngày 29-6-1978 và hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký giữa Việt Nam và Liên Xô ngày 3-11-1978 là một thái độ dứt khoát của cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc : Việt Nam là một đồng minh của Liên Xô. Để dằn mặt Bắc Kinh, Hà Nội cho Liên Xô sử dụng những hải cảng chiến lược Hải Phòng, Cam Ranh, Đà Nẵng để trú quân và thiết lập căn cứ quân sự.

Năm 1979, Hà Nội cho phổ biến rộng rãi một Sách Trắng: Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, trong đó phơi bày những âm mưu của Trung Quốc nhằm cản trở công cuộc tiến chiếm miền Nam và làm suy yếu thế lực của cộng sản miền Bắc. Đài phát thanh Hà Nội cho phát chương trình “Sự thật lên tiếng” để đả kích Trung Quốc và những người Hoa trong nước làm tay sai cho Bắc Kinh.

Quan hệ Việt-Trung sứt mẻ không thể hàn gắn. Trung Quốc nêu ra những văn kiện lịch sử năm 1956 với sự đồng tình của chính quyền cộng sản Bắc Việt, Phạm Văn Đồng lúc đó đang làm thủ tướng và đã im lặng trước sự tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc, để tái xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trưng bày nhiều bí mật quân sự từ lâu được dấu kín (trận Điện Biên Phủ năm 1954)… Năm 1979, cựu lãnh tụ cộng sản Hoàng Văn Hoan (bạn chí thân của Hồ Chí Minh) trốn sang Trung Quốc. Những cán bộ cộng sản Việt Nam thân Trung Quốc lần lượt vượt biên được Bắc Kinh tiếp đón nồng hậu (các ông Trương Như Tản, Nguyễn Công Hoan v.v…). Những người này được Bắc Kinh cho lên đài phát thanh tố cáo đảng cộng sản Việt Nam và kêu gọi dân chúng, bộ đội nổi lên lật đổ chế độ. Không khí chiến tranh bao trùm khắp vùng biên giới, các cửa khẩu dọc biên giới bị lực lượng võ trang hai nước canh chừng ráo riết.

Chiến tranh Việt-Miên và chiến tranh Việt-Trung

Tháng 12-1978, Hà Nội ra lệnh tiến quân sang “giải phóng” nước Kampuchea dân chủ do Khmer đỏ lãnh đạo. Quân Khmer đỏ bị đánh bật ra khỏi Phnom Penh, Battambang và các thành phố lớn, sau đó phải chạy qua biên giới Thái Lan lánh nạn. Từ vùng biên giới Thái-Miên, Khmer đỏ tổ chức lại lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích chống lại bộ đội cộng sản miền Nam. Hơn 100.000 bộ đội Việt Nam được đưa sang Kampuchea trong những ngày đầu.

Để bênh vực cho đàn em của mình và chuẩn bị “dạy cho Việt Nam một bài học”, Trung Quốc làm lớn vụ “nạn kiều” để tranh thủ dư luận quốc tế. Dọc biên giới, Trung Quốc dàn hơn 600.000 binh lính với súng ống đủ loại. Trong hai năm 1978-1979 hơn 5.000 cuộc pháo kích và khiêu khích quân sự từ phía Trung Quốc được ghi nhận tại các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Từ tháng 2-1979, theo lời của chính quyền Hà Nội, “Bắc Kinh tiến hành xâm lược Việt Nam với qui mô lớn thông qua tư sản Hoa và những phần tử phản động người Hoa để thực hiện chuộc chiến tranh phá hoại toàn diện đối với ba nước Đông Dương”.

Chuẩn bị đón chờ một cuộc tấn công đại qui mô của Trung Quốc, ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đưa hơn bốn trăm ngàn bộ đội lên vùng biên giới phía bắc phòng vệ. Các chính quyền địa phương tổ chức lại lực lượng dân quân du kích và củng cố vai trò lãnh đạo trên các bộ lạc gốc Hoa miền núi. Nhiều tuyến phòng thủ được thành lập từ Hà Nội đến vùng Cao-Bắc-Lạng. Các cửa khẩu dọc biên giới đều bị Trung Quốc đóng từ cuối năm 1978.

Chiến tranh Hoa-Việt đã xảy ra dọc các tỉnh vùng biên giới trong những tháng 2 và 3-1979 làm thiệt mạng hàng chục ngàn binh lính của đôi bên, hàng chục ngàn người khác bị bắt làm tù binh. Hàng triệu cư dân miền Bắc phải sơ tán, hàng ngàn nhà cửa, cơ sở vật chất tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh bị phá hủy. Cầu cống, cơ sở hạ tầng tại các tỉnh trên đều bị phá hoại không còn sử dụng được. Cơ xưởng, xí nghiệp, nhà máy ven biên đình chỉ mọi hoạt động.

Hà Nội tố cáo Trung Quốc tổ chức những bộ lạc thiểu số gốc Hoa xâm nhập quấy phá vùng biên giới phía bắc Lào và Hoàng Liên Sơn. Hà Nội cũng lớn tiếng lên án nhóm Hoàng Văn Hoan móc nối những người Hoa di tản sang Trung Quốc và các phần tử sắc tộc khác tổ chức thành những lực lượng võ trang tiến hành chiến tranh chống Việt Nam. Hà Nội tố cáo Bắc Kinh tổ chức lại đám tàn quân Pol Pốt trên đất Thái Lan để tiến công quân sự vào Kampuchea và đưa “các phần tử phản động người Hoa từ địa bàn Thái Lan qua Kampuchea vào miền Nam Việt Nam ngày càng tăng” (ý muốn ám chỉ dân buôn lậu).

Sau khi hoàn toàn thắng lợi trên đất Kampuchea, cộng sản Việt Nam thành lập một chính quyền Khmer thân Việt Nam thay thế lực lượng Khmer đỏ. Hàng triệu người Khmer được giải thoát khỏi nạn diệt chủng, hàng trăm ngàn người qua Việt Nam và Thái Lan tị nạn và sau đó được định cư trên khắp thế giới, trong đó có hàng chục ngàn gia đình người Khmer gốc Hoa.

Các tổ chức nhân đạo quốc tế và Liên Hiệp Quốc viện trợ vào Kampuchea thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng để dân tộc Khmer thoát khỏi nạn đói và bệnh tật. Một phần lớn số tiếp liệu đó được giới buôn lậu mua lại từ các quan chức chính quyền Khmer và bộ đội Việt Nam để chuyển về Sài Gòn-Chợ Lớn bán lại cho dân chúng vì đời sống của người Việt Nam cũng đang thiếu thốn. Thương lái gốc Hoa chủ động thu mua lại và tồn trữ nguồn hàng lậu này, sau đó cung cấp lại cho giới tiêu dùng người Việt trên khắp các chợ trời. Thương nhân Khmer gốc Hoa và gốc Chăm sống lại nhờ những dịch vụ trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa hai nước ngày càng tăng, nhất là khi được thương nhân gốc Hoa Chợ Lớn và đồng bằng sông Cửu Long tiếp sức.

Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Kampuchea được ký ngày 18-2-1979, qua đó Việt Nam đảm nhận vai trò bảo vệ an ninh và viện trợ kinh tế chính cho Kampuchea. Hà Nội đưa hàng trăm ngàn thanh niên xung phong và lưu dân Việt Nam sang Kampuchea tháo gỡ mìn và canh tác nông nghiệp. Hàng ngàn trại cải tạo được thiết lập dọc vùng biên giới trong mưu đồ thành lập những khu trái độn, chốt biên phòng.

Qua cuộc tiến công này, chính quyền cộng sản Việt Nam đã trả một giá quá đắt so với những gì thu đạt được : hơn 50.000 thanh niên Việt Nam đã bỏ mình trên đất Kampuchea, gần 200.000 người khác bị thương tật suốt đời. Thêm vào đó, Việt Nam còn phải cưu mang hơn 4 triệu dân Khmer, đa số dân chúng Khmer không những không biết ơn mà còn tỏ ra thù nghịch. Những nhóm Khmer võ trang cánh hữu cũng như cách tả tố cáo Việt Nam thôn tính đất nước của họ và tổ chức đánh phá chính quyền Khmer thân Việt Nam.

Sự có mặt quá lâu của bộ đội cộng sản Việt Nam đã bị thế giới lên án. Đầu năm 1979 Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận chính quyền cộng sản Việt Nam vô thời hạn. Việt Nam bị cô lập trên chính trường quốc tế. Trung Quốc, ASEAN và các quốc gia Tây phương yêu cầu Việt Nam rút quân về nước. Chính quyền Khmer đỏ tuy bị mang tiếng là diệt chủng vẫn được duy trì ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc.

Về mặt kinh tế, Kampuchea không có tài nguyên gì đáng kể để trao đổi cấp nhà nước. Ngoại thương Việt Nam bất lực trong việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho dân chúng Khmer. Thương nghiệp quốc doanh Việt Nam chỉ đảm trách các khâu cung ứng vật liệu chiến lược (gạo, xăng dầu, vật liệu xây cất) cho chính quyền Phnom Penh. Phần còn lại do thương lái và dân buôn lậu mặc tình thao túng. Thương nhân Việt Nam có tham gia vào việc giao dịch với thị trường Kampuchea nhưng chỉ đảm trách những vai trò phụ, cật lực tiếp tay với những tay đầu nậu Chợ Lớn trong việc vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới.

Sau 1979, vùng biên giới phía Bắc là nơi tranh chấp quân sự thường xuyên. Bộ đội Trung Quốc tùy theo mức độ áp lực của bộ đội cộng sản Việt Nam trên chiến trường Kampuchea mà tổ chức những cuộc đánh phá qua biên giới. Tháng 4-1984, Trung Quốc mở đợt bắn pháo và lấn chiếm mới dọc theo biên giới tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn khi bộ đội Việt Nam hành quân tiểu trừ quân Khmer đỏ dọc biên giới Thái Lan.

Bên cạnh áp lực quân sự đó, hoạt động buôn lậu tại vùng biên giới Việt-Trung phát triển mạnh mẽ. Ban đầu là những vụ chuyển hàng lậu qua các triền núi, xa các chốt kiểm soát biên phòng. Mỗi ngày hàng ngàn người gồng gánh hàng hóa ( gọi là “cửu vạn”) qua lại biên giới. Về sau việc buôn lậu được công khai hóa, hàng đoàn xe vận tải chuyển hàng qua lại biên giới với sự tiếp tay của các lực lượng biên phòng hai nước. Dân buôn lậu miền Bắc cũng tổ chức nhiều đường dây qui mô để chuyển hàng Trung Quốc vào miền Nam.

Sự thù địch được che dấu qua những vật phẩm trao đổi. Dân buôn lậu Việt Nam trả bằng chỉ tệ mạnh : vàng hay đô-la (USD), dân buôn lậu Trung Quốc thanh toán bằng đồng Yuan (nhân dân tệ không có trị giá trao đổi quốc tế) hay bằng sản phẩm (hàng đổi hàng). Tư thương Trung Quốc mua sản phẩm công nghệ cao cấp lậu thuế (xe hơi, xe gắn máy, vật dụng điện tử), các loại kim khí hiếm (đồng, chí kẽm, nhôm), thực phẩm (gạo, muối, cám heo, các loại đậu), thú vật chăn nuôi (trâu, bò, heo, chó, mèo, gà, vịt) và sản phẩm núi rừng (nấm, kỳ nhông, rắn, rùa, cua, quế chi, sừng nai, gỗ quí). Tư thương Việt Nam mua lại các sản phẩm tiêu dùng hạ phẩm (xe đạp, phụ tùng xe đạp, quạt máy, chén bát, gạch men, kiếng xây dựng, vải vóc, bia rượu, giấy), hóa chất (muối diêm, hàn the, SO2, NO2, Cl…), thực phẩm khô (mì gói, trà, thuốc bắc…). Một số công ty xí nghiệp của Trung Quốc mua lại vật liệu thô nguyên chất để chế biến rồi bán lại cho dân buôn lậu.

Dân buôn lậu Trung Quốc thích mua những sản phẩm mà sau khi bán người Việt phải mất vài năm, có khi hàng chục năm mới gây dựng lại như giây điện đồng, giây điện thoại, nòng đại bác, xích xe tăng, móng trâu, rơm thân lúa non, đọt giây khoai lang, heo sữa, rể cây quế… Sự kiện này khiến đàn heo, bò, trâu, rừng quế chi, gỗ quí của Việt Nam biến mất quanh các khu vực biên giới. Nhiều xí nghiệp công nghệ của Trung Quốc tại Quảng Tây và Vân Nam cũng tham gia vào đường dây buôn lậu để tuôn bán những mặt hàng kém phẩm chất còn ứ đọng không tiêu thụ được trong nước vào Việt Nam.

Nhà cửa bị tàn phá sau chiến tranh tại Cao Bằng, Lạng Sơn đã được những tay buôn lậu giàu có xây dựng lại và có cơ nguy nga hơn trước và được dùng làm nơi trung chuyển hàng lậu. Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng gần cửa khẩu Hữu Nghị là nơi có hoạt động buôn lậu tấp nập hơn cả. Băng Tường (Quảng Tây) là địa điểm mua bán hàng lậu thuế lớn nhất trên đất Trung Quốc. Sinh hoạt buôn lậu tại Quảng Ninh và Bắc Giang khởi sắc không kém.

Vụ “nạn kiều”

Trong những ngày đầu áp dụng chính sách cải tạo công thương nghiệp miền Nam, Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối và “nhân danh Tổ Quốc (Trung Quốc) đứng ra bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều”. Năm 1976, Trung Quốc yêu cầu được lấy tòa đại sứ Trung Hoa Dân Quốc cũ để thành lập tòa tổng lãnh sự tại Sài Gòn. Bắc Kinh viện cớ là để tiện việc liên lạc với cộng đồng người Hoa tại đây, lời yêu cầu này không được Hà Nội thỏa mãn.

Tháng 9-1977, Đặng Tiểu Bình tổ chức tại Bắc Kinh một cuộc gặp gỡ những đại biểu Hoa kiều đến từ khắp nơi trên thế giới, kêu gọi thắt chặt mối liên hệ thân tộc với quê hương cũ. Tháng 5-1978, Bắc Kinh tuyên bố “dành cho Hoa kiều vai trò mở đường cho Trung Quốc đặt quan hệ với các nước Đông Nam Á”. Ý muốn nói cư dân Hoa kiều Đông Nam Á là công dân của Trung Quốc, có quyền thay mặt Trung Quốc giao thương với các lân bang.

Khi quan hệ Việt-Trung đến hồi căng thẳng, giữa năm 1978, Bắc Kinh công khai kích động người Hoa miền Bắc Việt Nam đòi phục hồi quốc tịch Trung Quốc để trở về “Tổ Quốc” (xem Phụ lục 3 và 5). Chính quyền cộng sản Việt Nam tố cáo sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trực tiếp chỉ thị sự hồi hương của người Hoa, theo đó sứ quán Trung Quốc cho lưu truyền một lời kêu gọi người Hoa về nước. Lời kêu gọi này được các nhân viên sứ quán phổ biến tận tay những chức sắc lãnh đạo cộng đồng người Hoa tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Không bao lâu sau, đài phát thanh Bắc Kinh công khai cho phát thanh liên tiếp lời kêu gọi người Hoa tại Việt Nam trở về nước. Như đã nói ở phần trên, người Hoa tại miền Bắc vẫn duy trì những quan hệ tình cảm mật thiết với Trung Quốc, họ tích cực hưởng ứng lời kêu gọi.

Tại miền Nam, cộng đồng người Hoa cũng có phần giao động, nhất là sau những vụ tảo thanh, bắt bớ tư sản trong hai năm 1978-1979. Nhiều người từ lâu đã nghĩ đến chuyện rời khỏi Việt Nam nhưng chưa biết bằng cách nào, lời kêu gọi của sứ quán Trung Quốc là một chỉ dẫn hành động. Đối với họ, Việt Nam và Trung Quốc đều là hai quốc gia cộng sản, người Hoa sống dưới chế độ của người Hoa có lẽ sẽ dễ chịu hơn sống dưới chế độ cộng sản của người Việt. Thêm vào đó có tin đồn họ sẽ được cho đi định cư tại một quốc gia đệ tam nếu không muốn ở lại Trung Quốc.

Với những lý luận như trên, từng đoàn người Hoa sử dụng mọi phương tiện vận chuyển đi từ đồng bằng sông Cửu Long, Chợ Lớn ra miền Bắc, rồi từ miền Bắc đến vùng biên giới vượt biên sang Trung Quốc. Đoàn người càng đông khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới trước cuối năm 1978. Hàng chục ngàn người chậm chân, lỡ bước phải quay về làng xã, nhà cũ (đã bị tịch thu), họ chỉ còn cách vượt biên bằng đường biển nếu còn đủ tiền, những người kém may mắn hơn buộc phải ở lại chờ một cơ hội khác.

Giá vé xe lửa Sài Gòn-Hà Nội, Hà Nội-Hữu Nghị, Hải Phòng-Móng Cái trong thời gian này đột ngột tăng cao, hành khách phải giành giật và trả bằng vàng giá một chỗ ngồi. Thuyền bè đánh cá tại Vịnh Bắc Phần trở nên khan hiếm và cao giá, nhiều thân tàu cũ được tân trang trở lại để chở người vượt biên sang Trung Quốc và Hồng Kông. Thực phẩm khô và hàng hóa tiêu dùng trở nên khan hiếm vì người Hoa truy mua ráo riết để tiêu hết tiền Việt Nam còn lưu giữ và để chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi xa.

Nhiều gia đình người Hoa cố gắng thu vén toàn bộ tài sản chắt chiu từ nhiều đời để trở về Trung Quốc, và cũng có nhiều gia đình ra đi trắng tay. Một số khác không muốn về cũng phải về vì áp lực của đồng hương. Đảng viên cộng sản và viên chức cao cấp gốc Hoa trong các ngành hành chánh sự nghiệp và kỹ thuật bị đồng loạt tước hết quyền hành. Một số công nhân kỹ thuật bị ép buộc chuyển giao hay truyền bá lại các hiểu biết kỹ thuật chuyên môn cho công nhân Việt. Người gốc Hoa bị làm khó dễ trong các thủ tục hành chánh (bán nhà, di chuyển) và sinh hoạt (công ăn việc làm, buôn bán, học hành).

Cho đến tháng 7-1979 có trên 250.000 người, hoặc bị trục xuất hoặc tự động ra đi vì sợ chính quyền cộng sản Việt Nam trả thù, đã đến Trung Quốc bằng đường bộ. Hàng trăm ngàn người khác đi bằng tàu thuyền đổ bộ lên bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nàm. Trung Quốc nới rộng tay đón tiếp những “nạn kiều” này và bố trí nhiều trại tị nạn dọc biên giới và các vùng ven biển để tiếp cư. Một số đông người Hoa và người Việt sống tại Hải Phòng và Hà Nội nhân cơ hội cũng gia nhập đoàn người này ra đi, khi đến bờ biển Trung Quốc họ được cấp xăng dầu hay sửa chữa thuyền bè để tiếp tục đi tiếp sang Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản.

Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng nhân cơ hội tổ chức nhiều vụ vượt biên bán chính thức để lấy vàng và tịch thu nhà cửa, cơ sở làm ăn của họ. Lệnh này chỉ phổ biến trong cộng đồng người Hoa, không áp dụng cho người Việt. Nhiều khu tập trung người Hoa được thành lập dọc các thành phố ven duyên và các bến tàu. Nhiều gia đình người Việt từ lâu muốn vượt biên nhưng chưa có cách đã tìm cách mua giấy tờ hộ tịch Trung Hoa để nộp đơn ra đi. Phong trào làm giấy tờ giả, hôn nhân giả với người Hoa lan tràn trong các thành phố lớn miền Nam. Nhiều viên chức chính quyền biết được việc này đã làm khó dễ cả người Hoa lẫn người Việt để nhận hối lộ.

Ở miền Nam, chính quyền các tỉnh và thành phố Sài Gòn, Vũng Tàu-Côn Đảo, Bến Tre, Long An, Cửu Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Minh Hải, Long Xuyên, Phú Khánh, Quảng Nam và Thừa Thiên tổ chức vượt biên bán chính thức để lấy tiền. Giá chính thức do nhà nước qui định cho mỗi đầu người từ 3 đến 5 lượng, trong thực tế giá mỗi đầu người phải từ 8 đến 12 lượng vàng y (loại 24K), mỗi chiếc tàu chở từ 300 đến 500 người.

Trong giai đoạn này, nhiều gia đình gốc Hoa cho đặt nhiều loại vàng giả, vàng kém phẩm chất (loại hai da : ruột trong bằng bạc mặt ngoài bằng vàng y) để nộp cho các viên chức chính quyền. Cũng có nhiều trường hợp viên chức nhà nước sau khi nhận vàng thật đã mang ra thị trường chợ đen đổi lấy vàng giả nói trên rồi nộp lại vào kho nhà nước, ở giữa hưởng chênh lệch. Người ta phát hiện nhiều loại vàng giả và ngoại tệ giả được lưu hành tại Việt Nam, nhất là tại các cửa khẩu buôn lậu dọc các tỉnh biên giới.

Vì được chuẩn bị trong một thời gian cấp bách, những tàu bè chở người vượt biên bán chính thức không được trang bị những thiết bị cần thiết để ra khơi. Nhiều tàu phải quay về đất liền để xuống bớt hành khách, nạn nhân là những người Việt không còn đủ tiền hối lộ công an biên phòng để được đi tiếp. Một số tàu khi quay về không đúng địa điểm xuất phát bị công an biên phòng địa phương khác làm tiền và bắt giam. Nhiều người Hoa phải trở về nơi sinh quán cũ trắng tay, cố gắng tìm một cơ hội khác để đào thoát.

Người ta không rõ số người đã ra đi thực sự ra đi từ miền Nam trong giai đoạn này là bao nhiêu vì ngoài danh sách chính thức có rất nhiều người đi không khai báo mặc dù vẫn đóng đủ tiền cho công an biên phòng, nhưng con số chắc chắn phải trên 300.000. Nhiều người đã đến được Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore, những người khác được các tàu quốc tế vớt, và cũng có rất nhiều người đã bỏ mình trên biển cả. Hàng trăm tàu thuyền chở khách hay đánh cá lớn được tân trang để chở người vượt biên bán chính thức một cách hợp pháp. Nhưng cũng có hàng trăm tàu thuyền khác nhỏ hơn do các lực lượng công an biên phòng dịa phương tổ chức ngoài sự kiểm soát của trung ương để lấy vàng bỏ túi riêng. Sự chuẩn bị rất vội vàng, số thuyền bè đã chìm ngoài khơi không rõ là bao nhiêu nhưng chắc chắn rất nhiều.

Sau những biến động vừa kể trên, Trung Quốc tố cáo “Việt Nam đàn áp, xua đuổi người Hoa”, gọi những người này là “nạn kiều”. Mục đích của chiến dịch này nhằm hạ uy tín Việt Nam trên chính trường quốc tế, chuẩn bị dư luận thế giới trước khi “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Những luận điệu tuyên truyền, những danh từ thù hận của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc trút lên đầu những người Hoa trốn chạy này. Ngoài vạ tiếng là “đội quân thứ 5”, người Hoa sinh sống tại Việt Nam còn bị kết thêm một tội danh nữa là “đội quân ngầm” của Bắc Kinh. Hành vi bài Hoa của chính quyền cộng sản được phát động khắp nơi trên lãnh thổ miền Bắc khiến những ai là người Hoa hoặc có quan hệ gia đình với người Hoa (vợ chồng, con cái, cha mẹ) không thể ở lại được. Thêm vào đó những biến động giá cả trên thị trường đều đổ cho những người Hoa ra đi gây ra. Toàn bộ hoạt động kinh tế, quốc doanh và chợ đen đều ngừng trệ, đời sống trở nên khó thở.

Vài con số về người tị nạn (1975-1980)

Theo số liệu của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong 5 năm, tổng số thuyền nhân Việt Nam đã đến các trai tị nạn ASEAN từ 30-04-1975 (ngày chế độ miền Nam bị sụp đổ) đến 30-04-1980 là 331.725 người. Một cách tổng quát, người ta ghi nhận như sau : 30% là người Kinh (trên 100.000 người trong đó 5% đi từ miền Bắc, 25% đi từ miền Nam), 70% còn lại là người gốc Hoa (khoảng 230.000 người trong đó 40% gốc Hoa miền Bắc, 30% gốc Hoa miền Nam). Trong tổng số người Hoa tị nạn đó, 45% ra đi từ miền Bắc và 55% từ miền Nam. Đây là số người tị nạn trực thuộc quyền quản lý của Liên Hiệp Quốc, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều vì có rất nhiều trại tị nạn được dựng lên một cách tạm thời để đón nhận thuyền nhân trên các hải đảo xa xôi tại Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Số người tị nạn thật sự đi từ Việt Nam trong thời gian đó, có thể lên đến 580.000 người vì trong năm 1979 có trên 250.000 người gốc Hoa đã dùng đường bộ ra khỏi nước trước và sau khi quân đội Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới. Con số này hiện nay đã gia tăng vì trong suốt thời gian từ 1980 đến 1990, dân số nạn kiều đã gia tăng do sinh sản thêm tại chỗ, hiện nay phải tính là 280.000 người. Ngoài ra phải cộng thêm trên 160.000 người đã được Hoa Kỳ đưa đi trong tháng 4-1975. Như vậy trong vòng 5 năm có hơn 740.000 người đi từ Việt Nam, trong đó chỉ có khoảng 200.000 người Việt. Cũng phải tính thêm trong thời gian này có gần 150.000 người được ghi nhận mất tích trên biển cả (theo ước tính của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc) nâng tổng số người ra đi khỏi Việt Nam lên trên 900.000 người, trong đó chỉ 25% là người Việt, số còn lại (75%) là người gốc Hoa.

Nhóm người Hoa vượt biển được biết đến nhiều nhất trong năm 1978 là trên các tàu Huey Fong, Skyluck (đến Hồng Kông), Hải Hồng (đến Malaysia) và Tung An (đến Philippines), mỗi tàu chở theo hàng ngàn người. Ngoài ra còn vô số thuyền bè lớn nhỏ khác chở người đến các trại tị nạn Đông Nam Á. Một số quốc gia, không chấp nhận qui chế tị nạn của những người này, đã xua kéo tàu của họ ra khơi làm nhiều người bị chết do chìm tàu hay do hải tặc giết ngoài biển Đông.

Nếu tìm được con số thống kê chính xác số người bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp hay chết trên biển cả trong thời gian này, con số đó chắc chắn sẽ rất cao, cao hơn ước tính của Liên Hiệp Quốc vì có nhiều tàu bị chìm hay mất tích luôn với tất cả hành khách không còn nhân chứng đ%ể kể lại. Phần lớn nạn nhân là người gốc Hoa. Nạn hải tặc thịnh hành nhất trong hai năm 1978-1980, vì trong giai đoạn này người Hoa di tản mang theo rất nhiều vàng bạc và của cải, chính những người Hoa đến trước tố cáo người Hoa đến sau về sự giàu có của người vượt biển qua cách tiêu xài rộng rãi của họ trong các trại tị nạn. Nguồn tin về sự giàu có này đã hấp dẫn các đám hải tặc Vịnh Thái Lan, thay vì đi đánh cá họ chỉ dành thì giờ đi tìm tàu vượt biên Việt Nam trấn lột.

Trong hai năm 1978-1979, có trên 320.000 người ra đi từ Việt Nam được tạm cư trong khắp các trại tị nạn ASEAN. Riêng trại Poulo Bidong (Malaysia) lúc cao điểm đã chứa trên 100.000 người/ ngày. Những năm sau đó, nhiều thuyền nhân khác đã đến được các trại tị nạn Đông Nam Á, đa số là người gốc Hoa vì chỉ có họ là thành phần còn có khả năng trả tiền, tính bằng vàng y, cho thân nhân vượt biên bằng tàu thuyền. Những gia đình gốc Hoa giàu có mới đa số đều bỏ của chạy lấy thân bằng con đường vượt biển.

Cũng phải kể đến một số người vượt biên sau 1980 đi bằng hai cách : hoặc bằng tàu, hoặc bằng đường bộ qua ngõ Lào và Kampuchea. Tổng số người đi trong khoảng thời gian 1980-1985 có trên 300.000, trong đó hơn 180.000 đến được các trại tị nạn ASEAN bằng đường biển và gần 120.000 đến bằng đường bộ trên khắp các trại tị nạn dọc biên giới Kampuchea-Thái Lan. Những người đi bằng đường bộ đa số là những người sợ bị hải tặc hoặc những gia đình nghèo sống ở Sài Gòn, tại đồng bằng sông Cửu Long hay trên Tây Nguyên. Trong số những người này, hơn 40.000 là người gốc Hoa, gần như toàn bộ đã được định cư sang các quốc gia khác do thân nhân bảo lãnh, số người còn kẹt lại ngày nay là người Kinh, người thuộc các sắc tộc khác không có thân nhân bảo lãnh.

Tại miền Bắc, số người vượt biên bằng đường biển vẫn gia tăng, nhưng ít hơn tại miền Nam. Trong những năm 1979-1980 có khoảng 25.000 người đã đến trực tiếp các trại tị nạn tại Hồng Kông bằng tàu thuyền, trong số đó hơn 40% là người gốc Hoa. Những năm kế tiếp nhiều tàu thuyền khác của người Việt và người Hoa từ miền Trung đã cập bến Hồng Kông. Một số tàu buồm đi từ Vịnh Bắc Phần cũng đã đến Hồng Kông, đại đa số thuyền nhân cho đến nay vẫn còn bị kẹt trong những trại cấm chờ ngày hồi hương tự nguyện hay cưỡng bách.

C. Người Hoa và nền kinh tế Việt Nam

Tại miền Bắc, ngoài những thiệt hại vật chất tại các tỉnh biên giới, hoạt động sản xuất trong các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp chế biến nguyên liệu gần như bị tê liệt. Chuyên viên lành nghề trong các lãnh vực trên đa số là người gốc Hoa. Năm 1978, Trung Quốc đình chỉ 70 dự án tái thiết kỹ nghệ và ngưng giao 300.000 tấn dầu thô cho Việt Nam, những giao thương cấp nhà nước đều bị đình chỉ.

Những hành động thù địch giữa hai nước mà nạn nhân trực tiếp là người Hoa sinh sống tại Việt Nam càng làm trầm trọng thêm vấn đề hội nhập người Hoa tại Việt Nam. Dân chúng gốc Hoa tìm cách tự mưu sinh, bất chấp các hành vi thù nghịch của chính quyền. Sự trao đổi hàng hóa dọc các tỉnh biên giới Việt-Trung giữa con buôn của hai nước ngày càng phát triển mạnh. Sự trao đổi hàng hóa xa xỉ dọc các vùng biên giới chủ yếu là bằng vàng và ngoại tệ mạnh. Hà Nội tố cáo “Bắc Kinh tổ chức 25 điểm buôn bán hàng lậu tại biên giới để phá hoại kinh tế miền Bắc, sử dụng tư sản Hoa ở Thái Lan để bao vây kinh tế Lào, dùng tư sản người Hoa ở Kampuchea làm trạm trung chuyển để tuồn các hàng hóa xa xỉ phẩm vào Việt Nam”.

[Cũng nên biết thêm là thương nhân Trung Quốc mua nhiều loại hàng rất cao giá như gỗ quí, dây điện đồng, rễ cây quế, cám, móng chân trâu bò, nồng đại bác v.v…, những trao đổi này làm gia tăng nạn ăn cắp dây điện đồng, phá hoại rừng quế, giảm sụt đàn gia súc, khan hiếm cám. Các loại vũ khí hạng nặng không còn sử dụng được Trung Quốc mua theo giá kim loại phế thải.]

Tại miền Nam, sự ra đi ồ ạt của người gốc Hoa gây nhiều giao động trong đời sống kinh tế : người ta lo đầu cơ tích trữ vì sợ chiến tranh kéo dài, giá cả tăng cao, hàng hóa khan hiếm. Nhiều gia đình vội vã gom góp tiền của cho con em vượt biên, không muốn “làm nghĩa vụ quốc tế xã hội chủ nghĩa” trên chiến trường Kampuchea. Vàng bạc, quí kim và ngoại tệ được truy mua ráo riết, giá cả tại các chợ tăng lên mỗi giờ, mặc dầu đã bị các lực lượng Kinh Tế 3 và Quản Lý Thị Trường kiểm soát gắt gao, nhất là tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Nhiều gia đình gốc Hoa và Việt Nam “giàu có mới” liên tiếp bị kiểm kê, các chợ trời liên tục bị tảo thanh, hàng chục ngàn người đã bị bắt.

Những gia đình gốc Hoa, hành nghề buôn bán nhỏ trước kia, đứng ra thay thế những đồng hương ra đi đã trở nên giàu có. Họ chiếm được cảm tình của dân chúng lẫn cán bộ đảng viên. Rút kinh nghiệm những gì đã xảy ra, họ chỉ tham gia đầu tư nhỏ, ngắn hạn và kín đáo. Họ đầu tư chủ yếu vào dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng ngoại nhập. Những doanh nhân mới loại này rất đông và lối làm ăn của họ thiên hình vạn trạng. Để được yên ổn làm ăn, họ không ngần ngại bỏ tiền ra mua chuộc những cán bộ công an khu vực, công an kinh tế và đôi khi còn ăn chia với nhau trong những dịch vụ làm ăn phi pháp lớn. Có nơi cán bộ nhà nước còn cố vấn cho họ những lãnh vực nào nên làm lãnh vực nào nên thôi để tránh nạn.

Một lối làm ăn mới xuất hiện trong những 1979-1985, giới buôn lậu trong nước liên lạc được với Hoa kiều Đông Nam Á mang hàng đến hải phận quốc tế chờ những tàu nhỏ từ Việt Nam ra bốc hàng chở vào đất liền bán. Nhiều thương lái mua bán ngay tại biên giới Kampuchea-Thái Lan hay Kampuchea-Việt Nam (Hà Tiên, Châu Đốc…), sau đó dùng đường bộ chở lén lút về Sài Gòn và các thành phố lớn khác. Bộ đội cộng sản đồn trú tại Kampuchea tỏ ra rất tích cực trong công tác chuyển vận này.

Hiện tượng chảy máu vàng khiến trữ lượng chỉ tệ mạnh trong nước khan hiếm. Vàng và đô-la (USD) của Việt Nam đổi lấy sản phẩm tiêu thụ xa xỉ như xe gắn máy, xe hơi, thuốc lá, xà-bông, vải, giầy dép, áo quần may sẵn, radio-cassette, máy móc điện tử, băng nhạc, pin, đồng hồ, đồ hộp và thực phẩm khô. Người ta ước lượng khoảng 300.000 USD được trao đổi qua lại tại các chợ buôn lậu dọcbiên giới mỗi ngày. Người tiêu thụ dĩ nhiên là người Việt, người xuất vốn phần lớn vẫn là những thương buôn gốc Hoa, con buôn trung gian là những cán bộ công an biên phòng và con buôn sỉ và lẻ là người Việt. Những thương buôn này sau khi bán được hàng hóa, lấy tiền Việt Nam mua lại vàng và đô-la trên thị trường chợ đen cất giữ, sau đó lại mang ra trao đổi với các thương lái tại vùng biên giới hay với các đội thương thuyền ngoài khơi hải phận Việt Nam.

Vàng và đô-la của Việt kiều gởi về giúp đỡ gia đình cũng lần lượt được mang ra các thị trường chợ đen tiêu hóa. Nhiều đường dây tổ chức đưa người vượt biên được thành lập để đưa một số gia đình Việt Nam và gốc Hoa trong nước, được thân nhân hải ngoại tiếp tế hay sau khi đã thành công một vài vụ làm ăn lớn, sang các quốc gia ASEAN để được tị nạn tại những quốc gia đệ tam.

Kinh doanh dưới một hình thức mới

Đất nước dưới chế độ cộng sản, sau khi thành phần tư thương tư bản bị đánh dẹp, trở thành nghèo nàn và sơ xác. Khi giới lãnh đạo cộng sản ý thức được điều này tất cả đều đã muộn màng. Ưu tư chính của mọi người là được sống sót trong một xã hội mạnh được yếu thua. Những khái niệm cao đẹp như lòng yêu nước, đạo đức, đùm bọc, tự hào, tương thân tương ái v.v… hoàn toàn vắng mặt trong lòng mọi người, người ta chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền và hưởng thụ. Cán bộ, viên chức nhà nước cũng bằng mọi cách lợi dụng địa vị móc ngoặc, tham nhũng, ăn cắp của công để có thật nhiều tiền và để đua đòi hưởng thụ với những thành phần giàu có mới .

Năm 1983 chính quyền cộng sản chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần : quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân. Khẩu hiệu “ba lợi ích” (lợi cho nhà nước, lợi cho xí nghiệp, lợi cho bản thân) được các báo, đài truyền hình và truyền thanh loan đi rộng rải, chế độ kêu gọi tư nhân thành lập xí nghiệp. Khái niệm lợi nhuận được tôn vinh. Nhưng không còn ai tin tưởng vào chế độ nữa, người ta chỉ đầu tư vào các ngành ăn chơi phù phiếm. Nhiều người trở nên giàu có nhờ biết thỏa mãn nhu cầu ăn chơi của thành phần giàu có mới. Người Hoa thành phố xuất hiện lẫn lộn trong đám hỏa mù này. Xã hội trở nên sa đọa, thành phần tệ đoan xuất hiện công khai trên các đường phố, bất chấp cán bộ công quyền, hành đủ các nghề để sống.

Thấy nguy cơ của sự bế tắc, Đại Hội VI đảng cộng sản Việt Nam hô hào đổi mới : đổi mới tư duy, đổi mới phong cách sinh hoạt. Nhà nước kêu gọi đầu tư quốc tế, đặc biệt là kêu gọi sự đầu tư của Hoa kiều Đông Nam Á. Doanh nhân Tây phương bị giới hạn bởi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ ban hành năm 1979 không mấy hưởng ứng.

Đối với các nhà tư bản Hoa kiều, Việt Nam dầu sao vẫn là thị trường còn trinh nguyên đối với đầu tư ngoại quốc. Doanh nhân Tây phương rất muốn xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng còn e ngại những rủi ro có thể xảy ra cho số tiền đầu tư của họ, do đó họ quan sát rất kỹ hoạt động của doanh nhân Hoa kiều và người gốc Hoa đến Việt Nam đầu tư. Cộng đồng người Hoa tại chỗ là đầu cầu lý tưởng cho thử nghiệm này.

Hoa kiều tại Đông Nam Á đi đầu trong lãnh vực thăm dò thị trường Việt Nam. Những Hoa kiều này đến Việt Nam với tư cách cá nhân, các quốc gia đông người Hoa cư ngụ chưa tỏ ý muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam vì chưa có một bộ luật về đầu tư rõ ràng. Thương nhân Hoa kiều về nước từng đoàn, tiếp xúc với đủ các cấp lãnh đạo chính quyền, trao đổi, đề nghị phương án hợp tác, bàn thảo những qui ước về đầu tư.

Hoạt động kinh doanh có tầm vóc của người Hoa trong nước lúc ban đầu, được sự hỗ trợ vốn và kỹ thuật của Hoa kiều Đông Nam Á, là những đầu tư vào các lãnh vực giải trí, dịch vụ chế biến (xay gạo, thực phẩm khô) chứ không tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp nặng như dệt, đúc cán sắt hay cơ khí… Ai cũng e ngại sự lật lọng của chính quyền cộng sản, do đó trong lúc này những người muốn đầu tư chỉ đầu tư vào những ngành nghề nào dù có bị mất vốn thì chỉ mất ít nhưng tỷ lệ, tốc độ thu lời và khả năng hoàn vốn nhanh.

Một số doanh nhân Việt Nam hải ngoại chờ xem doanh nhân Việt gốc Hoa về nước làm ăn như thế nào, nếu không bị làm khó dễ họ sẽ về theo. Nhưng khi về nước, doanh nhân Việt Nam gặp nhiều trắc trở hơn người Hoa vì bị chính quyền cộng sản nghi kyï, kể cả những người trước kia đã từng ủng hộ Hà Nội trong cuộc chiến vừa qua. Một cách gián tiếp, người Hoa vẫn làm chủ các sinh hoạt đầu tư và chiếm được cảm tình của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Sau 1986 người gốc Hoa, sau khi vượt biên và định cư tại một số quốc gia Tây phương, tìm cách liên lạc và giúp thân nhân còn ở lại trong nước. Người Việt gốc Hoa hải ngoại có nhiều cách để chuyển tiền về nước. Ban đầu là gởi tiền qua các hệ thống chính thức của chính quyền để giúp đỡ gia đình, khi về lại Việt Nam họ thành lập nhiều đường dây chuyển tiền riêng giữa họ với nhau. Sự thành công của lối làm ăn này là chữ Tín, dù có bị trắc trở gì đi nữa thân nhân người gởi và người nhận vẫn được hoàn trả hay giao lại xứng đáng. Mục đích của những dịch vụ này trước hết để giúp thân nhân gây dựng trở lại cơ sở, sau là thử nghiệm tính khả lợi của thị trường Việt Nam : sức mua của dân chúng miền Nam và sự hủ hóa của các cán bộ cộng sản.

Tiếng đồn về chữ Tín này lan sang những gia đình Việt kiều còn thân nhân trong nước, người ta đã ồ ạt giao tiền qua những đường dây chuyển tiền lậu từ các quốc gia Tây phương về nước qua các trục Hồng Kông, Thái Lan và Singapore. Tổng số tiền chuyển về Việt Nam mỗi năm tương đương với tổng số hàng hóa xuất khẩu (ngoài dầu lửa) chính thức của nhà nước. Năm 1990 Việt kiều hải ngoại đã chuyển về nước trên 400 triệu USD, năm 1991 chuyển hơn 500 triệu USD (chuyển ngân chính thức qua đường dây của chính quyền khoảng 100 triệu USD một năm). Người Việt gốc Hoa là đối thủ chính của chính quyền cộng sản trong việc chuyển tiền về nước.

Tư nhân Việt Nam cũng thành lập nhiều đường dây chuyển tiền riêng nhưng đa số đều thất bại vì thiếu chữ Tín, không ít người đã bị lường gạt bởi các dịch vụ này. Với số tiền do thân nhân Việt kiều hải ngoại gởi về phần lớn dùng để giải quyết những nhu cầu thứ nhất (ăn mặc), sau đó là những nhu cầu thứ yếu (nhà ở, giải trí và lo cho thân nhân khác vượt biên), số còn lại để kinh doanh (khoảng từ 5 đến 10%). Những đầu tư nếu có chỉ tập trung vào sản xuất nhỏ và mua bán gia đình (quầy thuốc lá, tạp hóa, tiệm ăn…). Thân nhân Việt kiều, những tay buôn chợ trời khá giả, cán bộ tham nhũng trở nên hoang phí, họ ăn xài không tiếc của vì đồng tiền có trong tay không phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Phần lớn nguồn lợi tức chợ trời và “Việt kiều” này, cũng như trước kia lợi tức “viện trợ Mỹ”, chạy ngược về tay những người cung cấp dịch vụ giải trí, quan chức chính quyền tham nhũng và thương lái gốc Hoa.

Cộng đồng người Hoa trong nước là nguồn cung cấp hàng hóa và định giá mua bán cho các chợ bán lẻ, chợ trời như chợ Lê Thánh Tôn, Vườn Chuối, Ông Tạ (vàng bạc, ngoại tệ), Nguyễn Tri Phương, khu La Kai, chợ Cũ (rượu, thuốc lá, đồ hộp), Hồng Bàng, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm (máy móc điện tử), Trần Hoàng Quân, Tạ Thu Thâu (áo quần), Soái Kình Lâm (vải vóc), An Đông (vàng bạc, mỹ phẩm), Bình Tây (vải, thịt), Trần Chánh Chiếu (gạo), chợ Cầu Ông Lãnh (thủy sản), Cầu Muối (trái cây), đường Nguyễn Huệ (xe hơi), Nguyễn Trãi (xe gắn máy), các bến xe đò và xe lửa (cà phê, trà, thuốc phiện), các giang cảng (hàng nhập lậu)…

Việt kiều trong những năm 1980-1986 nếu có về nước chủ yếu là thăm gia đình, du lịch và hưởng thụ. Chỉ một số ít còn quan tâm đến việc làm ăn hay đầu tư, nhưng đó không phải là những nhà kinh doanh lớn và cũng không phải là đối thủ của người Hoa (đối với người Hoa đối thủ chính của họ là doanh nhân Nhật Bản, Đại Hàn và Tây phương). Vốn đầu tư của Việt kiều quá nhỏ và quá ít so với khối lượng tư bản của Hoa kiều bỏ vào miền Nam trong cùng thời gian (thật ra trong giai đoạn này vốn đầu tư của doanh nhân Hoa kiều chưa lấy gì làm nhiều : vài chục triệu USD).

Sau hơn 10 năm đất nước được thống nhất, mọi người đều nhận hoạt động thương nghiệp của Việt Nam không thể thiếu vắng doanh nhân gốc Hoa. Nhà nước không thể nắm độc quyền trong việc sản xuất và phân phối hàng hóa. Càng cấm đoán, càng kiểm soát gắt gao nền kinh tế quốc dân càng phát triển theo qui luật tự phát vô tổ chức, vô chính phủ (chợ đen, tham nhũng). Khi được thả lỏng nền kinh tế phát triển theo qui luật tư bản kiểu rừng rú vì thiếu những định chế tài chánh và luật pháp hướng dẫn. Đời sống người dân và cán bộ liêm chính ngày càng xuống cấp, chỉ thành phần cán bộ tham nhũng và Hoa kiều có đời sống sung túc. Đây là bài toán nan giải mà từ nhiều năm qua chính quyền cộng sản chưa tìm ra giải đáp.

Hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa không nhìn nhận chỗ đứng bình thường của thành phần kinh tế tư doanh và cá thể. Hệ thống này đã đẻ ra một số tập đoàn “tư bản đỏ”, những cán bộ cộng sản nắm giữa những cơ quan có sinh lợi cao như ngoại thương, du lịch và tín dụng. Những người này lạm dụng quyền thế hoạt động vì lợi ích riêng tư của phe nhóm hay gia đình hơn là cho nhà nước.

Những điều luật có liên quan đến các hoạt động kinh tế chỉ là những pháp lệnh, nghị quyết giai đoạn, địa phương nào ban hành được, nội dung được giải thích tùy theo mặt khách hàng. Vì mang tính tùy tiện, “duy ý chí”, thương nhân nào chịu mua chuộc, hối lộ, đút lót cao thì được nhiều dễ dàng, những ai dự định làm ăn theo đúng “luật pháp” thường bị bỏ rơi, đôi khi còn bị phạt vạ vì “vi phạm luật”. Trong lãnh vực tiêu cực này, doanh nhân Hoa kiều tỏ ra hơn hẳn doanh nhân Tây phương và Việt Nam, họ sẵn sàng bỏ ra nhiều món tiền lớn để mua chuộc viên chức nhà nước miễn sao được việc.

Luật Đầu Tư được ban hành (1987), các quốc gia ASEAN và Đông Á cử nhiều phái đoàn chính thức vào Việt Nam điều nghiên. Các chuyến bay từ các quốc gia Đông Nam Á đến Việt Nam, đặc biệt là đến Sài Gòn gia tăng, 80% hàng khách là người Hoa. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế đã được tổ chức tại Sài Gòn và Hà Nội, doanh nhân Hoa kiều là khách mời danh dự. Nhà nước cộng sản cam đoan không quốc hữu hóa các xí nghiệp ngoại quốc và để lấy lòng Hoa kiều, vì chỉ có họ mới dám đến Việt Nam đầu tư. Từ tháng 7-1991, nhiều cơ sở sản xuất và thương mại, nhà cửa tịch thu trước đây của người Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn và các thành phố lớn miền Nam được trả lại cho chủ cũ. Trong khi đó đại bộ phận dân chúng gốc Hoa tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn sống an phận trong sự nghèo khó, 60% là ngư dân và nông dân.

Theo một tài liệu đăng trên báo Đoàn Kết (một tờ báo thân Hà Nội), số tháng 3-1991 (trích đăng tin của hãng AFP ngày 14-3-1991), cho biết “Chợ Lớn đã tạo lập lại phần vốn liếng ngày xưa với khả năng tài chánh được ước tính tối thiểu là 500 triệu đô-la” và “ở Chợ Lớn có hơn ba mươi gia đình triệu phú đô-la”. Số vốn liếng đó không hướng vào đầu tư công nghiệp lâu dài mà tập trung vào hoạt động thương nghiệp “vì người Hoa không tin tưởng vào chế độ cộng sản hiện nay”. Nhiều doanh nhân gốc Hoa còn làm cố vấn kinh tế cho các chính quyền địa phương, nhất là tại các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long, lập các kế hoạch xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường y như dưới thời Pháp thuộc. Theo tài liệu báo chí trong nước, trong số mười doanh gia nổi tiếng nhất nước có hai người gốc Hoa : ông Tăng Minh Phụng, chủ nhân công ty may mặc xuất khẩu Minh Phụng có hơn 5.000 công nhân với số doanh vụ trung bình khoảng 40 triệu USD/năm ; ông Vưu Khải Thành, chủ nhân hãng giầy dép xuất khẩu Bình Tiên (Biti’s) có hơn 2.000 công nhân với tổng tích sản trị giá trên 6 triệu USD.
 
Một quan hệ hợp tác mới

Từ sau 1989, các hợp đồng đầu tư lớn được ký kết, đa số là với doanh nhân Hoa kiều Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và Thái Lan. Năm 1991, Đài Loan chiếm vị trí hàng đầu về vốn đầu tư (500 triệu USD). Chính quyền cộng sản dự định thành lập nhiều khu chế xuất (export zone) tại một số khu vực quanh các thương cảng Sài Gòn, Vũng Tàu, Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, những khu này chỉ dành riêng cho doanh nhân ngoại quốc, đặc biệt là Hoa kiều. Chính quyền công sản Việt Nam còn bán và cho thuê dài hạn nhiều khu đất để doanh nhân Hoa kiều thành lập những khu kỹ nghệ hay trung tâm thương mại.

Hiện đang có nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam do Hoa kiều Đông Nam Á góp vốn như dự án khai thác khu Fairy Land (“Vùng Đất Thần Tiên”) ở Bãi Sau Vũng Tàu trị giá 87,5 triệu USD, khu nghỉ mát thể thao Đồi Cù Đà Lạt, các đồn điền trồng chuối tại Long Khánh (Đồng Nai), Tùng Nghĩa (Lâm Đồng) do các công ty Đài Loan tài trợ. Khu kỹ nghệ-thương mại Tân Thuận do Central Trading and Development và Pan Viet Co Đài Loan nhận thầu, gồm 300 ha với tổng trị giá gần 100 triệu USD, dự trù sẽ hoàn tất vào đầu năm 1993. Ching Fong là một trong sáu công ty Đài Loan có số vốn đầu tư cao nhất tại Việt Nam : 358,9 triệu USD, trong có dự án xây cất nhà máy xi-măng Tràng Kiệu tại Hải Phòng (288,3 triệu USD), nhà máy lắp ráp xe gắn máy (55,6 triệu USD) và một chi nhánh ngân hàng tư nhân (15 triệu USD). Đài Loan nhận thầu sửa chữa lại tòa nhà IMEXCO đường Nguyễn Huệ (hãng Yao Teh), xây cất nhà máy lọc dầu (công ty China Petroleum), làm gỗ (tổ hợp Pan Viet Corp.), dệt (hãng Chung Shing Textile), làm bột ngọt (công ty Ve Wong, Mi An), nhà máy xay gạo, tôm đông lạnh (công ty Wei Tan Food, Sun Moon Star, China Rebar), xây cất Trung tâm thương mại dịch vụ chợ An Đông 35.000 m2 (tăng gấp 5 lần diện tích cũ), kiến thiết nhiều khu chung cư tiện nghi tại quận 5 Sài Gòn, v.v… Tân trang các giang cảng, chuyên chở hàng hải do Jardine Matheson Holdings Ltd., Hồng Kông đảm nhiệm.

Nhiều dự án khai thác dịch vụ du lịch và du hí khác như Khách sạn nổi Sài Gòn (Úc liên doanh với Singapore), khách sạn New World Saigon (thuộc tổ hợp New World Development Co Ltd, Hồng Kông), một loạt các khách sạn Shangrila, khách sạn-khiêu vũ trường năm sao : Volvo, Super Star, các khách sạn lớn đã có sẵn từ trước tại Sài Gòn và các thành phố lớn khác, những dự án xây cất lớn hiện nay đều do Hoa kiều Singapore, Đài Loan và Hồng Kông đảm trách. Trong tương lai sự đầu tư của doanh nhân Hoa kiều sẽ nhiều hơn nữa.

Ngân hàng China Trade and Development Corporation của Quốc Dân Đảng Đài Loan mở văn phòng tại Sài Gòn từ đầu năm 1991, tài trợ cho doanh nhân Đài Loan thăm dò và đầu tư tại Việt Nam. Quốc Dân Đảng Trung Hoa là một thế lực tài chánh lớn nhất Đông Nam Á, nơi nào doanh nhân Đài Loan đến đầu tư đông đảo, nơi đó có bàn tay của Quốc Dân Đảng. Một quỹ tín dụng thành lập hồi tháng 6-1991 mang tên Vietnam Fund Management Co Ltd với số vốn là 30 triệu USD để quản trị các dự án đầu tư tư nhân, trong đó vốn của Hoa kiều Đông Nam Á (Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia và Thái Lan) là chính.

Được hưởng nhiều nới lỏng trong việc đầu tư, doanh nhân gốc Hoa trong nước được tự do nhập cảng các sản phẩm và nguyên liệu từ thế giới Trung Hoa trong vùng Đông Nam Á. Thật ra chỉ có người Hoa mới tranh thủ niềm tin của nhau và chỉ làm ăn với nhau : người Hoa trong nước với người Hoa ngoài nước. Doanh nhân Đài Loan, Hồng Kông và Singapore mở nhiều văn phòng đại diện thường trực trong các khách sạn lớn tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Có 53 công ty Thái Lan do Thai Viet Invexim hướng dẫn đã thiết lập nhiều cơ sở kinh doanh tại miền Nam, người Thái gốc Hoa chiếm đa số vốn.

Tại miền Tây nhiều công ty, xí nghiệp hợp doanh và tư doanh mới được thành lập. UNIMEX (Liên doanh xuất nhập khẩu) Tiền Giang hợp tác với các công ty dệt Đài Loan như Chou Yi Industrial, Vietai International Co v.v… xây dựng nhiều cơ sở may mặc. Vốn của nhiều công ty được tính bằng vàng y. Một số xí nghiệp quốc doanh vay vốn bằng vàng của Hoa kiều với lãi suất khá cao (trên 20%/năm), tiền lời phải trả bằng vàng hay bằng hàng hóa (tôm cá, gỗ…). Năm 1990 một tổng giám đốc Liên hiệp Xuất khẩu UNIMEX Long An, ông Huỳnh Văn Kiệu, tự vẫn vì làm ăn thua lỗ không trả nổi tiền lời cho chủ nợ Singapore. Doanh nhân Thái gốc Hoa đang có nhiều dự án nuôi tôm cá xuất khẩu dọc bờ biển miền Nam (Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang và Minh Hải). Dân quê miền Nam phá hủy nhiều khu rừng tràm để lấy gỗ làm rạp nuôi tôm.

Vốn luân chuyển của tư bản Hoa kiều Đông Nam Á chỉ quay giữa họ với nhau. Hoa kiều nước này xây cất khách sạn, vũ trường cho những Hoa kiều nước khác đến tiêu xài. Những cơ sở xuất khẩu chỉ xuất khẩu sang các quốc gia có đông người Hoa cư ngụ, những cơ sở nhập khẩu chỉ ưu tiên nhập những hàng hóa xuất phát từ thế giới Trung Hoa. Doanh nhân Hoa kiều còn dự trù xây dựng những nhà ga hàng không lớn những trung tâm thương mại và khách sản giải trí tại Sài Gòn và Hà Nội, như vậy họ sẽ độc quyền khai thác tiền do những khách ngoại quốc đến Việt Nam, đặc biệt là Hoa kiều. Người Hoa này chi tiền ra, người Hoa kia thâu tiền vô. Vốn của người Hoa bỏ ra chỉ nhằm phục vụ người Hoa. Đây là một tập quán có từ thế kỷ 17, Hoa kiều ly hương giàu có giúp Hoa kiều hải ngoại nghèo khó. Rất khó cho một chính quyền của người bản xứ rút được tiền của người Hoa.

D. Sinh hoạt văn hóa

Bỏ rơi giáo dục

Về giáo dục, từ sau 1975 các trường học đều bị quốc hữu hóa và chỉ dạy tiếng Việt. Học sinh gốc Hoa cũng đến trường học tập, nhưng càng về sau đa số đều bỏ học, nhất là trong những năm 1978-1979 khi có phong trào vượt biên bán chính thức. Trẻ em gốc Hoa thuộc những gia đình bình dân còn ở lại cũng bỏ học vì sinh kế, đa số phụ việc với cha mẹ hay họ hàng buôn bán.

Riêng tại Chợ Lớn, năm 1991, hơn 96.000 trẻ em từ 6 đến 14 tuổi (20% dân số Hoa tại Chợ Lớn) không đến trường, trong số đó 16.600 em chưa biết chữ Việt (18%) và 67.200 em (70%) bỏ học giữa cấp I hoặc không học tiếp cấp II phổ thông. Trẻ em gốc Hoa được huấn luyện từ khi còn nhỏ để làm kinh doanh, học vấn nếu có chỉ để giúp gia đình giao dịch. Học chữ Việt đối với họ trong giai đoạn này không còn là một nhu cầu cần thiết. Một số trường cấp I, II ở quanh Chợ Lớn phải đóng cửa vì thiếu học sinh. Nhiều trường được đem cho thuê hay bán lại cho những thương gia gốc Hoa và Hoa kiều để làm cơ sở kinh doanh.

Những gia đình khá giả, không muốn cho con em của mình học các trường Việt, tìm thầy dạy Hoa ngữ (theo chương trình giáo dục của Đài Loan) và Anh ngữ “tư” với học phí khá cao, sau đó những em này được gia đình cho vượt biên hoặc xuất ngoại hợp pháp. Gần đây tiếng phổ thông (Quan Thoại) được giảng dạy trong các lớp học nhưng trình độ chỉ dừng lại ở bậc trung học. Chỉ một phần rất nhỏ trẻ em gốc Hoa học cả hai ngôn ngữ Việt và Hoa, nhưng ít khi hoàn tất hết bậc trung học.

Phổ biến văn hóa

Sau 1975, một số phong tục tập quán của người gốc Hoa bị cấm diễn ra trên các đường phố như tổ chức ma chay, đình đám. Những gia đình gốc Hoa nào tổ chức linh đình đám đều bị đánh một thứ thuế “ngu” (?), thuế này chỉ đánh vào dân cư gốc Hoa Sài Gòn-Chợ Lớn, các thành phố lớn khác thì cấm hẳn việc tổ chức.

Nhưng sau 1982 khi nhà nước cho phép tư nhân sinh hoạt thương nghiệp, các bang hội người Hoa tái lập lại các ban nhạc đám ma, đám cưới. Mỗi dịp lễ lạc họ xuất hiện ồn ào trên các đường phố, có cộ có tới ba bốn dàn nhạc hộ tống. Những ngày lễ lớn như tết Nguyên Đán, lễ Thượng Nguyên (15 tháng Giêng âm lịch), tết Trung Thu, lễ Phật Đản người gốc Hoa tổ chức ồn ào vui nhộn hẳn lên. Chùa chiền người Hoa đông nghẹt khách thập phương và nhiều đoàn người Hoa đi hành hương khắp miền Nam. Có nơi chính quyền phải giữ trật tự an ninh cho những đoàn cộ đưa Thánh Mẫu (nữ thần hộ mạng của người Hoa) đi qua như tại Thủ Dầu Một. Những buổi lễ “đặt viên đá đầu tiên”, “khai trương “, “điểm tinh khai quang” được tổ chức rất trọng thể, ồn ào và tốn kém. Những đội múa lân của người Hoa làm vui hẳn đời sống chật vật của người dân trong những ngày Tết. Đội lân nổi tiếng tại Chợ Lớn (quận 5) hiện nay là đội lân Nhơn Nghĩa Đường. Mỗi võ đường của người Hoa thường tổ chức lấy các đội múa lân để biểu diễn và cũng để giới thiệu võ đường của mình. dân chúng cũng đua nhau mua liễn đỏ có viết chữ Hoa về treo cho vui cửa đẹp nhà.

Sau 1986, hiện tượng bắt chước lối sống Trung Hoa được phổ biến rộng rải trong các tầng lớp dân chúng và còn kéo dài cho đến ngày nay. Hàng hóa có xuất xứ từ Hồng Kông, Đài Loan được chuộng hơn hàng hóa nội địa hay có nguồn gốc Đông Âu, Ấn Độ hay Thái Lan. Đối với dân cư thành thị, sinh hoạt nào muốn được mọi người khen là có văn hóa thì phải có chút gì của Trung Hoa : cách ăn diện và cách tiêu tiền. Nhiều người Việt trong nước đôi khi trách móc tại sao Việt kiều hải ngoại không chi tiêu “sộp” như người Hoa, đầu tư không nhiều, máy móc không hiện đại như người Hoa. Khách du lịch và thương nhân ngoại quốc đến Việt Nam đều được chính quyền cộng sản ưu đãi, nhưng thương nhân và khách du lịch nào mang các quốc tịch Trung Hoa được dân chúng tiếp đón nồng hậu hơn. Người Đài Loan, Singapore hay Hoa kiều từ các nơi khác đều được dân chúng Việt Nam săn đón, mời mọc một cách sốt sắng với hy vọng được trả thù lao cao hơn. Nhiều cơ sở du lịch có mãi dâm do người Hoa bỏ vốn được thành lập để rút tiền những khách ngoại quốc và cán bộ tham nhũng.

Những hành vi “tiêu cực”

Được chế độ cộng sản ưu đãi, thương gia Hoa kiều cùng với một số người Việt gốc Hoa trong nước tổ chức buôn lậu và sản xuất hàng giả (nhái theo kiểu các sản phẩm nổi tiếng của Tây phương). Một số Hoa kiều Đông Nam Á cấu kết với người gốc Hoa địa phương đầu tư lậu máy móc dụng cụ sản xuất để tránh thuế. Năm 1990 nhiều xí nghiệp sản xuất băng vệ sinh bị phát giác là đầu tư lậu như hãng Stitung, Astuce Machine của Đài Loan, Lion Track của Hồng Kông cấu kết với người Hoa trong nước.

Nhiều cách chuyển ngoại tệ của Việt Nam ra hải ngoại bị phát hiện tại các phi cảng, gọi là “đào hối” : thương nhân Đài Loan, Hồng Kông và Singapore khi nhập cảnh mang theo ngân phiếu hàng trị giá trăm ngàn USD (không giá trị) có đăng ký hải quan, khi xuất cảnh những người này mang ra một số lượng tiền mặt bằng ngoại tệ cùng trị giá với ngân phiếu giả. Lượng tiền xuất cảnh lậu này là do những dịch vụ buôn lậu mang lại. Nhiều Hoa kiều khác mang vào trong nước những đồ trang sức, nữ trang, đá quí “giả” có đăng ký, khi về mang theo đồ trang sức, nữ trang, đá quí “thật”.

Trong năm 1991, người ta đã phát hiện một Hoa kiều Hồng Kông (tên Lai Kam Yuen còn gọi là A Dìn) cùng nhiều đồng lõa gốc Hoa sinh sống tại Việt Nam và Kampuchea tổ chức in và tiêu thụ giấy bạc giả (loại 2.000 đồng). Nhiều thương gia gốc Hoa khác vì cạnh tranh nghề nghiệp thanh toán lẫn nhau gây án mạng như trường hợp Lai Thiên Hồng tháng 12-1991. Lai Thiên Hồng thuê người giết một Hoa kiều gốc Kampuchea tên Yee Ngen You gây xôn xao khắp Chợ Lớn.

E. Dân số gốc Hoa

Trong nước dân số gốc Hoa không ngừng gia tăng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hiện nay là 2,4% (cả nước là 2,2% năm 1989). Không có số liệu về người Hoa tại miền Bắc sau năm 1979. Trên cả nước năm 1991 có hơn 1,3 triệu người gốc Hoa. Riêng tại Sài Gòn, năm 1988 có 475.739 người gốc Hoa, với tỷ lệ gia tăng dân số bình thường hiện nay dân số gốc Hoa năm 1991 phải trên 500.000 người. Thêm vào đó, Hoa kiều Đông Nam Á đến Việt Nam càng ngày càng đông, một số xin cư trú thường trú vì lý do nghề nghiệp.

Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long sau những đợt vượt biên bán chính thức, năm 1983 dân số gốc Hoa là 233.856 người, năm 1989 tăng lên 323.648 người (gần 100.000 người trong 6 năm). Trong mỗi hộ gia đình gốc Hoa, số nhân khẩu trung bình là từ 5 đến 7 người, nhiều nơi (1/5 gia đình gốc Hoa) có số nhân khẩu từ 7 đến 10 người. Nhiều thế hệ sống chung với nhau dưới một mái nhà.

Phân phối dân số gốc Hoa theo ngữ phương tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (1983)

01 Long An 7500
02 Tiền Giang 8200
03 Bến Tre 7000
04 Đồng Tháp 8500
05 Cửu Long 8000
06 Hậu Giang 102.437
07 An Giang 17.000
08 Kiên Giang 36.856
09 Minh Hải 30.856

(Nguồn: Thống Kê Kiểm Tra Dân Số Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tổng Cục Thống Kê, 1983)

Dân số người Hoa tại ba tỉnh miền Đông (1983)

1 Đồng Nai 60.000
2 Sông Bé 21.789
3 Tây Ninh 4.570

F. Những lãnh vực đầu tư của Hoa kiều Đông Nam Á

Doanh nhân Hoa đi trước Tây phương trong lãnh vực đầu tư tại Việt Nam. Người Hoa có nhiều lý do để đầu tư : thứ nhất là có sự hỗ trợ về tinh thần và tài chánh của các chính quyền Đài Loan, Singapore, Hồng Kông ; thứ hai muốn chứng minh sự tin tưởng của cộng đồng người Hoa vào chế độ đương quyền qua bộ Luật Đầu Tư để được hưởng đặc quyền, đặc lợi ; thứ ba là muốn có mặt sẵn tại hiện trường phòng hờ khi có chuyển hóa chính trị họ có nhiều cơ may thành công nhất ; sau cùng và quan trọng hơn hết là vì có sẵn một lực lượng người gốc Hoa địa phương làm hậu thuẩn cho những dự án đầu tư. Hoa kiều Phúc Kiến có nhiều cơ hội làm ăn hơn Hoa kiều Quảng Đông và Triều Châu, vì Việt Nam rất cần những đầu tư quan trọng về tín dụng, ngân hàng, hàng hải và sản xuất lớn mà họ có nhiều vốn và kinh nghiệm.

Hoa kiều Đông Nam Á không sợ Hoa Kỳ và đồng minh lên án khi vi phạm lệnh cấm vận vì Việt Nam là một thị trường quá nhỏ đối với Tây phương, hơn nữa Việt Nam đã chấp nhận sống như một quốc gia bình thường trong vùng Đông Nam Á. Thật ra những quốc gia này nằm trong vòng ảnh hưởng của đồng USD do đó rất lệ thuộc vào Hoa Kỳ và Hoa Kỳ cũng biết rất rõ chế độ cộng sản Việt Nam càng lệ thuộc vào tư bản Hoa kiều Đông Nam Á, Hoa Kỳ càng có thể làm áp lực với các quốc gia này để áp lực lại nếu muốn Việt Nam thi hành một vài biện pháp mạnh như về vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích.

Hoa kiều Singapore chuyên chú vào các đầu tư giải trí xa hoa như các khách sạn, nhà hàng ăn chơi. Họ chủ trương thu hút những số tiền của doanh nhân Hoa kiều đến tìm hiểu thị trường Việt Nam, của Việt kiều về nước giúp đỡ thân nhân và của thành phần giàu có mới hơn là chuẩn bị làm ăn lâu dài. Kim ngạch trao đổi hàng năm với Singapore khoảng 309 triệu USD/năm và doanh nhân Singapore đã tham dự ít nhất 7 trong số 248 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 15 triệu USD. Cho đến 1991 tổng số thương vụ và dự án đầu tư của thương gia Singapore lên đến 1 tỷ USD.

Tư nhân Đài Loan chuyên chú vào các xí nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ với hy vọng sẽ có mặt thường xuyên và sẽ đầu tư lớn khi hoàn cảnh cho phép. Doanh nhân các tổ hợp Đài Loan chỉ tham gia đầu tư vào những dự án lớn với điều kiện được khai thác từ 20 đến 70 năm. Hoa kiều Hồng Kông đầu tư nhiều vào dịch vụ khách sạn, ăn uống và các cơ sở chế biến thực phẩm với hy vọng ở luôn tại Việt Nam sau năm 1997. Hoa kiều Thái Lan và các nước khác chia nhau những gì còn lại có thể khai thác được như đầu tư vào các loại khách sạn hạng trung (hai ba sao), các cơ sở sản xuất ngư phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp, nước giải khát, chế biến gỗ…

Cũng phải nói tới một dự án lớn trị giá 12 tỷ USD của công ty Leonardo (Thụy Sĩ và Pháp) thuê đảo Phú Quốc trong thời hạn 50 năm để biến đó thành một trung tâm mậu dịch lớn tại Đông Nam Á, trong đó dự định chuyển một số người Hoa Hồng Kông sang lập nghiệp sau 1997. Dự án này được nhiều tổ chức người Việt Nam hải ngoại chia sẻ, vì tưởng đó là dự án của Liên Hiệp Quốc thuê đảo Phú Quốc đưa người tị nạn tại những trại cấm tại Đông Nam Á (Hồng Kông, Thái Lan và Mã Lai) về định cư. Người Pháp muốn thế chân Anh Quốc trong việc xây dựng một khu vực phi quan thuế tại Đông Nam Á, nhiều người nói Phú Quốc sẽ là một Hồng Kông kiểu Pháp. Doanh nhân Hoa kiều sẽ là những nhóm cư dân mới, nhất là những doanh nhân đến từ Hồng Kông.

Hoa kiều gốc Việt Nam đầu tư vào các ngành chế biến nhỏ (cơ điện, giầy dép, cao su, hàng tiêu dùng bằng kim khí) và khai thác các tiệm tạp hóa gia đình và nghề bốc thuốc bắc. Nơi tập trung chính vẫn là khu vực Chợ Lớn : quận 5, 6, 8, 10, 11 và Phú Nhuận. Người gốc Hoa gần như độc quyền về sản xuất giầy dép nhựa, phụ tùng xe đạp, vật liệu về xây cất (sơn, vôi, gạch ngói, đinh vít), dệt vải thô sơ, cơ điện nhỏ.

Theo những số liệu thống kê ghi nhận được tại Sài Gòn, năm 1990 lượng hàng hóa trao đổi với Singapore chiếm 30% tổng số thương vụ toàn quốc, với Hồng Kông 20%. Riêng trong sáu tháng đầu năm 1991, lượng hàng hóa trao đổi giữa Sài Gòn với thế giới đã lên đến gần 1 triệu tấn, được phân phối như sau : Singapore (35%), Hồng Kông (15%), Nhật Bản (10%), Đài Loan (5%), Thái Lan (5%), Đại Hàn (5%), Liên Xô (5%), 20% còn lại là với các quốc gia khác. Xuất cảng sang Singapore chủ yếu là dầu thô, nông ngư phẩm, gia súc, sắt vụn, đồng, kim loại phế thải… Hàng hóa nhập khẩu chính thức từ Singapore là phân bón, dầu diesel, dầu mazout, sợi polyester, nhựa các loại, bột sữa, giấy… Hàng nhập lậu từ Singapore là thuốc lá, máy móc điện tử, xe hơi, xe gắn máy, xa xỉ phẩm, v.v…

Người Hoa tại Việt Nam hưởng một giai đoạn tương đối dễ chịu từ sau 1986. Hàng hóa của họ sản xuất ra có phẩm chất cao, giá thành hạ hơn hàng quốc doanh, và có ngay một thị trường tiêu thụ lớn (gần 70 triệu người trên toàn quốc). Sản lượng hàng công nghiệp nhẹ của người Hoa đã đáp ứng phần nào nhu cầu của toàn quốc nhưng vẫn còn một hạn chế là chưa cạnh tranh nổi với số hàng lậu từ các tàu buôn ngoại quốc và vùng biên giới, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa.

G. Doanh nhân Việt trong bối cảnh mới

Nền thương mại còn kém cỏi của Việt Nam hiện nay hoặc do nhà nước cộng sản, hoặc do người Hoa nắm giữ. Người Việt trong và ngoài nước chưa có vai trò đáng kể.

Với sự tham gia đông đảo của người Hoa vào sinh hoạt kinh tế, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi quan trọng. Mức sống của dân chúng trong nước được nâng cao nhờ được tự do buôn bán kiểu tư thương. Người Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc làm gia tăng nguồn hàng hóa trên toàn xã hội.

Với sự tham gia hợp pháp của người gốc Hoa vào sinh hoạt kinh tế, chính quyền cộng sản không còn phải bôn ba trong việc thu mua, sản xuất và phân phối hàng hóa. Vai trò bà nội trợ xã hội, một vai trò mà các quốc gia xã hội chủ nghĩa đều muốn giữa độc quyền, đang chuyển dần cho tư nhân, đặc biệt là tư thương gốc Hoa. Người Hoa đã cho chế độ cộng sản hiểu thế nào là lợi ích của kinh tế thị trường.

Chính sách kinh tế thị trường được áp dụng tại Việt Nam sau 1987, thương gia gốc Hoa và Hoa kiều đảm nhận vai trò tìm hiểu thị trường, sản xuất và tổ chức phân phối, nhà nước cộng sản chỉ có vai trò kiểm soát. Cán bộ viên chức nhà nước hoặc vì lòng tham, hoặc vì thiếu hiểu biết hay mất tin tưởng ở chế độ, làm đảo lộn tất cả các qui luật về kinh tế thị trường, gần như cơ quan, cán bộ nào cũng có tham nhũng hay buôn lậu. Người Hoa nào muốn làm ăn lâu bền cũng phải biết cách đút lót, hối lộ để được tiếp tục hoạt động. Chuyện hối lộ, đút lót, gian lận đã trở thành một nếp sống, ai cũng biết là xấu nhưng không ai có khả năng loại trừ. Nhà nước tổ chức học tập, hội thảo về chống buôn lậu, tham nhũng nhưng việc đâu còn đó, có khi còn trầm trọng hơn. Tại một vài địa phương, các tỉnh biên giới, cán bộ tham nhũng dung túng gian thương và buôn lậu, thách thức lại chính quyền trung ương.

Về phía người Việt Nam, chính quyền cộng sản tìm mọi cách áp chế để không cho lãnh vực tư nhân phát triển mạnh vì sợ mất vai trò chỉ đạo. Nhà nước nắm giữ những cơ sở xuất nhập khẩu lớn và sản xuất quan trọng, nhưng không có khả năng điều hành : 40% cơ sở kinh doanh quốc doanh làm ăn lỗ lã, không có hiệu quả kinh tế. Khu vực quốc doanh năm 1990 thâm hụt 1.300 tỷ đồng (173,3 triệu USD), năm 1991 trên 2.000 tỷ đồng (250 triệu USD) bằng ngân sách của nhà nước. Hệ thống ngân hàng nhà nước không làm chủ nguồn tiền mặt để chi dùng cho khu vực quốc doanh. Ngân hàng ngoại thương có lúc không đủ tiền mua ngoại tệ đã cậy tư thương gốc Hoa hay Hoa kiều mua tiếp sức để rồi sau đó phải chật vật cạnh tranh với họ trong việc giành lại quyền ấn định tỷ giá hối suất.

Khả năng kinh doanh của người Việt

Trong nước, người dân bị chính quyền cộng sản khống chế không có khả năng tập trung tài chánh cao và cũng không có ý định kinh doanh lớn vì sợ bị quốc hữu hóa. Dân chúng sống thụ động, chờ người Việt hải ngoại làm cái gì đó để lôi kéo đất nước ra khỏi bế tắc. Người Việt hải ngoại thì hy vọng người trong nước ra tay trước, bên ngoài họ sẽ hỗ trợ. Cả hai cộng đồng, bên này trông vào bên kia, không ai làm gì cả.

Tại hải ngoại, một số cá nhân và hội đoàn tranh đấu, hoặc vì quá căm hận chế độ cộng sản, hoặc vì muốn cắt đứt quan hệ với trong nước, làm áp lực trên cộng đồng người Việt hải ngoại qua báo chí, hội thảo chụp mũ những ai có ý định trở về Việt Nam là tiếp sức cho cộng sản. Một số văn nghệ sĩ hải ngoại lên án mọi giao lưu văn hóa và kinh tế giữa trong và ngoài nước. Họ chống lại mọi hình thức tiếp tay cho thân nhân còn kẹt lại trong nước, du lịch hay về nước đầu tư, vì cho đó là những hành động nhằm kéo dài sự cai trị của chế độ cộng sản.

Thực ra tổng số vốn của doanh nhânViệt Nam hải ngoại về nước đầu tư chẳng thấm vào đâu so với những khoảng tiền khổng lồ mà doanh nhân Hoa kiều đã bỏ ra. Tất cả những dịch vụ đầu tư của người Việt hải ngoại là những cố gắng cá nhân, do đó thiếu tầm vóc để có thể cạnh tranh với các thế lực kinh tài của người Hoa.

Một số tổ chức hải ngoại quá khích muốn duy trì sự ngăn cách giữa quốc nội và quốc ngoại để độc quyền khai thác thị trường người Việt hải ngoại. Đối với họ quốc nội không còn là nỗi bận tâm chính , chính quyền cộng sản muốn làm gì với người trong nước thì làm miễn đừng xâm phạm đến thị trường của họ tại hải ngoại là được. Về phía chính quyền cộng sản, họ cùng chỉ muốn duy trì cộng đồng người Việt hải ngoại ở vị trí Việt kiều, vị trí những người khách vì sợ những người này khi tham gia trực tiếp vào lãnh vực kinh tế sẽ bất lợi cho chế độ. Việt kiều về nước thế nào cũng phổ biến cho người trong nước biết thế nào là tự do, dân chủ, đa nguyên, tiến bộ, bình đẳng ở xứ người, những điều mà chế độ cộng sản rất sợ hãi và lên án nặng nề. Việt kiều, vì những lý lẽ trên, không có chỗ đứng trong nước, mặc dầu rất được nhà nước cộng sản ve vãn.

Do không tin cậy lẫn nhau, chuyện phát triển đất nước phó mặc cho doanh nhân ngoại quốc khai thác vì họ không đe dọa thế đứng chính trị của ai cả. Hoàn cảnh đất nước ngày nay giống như thời Trịnh-Nguyễn, người Việt cứ sợ người Việt, mặc cho ngoại nhân tha hồ khai thác tài nguyên của đất nước. Vai trò của doanh nhân Việt trong và ngoài nước không được chính quyền cộng sản đặt nặng.

[Lý luận của một số người Việt chống cộng cực đoan hải ngoại là ngày nào còn chế độ cộng sản thì ngày đó không có quan hệ đầu tư. Nhiều người vận động yêu cầu Hoa Kỳ duy trì lệnh cấm vận để cô lập chính quyền Hà Nội, người khác hô hào thế giới gia tăng áp lực buộc chính quyền cộng sản tự thay đổi theo hướng dân chủ. Mọi người đều chờ đợi “quyết tâm” của thế giới và “thiện chí của chính quyền cộng sản Việt Nam”.]

Sự thiếu vắng một đội ngũ doanh nhân có tầm vóc là thiếu sót lớn của Việt Nam hiện nay. Đây là vấn đề trọng đại đặt ra cho những ai có tham vọng dẫn đưa đất nước đi lên. Một quốc gia muốn giữ độc lập kinh tế không thể không có một đội ngũ doanh nhân có tầm vóc. Một quốc gia hùng mạnh cần phải thành lập cho riêng mình những người có óc mạo hiểm, trí sáng tạo, những người dám đem tài sản riêng ra đánh cuộc với rủi ro để làm giàu. Những đức tính này xã hội Việt Nam đang thiếu và “con người” Việt Nam cũng chưa được chuẩn bị để tôn vinh giai cấp doanh nhân.

Doanh nhân Việt Nam chưa có khả năng tập trung vốn cao, chưa sẵn sàng kết hợp thành những tập đoàn lớn. Người trong nước trông cậy rất nhiều ở doanh nhân hải ngoại, nhưng doanh nhân hải ngoại hiện nay quá yếu. Chúng ta chỉ có những chuyên viên cao cấp, một giai cấp chỉ có thể đi làm công cho thiên hạ chưa đủ bản lãnh để đứng ta làm chủ. Người Hoa thì ngược lại, họ đào tạo thành phần doanh nhân ngay từ lúc còn nhỏ, trẻ em Trung Hoa đã được gia đình khuyến khích nghề làm chủ. Tinh thần đó được cả một tập đoàn gắn bó có khả năng kết hợp cao (bang hội) đứng sau lưng thúc đẩy doanh nhân trẻ đi lên. Tinh thần đó được truyền dạy cho nhau liên tục từ nhiều thế hệ. Bí quyết thành công của người Hoa là tạo cho bằng được chữ Tín (danh dự của người đứng ra nhận lãnh một trách nhiệm). Mất chữ Tín là mất sự nghiệp.

Người Việt cần phải học tập rất nhiều về nghề kinh doanh và chữ Tín của người Hoa. Doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hình thành có thể thua kém doanh nhân Hoa kiều nhưng với thời gian, nhờ sự quyết tâm, óc thông minh và lòng can đảm sẽ bắt kịp người Hoa trong một thời gian không xa. Xây dựng được lực lượng này Việt Nam sẽ giảm được tình trạng chủ nhân là người ngoại quốc và nhân viên phục dịch là người Việt.

Điểm lại khả năng

Tại hải ngoại, một số nhà doanh nghiệp thân chế độ, đa số là hội viên của các hội “Việt kiều yêu nước”, đang có những nỗ lực đầu tư trong nước. Đa số đầu tư vào những lãnh vực mà nếu có mất vốn thì mất ít, nhưng tốc độ thu lãi nhanh. Phần lớn hoạt động kinh doanh của họ tập trung vào các ngành dịch vụ : nghiên cứu thị trường, tin học, mài dũa đá quí, xuất nhập khẩu với những số vốn nhỏ (từ 10 đến 200 ngàn USD). Hiện nay không có số liệu về những công ty loại này nhưng con số chắc chắn không quá 100 cơ sở (cho đến 1991). Dầu sao đây cũng là những cố gắng đáng khuyến khích. Nếu vì những thành kiến hạn hẹp nào đó, những người chống chế độ bài xích hoạt động của những doanh nhân này, e rằng còn rất lâu Việt Nam mới có thể xây dựng một đội ngủ doanh nhân nắm vững tình hình đất nước có khả năng hoạt động ngay.

Trở ngại chính của thành phần doanh nhân “Việt kiều yêu nước” là họ không có nhiều vốn và điều kiện để tung hết khả năng vào kinh doanh. Tại nhiều nơi họ vẫn bị chính quyền trung ương và địa phương, nhất là nhân viên trực thuộc bộ nội vụ (công an), làm khó dễ trong việc thành lập cơ sở, nghiên cứu thị trường. Thêm vào đó một số người Việt trong nước ganh ghét sự thành công của một vài doanh nhân Việt kiều đã nói xấu và làm hại lẫn nhau. Thực tế thì cũng có nhiều doanh nhân “dởm” khoe tiền khoe của và lợi dụng sự ngây dại của người trong nước để trục lợi (trường hợp công ty Kieu My Trading Co của bà Kiều Mỹ tại Singapore chuyên lường gạt các viên chức cao cấp trong chính quyền cộng sản) nhưng thành phần này không tồn tại lâu. Số còn lại về Việt Nam với mơ ước giúp nước và cũng để thử thời vận nhưng vì không biết hay không chịu đút lót (thật ra họ cũng biết mua chuộc cán bộ nhưng vì thành phần tham nhũng quá đông không thể mua chuộc hết) đã không được biệt đãi như người Hoa. Có người sau một thời gian kinh doanh bị nhà nước không những xiết hết vốn liếng mà còn bị kết cho những tội danh mơ hồ như “nói xấu chế độ”, “chống lại chủ nghĩa xã hội”, v.v…

Cũng nên phân biệt những doanh nhân này với thành phần “tư bản đỏ”, những người được sự đỡ đầu của chế độ đã trở nên giàu có. Những “tư bản đỏ” này nắm vai trò chỉ đạo trong những công ty quốc doanh có thu hoạch cao như xuất nhập khẩu (gạo, gỗ, hải sản, máy móc điện tử, phân bón, hóa chất v.v…), vận tải và du lịch. Một số trở nên giàu có, sống phung phí, xa hoa, trụy lạc không kém thành phần “tư sản mại bản” mà trước đó họ đã lên án và bỏ tù. Đa số đều có trương mục riêng tại ngoại quốc phòng hờ khi có biến. Những “tư bản đỏ này không có gì để mất cả, vốn liếng không do họ bỏ ra, hiệu quả kinh tế không do họ quyết định, nhưng nhờ chức vụ họ có thể cất làm của riêng những doanh lợi bất chính do ăn cắp, tham nhũng hay móc ngoặc. Đa số sống tập trung tại Sài Gòn (Hà Nội cũng có thành phần “tư bản đỏ” nhưng không thấm vào đâu nếu so với những “quái kiệt” của Sài Gòn).

Tuy vậy nền kinh tế nhà nước cộng sản còn chạy được là nhờ một số những người thật sự muốn kinh doanh, có người vẫn còn là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. So với người trong nước, những người này được xem là có khả năng nhưng họ cũng đang khốn đốn với nạn tham ô, cửa quyền của các cấp chính quyền, thường thì họ phải ăn chịu với các viên chức tham nhũng mới được tồn tại. Đó là trường hợp các ông Võ Quốc Thắng (chủ nhân hãng gạch Đồng Tâm), Lê Văn Kiêm (tổng giám đốc hãng may Huy Hoàng với số doanh vụ khoảng 37 triệu USD/năm), Đinh Công Hùng (tổng giám đốc hãng dệt Thành Công, tên cũ là Tái Thành của bà Đoàn Thị Mỹ), Nguyễn Đăng Quang (giám đốc công ty sơn mài Lam Sơn), Nguyễn Bi (tổng giám đốc công ty bột ngọt Vifon tức công ty Vị Hương Tố cũ của Trần Thành), Nguyễn Minh Luân (giám đốc công ty Dược Phẩm 24, hãng OPV cũ của Nguyễn Cao Thăng), Hồ Chí Công (giám đốc công ty bột giặt Tico tức Viso cũ của Trương Văn Khôi), Dương Văn Đầy (giám đốc Sài Gòn Tourist), và phải kể thêm những giám đốc các công ty xuất nhập khẩu, công ty xăng dầu, cơ quan hải quan v.v…

Nhiều công ty dịch vụ của chính quyền cộng sản làm nhiệm vụ chuyển tiền ra nước ngoài cho một số quan chức cao cấp. Các công ty liên doanh của Hoa kiều cũng gián tiếp giúp chuyển ngân thẳng vào trương mục các ngân hàng ngoại quốc trong nước và ngoài nước cho những “tư bản đỏ” hay những quan chức cao cấp trong chính quyền. Bù lại những Hoa kiều này được mua lại những phần đất béo bở nhất tại các trung tâm thành phố hay khu du lịch, họ tự do khai thác thị trường Việt Nam, kể cả những dịch vụ đồi bại nhất (cờ bạc, mãi dâm, ma túy). Một số cán bộ cao cấp chuyển cho thân bằng quyến thuộc những tài sản và cơ nghiệp của quốc gia qua hình thức giải tư, hóa giá. Những người đắc thụ tài sản này sang nhượng hay bán lại cho tư bản Hoa kiều để tránh tiếng, sau đó mua lại những cơ sở kinh doanh có tầm vóc nhỏ để hợp pháp hóa lý lịch cộng sản của mình.

Doanh nhân Việt Nam trong nước cũng có nhiều cố gắng đầu tư tại chỗ. Đa số hoạt động trong các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ : chế biến cao su, hóa chất, gỗ, hàng mỹ nghệ nhưng vắng mặt trong các ngành thực phẩm chế biến, vật liệu gia dụng (nồi niêu xoong chảo, bếp lò), dệt, may mặc và giầy dép công nghệ. Vốn liếng của những cơ sở doanh nghiệp này, lớn nhất cũng không quá 200.000 USD và đa số tập trung tại Sài Gòn. Vốn liếng đầu tư tuy có thấp hơn người Hoa nhưng trình độ của nhân viên điều hành hơn hẳn. Thành phần cán bộ chỉ đạo các công ty tư doanh Việt Nam đa số đều có trình độ đại học, có khả năng thích nghi với những qui luật kinh doanh quốc tế và giao thiệp với khách hàng Tây phương.

Thật ra trong tiềm thức của một số người Việt, quán tính nô lệ vẫn còn ngự trị. Nó là hậu quả của hơn một ngàn năm bị làm nô lệ và gần 100 năm bị đô hộ để lại. Các chính quyền Việt Nam lúc nào cũng muốn lấy lòng người ngoại quốc và làm đủ mọi cách để lấy lòng họ với hy vọng được che chở hay nâng đỡ, trong khi đối với người trong nước thì rất khe khắt. Một người ngoại quốc cho dù có hách dịch đến đâu cũng dễ được chính quyền bỏ qua hơn một người trong nước.

H. Hợp tác với khối kinh tế Đại Hán ?

Năm 1991, hệ thống xã hội chủ nghĩa suy sụp trên toàn thế giới, nhất là tại Liên Xô và Đông Âu, chế độ cộng sản Việt Nam hướng về Trung Quốc. Nhiều phái đoàn cao cấp liên tiếp sang Trung Quốc xin cải tiến bang giao và giúp đỡ. Vấn đề “nạn kiều” và tranh chấp biên giới trước đây được Trung Quốc nêu ra và yêu cầu bồi thường. Hà Nội mời nhiều phái đoàn thương gia Trung Quốc sang Việt Nam thành lập cơ sở thương mại, nhất là tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn và đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, để quân bình hóa sự có mặt quá áp đảo của tư bản Hoa kiều Đông Nam Á.

Trái với ước muốn của Hà Nội, thay vì trao đổi hợp pháp giữa hai nước hoạt động buôn lậu tại vùng biên giới gia tăng cường độ. Chính quyền Vân Nam và Quảng Tây thành lập nhiều khu vực dành riêng cho giới buôn lậu mua bán, thị trấn Băng Tường (Quảng Tây) là nơi trao đổi hàng lậu lớn nhất. Nhiều xí nghiệp sản xuất của Trung Quốc trước kia bị ế ẩm nhộn nhịp trở lại nhờ buôn lậu với Việt Nam (bia Vạn Lịch, xe đạp Phượng Hoàng, đồng hồ Rado, vật liệu xây cất và trang trí nhà cửa). Lạng Sơn là nơi tích tụ hàng lậu trước khi chuyển sang Trung Quốc hoặc chuyển về miền Nam. Những khu vực quanh cửa khẩu nhà cửa, dinh thự mới được xây cất với vật liệu nhập lậu trực tiếp từ Trung Quốc. Cửa khẩu Hữu Nghị là nơi hàng lậu được chuyển vận công khai với khối lượng lớn. Đường xe lửa Hữu Nghị được tái thiết nhằm nối liền Quảng Tây với Hà Nội chỉ được dùng để chở hàng lậu một cách hợp pháp vào Việt Nam. Quảng Ninh là nơi tập hợp hàng lậu chở bằng đường bộ và đường biển vào Trung Quốc (thuốc lá Tây phương, hàng điện tử Hồng Kông, xe hơi Nhật Bản).

Trung Quốc và Việt Nam khốn đốn trước nạn buôn lậu, nhưng Việt Nam chịu nhiều thiệt hại hơn. Nhiều cơ sở kinh tế và xí nghiệp trong nước phải đóng cửa, sa thải nhân viên vì không cạnh tranh nổi với nguồn hàng nhập lậu. Doanh nhân Hoa kiều đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ (dệt vải, thực phẩm chế biến, giầy dép) phải giảm hoạt động trước sự xâm nhập của hàng lậu Trung Quốc. Những người làm ăn lương thiện, bất mãn trước tình trạng vô chính phủ, chỉ biết chịu đựng chờ phong trào buôn lậu giảm bớt cường độ.

Chủ quyền đất nước đang bị đe dọa. Để đối phó với dân buôn lậu, quân đội Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự, họ ngang nhiên bắt giữ nhiều tàu buôn ngay trong hải phận Việt Nam, tịch thu các xe hàng Việt Nam. Tại Lạng Sơn, quân đội biên phòng Trung Quốc xây dựng nhiều đồn kiểm soát ngay trong lãnh địa Việt Nam (cửa khẩu Hữu Nghị, Móng Cái), coi thường bộ đội biên phòng Việt Nam. Hải quân Trung Quốc chiếm các vùng hải đảo có tài nguyên khoáng sản cao ngoài khơi Biển Đông và Vịnh Bắc phần. Nguồn lợi về kinh tế của miền Nam hiện nay gần như nằm trong tay tư bản ngoại quốc, nhất là tư bản Hoa kiều. Nhiều vùng đất lớn quanh Sài Gòn và thắng cảnh có tiềm năng du lịch và kinh tế cao đã nhượng cho doanh nhân Hoa kiều khai thác.

Thêm vào đó, doanh nhân của ba quốc gia Trung Hoa : Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thành lập một khối kinh tế gọi là Khu Vực Kinh Tế Trung Hoa (CEA-Chinese Economic Area), gọi tắt là khối kinh tế Đại Hán (xem Phụ lục 1) nhằm phân chia ảnh hưởng trên các thị trường trong khu vực. Theo đó miền Bắc Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, miền Nam thuộc ảnh hưởng của Đài Loan và Hồng Kông. Để tránh tiếng độc quyền khai thác thị trường Việt Nam, Trung Quốc cũng thực hiện một vài dự án đầu tư tại Vũng Tàu và Đài Loan cũng trình vài dự án phát triển kinh tế tại Hà Nội và Hải Phòng.

Doanh nhân Hoa kiều biết chắc khi nào Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam sẽ được hưởng qui chế tối huệ quốc đối với thị trường Hoa Kỳ, và cũng là thị trường chính của khối kinh tế Đại Hán. Hàng hóa của doanh nhân Trung Hoa sẽ gián tiếp tuôn vào Hoa Kỳ qua các cơ sở của họ tại Việt Nam. Hoa Kỳ là một thị trường lớn mà bất cứ quốc gia nào trong vùng Đông Nam Á cũng muốn tiếp cận. Hiện nay hai con rồng Châu Á (Đài Loan và Hồng Kông) cũng nhờ qui chế tối huệ quốc của Trung Quốc mà tuôn hàng hóa sản xuất của mình qua ngỏ Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Tại Việt Nam doanh nhân Trung Hoa củng sẽ không bỏ lỡ một cơ hội hiếm hoi này. Sự có măt của họ tại Việt Nam hiện nay không có lợi mấy cho đồng tiền bỏ ra nhưng về lâu về dài những đầu tư sẽ mang đến những món lợi bất ngờ.

Chính vì thế doanh nhân Đài Loan và Hồng Kông yêu cầu Việt Nam duyệt lại các thời hạn thuê mướn đất đai từ 15-20 năm lên 50-70 năm, một hình thức thuộc địa hóa Việt Nam một cách hợp pháp và ôn hòa. Chính quyền cộng sản Việt Nam, có lẽ cũng biết ý đồ này nhưng không có giải pháp nào khác, đã thỏa mãn gần như tất cả những yêu sách của doanh nhân Hoa kiều. Và cũng do kém hiểu biết về việc quản lý kinh tế và quản trị xí nghiệp, chính quyền cộng sản Việt Nam bất lực trong việc tìm hiểu doanh vụ của thương nhân Hoa kiều. Viên chức chính quyền dành nhiều thì giờ để tham nhũng hơn là kiểm soát hoạt động của các thương gia Hoa kiều. Trong một số lãnh vực kinh tế, doanh nhân Hoa kiều cố vấn cho các viên chức chính quyền cộng sản địa phương trong việc quản lý và quản trị xí nghiệp. Tuy nhiên cũng còn một số rất đông công ty Hoa kiều khác, ngoài Khối Kinh Tế Trung Hoa, chờ một thay đổi chính trị hướng về dân chủ để đầu tư và sinh hoạt lương thiện và lâu dài hơn.

Thật ra thì hợp tác với Trung Quốc, Đài Loan hay Hồng Kông gì cũng là hợp tác với khối kinh tế Đại Hán. Người Hoa có tham vọng xây dựng lại thời vàng son cũ : Trung Hoa là nước ở giữa, chung quanh là các quốc gia chư hầu, trong đó có Việt Nam. Khối kinh tế này được thành lập theo thế chân vạc, đúng thuật dụng binh thời Tam Quốc để chia sẻ bớt ảnh hưởng của Nhật Bản và Tây phương đang phát triển mạnh trong vùng. Thay vì để các chư mang phẩm vật đến triều cống, doanh nhân Hoa kiều đến trực tiếp khai thác tài nguyên nhân vật lực và mang về nước những phần lợi to lớn nhất. Trực tiếp hay gián tiếp đầu tư, đằng nào khối kinh tế Trung Hoa cũng giữ phần lợi về họ, chỉ có dân tộc Việt Nam là bị thiệt thòi. Nếu tình trạng này còn kéo dài, và chừng nào lệnh cấm vận còn duy trì, sẽ đến một lúcViệt Namcó thể trở thành một thuộc địa kinh tế và văn hóa của thế giới Trung Hoa.

VI. Tại hải ngoại sau 1975

Theo số liệu thống kê của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, 5 năm sau ngày 30-4-1975, đã có hơn 675.000 người gốc Hoa trong tổng số 900.000 người Việt rời khỏi Việt Nam. Sau đó là chương trình ODP, người gốc Hoa được ra đi dễ dàng hơn người Việt Nam nâng tổng số người Việt gốc Hoa tại hải ngoại lên trên 1 triệu người. Số một triệu người này sinh con đẻ cái tại các quốc gia định cư Tây phương càng làm tăng hơn nữa tổng số người Việt tại hải ngoại. Nói chung người Việt gốc Hoa chiếm khoảng 70% dân số Việt kiều hải ngoại và đa số đã mang quốc tịch của quốc gia định cư.

[Chúng ta thường nói hiện có hơn 2 triệu người Việt tại hải ngoại, trong đó phải kể khoảng 1,4 triệu là người gốc Hoa. Đó là lý do mà nhiều người hay đoàn thể tranh đấu trách móc cộng đồng người Việt hải ngoại ù lì không tích cực trong những vận động đòi dân chủ tại Việt Nam. Cộng đồng gốc Hoa tị nạn không thích sinh hoạt chính trị mà chỉ chuyên chú sinh hoạt kinh doanh và văn hóa.]

Cộng đồng người Việt gốc Hoa tại Tây phương vẫn sống gần với cộng đồng Việt kiều hơn với người Tây phương. Người Triều Châu và Quảng Đông chiếm đa số trong cộng đồng người Hoa hải ngoại. Thêm vào đó, có một sự kết hợp tự nhiên giữa những người gốc Hoa sinh sống tại Lào và Kampuchea (đa số là người Tiều và người Quảng) trong một số ngành dịch vụ như may mặc, nhà hàng, tạp hóa và thực phẩm. Nhìn chung, cộng đồng người Hoa có đời sống sung túc hơn các cộng đồng ly hương Đông Dương cộng lại, và người Tây phương đánh giá toàn bộ sinh hoạt kinh tế của cộng đồng Đông Dương tị nạn qua sinh hoạt của người Hoa.

Tại hải ngoại, cộng đồng người Hoa vẫn duy trì những đường dây thương mại kín giữa họ với nhau. Hệ thống thông tin liên lạc của người Hoa hải ngoại rất kịp thời và chính xác : những biến chuyển kinh tế tại Đông Dương, ASEAN, Trung Quốc hay tại Mỹ, Úc, Pháp tất cả những doanh nhân gốc Hoa hải ngoại đều hay biết để kịp thời chấn chỉnh giá cả hay nguồn hàng hóa xuất nhập. Tại nhiều thành phố lớn, họ phát hành báo chí, tài liệu, thành lập nhiều đài phát thanh và truyền hình thương mại để phổ biến tin tức và quảng cáo hàng hóa. Tại những nơi đông người Hoa cư ngụ, mỗi cộng đồng địa phương thành bang hội riêng của mình : bang Quảng Đông, bang Triều Châu, bang Phúc Kiến, bang Hải Nàm…

Tại Bắc Mỹ

Cộng đồng người Hoa Đông Dương đa số sống tập trung tại bờ biển Thái Bình Dương, phía tây Hoa Kỳ và Canada. Những người này không muốn hòa nhập vào cộng đồng người Hoa có sẵn trước đây (từ thế kỷ 19 đến năm 1949) như tại New York, San Francisco (Hoa Kỳ) hay Toronto, Montréal, Vancouver (Canada). Người Hoa Đông Dương tổ chức lại phương thức kinh doanh : thị trường và khách hàng chính của họ là người Đông Dương tị nạn (Việt-Miên-Lào) và Mễ. Nhiều khu thương mại rộng lớn được thành lập với các danh xưng Hoa-Việt, có ghi chú thêm các tiếng Thái, Khmer và Lào. Nổi tiếng nhất là khu vực Tiểu Sài Gòn (Little Saigon) tại California. Tuy mang tiếng là Tiểu Sài Gòn, nhưng thật ra là Tiểu Chợ Lớn mới đúng : khách hàng là người Việt chủ nhân là người Hoa.

Theo Cục thống kê Liên Bang Hoa Kỳ, từ 1982-1987, số cơ sở kinh doanh do người Mỹ gốc Việt (sau 1975) làm chủ tăng lên gấp 4 lần (415%). Năm 1982 có 4.989 cơ sở, năm 1987 lên 25.671 (hơn 3/4 của người Việt gốc Hoa). Tổng doanh số của những cơ sở này lên tới 1,4 tỷ USD. Sự gia tăng số xí nghiệp người Mỹ gốc Việt là do sự gia tăng dân số Việt Nam tị nạn : năm 1980 có 261.729 người, năm 1990 tăng lên 614.546 (135%). Những người tị nạn được nhập cư vào Hoa Kỳ trong những năm 1979-1981, đa số là người gốc Hoa vượt biên “bán chính thức” làm gia tăng số xí nghiệp của thành phần “tị nạn Việt Nam”.

Về nguồn vốn kinh doanh 40% cơ sở do tiền dành dụm, 25% do vay mượn, 15% khác do sự giúp đỡ của thân nhân hay bằng hữu. Riêng tại Quận Cam (Orange County), nơi người Việt định cư đông nhất, có khoảng 1.500 cơ sở nhỏ kiểu gia đình. Khoảng 2/3 những xí nghiệp này là những cửa hàng bán lẻ hoặc chuyên về dịch vụ. Gần 400 cơ sở có thuê người làm công, số còn lại chỉ dùng người trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái). Tại California, ở phố Bolsa Los Angeles (còn gọi là Little Saigon) số cơ sở của người Việt gốc Hoa tị nạn đông và lớn hơn những cơ sở của người Việt thuần túy, cách trình bày và trang trí cửa hàng người Hoa sang trọng và lịch sự hơn cửa hàng người Việt. Chủ nhân các tiệm lớn tại trung tâm thương mại Phúc Lộc Thọ đa số là người Việt gốc Hoa, những người này cho những người Mỹ gốc Việt thuê lại mặt bằng để kinh doanh. Về dịch vụ, cơ sở của người gốc Hoa cũng đông hơn : thẩm mỹ viện, văn phòng luật sư, cố vấn địa ốc, phòng khám bệnh, phòng chửa răng, bảo hiểm, giải trí. Những nơi khác (miền Nam, miền Đông Hoa Kỳ và Canada), xí nghiệp của người gốc Hoa chiếm đa số. Doanh vụ và tầm vóc kinh doanh của người gốc Hoa vượt trội người Việt thuần túy.

Người Hoa tị nạn phần lớn đã bỏ hẳn gốc tích người Việt tị nạn gốc Hoa, hiện nay họ là người Mỹ gốc Hoa hay người Canada gốc Hoa. Tuy nhiên gần đây với phong trào về Việt Nam, những công dân (Việt gốc Hoa) Mỹ, Canada này lại là những người tiên phong trở về du lịch và làm ăn tại Việt Nam với sự tiếp tay của thân nhân còn ở trong nước hay của các nhóm và gia đình Hoa kiều Đông Nam Á khác. Lúc ra đi những người này mang theo một phần tài sản tuy không nhiều lắm, nhưng cũng đủ góp phần phát triển khả năng thương mại của cộng đồng người Hoa Đông Dương. Trong những chương trình làm ăn lớn (chế biến thực phẩm : nước ngọt Sasi, soda, mì gói, gia vị), người Hoa Đông Dương được các nhóm Hoa kiều liên quốc lớn hỗ trợ phần tài chánh, đặc biệt là của Đài Loan.

Tại châu Âu

Theo con số thống kê của chính quyền Pháp, hiện nay tổng số người Việt đã đất Pháp xin tị nạn sau 1975 khoảng 250.000 người. Đa số đã có quốc tịch Pháp, số còn lại hoặc đang làm thủ tục xin quốc tịch hoặc vẫn giữ qui chế tị nạn. Trong số 250.000 này, có hơn 150.000 người là người Việt gốc Hoa, đa số đã có quốc tịch Pháp. Tại Anh Quốc, người Việt gốc Hoa đông hơn người Việt thuần túy, đa số là những người đến từ Hồng Kông. Tại Đức, Bỉ, Hòa Lan người Việt thuần túy đông hơn người Việt gốc Hoa.

Tại châu Âu, người Việt gốc Hoa bỏ bản thể Việt Nam để mang bản thể châu Âu, nhưng thị trường khai thác kinh doanh chính của họ vẫn là cộng đồng người Đông Dương tị nạn và sau này có thêm thành phần khách hàng châu Phi. Nơi tập trung đông nhất là Pháp vì tại Pháp ít có vấn đề kỳ thị và cộng đồng người Hoa được nâng đỡ rất nhiều. Nơi đây doanh nhân Việt thuần túy thua sút hẳn người Việt gốc Hoa về khả năng l^ẫn phong cách trong kinh doanh. Nơi nào có đông cư dân gốc Hoa cư ngụ, nơi đó có nhiều cơ sở kinh doanh.

Paris là nơi nổi tiếng có đông người Việt tị nạn nhất, các công ty người Hoa khống chế mạnh mẽ các dịch vụ thương mại : Tăng Frères, Paris Store, Hoa Nam… Tại những thành phố lớn khác (Marseille, Bordeaux, Lyon, Lille…), công ty người Hoa nắm giữ hoàn toàn ưu thế trong thương mại. Tại Bruxelles, Hambourg, Amsterdam và những thành phố lớn Tây Âu, người Hoa khống chế dịch vụ ăn uống, nhà hàng của người Hoa chiếm ngụ những khu phố sang trọng hơn người Đông Dương thuần túy. Một số tư nhân Việt, Khmer, Lào đi bán rong tại những nơi đông người Đông Dương cư ngụ.

Quan sát kỹ sinh hoạt của cộng đồng Đông Dương tị nạn ở những thành phố lớn tại châu Âu, người ta có thể nhận thấy không có cơ sở lớn nào của người gốc Đông Dương thuần túy, tất cả cơ sở lớn đều do người Hoa làm chủ. Người Việt thích làm công lãnh lương trong các hãng của người châu Âu hơn làm thương mại. Người Việt nếu có mở cơ sở kinh doanh chỉ tập trung vào dịch vụ văn phòng (tin học, du lịch, kế toán, khám bệnh, chữa răng, sửa chữa cơ khí và ăn uống nhỏ), đa số là cơ sở gia đình. Cơ sở kinh doanh của người Lào, đa số là người Lào gốc Việt, có tầm vóc hơn người Việt và người Khmer thuần túy. Người Lào chuyên về các ngành dịch vụ như tạp hóa, may mặc, gia công nữ trang và buôn bán máy móc điện tử. Người Khmer chuyên về dịch vụ ăn uống và may hàng gia công.

Tại những nơi khác (châu Úc và châu Phi)

Phố Tàu tại Sydney Úc Châu

Châu Phi là lục địa không hấp dẫn người dân Việt, mặc dầu tại những nơi này đời sống của kiều dân Việt Nam có phần sung túc hơn dân cư bản địa. Người Việt tuy đã có mặt tại châu Phi từ thời Pháp thuộc nhưng đa số vẫn thích làm việc cho các chính quyền thuộc địa Pháp (hành chánh) hơn là mua bán. Sau 1954, một số gia đình Việt kiều mở nhiều cơ sở xuất nhập cảng và thương mại. Sau 1975, nhiều người Việt được đưa đến tị nạn trong một số các quốc gia châu Phi, thuộc địa cũ của Pháp, nhưng sau đó đều tìm cách tái định cư tại Pháp. Chỉ còn lại một số gia đình gốc Hoa ở lại và tiếp tục làm thương mại, những người này đa số đều mang quốc tịch Pháp. Sinh hoạt chính là dịch vụ : nhà hàng, xuất nhập cảng, gia công nữ trang. Trong những năm 1980, người Việt gốc Hoa tại châu Phi được một số doanh nhân gốc Hoa khác tại Tây Âu liên lạc và đã trở thành đầu cầu xuất cảng nông phẩm châu Phi vào châu Âu để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người châu Á ngày càng tăng.

Dân số người Việt gốc Hoa tại châu Phi không đông nếu so với các kiều dân Tây phương khác (không có số liệu rõ ràng, nhưng theo nhiều nguồn tin của giới kinh doanh Hoa kiều dân số gốc Hoa chỉ độ vài trăm gia đình), nhưng chắc chắn đông hơn kiều dân Việt Nam. Chính quyền Hà Nội có cử nhiều phái đoàn cố vấn chính trị, kinh tế, kỹ thuật (nông nghiệp), thực tập sinh sang các quốc gia Châu Phi công tác, những người này cũng chỉ dành dụm chút ngoại tệ để khi về lại Việt Nam sẽ ghé sang Pháp mua một ít hàng hóa về tặng gia đình hay để bán lại, không ai có ý định ở lại làm ăn lâu dài mặc dầu đều biết đây là vùng đất có thể làm ăn được.

Châu Úc có lẽ là vùng đất hứa của người gốc Hoa nói riêng và cả thế giới Trung Hoa nói chung : đất rộng, dân thưa, tài nguyên dồi dào và gần thế giới Trung Hoa. Từ lâu người Hoa rất muốn tiếp cận với châu Úc nhưng vì chính sách hạn chế nhập cư người châu Á vào lục địa của cách chính quyền Úc, rất ít người Hoa nào vào được. Biến cố 1975 là một cơ hội cho người Việt được tị nạn tại Úc. Người Úc chấp nhận cho một dân tộc Châu Á được định cư vĩnh viễn trên lãnh thổ của họ. Đối với người Việt thì đây là dịp được tiếp tục sống với nền văn minh tiến bộ của Tây phương đã có trước 1975, nhưng đối với người Hoa đây là một cơ hội mở được cánh cửa mà từ lâu bị đóng bít. Người Việt gốc Hoa đều thích được tị nạn tại Úc.

Người Việt tị nạn tại Úc tuy đông nhưng không đông hơn người Việt tị nạn gốc Hoa. Úc là vùng đất ưu tiên thứ ba của người Việt tị nạn gốc Hoa chọn làm nơi định cư, sau Hoa Kỳ và Canada. Người Hoa vượt biên bán chính thức trong những năm 1980 đa số đều xin tị nạn vào Úc Đại Lợi. Những người Hoa có mặt từ trước hỗ trợ những đồng hương mới này và kết thành một mạng lưới bang hội chặt chẽ. Sau khi ổn định được chốn định cư, những gia đình gốc Hoa này tập trung hết năng lực vào kinh doanh. Cư dân gốc Hoa đồng bằng sông Cửu Long văn hóa có giới hạn không thể tham gia trực tiếp vào các xí nghiệp của người Úc, đa số tham gia canh tác nông nghiệp, nông phẩm làm ra được bán trên thị trường nội địa, số thặng dư được chế biến thành thực phẩm khô xuất cảng sang Tân Tây Lan và các hải đảo lân cận (Nouvelle Calédonie, Vanatu, Bornéo). Những người được trợ vốn của đồng hương từ Đông Nam Á, thành công hơn, mở công ty, xí nghiệp lớn để xuất nhập cảng hàng hóa ra vào đất Úc.

Chỉ trong hơn mười năm (từ 1980 trở đi), cộng đồng người Hoa tại Úc Đại Lợi đã nắm toàn bộ thị trường tiêu thụ của người Đông Dương tị nạn. Một số doanh nhân người Việt tập trung vào các nghề nhà hàng, dịch vụ văn phòng (kế toán, luật pháp, tin học), bán sách báo, âm nhạc, mỹ phẩm và nữ trang. Một số khác đảm trách việc thu mua nông phẩm của các nông dân gốc Việt ra bán lại cho thương gia gốc Hoa và người Úc. Số còn lại là công nhân, nhân viên của các hãng xưởng của người Úc. Người Kampuchea và Lào, ít hơn, làm nghề nông hay làm công nhân, nhân viên các hãng xưởng của người Úc. Người gốc Hoa thì ngược lại, họ chỉ làm việc và nhờ cậy giữa họ với nhau, sống co cụm như tại bất cứ quốc gia Tây phương nào có đông người Hoa. Nhìn chung sinh hoạt của người Đông Dương tị nạn giống như sinh hoạt của người Việt tại Sài Gòn-Chợ Lớn trước 1975, người Hoa làm chủ các hoạt động thương nghiệp, người Đông Dương chỉ đóng vai khách tiêu thụ. Về hoạt động kinh doanh của người tị nạn Đông Dương nếu người Hoa không trực tiếp tham gia thì mới hy vọng thành công. Các dịp lễ lạc lớn (tết Nguyên Đán, Trung Thu) sinh hoạt tại các cửa tiệm người Hoa làm sôi động hẳn đời sống các sắc tộc gốc châu Á, các thiệp chúc Tết của người Đông Dương được viết bằng chữ Hoa hay chữ Anh.

Sự hiện diện của người Hoa gốc Đông Dương là đầu cầu liên lạc giữa người Hoa Đông Nam Á với thị trường Úc Đại Lợi. Những công ty Hoa kiều Đông Nam Á muốn hiện diện tại Úc Đại Lợi không bằng con đường chính thức đều mượn tên những doanh nhân người Hoa Đông Dương tị nạn. Thật ra chính phủ Úc cũng có chính sách kêu gọi đầu tư quốc tế, nhưng vì là một quốc gia tiến bộ tất cả các hoạt động thương mại đều phải hợp pháp, do đó những thương nhân nhỏ không có khả năng cạnh tranh với những tổ hợp quốc tế lớn phải liên kết với người Hoa gốc Đông Dương để hoạt động. Hơn nữa chính phủ Úc không chấp nhận doanh nhân Hoa kiều kết hợp thành những tổ hợp lớn cạnh tranh với doanh nhân Úc.

Quan hệ giữa người Hoa và cộng đồng người Đông Dương

Việt kiều định cư tại Tây phương, qua trung gian các cửa hàng người Hoa, quen tiêu dùng hàng hóa của Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc quên dần hàng hóa và khẩu vị của quê hương. Trước đây có những phong trào “chống kinh tài Việt Cộng” khiến những ai có ý muốn mua hàng hóa từ Việt Nam tại các cửa hàng “Việt Cộng” e ngại và càng làm cho hàng hóa của các quốc gia Đông Nam Á, nhất là của Thái Lan, bán chạy hơn, thu nhập các cửa hàng người Hoa cũng nhờ đó tăng cao hơn. Những hành động này chỉ nhắm vào cộng đồng người Việt, cộng đồng người Hoa, Khmer và Lào không bị ảnh hưởng hay không chú ý tới. Càng ngày càng có nhiều người Hoa về lại Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau. Có người về thăm thân nhân, người khác về để chuyển ngân lậu hay tìm cơ hội kinh doanh, nhiều người khác về với sứ mạng đại diện một cánh tư bản Hoa kiều nào đó để củng cố chỗ đứng sau này.

Một điều lạ là cửa hàng của người Việt nào kinh doanh hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam thì bị lên án là “kinh tài cho Việt Cộng” và bị tẩy chay. Ngược lại những cửa hàng của người Hoa kinh doanh những món hàng sản xuất tại Việt Nam thì được mọi người ùa vào mua hết. Những món đặc sản của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, bánh phồng tôm, cua lột, mực khô, cá sặc khô, cá kèo, ghẹ biển nếu được bán trong cửa hàng của người Hoa rất được ưa chuộng mặc dù giá cả có thể mắc hơn tại các cửa hàng “Việt Cộng”. Cũng những món hàng đó nếu được bày bán tại cửa hàng “Việt Cộng” thì bị tẩy chay. Riêng về dịch vụ du lịch, các cơ sở du lịch của người Hoa cũng gần như độc quyền bán vé các chuyến bay đi về Việt Nam. Thương vụ các văn phòng du lịch của người Việt cũng thấp nếu so với thương vụ các văn phòng du lịch của người Hoa cùng bán vé đi về Việt Nam. Số tiền hoa hồng của các cơ sở du lịch của người Hoa trong việc xin chiếu khán cho khách hàng về Việt Nam cũng cao gấp ba lần số tiền do chính các tòa đại sứ hay lãnh sự quán cộng sản nhận được. Thời gian có chiếu khán nhập cảnh vào Việt Nam nếu do cơ sở du lịch của người Hoa thực hiện cũng nhanh hơn vài ngày so với cơ sở du lịch của chính quyền cộng sản. Nói chung người Hoa khống chế tất cả sinh hoạt kinh doanh của người Việt tại hải ngoại. Người ta nói cộng đồng người Việt hải ngoại là đầu cầu kinh tế tại các quốc gia tiền tiến thì phải hiểu đó là đầu cầu của cộng đồng người Việt gốc Hoa.

Về nguồn lợi, sự phát đạt của những cửa hàng Hoa kiều không do khách hàng Việt, Khmer hay Lào đem lại mà do chính cộng đồng Hoa kiều đông dân hơn cộng đồng người Đông Dương thuần túy họp lại, đến mua. Đây là một hỗ trợ tự nhiên, một phong cách sinh hoạt của những người Hoa ly hương. Nhóm Hoa kiều hải ngoại mới này đã có nhiều kinh nghiệm ly hương (tái ly hương hay ly hương lần thứ hai) nên khi tìm đến nhau họ tìm lại một phần quê hương đã mất. Ngôn ngữ trao đổi là ngữ phương gốc (Quảng, Tiều, Phúc Kiến), tuy nhiên tiếng Quan Thoại được sử dụng nhiều nhất. Các của hiệu đều có viết chữ Hoa, ít khi thấy ghi chữ Việt hoặc chữ của quốc gia Tây phương. Một số thương gia Hoa kiều gốc Đông Dương liên lạc trao đổi thẳng với Trung Quốc khiến Hoa kiều Đài Loan, Hồng Kông và Singapore e ngại và tìm cách cạnh tranh lại với những lượng hàng hóa tốt và rẻ hơn của Thái Lan (mà chủ nhân là người Hoa), của Hồng Kông, Singapore, Đài Loan hay của những quốc gia thế giới thứ ba khác (châu Phi, Nam Mỹ…).

Người Hoa định cư trước 1975 giữ độc quyền các dịch vụ tài chánh, ngân hàng, kỹ thuật cao cấp và giải trí. Những công ty Đài Loan, Hồng Kông hay Singapore lớn thích tuyển dụng nhân sự Tây phương hơn là người Hoa hải ngoại trong các dịch vụ chiêu mại và tiếp thị. Người Hoa đến sau 1975 tập trung mọi nỗ lực vào các dịch vụ tạp hóa, ăn uống, sửa chữa cơ khí và tiểu thủ công nghiệp. Kiến thức và khả năng tổ chức của cộng đồng Hoa kiều Đông Dương có giới hạn, họ chỉ có mặt trong các ngành mà họ đã từng hoạt động tại Đông Dương : thỏa mãn những nhu cầu về ăn mặc của người Đông Dương. Trung Quốc nhân cơ hội cũng đã tiếp cận được với các con dân ly hương của họ qua trung gian doanh nhân gốc Hoa tị nạn và đã tỏ ra rất dễ dãi trong việc mua bán.

Một nhận xét chung được nhiều người chia sẻ là cộng đồng Hoa kiều tại Tây phương không có hành động thù địch lẫn nhau, họ có thể cạnh tranh không nhân nhượng nhưng không bao giờ làm hại, chụp mũ lẫn nhau hay có những hành động làm hạ thấp nhân phẩm người Hoa. Nếu một thị trường do nhóm Hoa này độc chiếm, nhóm Hoa kia tìm sang thị trường khác, tất cả đều do sự dàn xếp của những bang trưởng hay những nhà cung cấp lớn. Những trao đổi, dịch vụ chỉ quanh quẩn giữa cộng đồng người Hoa với nhau, họ mua bán, trao đổi trước hết với đồng hương sau đó mới với người ngoài.
Việc kinh doanh của người Hoa gốc Đông Dương vẫn còn những ngày rạng rỡ trước mắt vì không bị người Đông Dương cạnh tranh. Các cộng đồng ly hương châu Phi, Nam Á, Đông Dương hay Trung Mỹ chưa đủ tầm vóc về vốn liếng và kinh nghiệm để có thể cạnh tranh với họ trong việc thỏa mãn những nhu cầu về ăn và mặc. Hoa kiều Đông Dương không cạnh tranh trực tiếp với những cộng đồng ly hương có tiếng khác như người Do Thái, Nhật Bản, Đại Hàn, Ý trong những lãnh vực mà họ không nắm chắc. Cộng đồng người Hoa tị nạn chỉ sống với thị trường Đông Dương và người Hoa ly hương.

Người Hoa hải ngoại và vấn đề hội nhập

Người Hoa tại hải ngoại không phân biệt quá khứ chính trị của nhau, trừ một số rất ít người còn thiên Đài Loan hay Trung Quốc có một vài thái độ chính trị rõ rệt nhưng rất là thiểu số và bị lạc lõng. Sinh hoạt cộng đồng của người Hoa hải ngoại tập trung vào việc duy trì phong tục, tập quán và văn hóa Trung Hoa. Trẻ em gốc Hoa lớn lên tại hải ngoại được chăm sóc đặc biệt. Phụ huynh các em này, hoặc tự mình chỉ dạy, hoặc mướn thầy dạy chữ phổ thông vào những buổi chiều hay ngày nghỉ. Phong tục, tập quán được duy trì ngay trong gia đình, từ món ăn đến cách thức giao dịch và suy nghĩ : tất cả để duy trì bản thể Trung Hoa. Người Hoa không bỏ lỡ những cơ hội để phổ biến văn hóa Trung Hoa trong những dịp lễ lạc và giao tế.

Cộng đồng người Hoa tại Pháp rất được ưu đãi, họ có phòng họp và phòng học riêng tại các cơ quan của hội đồng tỉnh. Người Pháp mỗi khi muốn liên lạc với cộng đồng người Đông Dương tị nạn thường liên lạc với các bang hội người Hoa vì có quan hệ thường xuyên với các chính quyền địa phương. Cộng đồng người Đông Dương thuần túy chỉ được những giới chính trị hay báo chí biết tới mỗi khi có biến cố chính trị tại Đông Dương. Mặc dù vậy người Hoa hải ngoại vẫn chưa quen tôn trọng luật pháp và những sinh hoạt dân chủ của xã hội Tây phương, họ thường lơ là với những bổn phận dân sự (bầu cử, quân dịch, đóng thuế).

Nếu ở Việt Nam sự hội nhập của các trẻ em gốc Hoa vào xã hội gặp nhiều trắc trở thì trái lại, tại Tây phương trẻ em gốc Hoa có khuynh hướng hội nhập nhanh vào các xã hội bản địa. Một số trẻ em không còn gắn bó với quê hương sinh trưởng của tổ tiên hay của cha mẹ (Trung Hoa và Việt Nam), khi sống tại Tây phương và qua truyền thông đại chúng (mass media), các em này thấy quê hương của tổ tiên còn quá khắt khe (nhất là sau biến cố Mùa Xuân Bắc Kinh 1989), quê hương của cha mẹ (Việt Nam) còn quá lạc hậu, do đó dễ bị lôi cuốn bởi những tiện nghi của cuộc sống đang có. Trẻ em gốc Hoa muốn hội nhập thẳng vào xã hội của các quốc gia Tây phương. Nhiều bang hội, tổ chức văn hóa của người Hoa gia tăng nổ lực phát huy truyền thống văn hóa để giữ bản thể Trung Hoa, nhưng trong vài trường hợp kết quả mang lại không mấy khả quan. Chỉ trừ một số gia đình cố tình giữ chân con em của mình trong nhà hay cấm giao thiệp với người Tây phương thì mới bảo vệ được “sinh hoạt cổ truyền”. Sinh hoạt cổ truyền ở đây có nghĩa là phổ biến văn minh chữ Hán và buôn bán.

Có nhiều lý do giải thích sự thích nghi này. Thứ nhất, Tây phương có những dân tộc lớn, Trung Hoa cũng là một dân tộc lớn, sự hội nhập là một lẽ tự nhiên. Thứ hai là trình độ dân trí của người Tây phương cao, hội nhập vào là một vinh dự. Thứ ba là đời sống vật chất tại các quốc gia Tây phương sung túc và ổn định, các em này có điều kiện phát huy óc sáng tạo hơn là tại những quốc gia mà tổ tiên hay cha mẹ đã sống và đã tái ly hương. Thứ tư là xã hội Tây phương chấp nhận người Hoa dễ hơn những cộng đồng khác vì sự thông minh, tính cần cù và tinh thần ôn hòa, không phá rối trật tự trị an.

Hiện nay, một số trí thức gốc Hoa cũng mang tâm lý thích làm công, nhưng làm công trong những công ty của chính người Hoa hay những công ty lớn của Tây phương, công ty nặc danh hay đa quốc. Đời sống vật chất dễ dàng và sung túc tại Tây phương khiến thanh niên gốc Hoa mất đi bản năng mạo hiểm. Họ không muốn nhận lãnh rủi ro trong một xã hội mà cơ cấu sinh hoạt hạ tầng đã thành nền tảng, sáng kiến cá nhân mất tầm quan trọng quyết định, biến số thành công trong kinh doanh tại những xã hội Tây phương quá thấp. Tâm lý hưởng thụ này ngày càng ngự trị trong giới trẻ gốc Hoa. Làm giàu tại Tây phương không còn là đặc quyền của một dân tộc, hơn nữa không ai có thể tiến thân mà không có kiến thức cao tại những xã hội Tây phương. Tự ái dân tộc, trong tiềm thức, vẫn ám ảnh những người lãnh đạo cộng đồng người Hoa, càng lúc họ càng có khuynh hướng sống co cụm lại để giữ gìn truyền thống dân tộc. Điều an ủi đối với những bậc phụ huynh và lãnh đạo cộng đồng là thanh niên gốc Hoa chỉ lập gia đình giữa họ với nhau.

Người gốc Hoa này lúc nào cũng muốn thành công tại những quốc gia mà trình độ dân trí và nền kinh tế còn thấp kém như Việt Nam, Lào hay Kampuchea. Tại Tây phương, họ phải cố gắng thật nhiều mới đương đầu nổi với các công ty, xí nghiệp bản xứ. Thêm vào đó, hệ thống tổ chức và quản lý xã hội của Tây phương quá chặt chẽ, họ khó có cuộc sống sung túc nếu không chịu làm ăn phi pháp (khai gian lợi tức, tuyển dụng nhân công bất hợp lệ…). Đó là lý do mà cộng đồng người Hoa Đông Dương, những doanh nhân có lợi tức trung bình gần đây có khuynh hướng trở về nơi sinh trưởng cũ để làm ăn, vì tại đây họ có nhiều cơ may thành công hơn người bản xứ.

Cộng đồng người Hoa có tâm lý về nguồn trở lại, đó là điều đáng mừng, họ phụ giúp gia đình làm ăn, có thể nhờ kinh nghiệm có sẵn, họ kiếm tiền dễ dàng hơn tại Tây phương, và khi ăn nên làm ra họ cũng đóng góp, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp nhiều vào sự phát triển chung của các quốc gia Đông Dương, nhất là Việt Nam.

COMMENTS

Tên

Bài báo,41,Blog,10,Chữ Hán,3,Đời sống,73,Giáo trình,48,Hán ngữ,119,Học tập hiệu quả,88,HSK,41,khác,106,Lịch sử,11,Ngữ pháp Hán ngữ,65,Người Hoa,43,QC,17,Quizlet,12,Tiếng Trung công sở,3,Tiếng Trung Thương mại,2,Tôi và học sinh,22,Tuyển sinh,38,Văn hóa Trung Hoa,34,Về tôi,2,
ltr
item
TIẾNG HOA ĐÔNG NAM BỘ 东南部华语中心 LH0946853386 để học tiếng Hoa: Người Hoa tại Việt Nam (bài 1)
Người Hoa tại Việt Nam (bài 1)
https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2016/10/mac-cuu.jpg?w=551
TIẾNG HOA ĐÔNG NAM BỘ 东南部华语中心 LH0946853386 để học tiếng Hoa
https://www.tiendunglhu.com/2023/07/nguoi-hoa-tai-viet-nam-bai-1.html
https://www.tiendunglhu.com/
https://www.tiendunglhu.com/
https://www.tiendunglhu.com/2023/07/nguoi-hoa-tai-viet-nam-bai-1.html
true
5087089046603486458
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Readmore Reply Cancel reply Delete By Home PAGES POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU LABEL ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS CONTENT IS PREMIUM Please share to unlock Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy
0946.85.33.86