Footer Pages

04 tháng 3, 2023

VỀ TỔ CHỨC BANG, MINH HƯƠNG XÃ VÀ THANH HÀ PHỐ CỦA NGƯỜI HOA Ở VIỆT NAM (TS. HUỲNH NGỌC ĐÁNG)

Nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam tất yếu phải tìm hiểu về các thiết chế như, tổ chức bang , Minh Hương xã    và Thanh Hà phố   â, cả về lịch sử hình thành và các đặc điểm liên quan.




Dưới thời các chúa Nguyễn, ở Đàng Trong chưa có tổ chức bang. Đàng Ngoài càng hoàn toàn không có tổ chức này. Người Hoa lúc này cư trú tập trung trong những đơn vị hành chánh tên Minh Hương xã và Thanh Hà phố ở Thuận Hóa, Hội An, Phiên trấn... Đến năm 1789, khi cai quản đất Gia Định, Nguyễn Ánh đã cử viên Khâm sai Chưởng cơ dinh Trung quân quản đạo Toàn dũng là Trần Công Dẫn, vốn là người Thanh cai quản tất cả mọi người Hoa mới, cũ ở các dinh trấn thuộc Gia Định, không phân biệt quê quán địa phương nào từ Trung Quốc đến. Đồng thời Nguyễn Ánh còn cho ghi tên lập sổ tất cả người Hoa trong vùng. Nhưng ngay năm sau, năm 1790, tình hình đã có sự thay đổi: vào tháng 2, Nguyễn Ánh khi ra lệnh cho các dinh làm lại sổ Tiêu bạ (sổ hộ tịch), đã cho “...những người Đường thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Thượng Hải ngụ ở trong hạt, mỗi tỉnh (gọi dinh thì đúng hơn) đặt một người Cai phủ và một người Ký phủ, rồi chiếu theo số hiện tại, hoặc làm binh, hoặc làm dân, làm thành hai sổ do Binh bộ hoặc Hộ bộ phê chữ làm bằng...”(1). Đây chính là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành các tổ chức bang vì đã bước đầu có chú ý phân loại người Hoa theo địa phương quê quán. Tuy nhiên ở thời điểm này, với chỉ dụ này, tổ chức bang vẫn chưa hình thành vì mỗi địa phương chỉ mới đặt một Cai  phủ và một Ký phủ người Việt để trông coi chung tất cả mọi người Hoa thuộc mọi quê quán. Việc xác định các bang được chính thức thành lập từ khi nào, đến nay, qua các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, câu hỏi này vẫn còn chưa có lời giải đáp cụ thể.  Từ bang ? chỉ được ghi vào chính sử triều Nguyễn lần đầu tiên vào năm 1810 khi Gia Long “...sai bang trưởng Quảng Đông là Hà Đạt Hòa thuê 3 người thợ làm ngói ở Quảng Đông khiến nung ngói lưu ly các sắc xanh vàng lục ở khố thượng...”(2). Nhưng điều đó không có nghĩa là phải đến năm 1810 thì tổ chức bang mới được hình thành. Theo Trần Kinh Hòa, tổ chức bang người Hoa chắc chắn đã hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1802 đến năm 1807 là năm xây dựng tấm bia ghi việc trùng tu chợ Dinh ở Phúc Kiến hội quán. Theo ông thì “...tấm bia ấy do đương thời các bang trưởng Hứa Tân Phát, Tổng lý Hầu Hòa Lợi, Tú tài Nguyễn Cố Thịnh 51 người dựng lên, đủ thấy thời Gia Long năm thứ 6, 1807 đã có bang trưởng. Vậy thì chế độ bang trưởng đặt vào khoảng từ Gia Long nguyên niên đến lục niên (1802-1807) không còn hoài nghi gì nữa...”(3). Ý kiến trên rất đáng lưu ý.

Từ năm 1802 đến năm 1807 Gia Long đã tiến hành nhiều công việc quan trọng để quản lý đất nước sau chiến tranh. Trong đó có 2 công việc lớn tiến hành năm 1803 là định thuế tô, dung (thuế điền và thuế đinh) và định điều cấm về việc ẩn lậu suất đinh. Cả hai công việc này đều có liên quan đến người Hoa mới, cũ và liên quan khá chặt chẽ với tổ chức bang và chức vụ bang trưởng sau này. Có thể, tổ chức bang người Hoa đã chính thức hình thành trong năm 1803 bằng một chỉ dụ nào đó của Gia Long mà đến nay giới nghiên cứu chưa tìm ra.

Các tài liệu của triều Nguyễn có được cho thấy tổ chức bang là tập hợp của những người đồng hương và cùng một phương ngữ Trung Hoa. Như vậy thì thời triều Nguyễn có các bang là bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam; không chắc là đã có bang Thượng Hải hay không. Không phải tỉnh nào cũng có đủ các bang đó mà có thể, do số lượng người không đủ để thành lập các bang khác nhau thì chỉ lập một bang chung cho nhiều người Hoa khác nhau về quê quán và phương ngữ, lập sổ chung gọi là sổ hàng bang. Sau này dần dần có thêm người di cư đến sẽ lập bang riêng. Số lượng người đủ để thành lập một bang, theo một chỉ dụ của Thiệu Trị vào tháng 4-1842 cho tỉnh thần Nam Định thì tối thiểu phải là 20 người# (4). Điều đó cho thấy, mục đích ban đầu của triều Nguyễn khi cho lập tổ chức bang, trước hết là để quản lý người Hoa. Không chỉ là quản lý hành chánh đơn thuần mà còn nhằm để thu thuế, trước hết là thuế thân và để tiến hành các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Theo thể lệ quy định, người đứng đầu một bang gọi là bang trưởng. Người này, tất nhiên phải là người Hoa đã đến trước. Chức vụ bang trưởng được người trong bang bầu chọn và phải được chính quyền địa phương cấp tỉnh của triều Nguyễn công nhận. Người được bầu chọn vào chức vụ bang trưởng phải bảo đảm các tiêu chuẩn: có gia tư vật lực (có tài sản, khá giả); biết chữ nghĩa, có học thức; có khả năng làm việc và có uy tín trong cộng đồng; đặc biệt là phải biết tiếng Việt. Nhiệm vụ của bang trưởng là quản lý và chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động của các thành viên trong bang của mình, nhưng trước hết là tổ chức thu thuế đầy đủ theo hạn lệ đối với các thành viên trong bang. Với ngần ấy nhiệm vụ nhưng vị bang trưởng không có lương và cũng không có quy định nào về bộ máy giúp việc cho ông ta. Như vậy, bang trưởng trước hết là gạch nối giữa chính quyền sở tại và người Hoa trong bang. Ông ta phải tự xoay sở để hoàn thành các công việc quan trọng mà nhà nước giao cho cộng đồng bằng chính uy tín của mình. Để làm được việc đó, bang trưởng phải tổ chức và điều hành cho được bộ máy tự quản cộng đồng do ông ta là người đứng đầu, cả về mặt pháp lý và mặt uy tín xã hội. Nói cách khác, qua vai trò hoạt động của bang trưởng, triều Nguyễn đã thực thi chế độ tự quản đối với các bang người Hoa. Tự quản trên tất cả mọi phương diện, cả trật tự trị an, hộ khẩu hộ tịch, làm nghĩa vụ thuế... nhưng bang và bang trưởng không có quyền xét xử tư pháp đối với các thành viên. Chính quyền sở tại nắm giữ và thực thi quyền xử án đối với mọi người Hoa cũ, mới, cả các vị bang trưởng, của tất cả các bang.

 Trong thực tế quyền lực của vị bang trưởng đối với các thành viên trong cộng đồng là rất lớn. Quyền lực đó triển khai ngay từ khi một di dân chân ướt chân ráo lên bờ xin nhập cảnh và được thực thi uy lực trong suốt cả cuộc đời của một thành viên trong cộng đồng, trên tất cả mọi phương diện cuộc sống. Từ chuyện làm ăn, sinh hoạt đến mọi việc thuộc về quan, hôn, tang, tế... nhất nhất người di dân phải nương tựa vào cộng đồng và như vậy là phải nhờ cậy đến bang trưởng. Triều Nguyễn ý thức được điều đó nên đã rất chú ý trong việc nắm giữ các bang trưởng. Trong nhiều chỉ dụ của triều đình xử lý các vụ việc của người Hoa, trách nhiệm của vị bang trưởng luôn được đặt ra với các mức khen thưởng và trừng phạt cụ thể.

Triều Nguyễn đạt được lợi ích gì trong chế độ hàng bang và điều lệ bang trưởng? Có thể là những lợi ích sau:

- Có được một cơ chế và tổ chức để tiếp cận và quản lý người Thanh nhập cư ngay từ đầu, khi họ đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam, cả về nhân thân, hành vi xã hội và hoạt động kinh tế...

- Có được một cơ chế và tổ chức làm phương tiện khá hiệu quả cho việc thu thuế cũng như từng bước khai thác các tiềm năng kinh tế trong các cộng đồng người Hoa là các bang.

- Tạo ra được một ranh giới khá rạch ròi trong vấn đề hộ tịch, giữa người Thanh và người Minh Hương, giữa tổ chức bang và tổ chức Minh Hương xã. Từ đó có thể tạo ra được một lực hút để người Minh Hương nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng các cư dân bản địa.

Những lợi ích trên đi kèm với những điều hại lâu dài: Một là, sự tự quản trong các bang có thể dẫn đến nguy cơ âm thầm tự trị hay đòi hỏi tự trị, nhất là khi các thế lực của các bang trưởng ngày càng lớn và vị trí kinh tế của người Hoa cao hơn. Hai là, với tổ chức bang, người Thanh mới, cũ sẽ hoàn toàn tách biệt với xã hội bản địa vì về nguyên tắc theo các lệ định của triều Nguyễn thì người Thanh trong các bang mãi mãi chỉ là dân kiều ngụ, nhưng con cháu của họ thì ngược lại, ngay từ khi sinh ra đã là người Minh Hương. Điều này tất yếu sẽ nảy sinh sự phản kháng về văn hóa trong những người được gọi là người Thanh, là lực đẩy để dần dần các bang sẽ trở thành những cộng đồng biệt lập và khép kín.

Tổ chức bang của người Hoa ở Việt Nam thời triều Nguyễn có cùng chức năng với thể chế Kapitan cina ở các đảo quốc Đông Nam Á. Người đứng đầu thể chế Kapitan cina cũng làm nhiệm vụ thu thuế, quản lý nhân thân các thành viên, hòa giải những bất đồng nội bộ... Nhưng các Kapitan cina không có chức năng bảo lãnh nhập cư cho di dân như thể chế bang của triều Nguyễn. Ngược lại tổ chức bang của triều Nguyễn không dấn sâu vào đời sống chính trị của xã hội bản địa hay biến tướng trở thành những hội kín hoặc các băng đảng giang hồ, xã hội đen như các Kapitan khi chính quyền thực dân Anh hay Hà Lan không sử dụng thể chế này nữa.

Đến thời Pháp thuộc, thi hành chính sách chia để trị và phục hồi chế độ kiều dân đối với người Hoa, chính quyền thực dân đưa tổ chức bang thành một tổ chức chính trị xã hội, có quyền lực rộng rãi, tự trị trên nhiều phương diện và đặc biệt là các bang và bang trưởng có mối liên hệ sâu sắc với chính quyền Quốc dân Đảng ở Trung Quốc. Các bang và bang trưởng chỉ có thể chính thức hoạt động khi có sự công nhận của chính quyền Tưởng Giới Thạch qua đại diện là tòa đại sứ Trung Hoa ở Sài Gòn.

Thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, tổ chức bang có lúc không được công nhận chính thức nhưng thiết chế này vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều hình thức, vẫn tiếp tục chi phối mọi mặt đời sống cộng đồng người Hoa.

Tổ chức bang người Hoa có liên quan đến các thiết chế có tên gọi Minh Hương, Thanh Hà vốn gắn liền với lịch sử di cư và hội nhập của người Hoa vào Việt Nam thời chính quyền Đàng Trong.

Đầu tiên ở Thuận Hóa và một số vùng khác của Đàng Trong, người Hoa ngụ cư ở các điểm có tên là Đại Minh Khách Phố    . Tên gọi này chắc chắn xuất hiện và chỉ tồn tại trong khoảng thời gian trước năm 1645, khi nhà Minh còn vững vàng ở Trung Hoa. Những thương khách Trung Hoa sang Đàng Trong trong thời kỳ này đã ngụ cư trong những Đại Minh Khách Phố đó (5). Đại Minh Khách Phố ở Thuận Hóa có lẽ được thành lập sớm nhất và cũng sầm uất nhất. Không có tư liệu nào ghi chép về niên đại thành lập Đại Minh Khách Phố ở Thuận Hóa. Trần Kinh Hòa căn cứ vào một lá đơn gửi cấp trên của Hương bộ địa phương (trong đó kể rằng sau khi Thượng vương dời phủ về Kim Long đã cho phép tiên hiền trong vùng kiến thiết một khu phố chợ đầu tiên) mà suy luận rằng có lẽ Đại Minh Khách Phố Thuận Hóa thành hình từ năm 1636, vài năm sau khi chúa Thượng dời phủ đến Kim Long. Người Hoa chắc chắn đã đến sinh sống làm ăn ở đó từ trước rất lâu mới tích lũy đủ khả năng tài chính để đến năm này xin phép xây cất phố chợ. Như vậy, các Đại Minh Khách Phố là tên gọi các điểm tập trung cư trú của người Hoa ở Đàng Trong trong khoảng thời gian trước năm 1645. Lúc này hoàn toàn chưa hề xuất hiện hai tên gọi Minh Hương và Thanh Hà(6).

Từ sau năm 1645, khi Mãn Thanh cơ bản thiết lập sự cai trị ở Trung Hoa, những người Hoa ở các Đại Minh Khách Phố đón nhận thêm những đồng bào của mình là nạn dân đến Đàng Trong để tỵ nạn Mãn Thanh. Những người Hoa mới đến đã cùng các đồng bào đến trước của họ đặt ra tên gọi mới của cộng đồng. Tên Minh Hương xuất hiện dần dần thay thế cho từ Đại Minh Khách Phố.

Đầu tiên, Minh Hương 明香 có nghĩa là “những người gìn giữ hương hỏa nhà Minh” và đúng như Gustave Hue ghi trong Dictionnaire Annamite - Chinois - Francais, Minh Hương có nghĩa là những người trung thành với triều Minh chạy trốn sang Việt Nam tránh sự chiếm đóng của nhà Thanh.

Với nội dung ý nghĩa đầu tiên này, từ Minh Hương thường được dùng như tên gọi của một cộng đồng, một đơn vị hành chính, thường đi kèm với từ xã (đơn vị hành chánh cùng cấp cơ sở nhưng khác về đặc điểm với thôn, phường, phố). Minh Hương xã là đơn vị hành chánh cấp xã, chỉ cộng đồng của những di dân Trung Hoa trung thành với nhà Minh ở Đàng Trong. Nội dung ý nghĩa này có những đặc điểm sau đây:

 - Phản ánh lập trường chính trị ủng hộ nhà Minh, phản kháng Mãn Thanh trong tư tưởng của cư dân người Hoa trong cộng đồng (7). Đặc điểm này rất phù hợp với thành phần chính trị, xã hội của dòng người Hoa di cư vào Đàng Trong, những năm sau năm 1645. Trong họ, nổi lên là những người có tư tưởng chống lại Mãn Thanh, nhất là sau khi triều đình Mãn Thanh cùng với việc thi hành nhiều chính sách cai trị độc đoán, hà khắc còn ra lệnh “chỉ phát nghiêm chỉ”, bắt người Hán phải cạo đầu, bím tóc, ăn mặc theo phong tục Mãn Thanh. Nhiều người Hoa coi lệnh bím tóc là xúc phạm văn hóa, đồng thời bất mãn với chế độ cai trị của Mãn Thanh đã rời bỏ đất nước ra đi, tìm đất sống ở các nơi khác, trong đó có Đàng Trong. Tiêu biểu cho các nạn dân di cư này là trường hợp của Trịnh Hội (ông nội của Trịnh Hoài Đức) và Mạc Cửu. Ngoài ra, còn phải kể đến sự có mặt của những người Hoa thuộc thành phần “phản Thanh phục Minh” thuộc lực lượng kháng chiến của Trịnh Thành Công. Do Mãn Thanh cấm dân duyên hải ra biển nhằm cô lập và cấm vận quân kháng chiến Đài Loan nên Trịnh Thành Công phải đưa các thương thuyền đến nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Đàng Trong để tìm mua lương thực, khí tài. Một số người Hoa trong họ đã ở lại Đàng Trong. Sau này, khi phong trào kháng chiến Đài Loan tan vỡ, các di thần nhà Minh đã kéo nhau ra đi, đến Đàng Trong định cư lâu dài. Tiêu biểu là đoàn người 3.000 binh lính với trên 50 chiến thuyền của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch.

- Tên gọi Minh Hương với ý nghĩa đầu tiên như trên chỉ có thể hình thành và xuất hiện trong khoảng thời gian từ sau 1645 đến 1683. Trong thời gian này, các trung thần nhà Minh hoặc lập tổ chức kháng chiến, hoặc bỏ nước ra đi, nhưng trong lòng vẫn hy vọng ngày nào đó khôi phục lại Minh triều. Từ sau năm 1683, khi lực lượng kháng chiến ở Đài Loan của Trịnh Thành Công đầu hàng Mãn Thanh, mọi hy vọng phục Minh hoàn toàn tắt ngấm, không còn lý do để xuất hiện tên gọi Minh Hương theo nội dung ý nghĩa như trên nữa.

- Minh Hương xã ở Hội An là Minh Hương xã đầu tiên của Đàng Trong. Cheng Ching Ho (Trần Kinh Hòa) đã khảo sát nhiều tư liệu, đưa ra nhiều luận cứ để đi đến kết luận: Minh Hương xã Hội An, đơn vị hành chính đầu tiên mang tên này ở Đàng Trong có niên đại thành lập chính thức khoảng giữa năm 1645 đến 1653, có thể là mấy năm sau 1645. Kết luận này có thể chấp nhận được.

- Người Hoa ở Minh Hương xã Hội An, Thuận Hóa theo chân người Việt vào làm ăn ở Sài Gòn đã đón tiếp đám quân binh của Trần Thượng Xuyên đến Đàng Trong. Họ đã họp lại, xây dựng phố, chợ, đền, chùa... và thành lập một cộng đồng mới, tự lấy tên là Minh Hương theo tên cũ ở Hội An, Thuận Hóa. Kịp đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất Giản Phố, phân chia làng, xã, thôn, xóm, Minh Hương xã ở Sài Gòn thuộc Phiên trấn đã được chính quyền Đàng Trong chính thức công nhận (8). Điều tương tự đã diễn ra ở Hà Tiên. Mãi đến thời Gia Long, trong danh mục các đơn vị hành chính ở Hà Tiên vẫn còn tên những làng xã như Minh Hương xã, Minh Hương thôn, Minh Bột Đại Phố, Minh Bột Tân Phố, Minh Bột Kỳ Thọ Phố, Minh Bột Thổ Khâu Điếm, Minh Bột Lư Khê Sở.

Những người Hoa mới đến từ sau năm 1685, khi chính quyền Mãn Thanh ban hành “Triển Hải Lệnh”, cho phép dân chúng tự do giao thông hải ngoại, đã họp thành các khu phố chợ sầm uất ở Thuận Hóa, Hội An, Trấn Biên được chính quyền hợp thức bằng tên Thanh Hà  . Tên gọi này thường đi kèm với từ Phố . Thanh Hà Phố là phố của người nước Thanh. Nội dung ý nghĩa này có sự phân biệt rõ giữa những người Hoa mới đến từ thời Mãn Thanh với những người Hoa đến từ các giai đoạn trước, đã định cư yên ổn làm ăn trong các cộng đồng làng xã tên Minh Hương. Trong tên gọi Thanh Hà không còn bao hàm nội dung chính trị “phản Thanh”. Mức độ tự ý thức dân tộc được thể hiện khá rõ bằng sự tự khẳng định là người dân đến từ nước Trung Hoa Mãn Thanh nhưng cấp độ tự hào của ý thức dân tộc giữa “Thanh” trong Thanh Hà với “Đại Minh” trong Đại Minh Khách Phố trước đây có khoảng cách khá rõ.

Đến thời điểm này tên gọi Minh Hương lại có nghĩa phái sinh mới. Minh Hương là những thế hệ người lai (“métis”, từ dùng của Nguyễn Thiện Lâu trong La Formation et L‘Evolution du Village de MinhHuong) giữa Hoa và Việt, thường là cha Hoa mẹ Việt. Từ Minh Hương lúc này vừa chỉ đơn vị hành chính (Minh Hương xã), vừa được dùng như tên gọi một nhóm người của xã hội: người Minh Hương (phân biệt với người Khách, người nước Thanh, người Cao Miên, người Chà Và, người Tây Dương...). Nội dung ý nghĩa này được dùng khá phổ biến. Triều Nguyễn sau này đã sử dụng nó để thiết lâp các nguyên tắc về nhập cư và quốc tịch cho người Hoa và gốc Hoa.

Đến thời Nguyễn, dưới triều Gia Long, triều đình chính thức đổi tên tất cả những Đại Minh Khách Phố, Thanh Hà Phố, là cộng đồng của những người Hoa đã đến định cư từ trước thành Minh Hương xã để phân biệt với các bang người Thanh mới đến định cư. Kể từ đó, ở Việt Nam, liên quan đến cộng đồng người Hoa và gốc Hoa, chỉ có hai tên gọi hợp thức là các bang (gắn với tên địa phương và phương ngữ) và Minh Hương xã.

 Năm 1827, từ Minh Hương có thêm nghĩa biến đổi. Để giữ gìn quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh, tháng 7 năm này, triều đình có chỉ dụ thay chữ Hương  (bộ hương) nghĩa “hương hỏa” bằng chữ Hương  (bộ ấp), nghĩa “quê hương, làng xóm”. Minh Hương xã 明鄉 mới có nghĩa là “làng của những người Hoa đến Việt Nam từ thời Minh” (tương ứng với từ Thanh Hà phố theo nghĩa “phố của những người Hoa đến Việt Nam từ thời nhà Thanh”) chứ không còn là Minh Hương xã    trước đây theo nghĩa là “làng của những người gìn giữ hương hỏa nhà Minh”, tức là những người trung thành với triều Minh. Tất cả những văn bản hành chính của triều Nguyễn đều viết từ Minh Hương theo nghĩa này.

Như vậy là đến thời Nguyễn, từ Minh Hương được hiểu theo hai ý nghĩa:

Thứ nhất, là nghĩa chỉ về người Minh Hương như đã nói ở trên và sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu ở phần sau.

Thứ hai, là Minh Hương xã, một đơn vị hành chánh cơ sở với nội hàm ý nghĩa là đơn vị hành chính chỉ bao gồm những người Hoa cũ, đã đến định cư từ rất lâu, cùng với những con cháu của họ là những thế hệ lai. Những người Hoa mới di cư tới không được ghi vào sổ bộ Minh Hương mà chi ghi ở sổ bộ hàng bang.

Không chỉ dừng lại ở đó, đã có thêm một nghĩa thứ ba. Tư liệu sau đây có liên quan đến nghĩa thứ ba đó:

“Năm Thiệu Trị thứ 2 (1841), vua chuẩn y lời bàn: phàm các địa phương có người Thanh mới đến, phải theo lệ đã định, phải ghi vào sổ bang, chịu nộp thuế lệ; người bang ấy sinh ra con cháu, đều không được gọt tóc để đuôi sam, hễ tuổi đến 18, bang trưởng ấy phải báo quan, cho theo sổ Minh Hương, theo lệ Minh Hương mà nộp thuế không được theo ông cha ghi vào sổ người Thanh, trừ tỉnh nào nguyên có bang người Thanh, lại có dân xã Minh Hương, thời con cháu người bang ấy, tức do xã Minh Hương ghi vào sổ; còn tỉnh nào chỉ có bang người Thanh mà không có xã Minh Hương, thời con cháu người bang ấy tạm thời ghi tiếp, hiện được 5 người trở lên, tức thì cho lập riêng làm xã Minh Hương; nếu chỉ có 1, 2 người chưa đủ 5 người, chưa nên lập riêng một xã, cho gồm cả vào sau sổ bang, sẽ ghi làm mấy tên xã Minh Hương, đợi góp đủ số 5 người, tức thì dựng riêng làm xã Minh Hương...” (9).

Theo tư liệu này thì số thành viên của một Minh Hương xã ít nhất là 5 người, nếu chưa đủ được 5 người thì chưa lập. Lẽ nào một xã theo nghĩa là một đơn vị hành chính cơ sở lại có thể được thành lập chỉ với số dân đinh ít nhất là 5 người? Ở đây bộc lộ nghĩa thứ ba của từ Minh Hương gắn với chữ xã theo nghĩa là một tổ chức xã hội có ít nhất là 5 người Minh Hương chứ không phải là một đơn vị hành chánh. Nghĩa thứ ba này giải đáp câu hỏi vì sao theo các sử liệu thì thời Nguyễn, địa phương nào cũng có người Minh Hương nhưng đại đa số các địa phương lại không hề có đơn vị hành chánh nào tên là Minh Hương, trường hợp tỉnh Gia Định và Vĩnh Long là những điển hình. Để thành lập một tổ chức Minh Hương xã mới phải có tối thiểu 5 người, nhưng đó phải là 5 người Minh Hương, tức là những người lai, gốc Hoa nhưng sinh đẻ tại Việt Nam. Tất cả những Minh Hương xã mới này đều theo nghĩa thứ ba nêu trên: một tổ chức xã hội có tính cộng đồng. Tổ chức Minh Hương xã theo nghĩa này không có địa bàn hành chính, không có chức năng quản lý hành chính nhưng có quyền xác nhận nhân thân, hộ tịch và giúp chính quyền, trực tiếp thu thuế người Minh Hương.

 Minh Hương xã của Việt Nam là một thể chế đặc biệt, cả về tên gọi và định chế, cả về lịch sử hình thành và phát triển. Hình mẫu của nó không tìm thấy trong lịch sử cộng đồng người Hoa ở các nước Đông Nam Á.

Tổ chức Minh Hương xã ở Việt Nam tồn tại suốt thời triều Nguyễn, nó gắn liền với thế hệ những người Minh Hương mà nhiều người trong đó đã trở thành những nhân vật lịch sử có bề dày võ công và văn trị và tên tuổi sáng chói, luôn gắn bó với đất nước và con người Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân không công nhận chính thức thiết chế này. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, Minh Hương xã chỉ còn là một khái niệm lịch sử.

Tổ chức bang và Minh Hương đã tồn tại với các định chế như trên trong suốt thời triều Nguyễn cai trị đất nước. Nó đã góp phần thúc đẩy người Hoa hòa nhập vào xã hội Việt Nam, hạn chế được phần nào tính chất biệt lập và khép kín của các cộng đồng người Hoa hải ngoại vốn rất phổ biến ở các nước khác.

 H.N.Đ

Ghi chú:

(1)Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam Thực Lục, Tổ Phiên dịch Sử học, NXB.Sử học Hà Nội. Tập 2, trang 111;

(2)Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam Thực Lục, Tổ Phiên dịch Sử học, NXB.Sử học Hà Nội. Tập 4, trang 97;

(3) Cheng Chinh Ho (1960), “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, VNKC tập san, số 1, Sài Gòn. Trang 6-40.

(4) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam Thực Lục, Tổ Phiên dịch Sử học, NXB.Sử học Hà Nội. Tập 24, trang 358.

(5) Giai đoạn từ cuối thế kỷ XVI đến trước năm 1645 có hai sự kiện quan trọng liên quan đến sự di cư của người Hoa vào Đàng Trong: năm 1567 Minh Mục Tông xuống lệnh cho phép thường dân được xuất dương buôn bán sau gần 200 năm duy trì lệnh "Hải cấm"; sự kiện thứ hai là năm 1600, Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Quảng, bắt đầu thực hiện ý đồ ly khai cát cứ, ông quan tâm phát triển ngoại thương để thỏa mãn các nhu cầu của Đàng Trong; (6) Cũng có thể khẳng định như vậy đối với Đàng Ngoài. Do những điều kiện nhất định, họ Trịnh đã thực hiện chính sách đối với người Hoa có phần cứng rắn hơn các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Về cơ bản, Đàng Ngoài áp dụng toàn bộ nội dung chính sách của triều Lê trước đây đối với người Hoa: chỉ định cư trú bắt buộc ở một số nơi quy định, cưỡng bức đồng hóa, cấm đoán đi lại, ra vào kinh thành, hạn chế nhập cảnh... Do vậy, người Hoa ở Đàng Ngoài trong giai đoạn này đã không thể hình thành được những cộng đồng có kết cấu ổn định và bền vững với địa vị kinh tế khá quan trọng như những Đại MInh Khách Phố ở Đàng Trong;  (7) Đặc điểm này càng khẳng định tên gọi Minh Hương chỉ xuất hiện ở Đàng Trong. Các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài do địa giới lãnh thổ giáp liền với Trung Quốc, lại ý thức rõ về sức mạnh quân sự của quân đội Mãn Thanh nên trong quan hệ ngoại giao với Mãn Thanh, không bao giờ dung túng, bao che cho những xu hướng chính trị bài Mãn. Đàng Trong do những đặc điểm riêng của mình, không có quan hệ ngoại giao với Mãn Thanh nên không quan tâm đến đặc điểm này trong các nhóm cộng đồng người Hoa đang cư ngụ trên vùng lãnh thổ.

(8) Điều này đã được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí. Nhưng cần chú ý là trong danh mục những thôn xã của Trấn Biên và Phiên Trấn trong sách Gia Định Thành Thông Chí không hề có tên Minh Hương và Thanh Hà. Sách Gia Định Thành Thông Chí được Trịnh Hoài Đức soạn xong vào cuối đời Gia Long. Khi Minh Mạng lên ngôi có chiếu cầu thư tịch cũ (1820) thì ông đem hiến ngay sách. Như vậy Gia Định Chí chỉ ghi lại tên các làng xã thời cuối Gia Long. Có lẽ lúc này không còn hai tên Thanh Hà và Minh Hương như là hai đơn vị hành chính ở Trấn Biên và Phiên Trấn.

(9) Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Le, NXB Thuận Hóa, Huế. Tập 4, trang 311.

TÀI LIÊU THAM KHẢO

1. Cheng Chinh Ho (1960), “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, VNKC tập san, số 1, Sài Gòn. Trang 6-40.

2. Nguyễn Thiện Lâu, La Formation et L’Evolution du village de Minh Huong ( Faifo), BAVH. 4. 1941.

3. Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Le, NXB Thuận Hóa, Huế.

4. Trần Kinh Hòa, Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên, Đại học số 3, Sài Gòn 1961.

5. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, Trung tâm KHXH và NV quốc gia, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998.

6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam Thực Lục, Tổ Phiên dịch Sử học, NXB.Sử học Hà Nội.

LỘC NINH - BÙ ĐỐP

TS. HUỲNH NGỌC ĐÁNG

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét